NHỮNG Ý TƯỞNG THÀNH CÔNG Posts by : STEVE THAI

   Trong thế giới kinh doanh, người giàu hơn chưa hẳn là người mạnh hơn mà chính là người có ý tưởng hay hơn, độc đáo hơn mới là người thắng thế. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà những thương hiệu mạnh nhất trên hành tinh chính là những thương hiệu có những sáng tạo đột phá, mở ra một hướng đi mới trên thị trường đa dạng. Chính nhờ ý tưởng khai sinh ra dòng sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm cũ mà nhiều thương hiệu đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và thay đổi một cách ngoạn mục vị trí của mình so với các đối thủ cạnh tranh.

   1. Ý tưởng tạo ra và phát triển sản phẩm mới

   Hầu như mỗi sản phẩm mới ra đời đều mang cho mình một “huyền thoại” riêng. Nó có thể đi từ một phát minh ngẫu nhiên của một anh chàng nghiệp dư nào đó, có thể là kết quả của một quá trình nghiên cứu và trải nghiệm lâu dài của một công ty và cũng có thể đi từ chính các khách hàng sử dụng sản phẩm. Điều quan trọng nhất và cũng là chìa khoá dẫn đến thành công chính là sự đầu tư đúng mức để đưa sản phẩm ấy tiếp cận đến người tiêu dùng và trở thành sản phẩm tiên phong trong ngành nghề ấy. Chúng ta hãy làm quen với một số sản phẩm đã trở nên rất quen thuộc với mọi người mà ý tưởng tạo dựng nên nó đã trở thành kiểu mẫu của sự thành công trong kinh doanh.

   Những bước tiến của đôi giày Adidas
   Trong thế giới không ngừng biến đổi, những ai có phát minh đột phá luôn là những người có ưu thế. Adidas được xem như là một ví dụ điển hình cho thương hiệu tiên phong trong ngành sản xuất giày thể thao thế giới. Lớn lên trong cảnh đất nước Đức đang bị kiệt quệ sau Thế chiến thứ I, để giúp đỡ gia đình, cậu thiếu niên Adolph “Adi” Dassler đã nảy ra sáng kiến là tạo ra những đôi dép đi trong nhà từ những ba lô phế thải của quân đội để bán cho dân làng trên quê hương Herzogenaurach của mình. Niềm say mê môn bóng đá cộng với 
tính cách làm ăn cẩn trọng, chuyên nghiệp đã thúc giục Dassler đã tìm đến các huấn luyện viên và các bác sĩ thể thao nhờ tư vấn để sản xuất ra loại giày thể thao chất lượng dùng trong các trận túc cầu. Dần dần, ông mở rộng sản xuất giày thể thao dành cho những môn khác như quần vợt, điền kinh… Chính vì thế mà chỉ sau gần 10 năm, đôi giày Adidas (rút gọn từ tên cha đẻ của nó: Adolph “Adi” Dassler) đã được các vận động viên tại Thế vận hội 1928 sử dụng rộng rãi. Năm 1936, tại Thế vận hội Berlin, Armin Hary đã lập nên kỷ lục chạy 100 mét dưới 10 giây chính bằng đôi giày Adidas. Từ đó, tên tuổi Adidas thường được người ta nhắc tới cùng với những thánh tích thể thao và được xem là thương hiệu “phong độ” nhờ vào những đóng góp đáng kề của nó cho các vận động viên.

   Trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu, Dassler đã không ngừng sáng tạo để cho ra những sản phẩm giày thể thao hoàn thiện hơn trên các sàn thi đấu với khẩu hiệu nổi tiếng của mình “Impossiblo is nothing”. Chiếc giày thể thao với biểu tượng ba sọc chéo này ngày nay không những được giới vận động viên ưa chuộng mà còn là sự chọn lựa hàng đầu của các ban nhạc Rap, các thanh thiếu niên yêu thích thời trang hip-hop. Đầu tháng 8 vừa qua, việc mua lại Reebok của hãng này đã khẳng định vị thế của Adidas đồng thời tạo ra thách thức lớn cho Nike trên thị trường của Mỹ.

   2. Ý tưởng cải tiến sản phẩm

   Colgate vượt vũ môn
   Cải tiến sản phẩm đang là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp phải làm để giữ được khách hàng trung thành, thu hút khách hàng mới và nhất là để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ lúc nào cũng muốn chia sẽ thị phần. Ngày nay, trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ răng miệng, Colgate luôn là thương hiệu được nhắc đến đầu tiên với tính năng bảo vệ toàn diện và thông điệp ngắn gọn đầy ý nghĩa “Không sâu răng”. Tuy nhiên, để đạt được thành công này, Colgate đã phải trải qua một quá trình phát triển lâu dài, đầy gai góc. Ít ai biết được rằng khởi thuỷ của Colgate là một công ty sản xuất và bán tinh bột, nến và xà bông thơm. Khi lấn sân sang sản xuất kem đánh răng, Colgate đã có bước đột phá đầy sáng tạo lúc bấy giờ: cho ra đời những ống kem đánh răng đầu tiên khi mà những đối thủ vẫn còn sử dụng các hũ thuỷ tinh truyền thống. Sản phẩm mới tiện lợi, vệ sinh này đã nhanh chóng thu hút được khách hàng và không ngừng lớn mạnh. Năm 1928, khi sáp nhập cùng nhãn hiệu Palmolive, Colgate đã phát triển vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 1955, Colgate đã gặp phải đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Crest với công thức có fluoride, một tác nhân ngừa sâu răng. Sự cạnh tranh có vẻ rất khó khăn khi Colgate là kẻ đến sau trong công tác bảo vệ răng miệng. Chính thế, Colgate đã không ngừng nghiên cứu để năm 1990 tung ra thị trường sản phẩm Colgate Total - loại kem đánh răng đầu tiên có chức năng chống cả ba yếu tố sâu răng, cao răng và viêm nướu. Chính nhờ sự cải tiến này mà Colgate đã trở lại vị trí số một của mình tại Mỹ và trở nên phổ biến trên khắp thế giới.

   3. Ý tưởng từ khách hàng

   Wrigley nắm bắt nhanh thị hiếu khách hàng 
   Không phải ý tưởng thành công nào cũng xuất phát từ những người tạo ra sản phẩm mà đôi khi nó đi từ hướng ngược lại: chính những người sử dụng đã định hướng cho sự phát triển của sản phẩm. Wrigley, nhà sản xuất ra những thỏi kẹo cao su Doublemint, Juicy Fruit, là người đã biết nắm bắt thị hiếu khách hàng để đi đến thành công bằng sản phẩm mà trước đây ông chưa hề nghĩ đến.

   Sản phẩm kinh doanh đầu tiên của William Wrigley là xà bông Wrigley. Tin rằng phương thức khuyến mãi sẽ thu hút được người tiêu dùng, Wrigley tặng một hộp bột nổi kèm theo mỗi cục xà bông bán ra. Không ngờ sản phẩm khuyến mãi đã tăng sức mua và được mọi người biết đến nhiều hơn sản phẩm chính. Thế là, Wrigley quyết định chuyển hướng sang kinh doanh bột nổi. Vẫn tin vào hiệu quả của phương thức tặng quà khuyến mãi, nhà kinh doanh trẻ tiếp tục tặng một thỏi kẹo cao su kèm theo mỗi hộp bột nổi. Bất ngờ hơn nữa, chính những thỏi kẹo cao su lại trở nên “nổi tiếng” và được yêu chuộng hơn những hộp bột nổi. Lại một lần nữa, Wrigley quyết định thay sản phẩm kinh doanh với sản phẩm duy nhất là kẹo cao su. Là một người có thiên hướng marketing, Wrigley dần dần đã chinh phục thị trường bằng những chiến lược quảng bá rộng khắp trên nước Mỹ. Cùng với những cải tiến không ngừng về chất lượng sản phẩm, Wrigley đã trở thành nhà sản xuất kẹo cao su lớn nhất tại Mỹ và trên thế giới. Bí quyết thành công của Wrigley là biết “thức thời”, không ngần ngại thay đổi sản phẩm kinh doanh để biến một món quà khuyến mãi trở thành một thương hiệu khổng lồ.

   4. Ý tưởng Marketing

   Pepsi mang phong cách sống vào sản phẩm
   Nếu một số thương hiệu lớn thành công và thống lĩnh thị trường nhờ vào sáng tạo ra một chủng loại sản phẩm hay dịch vụ hoàn toàn mới thì những thương hiệu thành công đến sau thường nhờ vào sự khác biệt của mình. Pepsi là kiểu mẫu thành công nhờ vào phương thức tiếp thị độc đáo, khác biệt hoá với đối thủ “đáng gờm” là Coca-Cola.

   Là người đến sau trên thị trường nước giải khát hầu như bị độc chiếm bởi Coca-Cola, Pepsi hiểu mình rất khó khăn trong cuộc chiến với gã khổng lồ này. Sau sự chống trả không thành công bằng giá cả vào đầu những năm 50, năm 1958, Pepsi tập trung phổ biến tính cách của thương hiệu: Pepsi là nước giải khát dành cho giới trẻ với phong cách “trẻ trung”, “tươi mới”. Đến năm 1963, Pepsi đã thực sự có bước xoay chuyển đáng kể với ý tưởng quảng cáo độc đáo “Thế hệ Pepsi”. Chiến dịch “Thế hệ Pepsi” đã đưa một quan niệm mới trong việc lựa chọn sản phẩm: lựa chọn dựa trên tính cách mà sản phẩm hướng đến chứ không chỉ dựa trên những thuộc tính như giá cả, chất lượng…

   Nhưng có lẽ chiến dịch quảng cáo được mong đợi nhất và mang tính đột phá nhất chính là chiến dịch “Thế hệ mới” với có mặt của những thần tượng âm nhạc hay những minh tinh màn bạc được giới trẻ yêu thích. Có thể kể tên những ngôi sao đã đi cùng Pepsi trong chiến dịch này là: Lionel Richie (thập niên 80), Cindy Crawford và ban nhạc nữ Spice Girls (thập niên 90), Britney Spears, Beyoncé Knowles vào đầu thiên niên kỷ mới. Hơn thế nữa, Pepsi đã đẩy mạnh chiến dịch quảng cáo này với những ngôi sao sân cỏ như: David Beckham, Roberto Carlos, Luiz Nazario de Lima Ronaldo, Thierry Henry… 

   Sự khác biệt hoá của Pepsi còn thể hiện ở sự tương phản logo của hai sản phẩm. Nếu như  Coca-Cola thể hiện mình qua kiểu chữ viết tay nghệ thuật với hai màu trắng đỏ thì Pepsi đi theo hướng ngược lại bằng kiểu chữ cách tân với logo màu xanh dương. Chiến lược khác biệt hoá càng giúp Pepsi nổi bật, thành công và rút ngắn khoảng cách với Coca-Cola, đồng thời mang phong cách sống hiện đại vào sản phẩm của mình.

» Related Articles: