DỰ BÁO KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2006 Posts by : STEVE THAI

   Khép lại một năm bộn bề công việc là một quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi quý giá. Và đó cũng là lúc tâm trí thảnh thơi hơn để có thể nhìn xa hơn, thoáng đạt hơn về phía trước, về một năm 2006 vừa bước sang.

   Triển vọng kinh tế thế giới năm 2006
   Dự báo, kinh tế thế giới trong năm 2006 sẽ tăng trưởng khiêm tốn với tốc độ từ 3-3.5%, chủ yếu do tác động của việc giá dầu vẫn ở mức cao, những biến động trong nền kinh tế Mỹ, giá bất động sản duy trì ở mức cao tại đa số các nước phát triển lớn trong khi tăng trưởng đầu tư ở Trung Quốc sẽ hạ nhiệt.

   Tăng trưởng về việc làm tại nhiều thị trường không mấy khả quan, tỷ lệ thất nghiệp cao là một thách thức trong việc hoạch định chính sách đối với các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Trong khi tỷ lệ lạm phát chung trên toàn thế giới đang tăng cao, chủ yếu do yếu tố giá dầu tăng, lạm phát cơ bản tuy được dự báo sẽ tăng nhẹ nhưng vẫn ổn định trong vòng hai ba năm tới; đa số ngân hàng các nước được dự báo sẽ kiểm soát tốt lạm phát.

   Môi trường kinh tế quốc tế đối với hầu hết các nước đang phát triển dự báo tiếp tục thuận lợi. Tuy nhiên, một số yếu tố quyết định tình hình thuận lợi này có thể sẽ thay đổi, bao gồm sự thay đổi về chính sách ở một số nền kinh tế phát triển chính. Các nền kinh tế này được dự báo có thể sẽ thắt chặt hơn chính sách tài chính và tiền tệ. Một số rủi ro suy thoái chủ yếu của nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ là những mất cân đối toàn cầu, vốn đã rất lớn hiện nay và đang tiếp tục mở rộng, nguồn cung dầu của thế giới bị thu hẹp, giá nhà đất ở một số nước có thể sẽ giảm so với mức giá đang tăng cao hiện nay. 

   Tuy nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô ở hầu hết các nước dự báo vẫn mang tính chất ôn hoà, thay vì thắt chặt để ngăn tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi và những mất cân đối toàn cầu sẽ không tiếp tục mở rộng. Trong khi đó, để giảm thiểu những rủi ro của quá trình tái cân bằng toàn cầu đang diễn ra hết sức lộn xộn và không liên tục, thế giới cần phải có sự phối hợp chính sách quốc tế rộng lớn và tích cực hơn.

   Trong nhiều ngành sản xuất, trung tâm sản xuất đã dần chuyển từ các nước G7 sang các nền kinh tế châu Á, Trung Âu và Mỹ Latinh, những nước có chi phí sản xuất thấp và thị trường tăng trưởng với tốc độ cao. Trong ngành công nghiệp ôtô, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Âu và Brazil sẽ là những trung tâm sản xuất ô tô trong năm 2006 thay cho Canada, Mỹ, khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản. Trung Quốc cũng sẽ vượt qua Nhật Bản về sản lượng xe máy xuất cảng tính đến hết năm 2006 và bỏ xa vào cuối thập kỷ này. Các ngành công nghiệp và dịch vụ khác cũng sẽ dịch chuyển theo hướng này.

   Thương mại thế giới năm 2006
   Thương mại quốc tế trong năm 2006 dự báo sẽ tăng trưởng ở mức trên 7%, cao hơn một chút so với tốc độ năm 2005 (dự kiến đạt 7%). Trong năm 2006, thương mại của các nước đang phát triển sẽ tiếp tục tăng tương đối nhanh hơn so với các nước phát triển. Động lực của tăng trưởng thương mại toàn cầu 2006 vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào phản ứng của thị trường Mỹ, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

   Trong một vài năm tới, đầu tư kinh doanh tại nhiều nước dự báo sẽ phục hồi do lãi suất hiện nay đang ở mức thấp và lợi nhuận của các công ty đạt cao. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu hàng hoá, vốn, từ đó làm tăng xuất cảng của các nước phát triển như Mỹ, Đức. Trong khi đó, tăng trưởng mạnh mẽ của một số nước đang phát triển lớn sẽ duy trì mức trao đổi thương mại quốc tế mạnh về các mặt hàng năng lượng và nguyên liệu thô. Tuy nhiên, xu hướng giảm sút tốc độ nhập cảng gần đây của Trung Quốc cần được nghiên cứu và đánh giá thêm. Điều này có thể tác động tới cầu nhập cảng của các nước đang phát triển trong thời gian tới.

   Mất cân đối thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng hiện nay. Theo đó, Mỹ sẽ vẫn là nước có mức thâm hụt thương mại lớn, được dự báo sẽ thu hẹp không đáng kể vào năm 2006 so với mức dự kiến khoảng 800 tỷ USD năm 2005. Thặng dư thương mại trong năm tới vẫn chủ yếu rơi vào các nước như Nhật Bản, EU, các nước đang phát triển ở Đông Á và các nước xuất cảng dầu.

   Giá cả hàng hoá trên thế giới
   Giá cả các mặt hàng trong năm 2006 được dự báo là ít thay đổi so với năm 2005 (trừ mặt hàng dầu thô). Do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, tiếp tục đạt mức cao nên cầu đối với hầu hết các loại hàng hoá dự báo sẽ tiếp tục duy trì. Giá hàng hoá có thể sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trong thời gian tới do có sự mở rộng công suất và dự trữ hàng hoá tăng.

   Riêng về mặt hàng dầu mỏ, giá dầu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Điều này thể hiện qua dự báo về cung và cầu dầu mỏ trên thế giới. Trong năm 2005, nhu cầu về dầu thế giới đã tăng lên mức 82.8 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1.3 triệu thùng/ngày so với năm 2004. Trong năm 2006, cầu dầu dự báo sẽ tiếp tục tăng, với mức tăng trung bình 1.5-2.1 triệu thùng/ngày.

   Trong khi đó, mức cung dầu hiện đang đứng ở mức 84.1 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1.7 triệu thùng/ngày so với năm 2004. Cũng tại thời điểm này, công suất dư thừa của OPEC hiện giảm xuống còn 2.2 triệu thùng/ngày. Trong năm 2006, mức cung dầu thế giới sẽ khó có thể tăng hơn do các nước xuất khẩu dầu đã hoạt động hết công suất. 

   Chính vì vậy, trong năm 2006, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục duy trì mức giá tương đương các tháng cuối năm 2005. Theo một báo cáo của Goldman Sachs, giá dầu có thể duy trì ở mức 60 USD/thùng trong giai đoạn 2006-2010.

   Triển vọng thị trường tài chính tiền tệ
   Trên thị trường tài chính, trong năm 2006, nguồn vốn tư nhân sẽ tiếp tục tập trung vào các nền kinh tế mới nổi. Theo dự báo của Viện Tài chính quốc tế IIF, trong năm 2006, tổng khối lượng đầu tư tư nhân đổ vào các nền kinh tế đang nổi là hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn tư nhân vào các nền kinh tế thị trường đang nổi dự báo sẽ giảm trong năm 2006, sau khi tăng mạnh vào năm 2005. Điều này là do những điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dòng vốn trong vòng hai năm qua đã đạt đến đỉnh điểm.

   Trên thị trường tiền tệ, Fed dự báo sẽ tăng lãi suất lên 4.5% trong năm 2006 sau đó dừng lại. Thời điểm trước cơn bão Katrina, đã có những dấu hiệu Fed sẽ hạ mức lãi suất, tạm dừng chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ. Tuy nhiên, Fed vẫn rất lưu ý đến rủi ro lạm phát mặc dù hiện tại lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát tốt. 

   Triển vọng đầu tư
   Triển vọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có nhiều hứa hẹn trong thời kỳ ngắn hạn 2005-06 và trung hạn 2007-08. Những điều tra gần đây của tổ chức Đánh giá triển vọng đầu tư toàn cầu (GIPA) cho thấy đầu tư sẽ tăng trong tương lai. Ý kiến đánh giá về triển vọng đầu tư đều khá lạc quan, với khoảng 60% các công ty đa quốc gia, các chuyên gia kinh tế và trên 80% các cơ quan xúc tiến đầu tư đánh giá đầu tư sẽ tăng trong thời gian ngắn và trung hạn. 

   Đầu tư được đánh giá sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các thị trường đang nổi, châu Á và khu vực Đông, Nam Âu sẽ là những khu vực thu hút đầu tư nhiều nhất trong các năm tới. Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì vị trí điểm đến đầu tư hàng đầu trong số các nước phát triển. 5 địa điểm hấp dẫn nhất thế giới đối với FDI trong các năm tới là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Brazil.

» Related Articles: