GIẢI NHẤT TIỂU THƯƠNG HOA KỲ 2003 Posts by : STEVE THAI

   Chín tuổi cha mất, để  lại một gia đình gồm  vợ và 6 đứa con nho,  chật vật về tiền và vật  lộn với cuộc sống tại  tỉnh Kiên Giang, Nam  Việt Nam. Ông Thanh  đi học nửa ngày và nửa ngày phải đi  bán kem và vé số để kiếm sống. Khi  ông 16 thì Nam Việt Nam sụp đổ và  ông phải sống với Cộng Sản. Năm  1979, ông vượt biển trên một chiếc  thuyền mỏng manh với 186 người  khác để sang trại tỵ nạn bên Mã Lai Á,  trên thuyền không có chỗ ngồi và hầu  như không có gì để ăn.  Lúc mới sang Mỹ vào năm 1979,  với trình độ học vấn chỉ ở lớp 10 và  mấy tháng học tiếng Anh, ông làm đủ  mọi nghề từ rửa xe, bán chợ trời, đến  phụ việc nhà hàng. Khi đọc quảng cáo  thấy tuyển lái xe đưa khách từ San  Jose, California, đến Reno, Nevada, để  đánh bạc, ông liền chộp lấy cơ hội. 

   Chẳng bao lâu ông tự tổ chức tour  riêng của mình. Với giá vé $27 USD,  mỗi khách được đưa đi-về, một đêm  trong khách sạn, một tích kê đánh bài,  và bánh sandwich do ông tự làm.  Kinh doanh phát đạt đến nỗi ông  Thanh không có thời gian tự làm bánh  nữa. Thế là ông mua bánh từ tiệm Ba  Lẹ của một Việt kiều khác có tên là Võ  văn Lẹ. Khi ngành kinh doanh du lịch  đến Reno cạnh tranh quá khốc liệt,  ông Thanh quyết định tìm cơ hội khác  và cũng là lúc được ông Lẹ rủ hùn vốn  mở một tiệm bánh mỳ khác tại  Honolulu, Hawaii. Hai người sang  Hawaii và thỏa thuận miệng với chủ  một tiệm thực phẩm ở khu Trung Hoa,  thuộc thành phố Honolulu, để thuê với  giá 20,000 Mỹ kim. Một tuần sau, hai  người đến ký giấy tờ thì người chủ  tăng giá lên 40,000 Mỹ kim. Ông Lẹ  không bằng lòng điều kiện mới và  muốn mua một tiệm ăn Việt Nam với  giá 35,000 Mỹ Kim ở khu trung tâm  thành phố Honolulu. Ông Thanh hoài  nghi về tiệm ăn và vị trí. Ông nhận  thấy là người Việt Nam khi đi du lịch  Hawaii, thường đến khu Trung Hoa ở  Honolulu. Ông tin rằng, ít ra là lúc  đầu, tốt hơn là nhắm vào thị trường  khách người Mỹ gốc Việt. Mặc dù với  giá tăng vọt, hai người quyết định thuê  tiệm thực phẩm ở khu Trung Hoa. 

   Tiệm bánh mỳ Ba Lẹ đầu tiên ở  Honolulu khai trương vào năm 1984 và  đắt khách đến nỗi các lò bánh địa  phương không kịp đáp ứng nhu cầu  bánh mỳ của tiệm. Ông Thanh lại tìm  một giải pháp rất đơn giản: tự làm lấy.  Năm 1986, ông Thanh mở tiệm  bánh Ba Lẹ thứ hai và mua lại hết  phần vốn của ông Lẹ. Cũng năm đó,  ông nhận thấy cần phải mở rộng quy  mô kinh doanh và mua sắm trang thiết  bị mới và hiện đại hơn, đặc biệt là lò  nướng tự động hiệu Pavailler của Pháp  trị giá $17,000, có công suất gần 500 ổ  bánh mỳ mỗi giờ. Sau khi bị hai ngân  hàng từ chối, ông được Cục Quản Lý  Doanh Nghiệp Nhỏ của Mỹ cho vay  $80,000. Thời hạn của khoản vay là 7  năm, nhưng ông trả dứt nợ chỉ trong  vòng hai năm. Người khác có thể cho  đó là một kỳ tích, nhưng ông cho rằng,  chỉ vì ông “làm việc 7 ngày mỗi tuần  và 18 giờ mỗi ngày”.  Năm 1987, chuyên mục ẫm thực  của tạp chí Honolulu Magazine khen  “Bánh mỳ Pháp ngon nhất là do một  người Việt Nam ở khu Trung Hoa làm  ra”. Ông Thanh cho biết, sau bài báo,  tính đến cuối năm, doanh số của ông  tăng lên 100%. 

   Trong thập niên 1980-  1990, trung bình mỗi năm ông mở  thêm một tiệm mới. Nhiều khách hàng  thường hỏi Ba Lẹ là gì. Thấy khó giải  thích và muốn tạo ra thương hiệu dễ  nhận dạng hơn, ông đổi tên tiệm  thành Ba Lê rồi giải thích với người Mỹ  nó nghĩa là Paris. Tên chính thức của  tập đoàn là Ba Le Inc, còn tên giao  dịch kinh doanh là Ba-Le Sandwiches  & Bakery.  Năm 1996, ông Thanh bắt đầu nhảy  vào lĩnh vực cung cấp thực phẩm cho  các khách sạn, nhà hàng, siêu thị và  hãng hàng không. Lúc đó, thị trường  đã có 7-8 đàn anh tên tuổi. Ông  chuyển trụ sở chính và lò nướng về  một địa điểm rộng 15,000 feet vuông  và tập trung nâng cao chất lượng sản  phẩm. Khách hàng của hãng là chuỗi  những khách sạn nổi tiếng như Hilton,  Sheraton, các hãng hàng không như  Continental, Delta, American, United...  Tính trung bình mỗi ngày các hãng  này đặt mua 5,000 bánh croissant và  sandwich. Ba Lê càng phát đạt khi ký  được hợp đồng béo bở cung cấp hàng  tháng 40 tấn bột nhào làm bánh pizza  cho Công ty Papa John's Pizza, cung  cấp bánh mỳ tỏi cho đại gia Pizza  Hut... Chỉ tính riêng từ 1998 đến 2000,  tổng doanh thu của hãng đã tăng từ 2.6  triệu USD lên đến 4.8 triệu USD. Riêng  năm 2001, con số đạt được hơn 5 triệu  USD. Đến nay, Ba Lê đã phát triển  mạng lưới 25 tiệm với hàng trăm nhân  viên và đang dự định mở rộng sang  Nhật Bản, Trung quốc, Hồng Kông,  Singapore và có thể cả Việt Nam.  Bí quyết kinh doanh của ông  Thanh được gói gọn trong một câu:  “Đối xử với khách như gia đình và bạn  bè, sẵn sàng phục vụ 24/24 giờ”. Có  lần một chuyến bay bị hoãn giờ, họ  đặt ông 300 bánh sandwich trong  vòng một giờ và lập tức có ngay. Theo  ông, làm ăn thì ưu tiên phải là tính  trung thực. Ngay từ khi mới ra thị  trường, chưa có tên tuổi nhiều, Ba Lê  đã bảo đảm chất lượng cao, đúng hẹn  giữ chữ tín. Ngoài ra, còn nên tránh  kiểu kinh doanh ăn xổi mà phải tính  chuyện dài lâu.  Một bí quyết khác của ông Thanh  là chăm lo tốt cho nhân viên. Ông coi  nhân viên như người trong nhà. Ông  thường mời họ tới nhà hát karaoke, đi  bơi, đánh bóng chuyền hoặc đi picnic  vào ngày chủ nhật. Ông Thanh cũng  thưởng cho các nhân viên trung thành  bằng cách tạo cơ hội cho họ làm chủ  và quản lý các cơ sở làm ăn của chính  mình mà không bắt họ trả tiền nhượng  quyền khai thác thương hiệu, chỉ yêu  cầu họ mua bánh mỳ từ lò của mình.  Ngoài ra, ông sẵn sàng dạy nghề cho  họ mở tiệm. Hôm lên Washington, D.C., để  nhận giải và vào Nhà Trắng diện kiến  Tổng thống Bush, ông Thanh đã tranh  thủ ghé đến thăm ông Lẹ để cảm ơn.  Ông tâm sự: “Anh Lẹ đã cho tôi chiếc  bè để vượt qua con sông lớn. Giờ đây  tôi giao lại chiếc bè đó cho những ai  muốn vượt sông”. 

 Tháng 12 năm 1999, tờ  Entrepreneur Magazine viết về ông  Lâm Quốc Thanh như sau: “Trong thời  gian này, ông Lâm là một người nổi  tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở  Hawaii vì giúp đỡ người khác. Triết lý  của ông? Ông nói: Đặt gia đình trước  nhất và đối xử với mọi nhân viên như  gia đình mình. Đó là lý do sự thành  công của tôi, có lẽ một nửa do tôi và  một nửa do nhân viên. Không có họ  tôi không thể có ngày hôm nay.....  Thay vì trả lương nhân viên với giá tối  thiểu, ông trả lương bắt đầu là $7.50  một giờ và còn cho nhân viên được  linh động giờ làm việc để họ có thể  đi học Anh văn... Khi bạn làm một  con tính (cứ nghĩ đến 5,000 croissants  bán ra hàng ngày) thì rõ ràng là Lâm  đã tìm ra một công thức cho sự thành  công. Chắc chắn là ông Lâm, người  vừa hãnh diện lãnh giải Ernst& Young  LLP Hawaii Entrepreneur về loại thực  phẩm bán lẻ và thức uống năm 1998,  đã nắm vững được thế nào là dân  chủ. Ông nói: “Dù là khách hàng  nhỏ hay khách hàng lớn, tôi cũng  đối xử như nhau. Tôi kính trọng và  lo chu đáo cho khách...”.    

 Trọng Minh  

» Related Articles: