DỰ BÁO KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2005 Posts by : STEVE THAI

     Trái với những dự báo đưa ra hồi cuối năm 2003 về sự phục hồi mong manh, nền kinh tế thế giới năm 2004 lại phục hồi phát triển mạnh mẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5%, mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua.

     Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, mặc dù giá dầu tăng tới mức kỷ lục nhưng kinh tế thế giới vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Thuỵ Điển (NIER) đánh giá, sự phục hồi phát triển kinh tế diễn ra ở hầu khắp các quốc gia, khu vực trên thế giới.

     Bức tranh đã sáng màu bất chấp nhiều khó khăn
Sau suy giảm mạnh năm 2001, kinh tế các nước công nghiệp phát triển đã lấy lại đà tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,6%. Kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 4,3%, cao hơn 1,3% so với mức tăng trưởng 3% năm 2003. Chủ trương cắt giảm thuế của Tổng thống G.W. Bush đã giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ sau đợt suy thoái năm 2001. 

    Kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng 4,4% và bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, sau một thập kỷ trì trệ. Ngày càng có sự nhất trí rằng, sự phục hồi tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Nhật Bản khác hẳn về mặt định tính so với hai lần phục hồi "bong bóng" trước đây.

    Theo đánh giá của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất nhập c?ng của Nhật Bản đã đạt các mức cao kỷ lục về giá trị, nhờ thương mại với Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở châu Á tăng mạnh, gần như với hai chữ số, mức tiêu dùng cá nhân tăng và lâu lắm rồi không khí trong các công ty cũng như những nơi tiêu thụ hàng hoá mới lại sôi động như trước.

    Bức tranh kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đã sáng sủa hơn năm 2003. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,6%, mức cao nhất kể từ năm 2001, do sức năng động có tính chất lâu dài trong các hoạt động kinh tế nội bộ và trong trao đổi thương mại quốc tế. Trong đó, kinh tế các nước khu vực đồng Euro đạt mức tăng trưởng 2,1%. 

    Kinh tế Pháp và Đức - hai đầu tàu của EU cũng phục hồi với mức tăng GDP lần lượt đạt 2,3% và 2%. Tỷ lệ thất nghiệp trong EU ổn định ở mức khoảng 9% lực lượng lao động.

    Tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển đạt 6,6% - mức tăng cao nhất kể từ năm 1974. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển châu Á tăng trưởng mạnh với tốc độ 6,8%, cao hơn 0,5% so với mức tăng 6,3% năm 2003. Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Các nền kinh tế khu vực Đông Á đạt mức tăng trưởng 7,8% - mức cao nhất kể từ năm 2000. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu Đông Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức độ ảnh hưởng đối với các nền kinh tế khác trong khu vực. 
Các nhà kinh tế thế giới và Liên hợp quốc đánh giá, kinh tế châu Á vẫn phát triển theo mô hình "máy bay phản lực" mà cựu Thủ tướng Singapore - Gô Chốc Tông đưa ra cách đây 2 năm. Trong đó, các nền kinh tế lớn nhất ở Đông Á là thân của máy bay, còn các nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc là hai cánh máy bay. 

    Mô hình này hoàn toàn khác so với mô hình "đàn ngỗng bay" của châu Á hồi thập kỷ 1970 và 1980, trong đó Nhật Bản là con ngỗng đầu đàn. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), 3 nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng là: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh là động lực tiếp sức cho hoạt động thương mại khu vực sôi động; nhu cầu tiêu dùng cao tại nhiều nước và những biến chuyển ở một số nước Nam Á, trong đó có Ấn Độ; kinh tế các khu vực khác trên thế giới đang phục hồi và tăng trưởng sẽ gia tăng nhập cảng hàng hoá từ châu Á.

    Trong hơn 3 năm qua, Nga đã vượt một "chặng đường dài" từ khắc phục khủng hoảng tài chính tiến tới đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Tăng trưởng GDP đạt ở mức cao bình quân khoảng 7%/năm. Riêng năm 2004, theo đánh giá của Chính phủ Nga, tăng trưởng kinh tế Nga đạt 7,5%. Sản lượng công nghiệp tăng mạnh, 7% so với dự báo tăng 6,3% hồi đầu năm. Động lực của nền kinh tế chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng hàng năm 24% của xuất khẩu. 

    Kinh tế Mỹ Latinh sau 3 năm trì trệ đã bắt đầu khởi sắc từ năm 2003 với quá trình phục hồi phát triển kinh tế diễn ra một cách bền vững, lành mạnh. Theo đánh giá của Uỷ ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribê (CEPAL), tăng trưởng GDP của khu vực này đạt 4,5% (con số của WB là 4,7%, của IMF là 4,5%), tăng hơn 3% so với mức tăng 1,3% năm 2003. 

    Trong đó, Vênêzuêla là nước tăng trưởng kinh tế cao nhất, 12%; Urugoay 9,5%; Áchentina 7%, Mêhicô và Braxin 3,9%; Cuba 3%... Động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở khu vực này là các hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh. 

    Mức tăng trưởng kinh tế của châu Phi đã khá hơn nhiều so với năm 2003, nhờ các chính sách tốt hơn, ít xảy ra xung đột trong khu vực, nhờ sự tăng trưởng ngành công nghiệp khai thác dầu và sự phát triển ngành nông nghiệp. Tăng trưởng GDP đạt 4,5% - mức cao nhất trong hai thập kỷ qua. 

    Tuy vậy, châu Phi cần cải tiến môi trường đầu tư, thực hiện tự do hoá thương mại, giải quyết tình trạng đói nghèo ở miền Nam, để thay đổi hoàn toàn hình ảnh châu Phi trên trường quốc tế.

    Những dự báo cho năm 2005
    Mặc dù đã có sự phục hồi phát triển mạnh mẽ trong năm 2004, song theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu kinh tế trên toàn thế giới, năm 2005, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại do những mất cân đối toàn cầu sẽ tạo ra nguy cơ cho nền kinh tế thế giới.

    Thứ nhất là giá dầu. Giá dầu mỏ có thể tăng mạnh nếu tình hình an ninh ở Trung Đông tiếp tục xấu đi. Phụ thuộc vào mức độ và thời gian, sự tăng giá này có thể ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới thông qua ảnh hưởng của nó đối với lòng tin. Giá dầu mỏ tăng dẫn tới các thị trường chứng khoán bị giảm sút khi nỗi ám ảnh về tình trạng lạm phát mới trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư lo ngại. 

    IMF, WB và Ngân hàng PNP-Paribas đều cho rằng, nếu giá dầu mỏ duy trì ở mức 33 USD/thùng, thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ bị giảm 0,5%. Nếu giá dầu cao hơn nữa trong một thời gian dài, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ giảm 1%. Công ty phân tích thị trường Forecast Ltd có trụ sở tại London cho rằng, nếu giá dầu ở mức hơn 50 USD/thùng trong thời gian dài, GDP của thế giới sẽ giảm 1,6%. 

    Công ty xếp hạng suy giảm kinh tế quốc tế Standard & Poors cảnh báo, nếu giá dầu vượt mức 30 USD/thùng trong một thời gian dài, sự phục hồi phát triển của kinh tế châu Á đạt được sau sự suy giảm kinh tế toàn cầu cuối năm 2001 sẽ bị sụp đổ.

    Thứ hai, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ gia tăng. Mặc dù cho đến nay, sự mất giá của đồng đôla Mỹ diễn ra có trật tự, nhưng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ hiện vẫn rất cao, chiếm gần 5% GDP. Theo đánh giá của các nhà kinh tế Mỹ, thâm hụt tài khoản vãng lai hàng năm của Mỹ có thể lên tới 1% GDP và sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2010. 

    Đồng đôla Mỹ tiếp tục mất giá so với đồng Euro và đồng Yên khiến đầu tư vào Mỹ không hấp dẫn. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã tác động tiêu cực đến đồng đôla, đồng thời khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng nếu các Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với Mỹ, đồng đôla có thể trượt dốc một cách thảm bại và điều này có thể tạo ra một cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu.

    Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc "hạ cánh" không an toàn. Quá trình "hạ cánh" an toàn như dự kiến của kinh tế Trung Quốc dường như đang đi đúng hướng. Tuy vậy, tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. 

    Nếu lạm phát tiếp tục tăng lên nhanh chóng, chính quyền sẽ phải tăng lãi suất một cách nhanh hơn, gây ảnh hưởng tới chi cho tiêu dùng, trong khi đầu tư cố định đang chậm lại. Khi đó nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng quá chậm so với mục tiêu của Chính phủ. 

    Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc giảm nhiệt quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Đông Á nói riêng, bởi Trung Quốc - một trong hai đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới.

    Thứ tư là, hiệu quả cải cách kinh tế ở các nền kinh tế không cao. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo, các nền kinh tế OECD phải đối mặt với "những mất cân bằng dai dẳng", sự bất ổn định liên quan đến cái đà mang tính chu kỳ cơ bản của nền kinh tế khu vực OECD, và ở một số nền kinh tế, cải cách cơ cấu kinh tế không có hiệu quả. 

    Đặc biệt, nền tài chính công ở các nước thành viên đã bị suy giảm mạnh, cần có những biện pháp sửa đổi... OECD cảnh báo, chẳng còn mấy khả năng giảm thuế để kích thích hoạt động kinh tế, việc thâm hụt và nợ tăng cao có nguy cơ làm tăng lãi suất dài hạn.

    Theo dự báo của IMF, năm 2005 tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0, 7%, từ mức cao kỷ lục 5% xuống còn 4,3%. Các nền kinh tế công nghiệp phát triển đạt tốc độ tăng 2,9%, giảm 0,7% so với năm 2004. Việc kiểm soát nguy cơ lạm phát tái xuất hiện là thách thức chủ yếu trong ngắn hạn đối với chính sách kinh tế của các nước công nghiệp phát triển. 

    Trong đó, kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu - động cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song tốc độ tăng trưởng giảm 0,8% xuống còn 3,5%. 

    Do phụ thuộc vào nguyên liệu và thị trường nước ngoài: Nhật Bản là nước nghèo về nguyên liệu và năng lượng, là nước nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất thế giới về cả quy mô, cơ cấu và chủng loại, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm 2,1% xuống còn 2,3%. 

    Tăng trưởng kinh tế của EU vẫn chậm chạp, với mức tăng 2,5% so với mức tăng 2,6% năm 2004. Các nền kinh tế đang phát triển đạt tốc độ tăng 5,9%, giảm 0,7% so với năm 2004, do tác động của giá dầu tăng cao và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong khu vực giảm mạnh đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, đặc biệt là hàng điện tử. 

    Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế Đông Á (gồm: các nước ASEAN, Trung Quốc, Đại Hàn, Mông Cổ, Papua New Ghine, quần đảo Solomon và các lãnh thổ Đài Loan và Hồng Kông) năm 2005 sẽ giảm xuống còn 5,9%. Trong đó kinh tế Trung Quốc giảm tốc chỉ còn 7,5% (con số dự báo của Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc là 8,5%). 

    Sự "hạ cánh" của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới công nghiệp hoá (NIE) giảm 0,6%. Một số nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia giảm 0,3%.

    Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng HSBC có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) dự báo các nền kinh tế châu Á đang phát triển chậm lại, nhưng vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2005.

» Related Articles: