JOHN BROWNE GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH BP TỪ ĐỈNH CAO RƠI XUỐNG BÙN ĐEN Posts by : STEVE THAI

   Thế là ông John Browne, 59 tuổi, Giám đốc điều hành British Petroleum (BP), tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 thế giới của Vương quốc Anh đã không thể "hạ cánh" an toàn để về hưu vào cuối tháng 7 tới như dự định.

   Đầu tháng 5/2007, ông đã tự giác xin từ chức ngay lập tức do vướng vào một vụ scandal cá nhân, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động của BP. Việc từ chức sớm cũng đồng nghĩa với việc ông có thể bị mất trắng khoản tiền khoảng 15.5 triệu bảng Anh (hơn 31 triệu USD) - khoản tiền chia tay khi nghỉ hưu. Ngoài ra, gần như chắc chắn ông John Browne cũng sẽ mất luôn cả chức thành viên Ban giám đốc của Tập đoàn tài chính Goldman Sachs và Tập đoàn công nghệ thông tin Intel.

   Ông John Browne vướng vào scandal dạng gì mà nghiêm trọng đến vậy?

   Xin thưa ngay, khuyết điểm chính của ông là thiếu trung thực trước tòa án và công luận nhằm giấu giếm những chuyện không hay ho thuộc về đời tư. Hãy nghe ông tự tường trình về sự việc này. Mới đây, khi trả lời báo chí về nguyên nhân từ chức của mình, ông John Browne đã biện bạch như sau: "Trong suốt 41 năm làm việc cho BP, tôi luôn tách cuộc sống riêng tư của mình ra khỏi công việc quản lý, điều hành ở BP, tức là không bao giờ lẫn lộn việc công với chuyện riêng tư. Việc tôi có quan hệ đồng tính luyến ái với Jeff Chevalier cũng là chuyện hoàn toàn riêng tư, song kẻ phản bội này đã bán rẻ tôi để lấy tiền khi tiết lộ mọi chi tiết trong quan hệ kéo dài gần 4 năm nay giữa 2 người với 3 tờ báo Daily Mail, Mail on Sunday và Evening Standard. Tôi quyết định từ chức ngay lập tức để tránh những phiền toái, rắc rối ảnh hưởng xấu đến uy tín của BP".

   Theo nhiều nhà phân tích, ông John Browne nói chỉ đúng một phần, trên thực tế, ông đã dùng tiền của BP để "bao" người tình và chỉ đạo một số nhân viên của BP trực tiếp đi làm thủ tục thành lập một công ty riêng cho Jeff Chevalier. Rồi khi công ty này bị phá sản, lại người của BP phải đi giải quyết thủ tục đóng cửa. Đó là chưa kể Jeff Chevalier còn được tiếp cận một số nguồn thông tin được coi là bảo mật của BP. Như vậy ông đã lợi dụng quyền lực của mình để giải quyết việc riêng tư. Đến đây, quan điểm của mọi người về "tỳ vết" của ông John Browne đã có phần khác nhau.

   Những ai thương John Browne thì cho rằng, chẳng qua chỉ vì ông... "dại trai" nên mới đến nông nổi này, thôi thì "có tài thì thường có tật" và dù sao ông vẫn là người tự trọng, có đủ can đảm để từ chức vì lợi ích chung của BP. Còn kẻ ghét ông thì khẳng định, sự việc đã vỡ lở từ tháng 1 năm nay khi Jeff Chevalier, 27 tuổi, quốc tịch Canada, tìm cách tống tiền ông và cung cấp thông tin cho báo chí, song ông John Browne đã tìm mọi cách bưng bít, nhờ tòa án bí mật ra lệnh cấm công bố. Chỉ khi mới đây, tòa dỡ bỏ lệnh cấm thì ông mới... hết cửa. Còn ngoan cố lắm! Đã vậy ông lại còn dối trá khi khai với tòa về hoàn cảnh làm quen với Jeff Chevalier là tình cờ gặp nhau ở Công viên Battersea ở phía Tây Nam (London), song trên thực tế là ông đã "săn" con mồi này trong danh sách "trai gọi" trên mạng. Bản thân ông phải thừa nhận đã nói dối tòa. Vậy thì "một sự bất tín thì vạn sự chẳng tin".

   Ông John Browne sinh ra trong gia đình bố là một sĩ quan quân đội Hoàng gia Anh, còn mẹ là người Hungary gốc Do thái (di tản sang Anh để tránh nạn diệt chủng người Do thái của Phát xít Đức). Ông đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật lý của Trường đại học danh giá Cambridge (Anh) và đã có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Trường đại học Stanford.

   Trong gần 12 năm lãnh đạo BP, ông đã có công rất lớn khi thực hiện nhiều vụ mua bán, sáp nhập lớn. Cụ thể, năm 1998, BP đã sáp nhập với American Oil Company (Amoco) với giá 57 tỷ USD; năm 1999, mua lại Arco (Anh) và năm 2000, thôn tính nốt Burmah Castrol (Anh). Nhờ 3 vụ sáp nhập "động trời" này, mà BP leo lên vị trí là tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau ExxonMobil (Mỹ) và Shell Royal Dutch (Anh - Hà Lan). Trong 12 năm qua, thị giá của BP tăng gấp gần 5 lần lên mức 104.6 tỷ bảng Anh hiện nay. Ông cũng là lãnh đạo rất quan tâm đến bảo vệ môi trường và công bố thương hiệu BP đồng nghĩa với "Không chỉ là dầu khí". Ở đây có sự chơi chữ BP = Beyond Petroleum (nguyên văn tiếng Anh, tạm dịch không chỉ là dầu khí). Công của ông thì còn nhiều, nhưng dường như một khi ông bị "rớt" thì công bị... quên sạch.

   Chủ tịch BP Peter Sutherland tuyên bố: "Ban lãnh đạo BP đã chấp nhận đơn từ chức của ông John Browne với sự tiếc nuối sâu sắc. Thật là đau buồn khi ông John Browne phải ra đi trong bối cảnh rất không hay ho và đáng tiếc như thế này". Các nhà bình luận nhận định: "Đây là một kết cục thê thảm cho một sự nghiệp lẫy lừng". Nói một cách khác, đang ở đỉnh cao vinh quang về mọi mặt (tiền tài, địa vị), bỗng chốc ông John Browne gần như mất hết khi bị rơi xuống bùn đen mà không còn cơ hội cứu vãn.

» Related Articles: