SCANDAL CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT CHO MARKETING Posts by : STEVE THAI

   Scandal ầm ĩ vốn là thứ mà nhiều người trong cuộc chẳng mấy "ưa thích". Tuy nhiên, scandal lại là thứ khiến người ta nổi tiếng nhanh nhất. Vì thế, không chỉ giới nghệ sĩ, các doanh nhân đôi khi cũng sử dụng phương tiện “tai tiếng” này để rút ngắn con đường đi đến thành công. 

   Lợi dụng scandal để quảng cáo
   Một phụ nữ trung niên người Anh đến tòa án đòi ly hôn với một lý do nghe qua rất “muôn thuở”: “ Năm 20 tuổi tôi lấy anh ta, nhưng sau khi kết hôn được một tuần, anh ta lén lút bỏ rơi tôi đi đến thật khuya mới về. Đến giờ ông ấy đã 50 tuổi, vẫn cứ mê con yêu tinh ấy, chẳng ngó ngàng gì đến vợ con”.

   Quan toà hỏi : “Con yêu tinh ấy là ai?”  Bà ta đáp: “Mọi người đều biết đó là trò chơi bóng đá chết tiệt”. Quan tòa bác bỏ: “Bóng đá không phải là người, không thể thành bị đơn”. Người đàn bà này quyết định kiện… doanh nghiệp sản xuất quả bóng.

   Xưởng sản xuất bóng đá Space -mỗi năm sản xuất 20 vạn quả bóng đã được “chọn” trở thành bị đơn. Tuy nhiên, ông chủ xưởng không hề bực mình hay lo lắng, thậm chí ông còn tỏ ra vui vẻ và tình nguyện sẽ bồi thường cho người phụ nữ đó 10 vạn bảng Anh. Việc kiện tụng lạ kỳ này nhanh chóng được báo chí tuyên truyền rầm rộ và cuối cùng cả nước, thậm chí cả thế giới biết đến tên của xưởng sản xuất này.

  Khi sự việc qua đi, ông chủ xưởng tiết lộ: Đơn kiện của người phụ nữ này là một cơ hội quảng cáo tuyệt vời cho xưởng chúng tôi nên 10 vạn bảng Anh cũng chẳng đáng gì… Biết tận dụng scandal để biến bại thành thắng còn phải kể đến hãng Ilim Pulp Enterprise. Những năm về trước, tên tuổi của hãng chế biến gỗ nổi tiếng của Nga Ilim Pulp Enterprise (IPE) còn rất mờ nhạt. Tập đoàn này chỉ thực sự nổi tiếng từ sau vụ scandal với hãng Bazovyi Element. IPE đã bị Bazovyi Element cáo buộc là “xấu chơi” và bị đe dọa “trừng trị”.

   Thông thường, mỗi khi có scandal, người bị tai tiếng thường ỉm sự việc đi hoặc thương lượng với đối thủ để giảm bớt thiệt hại. Nhưng IPE lại cố gắng công khai hóa mâu thuẫn với đối thủ trên vai trò “nạn nhân của những âm mưu thôn tính” đấu tranh đòi lại sự công bằng và thanh minh cho cả thế giới biết mình làm ăn phát đạt và đường hoàng như thế nào. Sự kiện này được bàn tán xôn xao trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả ở hạ nghị viện, các cuộc hội thảo chuyên ngành.

   Để tăng thêm hiệu quả, IPE còn cố gắng tiếp cận với giới báo chí, mời họ tới thăm nhà máy và chứng kiến những gì xảy ra: người của đối thủ Bazovyi Element đang bao vây nhà máy. Và thế là sau đó, tờ New York Time đăng tải một loạt những bài viết xung quanh sự kiện này với ý đồ bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư Nga. Thế là, dù mâu thuẫn với Bazovyi Element chưa được dẹp bỏ nhưng IPE đã giữ được những nhà máy của mình,gây dựng tên tuổi trong giới kinh doanh, lật ngược lại tình thế một cách đáng tự hào nhất. 

   Tạo scandal để quảng cáo
   Độc giả thường hứng thú với những tin giật gân, những scandal tai tiếng hơn là những tin tức nghiêm túc mang tính tích cực. Do đó, nhiều vụ scandal tạo điều kiện cho hãng nâng cao danh tiếng, đôi khi giải quyết được cả những vấn đề phức tạp chẳng hạn như loại bỏ được đối thủ cạnh tranh. Vì thế, nhiều khi, việc tạo scandal, thúc đẩy các mâu thuẫn theo đúng ý đồ của mình là cả một nghệ thuật công phu và tốn kém nhưng cực kỳ hiệu quả. Lấy ví dụ như một ngân hàng địa phương lớn đang có mâu thuẫn vơi một đối thủ cạnh tranh nhỏ X, mượn báo chí để loại bỏ đổi thủ.

   Ban đầu ban quản trị ngân hàng đưa lên báo chí một số thông tin liên quan đến một kiểu làm ăn thiếu minh bạch của hãng X. Sau đó, từ sự việc “cỏn con” này, họ đẩy lên thành một cuộc thăm dò dư luận với đủ các câu hỏi dành cho cư dân địa phương dạng như “Bạn có ủng hộ ngân hàng X nữa không sau những gì báo chí đã phanh phui?”. Việc thăm dò được công bố rầm rộ trên báo chí. Kết quả là, hãng X lao đao thậm chí có thể phá sản bởi nhiều người đến rút tiền.

   Một ví dụ cụ thể, “người thật việc thật” khác xảy ra cách đây hơn 2 năm. Hãng Podmoskovie có doanh số bán hàng khoảng 5 triệu đôla một năm, kiện chi nhánh Coca Cola ở Nga vì sử dụng nhãn hiệu “Znai Nashix” của Podmoskovie làm slogan quảng cáo (Znai Nashix trong tiếng Nga nghĩa là “Nhận biết người mình”). Podmoskovie tổ chức ngay một buổi họp báo với đề tài “5 triệu đôla tổn thất cho công ty Nga bởi đợt quảng cáo của Coca Cola”. Podmoskovie kiện cả lên tòa án nhưng bị từ chối thụ lý vụ án. Các chuyên gia marketing cho rằng Podmoskovie dám đương đầu với những mâu thuẫn do chính mình tạo nên để gây dựng danh tiếng. 

   Scandal rõ ràng có hiệu quả to lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng cũng giống như dùng con dao hai lưỡi. Bởi nếu chỉ lo “đổ dầu vào lửa”, chắc chắn người ta sẽ tự thiêu cháy chính mình. 

» Related Articles: