HUGH HEFNER VÀ TẠP CHÍ PLAYBOY Posts by : STEVE THAI

   Năm 1952, một nhân viên 26 tuổi chuyên viết quảng cáo cho tạp chí Esquire nổi giận bỏ việc vì đề nghị tăng thêm 5 USD cho mức lương 60 USD của anh ta bị từ chối. Thế là anh chàng thất nghiệp ấy liều lĩnh làm một tờ tạp chí sau này có lượng phát hành mỗi kỳ đến 7 triệu bản trên toàn thế giới.

   Năm nay, “chàng trai” đó đã 80 tuổi và vẫn còn làm chủ vương quốc riêng đầy những mỹ nhân. Chàng trai đó là: Hugh Hefner và Tạp chí Playboy

   Đem hết đồ đạc cầm thế, Hef (biệt danh từ nhỏ của Hugh Hefner) chỉ gom được 400 USD. Anh huy động được thêm 10,000 USD nữa từ 45 nhà đầu tư, trong đó có 1,000 USD của bà mẹ. Hef kể lại: "Mẹ tôi không tin vào chuyện làm ăn của tôi, một tờ báo dành cho nam giới nhưng bà ấy đặt niềm tin vào con trai mình".

   Thoạt đầu, Hef định đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là "Stag Party" với "stag" vừa có nghĩa là "con nai đực", vừa có nghĩa là "đàn ông chưa vợ". Một hoạ sĩ hí hoạ đã thiết kế cho Hef biểu tượng hình con nai mặc áo vest. Nhưng rồi Hef buộc phải đổi tên khác để tránh tranh chấp thương hiệu với Stag Magazine - một tờ báo chuyên về dã ngoại. Một người bạn đề nghị lấy tên tờ báo là Playboy và Hef sực nhớ ra loài thỏ chính là "playboy" thứ thiệt trong thế giới loài vật. Thế là biểu tượng hình con thỏ ra đời.

   Khi tung ra tờ Playboy, có lẽ điều khôn ngoan nhất Hef từng làm trong đời chính là tái sáng tạo bản thân thành một con người khác - một mẫu người thời thượng của đô thị thích giao du với những người đẹp. Gập lưng trên chiếc bàn nhà bếp, Hef cặm cụi tự mình trình bày, sắp xếp bài vở cho số báo đầu tiên.

   Khai sinh một biểu tượng
   Lúc đó, Hef nghĩ số đầu tiên cũng có thể là số báo cuối cùng. Cho nên, Hef không hề in ngày phát hành trên bìa số đầu tiên xuất hiện trên các sạp báo Chicago tháng 12 năm 1953. Bìa tạp chí là bức ảnh ngôi sao điện ảnh Marilyn Monroe được Hef mua lại bản quyền. Ấn bản của số báo này được dân sưu tập mua lại với giá 5,000 USD hiện nay.

   Ngày tờ báo phát hành, Hef ghé từng sạp báo ở Chicago xem tình hình doanh thu. Gần 54,000 tờ đã bán sạch trên khắp nước Mỹ - vượt cả sự mong đợi của Hef. Doanh thu từ số đầu đủ để trang trải các chi phí in ấn và chuẩn bị cho số tiếp theo. Dốc hết lợi nhuận tái đầu tư cho tờ báo, Hef mời gọi tất cả những nhân sự trẻ tuổi tài giỏi về giúp sức trong mọi quy trình từ mỹ thuật, biên tập, quảng cáo và tiếp thị.

   Trong 3 năm đầu tiên, nội dung của tạp chí chủ yếu chỉ là mua quyền tái bản những hình ảnh, bài vở tuyển chọn từ các ấn phẩm khác. Nhưng sau đó chỉ toàn là những nội dung độc quyền. Hef làm việc từ 12-18 giờ mỗi ngày, vắt óc tìm kiếm những ý tưởng mới lạ trong những góc khuất của cuộc đời tung tẩy. Ông tích cực chiêu mộ những nhà nhiếp ảnh hàng đầu nước Mỹ về làm việc và đều đặn tham dự các buổi chụp trong studio để trao đổi ý tưởng với nhà nhiếp ảnh lẫn người mẫu.

   Đối tượng theo dõi của FBI
Các nhà văn lớn như John Updike, Arthur Clarke, Ray Bradbury, Ian Fleming, Vladimir Nabokov... từng đóng góp cho Playboy những truyện ngắn độc đáo. Những nhà báo tên tuổi như Art Buchwald, Jack Kerouac, Alex Haley… dành độc quyền cho Playboy những phóng sự điều tra chấn động, và những bài phỏng vấn nhiều nhân vật nổi tiếng như Fidel Castro, Martin Luther King, Malcolm X, John Lennon…

   Dịch vụ Thư viện quốc gia cho người khiếm thị và khuyết tật (NLS) của Mỹ từ năm 1970 đã xuất bản một ấn bản Playboy bằng chữ Braille bằng nguồn tiền tài trợ từ Quốc hội Mỹ. Ấn bản này bao gồm nội dung tất cả bài viết trong ấn bản bình thường, tất nhiên là không hề có hình ảnh. Mãi đến 1985, khi nguồn tài trợ chấm dứt, việc chuyển nội dung Playboy sang chữ Braille mới kết thúc.

   Chính những bài viết và phỏng vấn đầu tư công phu đã đề cập đến những vấn đề nhạy cảm chính trị thời đó cùng quan điểm cổ cho những xu hướng cấp tiến đương thời như giáo dục giới tính, ngừa thai… trên tờ Playboy đã khiến Hefner trở thành đối tượng theo dõi của FBI. Liên tục từ 1955-1980, FBI đã âm thầm thu thập những báo cáo mật về Hefner. Tổng cộng 210 trang hồ sơ theo dõi ấy sau này mới được công bố khi hết thời hạn bảo mật 25 năm theo luật định của Mỹ.

   Hình thành một vương quốc
   Với tốc độ phát triển cực nhanh, Playboy trở thành một hiện tượng của làng báo thế giới. Đến cuối năm 1959, tạp chí đã có lượng phát hành mỗi tháng 1.2 triệu bản. Để ăn mừng, Hef tổ chức liên hoan âm nhạc Playboy Jazz Festival đầu tiên ở sân vận động Chicago. Sự kiện này trở thành một dấu mốc lịch sử của nhạc jazz thế giới.

   Khi Playboy Enterprise Inc. chính thức bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 1971, tờ tạp chí hàng tháng bán được 3 triệu bản trong nước Mỹ và 4.5 triệu bản trên khắp thế giới. Từ thành công này, ý tưởng của Hef bùng nổ thành nhiều channels khác. Một chương trình truyền hình riêng ra đời với những tiết mục xuất sắc của các nghệ sĩ tên tuổi và những cuộc phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng về đời sống thượng lưu.

   Cũng trong năm này, Hef khai trương câu lạc bộ Playboy Club đầu tiên ở Chicago với những mỹ nữ mặc trang phục như những con thỏ bông phục vụ nước uống cho khách đang thưởng thức những chương trình biểu diễn và phỏng vấn giống như các chương trình truyền hình của Hef. Không đầy 2 năm, số câu lạc bộ này đã tăng lên 12 trên khắp nước Mỹ với 125,000 khách hàng mua thẻ hội viên có thời hạn với giá 25 USD hay mua quyền hội viên trọn đời với giá 50 USD. Thêm 11 câu lạc bộ khác lần lượt xuất hiện ở nước ngoài. Một chiến dịch tiếp thị khôn ngoan đã biến hình tượng những cô thỏ bông trở thành một dấu hiệu của tầng lớp thượng lưu.

   Hef không dừng lại. Playboy Enterprise bành trướng thành một tập đoàn đa truyền thông vừa xuất bản ấn phẩm, vừa sản xuất truyền hình và điện ảnh, và bắt đầu cho nhượng quyền thương hiệu lẫn thử sức cả trong lĩnh vực casino và kinh doanh internet. Hef trở thành ông vua không ngai trong vương quốc riêng của mình, dù đã giao toàn quyền điều hành kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn cho cô con gái Christie của người vợ đầu từ năm 1988.

   Đời luỵ mỹ nhân
   Kết hôn lần đầu năm 1949 rồi ly dị sau 10 năm chung sống, 35 năm gầy dựng tờ Playboy là gần 25 năm Hef sống đời độc thân. Mãi đến 1989, Hef mới lấy vợ lần thứ hai. Bao quanh toàn những người đẹp tuổi 18-28, nhưng Hef không hề có đứa con nào. Đó là cái giới hạn mà Hef tự định cho mình. Một giới hạn phát xuất từ tuổi ấu thơ lớn lên trong một gia đình khắt khe về tôn giáo, hạn chế mọi biểu hiện tình cảm. Mẹ Hef chỉ muốn con trai bà lớn lên trở thành một nhà truyền giáo.

   Chính cái giới hạn ấy đã khiến Hef giương cờ trắng đầu hàng khi những tờ tạp chí ăn theo thành công của Playboy ra đời trong thập niên 1970 tại Mỹ như Penthouse, Hustler… tuyên chiến giành "khán giả" bằng những hình ảnh phụ nữ ngày càng trần trụi thô bạo. Hef không thể và không muốn chiến thắng bằng cách đó. Hành động đầu hàng của Hef đã trở thành chuẩn mực cho các tạp chí dành cho nam giới sau này noi theo nếu muốn trở thành cao cấp.

   Thực tế đã chứng minh Hef đúng. Tờ Penthouse đến năm 2003 phải tuyên bố phá sản và bán lại cho chủ khác và số phát hành đến năm 2005 chỉ còn hơn 300,000 bản mỗi tháng mà không hề có ấn bản quốc tế. Cùng thời điểm đó, tờ Playboy dù đã có sút giảm doanh thu do sự phát triển của internet cũng vẫn giữ mức trên 3 triệu bản mỗi tháng trên toàn cầu.

   Không trở thành nhà truyền giáo như mong muốn của bà mẹ, nhưng Hef lại trở thành giáo chủ theo hướng khác. Khi tái tạo bản thân mình thành một "playboy" sống đời độc thân đa tình, Hef đã không ngờ mình đã quảng bá bản thân thành một hình tượng mơ ước của nhiều nam giới. Khái niệm "sành điệu" ra đời với những cách thưởng thức tinh vi rượu ngon, món ăn lạ, những dàn âm thanh hi-fi, những thiết bị hiện đại, văn chương, một tẩu thuốc, một chiếc áo đẹp, và *** cạnh một bóng hồng. Đàn ông bắt đầu ăn mặc diện hơn và cả một ngành thời trang phục vụ nam giới phát triển mạnh bắt nguồn từ chính bản thân Hef và triết lý gầy dựng tờ tạp chí.

   Cuộc hôn nhân thứ hai cũng đứt đoạn từ 1998, Hef lại trở thành gã độc thân đa tình. Cho đến tuổi 80 hiện nay, ông lúc nào cũng có 4-5 kiều nữ đi cùng. Trong nghĩa trang Memorial Park Cemetery ở Westwood, California, nơi an nghỉ của người đẹp Marilyn Monroe, Hef đã mua miếng đất trống ngay cạnh mộ nàng. Đến chết, Hef cũng không thể xa rời bóng mỹ nhân.

» Related Articles: