MERGER (SÁP NHẬP) XU THẾ TẤT YẾU Posts by : STEVE THAI

   Mới chỉ một thời gian  ngắn trước đây, trong con mắt tập đoàn dược phẩm khổng lồ Boots của Anh , đối thủ nặng ký, Alliance UniChem, được xếp vào dạng " kẻ thù không đội trời chung". Vậy mà đầu tháng 10 vừa rồi, người ta lại thấy Boots với phong thái đầy thiện chí ngồi cùng bàn đàm phán với Alliance UniChem để đi đến một thoả thuận cuối cùng : sáp nhập hai tập đoàn với giá 7 tỷ bảng. Nghe có vẻ lạ tai song động thái mới này của Boots lại rất bình thường trong muôn vàn những vụ merger đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên thế giới.

   Merger với đối thủ để cứu mình
   Đây là hình thức khá phổ biến trong thế giới thương mại khi một số công ty thấy cần thiết phải bắt tay sáp nhập với công ty khác cùng lĩnh vực kinh doanh để thoát khỏi khủng hoảng. Thành lập từ năm 1859, hiện nay tập đoàn dược phẩm Boots có 1,400 cửa hàng dược với doanh thu hàng năm 5,7 tỷ bảng và lợi nhuận thu về xấp xỉ nửa tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, gần hai năm qua, các nhà đầu tư của Boost vô cùng lo lắng trước tình hình kinh doanh của hãng này. Những nỗ lực của Boots trong việc cải thiện những phương pháp chăm sóc sức khoẻ mới như chăm sóc răng, phẫu thuật mắt bằng tia lade chỉ đem lại những nỗi thất vọng lớn. Lợi nhuận của hãng năm 2004 giảm 11% và tình hình của năm 2005 cũng không có dấu hiệu khả quan hơn. Trong khi đó hãng lại liên tục phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ những siêu thị bán lẻ của Tesco và Asda.

   Sáp nhập với Alliance UniChem - tập đoàn dược phẩm có những bước tiến vững chắc, Boots hy vọng sẽ cải thiện được tình trạng kinh doanh đang xuống dốc của mình. Sáp nhập sẽ khiến Boots giảm được những chi phí đáng kể, nhất là trong việc thanh giảm nhân sự trong lĩnh vực quản lý và phân phối. Vụ sáp nhập này còn hứa hẹn cho ra đời một tập đoàn kinh doanh dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ lớn nhất châu Âu với những lợi thế cạnh tranh mới.

   Merger với "người khổng lồ" để thành khổng lồ
   Ví dụ điển hình nhất cho hình thức sáp nhập này là sự kiện Lenovo, tập đoàn máy tính lớn nhất Trung Quốc mua lại phần sản xuất máy tính cá nhân của công ty nổi tiếng IBM vào cuối năm 2004. Trước đó, sản phẩm của Lenovo cũng đã chiếm tới 30% thị phần máy tính cá nhân ở Trung Quốc nhưng hầu như vẫn chưa có tên tuổi gì trên thị trường quốc tế. Khoảng cách giữa Lenovo và những người khổng lồ của lĩnh vực thông tin như IBM, Dell, HP...là những con đường xa tít tắp. 

   Bằng việc sáp nhập  toàn bộ lĩnh vực sản xuất máy tính cá nhân của IBM vào công ty mình với giá  1.25 tỷ đôla lớn gấp 3 lần chính tập đoàn mình, Lenovo đương nhiên trở thành một trong những tập đoàn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất máy tính cá nhân với nhiều tiềm năng mới, ngang ngửa với những công ty  mà trước đây Lenovo phải "ngước mắt mà trông".

   Và dĩ nhiên, Lenovo nâng tầm mình bằng bản hợp đồng đắt đỏ không phải chỉ để nhận hư danh. Ông chủ của Lenovo là  Liu Chuanzhi dự kiến sẽ tăng doanh thu thêm 12 tỷ đôla mỗi năm với năng lực sản xuất máy tính tăng lên 4 lần, sản phẩm của Lenovo sẽ chiếm 7% thị phần máy tính cá nhân thế giới.  

   Mua phần sản xuất máy tính cá nhân của IBM là con đường ngắn nhất để Lenovo thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Còn về IBM, việc bán một mảng kinh doanh cũng nằm trong những tính toán chiến lược mới. IBM muốn tập đoàn mình đầu tư có tính tập trung hơn vào những mảng kinh doanh còn lại, trong khi phần kinh doanh máy tính cá nhân đang có những dấu hiệu khủng hoảng.  Và cái giá 1.25 tỷ đôla kèm theo những điều khoản ưu đãi khác cho IBM là một cái giá chẳng rẻ rúng gì. 

   Merger để tiếm ngôi đối thủ
   Bất kỳ một hãng kinh doanh nào cũng đều tự xác định cho mình những đối thủ để gia tăng lợi thế cạnh tranh và để ...thách thức. Ai cũng biết rằng giữa hãng sản xuất đồ thể thao mang quốc tịch Đức lớn thứ hai thế giới là Adidas-Salomon AG và công ty kinh doanh đồ thể thao lớn thứ nhất thế giới Nike Inc có trụ sở ở Mỹ chưa bao giờ tồn tại hai chữ "hoà thuận". Hai hãng này thường xuyên "tổ chức" những cuộc chạy đua quyết liệt chỉ để nhắm đến đích: ai về thứ nhất.

   Đầu tháng 8 năm 2005, Adidas-Salomon AG đã mua công ty cổ phần Reebok International với giá 3.8 tỷ USD để tranh giành thị trường Bắc Mỹ và thách thức "kẻ thù không đội trời chung"- Nike Inc. Vụ sáp nhập này sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2006.

   Với Reedbok, thương vụ merger này đến thật đúng lúc: giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập tập đoàn Paul Fireman đang muốn nghỉ hưu mà chưa có người thay thế và cái giá mà Adidas trả cũng "hợp tình hợp lý". Còn với Adidas, vụ sáp nhập sẽ mang về cho hãng này 28% trong tổng doanh thu hàng năm chừng 11.5 tỷ đôla của Reebok, đủ điều kiện để sẵn sàng phế truất ngôi vị số 1 của "kẻ thù".- Nike.

   Merger - cá lớn nuốt cá bé
   Kiểu sáp nhập này rất phổ biến trong giới thương mại vốn cạnh tranh khốc liệt, kéo theo đó là những vụ kiện tụng đầy tai tiếng.  Sự kiện công ty phần mềm khổng lồ Oracle thắng trong vụ kiện sáp nhập với hãng PeopleSoft là một ví dụ tiêu biểu. 

   Oracle bắt đầu chiến dịch theo đuổi PeopleSoft từ tháng 6/2003. Tháng 2 năm 2004, Bộ Tư pháp ( DoJ) kiện Oracle với lý do vi phạm chống độc quyền. DoJ cho rằng đề nghị thâu tóm PeopleSoft sẽ thủ tiêu một trong 3 đối thủ ít ỏi chuyên cung cấp phần mềm quản lý tài chính và nguồn lực cho các doanh nghiệp lớn.

   Oracle đã nỗ lực hết mình cho vụ kiện và cho mục đích mua lại PeopleSoft bằng tiền mặt của mình. Hãng này thuyết phục các cổ đông của PeopleSoft rằng việc thâu tóm là vì lợi ích của chính họ. Sau đó, chánh án Vaughn Walker tuyên bố Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đã không thể chứng minh rằng việc sáp nhập PeopleSoft của Oracle là phản cạnh tranh. 
Song vẫn còn  cản trở đối với Oracle, đó  là biện pháp chống sáp nhập theo luật mà PeopleSoft được quyền tiến hành, để có thể vận động lôi kéo cổ đông để khiến cho giá mua lại công ty trở nên vô cùng đắt đỏ. Oracle phản đối bằng cách buộc tội PeopleSoft đã không tuân thủ pháp luật khi từ chối đánh giá nghiêm túc đề nghị sáp nhập của họ và cố tình phát động chương trình lôi kéo khách hàng mà có thể khiến cho việc mua lại của Oracle trở nên vô cùng tốn kém.  Cuối cùng, Oracle cũng mua lại toàn bộ tập đoàn PeopleSoft vào tháng 12 năm 2004 với giá 10.3 tỷ USD.

   Ảnh hưởng của Merger
   Sáp nhập là một hình thái phổ biến của kinh tế thế giới. Các thương vụ sáp nhập dù được tiến hành nhằm mục đích gì thì cũng đều tạo ra những ảnh hưởng chung, cả mặt tích cực cũng như tiêu cực.

   Những công ty hợp nhất thường tiết kiệm được nhiều chi phí điều hành,  loại bỏ một số dây chuyền đã trở nên thừa thãi, đầu tư có trọng điểm hơn, khai thác tập trung hơn. Những điều này cũng dẫn tới việc tăng chất lượng phục vụ, giảm giá thành sản phẩm, lợi thế kinh doanh cũng nhờ đó mà tăng lên rõ rệt. Việc sáp nhập cũng khiến các công ty này mở rộng thị trường, tăng doanh thu cũng như lợi nhuận.

   Tuy nhiên, sáp nhập cũng khiến nhiều người chẳng hài lòng chút nào. Đó là lực lượng lao động bị cắt giảm bởi dư thừa khi hợp nhất. Ngoài ra, những đối thủ kinh doanh lâm vào tình trạng lao đao, đặc biệt là những công ty nhỏ không có nhiều điều kiện cạnh tranh như những công ty lớn. Có lẽ, để tồn tại, họ phải làm được điều thần kỳ là "cá bé ăn cá lớn" hoặc lại tiến hành...sáp nhập. 

» Related Articles: