KINH TẾ THÉ GIỚI TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI Posts by : STEVE THAI

     Cơ quan Liên hiệp quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD) vừa công bố một báo cáo cho biết, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu thụt lùi nghiêm trọng và tốc độ tăng trưởng năm nay chỉ đạt mức 3.5%. Báo cáo cho biết, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng gần 4% trong năm 2004 - cao nhất kể từ năm 2000 đến nay và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2005 nhưng chậm hơn, với tốc độ khoảng 3%/năm. Sự giảm sút này chủ yếu là do tốc độ phát triển kinh tế ở các nước phát triển bị chậm lại, và một số nước đang phát triển cũng cho thấy những biểu hiện mất đà tăng trưởng. Theo dự tính, các nước đang phát triển nói chung sẽ có tốc độ tăng trưởng 5-5.5% trong năm 2005, giảm so với mức 6.5% năm ngoái. Các chuyên gia của UNCTAD cho rằng, có những "đám mây đen" đang bao trùm lên bức tranh kinh tế thế giới. Trước hết là việc giá dầu tăng cao chưa từng có trong lịch sử đã đặt một gánh nặng lớn lên nhiều nước đang phát triển. Cho đến nay, giá vàng đen đã tăng gấp đôi so với năm 2002. Tiếp theo là sự mất cân đối về tài khoản vãng lai toàn cầu vẫn đang diễn ra và chưa có hoạt động hợp tác đa phương nào có thể thu hẹp một phần sự mất cân đối này. Chính điều đó đã dẫn đến áp lực chính trị ngày càng tăng đối với một số nước đạt được thặng dư, buộc các nước này phải để cho đồng tiền của họ tăng giá. Áp lực đó vẫn tồn tại, mặc dù vào tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã quyết định điều chỉnh tỷ giá hối đoái của nước này. Việc nhiều ngân hàng tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á, sẵn sàng duy trì ổn định tỷ giá hối đoái thông qua sự can thiệp vào thị trường tiền tệ được coi là một trong những yếu tố chính gây cản trở quá trình tháo gỡ một cách suôn sẻ những sự mất cân đối nêu trên.

    Báo cáo của UNCTAD cho rằng cần thiết lập hệ thống tỷ giá hối đoái đa phương có khả năng đáp ứng được những mối quan tâm của các nền kinh tế nhỏ, kém phát triển và mở cửa để giải quyết vấn đề này. Còn để khắc phục những sự mất cân đối về kinh tế, cần tránh để xảy ra tình trạng đình trệ và suy thoái ở cả các nước phát triển mà từ trước đến nay sự tăng trưởng của họ phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ cũng như ở các nước đang phát triển có nền kinh tế và tiền tệ quá mỏng manh. Nếu tìm kiếm cách khắc phục, đặc biệt đối với sự thâm hụt ngoại thương của Mỹ, thông qua việc tăng thật mạnh tỷ giá hối đoái ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở châu Á, thì tác động giảm phát đối với nền kinh tế thế giới là điều tất yếu. Tình hình đó sẽ có thể cản trở nỗ lực của các nước đang phát triển khác trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Cũng theo báo cáo này, Mỹ - động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới - có thể sẽ "hết nhiên liệu" trước khi các nước hay khu vực khác có đủ khả năng thay thế nó. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã không thể thoát ra khỏi tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài, còn Nhật Bản tuy đã đạt được một số tiến bộ song vẫn đang phải vật lộn với sự giảm phát. Tuy nhiên, một số nước ở khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đã nổi lên như là những động cơ tăng trưởng kinh tế mới. Chính nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu lớn về tài nguyên thiên nhiên của những nước này mà nhiều quốc gia đang phát triển khác có quan hệ thương mại với họ đã gặt hái được nhiều thuận lợi. 

 

» Related Articles: