BẠCH THỦ THÀNH GIA TRẦN DŨ Posts by : STEVE THAI

       Năm 1941, ở làng Văn Cơ, tỉnh Sóc Trăng (làng Trường Khánh, tỉnh Ba Xuyên ngày nay), Việt Nam, có một cậu bé sanh ra trong một gia đình nghèo khổ, túng cùng đến độ từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến 3 tuổi không có lấy một mảnh vải để che thân.

      Năm 4 tuổi, phải cùng cha mẹ đến nương nhờ nơi gia đình một người bác ở tỉnh lỵ Sóc Trăng, nhưng hố cách biệt giữa hai giai cấp giàu, nghèo đã tạo thành một bầu không khí ngột ngạt, khó thở, khiến gia đình cậu không thể tiếp tục kéo dài cuộc sống nơi đây, chỉ ít ngày sau lại phải dọn qua tá túc nơi nhà người cậu. Không có được một manh quần để bận những ngày lễ tết, giữa lúc mọi người tận hưởng thú vui thì cậu hổ thẹn không dám bước ra khỏi nhà, đứng nép mình nơi kẹt cửa nhìn người khác xúng xính trong những bộ đồ sang trọng mà cảm thấy tủi cho phận mình. Nhưng đâu đã được yên thân, chỉ một thời gian ngắn sau cảnh cũ lại tái diễn, bầu không khí trong nhà còn có phần nặng nề, khó thở hơn trước. Thôi đành giã từ tất cả thân tộc, tự tìm lấy cho mình cuộc sống dù cho có cơ cực bữa đói, bữa no, lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, nhưng tránh được cảnh dằn vặt.

      Năm 6 tuổi, may nhờ có sự giúp đỡ của anh, chị lớn, lần đầu tiên được cắp sách đến trường, học lớp vỡ lòng tại trường Taberd Sóc Trăng.

Nhưng "phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí" chỉ hai năm sau anh chị lớn gặp nạn qua đời, phải xin qua học tại trường công lập.

Gia đình lại lâm vào cảnh túng cùng làm nghẽn lối bước tiến thân của cậu trên con đường học vấn, và đẩy ngược trở lại cuộc tranh sống với đời, hết bán bánh, kẹo, đến xếp báo, bán báo ở vỉa hè phố.

Nhờ bản tính hiền lành, thật thà nên được nhiều người thương tình giúp đỡ bằng cách cho phép ngồi bán ở trước cửa nhà hoặc mua hàng. Công việc tuy lam lũ, vất vả, nhưng đã cho cậu cuộc sống tương đối dễ thở hơn trước, không những thế còn giúp đỡ được phần nào cho gia đình, và học hỏi được nhiều kinh nghiệm trường đời qua các bài báo. Nhờ đó cậu có một cái nhìn sâu rộng hơn. Nhận thấy việc buôn quanh bán quẩn nơi tỉnh lẻ Sóc Trăng khó tạo dựng được sự nghiệp như mong muốn, cậu tìm cách liên lạc với các nhà buôn mua hàng từ Sài Gòn về bán tại địa phương.

Mọi việc đều diễn tiến gần đúng như tất cả những gì cậu tiên liệu, chẳng báo lâu sau đã có được một sản nghiệp tương đối vững vàng, nhưng đó mới chỉ là bề nổi chưa đáng kể. Sản nghiệp vô hình phía sau mới quan trọng, mới thật sự giúp cậu sống đời, và đưa đến thành công, đó là chữ "tín".

Tất cả sự thật quãng đới ấu thơ đầy đau thương của doanh gia Trần Dũ là vậy, nếu là những người khác ở địa vị ông ngày hôm nay, đa số sẽ chối bỏ sự thật, thậm chí còn có những kẻ sẽ thêu dệt cho mình một quá khứ huy hoàng, vàng son, nào đẻ bọc điều, nào là giàu từ trong trứng v.v...nhưng trái lại ông Trần Dũ thường hãnh diện kể lại với bạn bè, và những ai muốn tìm hiểu về ông, kể cả trong cuộc phỏng vấn, thâu hình của đài truyền hình Nhật Bản ngày Thứ Năm 14 tháng 3-1991, để trình chiếu trên toàn quốc Nhật, và trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Hoa Kỳ (VOA), nhân dịp ông được mời vào Toà Bạch Ốc tham dự buổi tiếp tân đặc biệt "Ngày Tỵ Nạn", ngày 30 tháng 10-1990.

        Năm 18 tuổi, rời Sóc Trăng về Sài Gòn với giấc mộng lập nghiệp lớn để mẹ cha và gia đình được nở mặt với đời. Theo ông, đó cũng là một hình thức báo hiếu, ông là người rất trọng chữ hiếu. Sự kiện này đã được thể hiện qua việc ngày 29 tháng 1-1991, ông đã tổ chức thật long trọng lễ thượng thọ của song thân, có hàng trăm quan khách được mời tham dự, sau đó còn nhiều nhân vật trong chính quyền kể cả tiểu bang lẫn liên bang, hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ đã gửi quà tặng, và trách khéo ông đã không báo tin sớm để họ kịp đến chúc thọ hai cụ trong buổi lễ.  

Bước đầu dồn hết tài sản và mượn thêm vốn của bạn bè lập hãng nhập cảng. Nhờ công việc làm ăn tiến triển tốt đẹp như mong muốn, nên chỉ thời gian ngắn sau lập thêm hãng xuất cảng. Uy tín trên thương trường gia tăng, các đại phú thương sẵn sàng hợp tác và tận tình giúp đỡ mỗi khi cần đến ho. Con đường tương lai thật sự rộng mở.

Sự nghiệp phát triển thật mau lẹ, tiếng tăm lừng lẫy. ông Nguyễn Tấn Đời, Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc hệ thống Tín Nghĩa ngân hàng, được phong tặng là vua ngân hàng ở Việt Nam, khi muốn phát triển nghiệp vụ tại vùng Chợ Lớn đã mời ông làm Giám đốc Thương mại. Quả là ông Nguyễn Tấn Đời có cập mắt tinh đời, nhìn người không sai, đặt người rất trúng chỗ, nhờ sự tiếp tay của ông Trần Dũ, ngân hàng Tín Nghĩa đã phát triển cực mạnh tại vùng lãnh địa được coi như bất khả xâm của các Hoa thương.

Tháng 3 năm 1973, vì bất đồng chánh kiến, Nguyễn văn Thiệu đã dùng cường quyền bắt nhốt ông Nguyễn Tấn Đời, đồng thời đóng cửa hệ thống Tín Nghĩa ngân hàng, gây ảnh hưởng thất lợi chung cho toàn thể những người cộng tác với ông Đời, lẽ tất nhiên ông Trần Dũ cũng không ngoại lệ. Là người khôn khéo, biết tuỳ cơ ứng biến, nhận thấy tình trạng nhiên liệu lúc bấy giờ khan hiếm, ông xúc tiến ngay việc thành lập hãng sản xuất xe đạp, là một trong những phương tiện di chuyển không cần đến nhiên liệu. Nhiều công, tư sở và cả cơ quan viện trợ Hoa Kỳ (USAID) đã đặt mua hàng, tổng lượng lên đến trên 10,000 (mười ngàn) chiếc xe, để cung cấp cho nhân viên.

Công việc đang phát triển tốt đẹp thì biến cố 30 tháng 4-1975 xảy đến, ông nghĩ rằng dù cho chế độ nào đi nữa cũng cần đến ngành thương mại, và những nhà buôn không phải là đối tượng để trả thù, do đó ông quyết định ở lại Việt Nam với niềm tin được góp phần vào việc xây dựng lại quê hương sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá. Ông hiến dâng tất cả tài sản cho nhà cầm quyền và được tặng lại chức Giám đốc Công ty Sản xuất xe đạp Chiến Thắng.

     Năm 1979, sau khi gửi được 2 người con 8 và 10 tuổi vượt thoát, ông và gia đình cũng đã vượt biển đến đảo Pulau Bidong. Sau thời gian tạm trú tại trại tỵ nạn, gia đình ông được người em vợ ở Escondido, San Diego, miền cực Nam Cali. bảo trợ đến định cư tại Hoa Kỳ ngày 21 tháng 7-1979.

Thời gian đầu gặp thật nhiều khó khăn, tiền bạc không có, kiến thức hạn hẹp, trình độ học vấn chưa hết bậc tiểu học. Học hết lớp 3, không giải nổi một con toán phân số, Anh văn bập bẹ, học được tại trường nhà thờ. Nhưng nhờ quyết tâm khắc phục mọi trở ngại để tiến tới, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã có đủ khả năng để vào học tại đại học cộng đồng (College).

Sau khi tốt nghiệp bằng Electronic Technician, nhận việc tại một cơ sở sửa chữa TV, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, vì làm ăn thất bại, cơ sở này phải đóng cửa để dọn đi nơi khác, ông lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Hoàn cảnh trên đã cho ông nhận thức, nếu chỉ đi làm để kiếm đồng lương ba cọc, ba đồng, không thể khá giả được, và cuộc sống bấp bênh không bảo đảm, nhất là tình trạng công việc ở xứ Mỹ, và đã nhắc ông nhớ lại lời răn dạy vàng ngọc của tiền nhân "phi thương bất phú." Ông quyết định giã từ cuộc đời làm công để trở lại với thương trường.

Công việc đầu tiên là nhận rau cải từ các nhà buôn sỉ, đem bán lẻ cho các tiệm ăn. Sau một thời gian ngắn cặm cụi làm việc ngày đêm không nghỉ, và được sự trợ lực tận tình của vợ và 6 con, ông đã tái tạo được một số vốn nho nhỏ, vay mượn thêm bạn bè, tiến tới việc thành lập hãng nhập cảng VANCO (sở dĩ ông chọn tên VANCO là để tưởng nhớ về sinh quán và quãng đời ấu thơ đầy đau thương của mình), mua dầu ăn nguyên thùng lớn, đem về chiết ra các chai nhỏ, bán lại cho các cửa tiệm bán lẻ. Trong giai đoạn đầu ông phải thuê kho để chứa hàng, nhưng khi chủ kho có ý định bán kho đã gây khó dễ bằng cách tăng giá thuê quá mức. Để công việc làm ăn không gặp trở ngại, ông quyết định mua kho này.

Cơ may đến với ông, bất ngờ giá nhà đất tăng vọt, gấp 3, 4 lần. Bán lại kho hàng, thế là ông đã kiếm được một số lời khá lớn. Từ đó ông nhận thấy ngành địa ốc cũng là một dịch vụ thương mại tốt, và thích hợp với ông. Không bỏ lỡ cơ hội, ông đã tức thời tiến tới việc khai thác ngành thương mại này. Với sự cố gắng, cộng thêm một vài may mắn khác, một lần nữa ông đạt được thành công vẻ vang.

Sau khi đã tạo dựng được sự nghiệp vững vàng, đời sống gia đình đã ổn định, ông tích cực tham gia các công tác xã hội, tiếp tay các hiệp hội, đoàn thể v.v... phát triển cộng đồng. Ông trở thành người sáng giá, không chỉ trên thương trường mà cả trong chính trường , nhiều cơ quan công quyền, đoàn thể, hiệp hội đã trao tặng ông bằng ban khen, kỷ vật, để ca ngợi những thành công vẻ vang mà ông đã đạt được, tri ân những đóng góp tích cực của ông. Đơn cử, ngày 23 tháng 5-1991, dân biểu Robert K. Dornan đã nhân danh Quốc Hội Hoa Kỳ trao tặng ông huy chương tưởng thưởng Nhân vật Thành công nhất về Tiểu thương (Business Man of the Year Award) năm 1990 tại Hoa Kỳ.

      Ngày 6 tháng 6-1991, sau khi viếng thăm các cơ sở thương mại của ông Trần Dũ, bà March Fong Eu (Secretary of State) đã mời ông tham gia phái đoàn thương mại Hoa Kỳ do bà hướng dẫn viếng thăm 5 quốc gia Á châu vào ngày 6 tháng 8-1991, gồm có: Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Đại Hàn.

Hiện nay ông Trần Dũ là một doanh gia nổi tiếng không chỉ riêng ở Hoa Kỳ mà còn ở một số các quốc gia khác chú trọng về thương mại, người ta xem ông là tấm gương thành công cho những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh bằng số vốn hạn hẹp, hoặc tay trắng. Nếu chúng tôi không lầm thì đây chính là lý do mà đài truyền hình Nhật Bản đã chi ra một phí khoản khá lớn, và tốn rất nhiều công lao cho việc thâu thập tài liệu về ông Trần Dũ để phổ biến với quảng đại quần chúng Nhật. Đó là chưa kể đến một số tờ báo có uy tín ở các địa phương đã viết những bài rất trang trọng, tường thuật thật đầy đủ từng chi tiết về tiểu sử và các hoạt động của ông.

Ngoài việc tham gia, đóng góp vào các công tác xã hội và phát triển cộng đồng, ông Trần Dũ còn kiến tạo một khu thương mại thuần tuý Việt Nam mà tiêu biểu là siêu thị Little Saigon “Supermarket Little Saigon.”

Được hỏi:

- Nếu trong tương lai quê hương Việt Nam tái tạo nền tự do, dân chủ ông có trở về nước không?

- Đó là ước vọng của đời tôi. Ông Trần Dũ cho biết

- Ông có chương trình gì để xây dựng lại quê hương không?  

- Tôi sẽ đem phân nửa gia tài của tôi để xây dựng trường học, bệnh xá, góp phần vào việc đưa văn hoá và y khoa tới tận những thôn xóm hẻo lánh.

Cao đẹp thay cho những con người dám nhìn nhận sự thật đời mình, khi vinh hiển không phủ nhận quãng đời hàn vi, sống trong giàu sang phú quý nơi xứ người vẫn mang nặng tình nghĩa với giống nòi, quê hương nghèo khổ.

Cập nhật:

Giữa năm 2005, ông Trần Dũ đã thành lập DYNAMAX Mortgage, có trụ sở chính là 3 Mason, Irvine, CA. 92618

Trọng Minh. 

» Related Articles: