CHUỒN CHUỒN ỚT 1006 Posts by : STEVE THAI

   Bức thư thứ nhất:
   Chuồn Chuồn Ớt ơi, lại sắp đến Trung Thu rồi. Em qua Mỹ từ bé nên chẳng nhớ gì về Trung Thu ở Việt Nam cả. Em chỉ nhớ có hai thứ là bánh trung thu và lồng đèn. Bánh trung thu thì thấy bên này vẫn bán, các dịp trung thu mẹ em vẫn hay mua về, nhưng lồng đèn thì không thấy nữa. Chuồn Chuồn Ớt có thể kể cho em nghe ở Việt Nam trẻ con ăn trung thu thế nào không? 

   Chuồn Chuồn Ớt: Năm nay nhuận hai tháng bẩy, cho nên mãi đến mồng 6 tháng 10 mới có Trung Thu. Gia đình trung bình ở Việt Nam bây giờ sung túc hơn trước nhiều, nên trẻ con vui Trung Thu cũng đầy đủ điều kiện  hơn. Quà bánh cũng phong phú hơn, lồng đèn cũng đủ các loại tân kỳ máy bay tàu điện xài bằng pin (battery). Nhưng nhìn chung thì không khí rằm tháng tám xưa kia vẫn hay hơn nhiều. Ngày nay ánh đèn đô thị làm cho ánh trăng trung thu không còn đẹp lung linh như trước. Ngày ấy, trước Trung Thu mấy ngày, các phố phường treo đầy lồng đèn đủ hình dạng màu sắc, nhưng mà đèn không dùng pin như bây giờ, mà phải đốt nến bên trong. Nhà nghèo thì con nít và người lớn tự xúm vào làm lồng đèn lấy, cũng dễ lắm, chỉ cần vài thanh nan tre chẻ mỏng và cuộn giấy màu, hoặc cái lon nhôm thôi cũng đủ làm được cái lồng đèn ông sao hay đèn đẩy, còn vừa đẩy đi vừa xoay xoay nữa cơ. Bọn con trai thì đứa nào cũng phải có một cây súng phun nước, hoặc mua, hoặc tự chế. Đến tối Trung Thu, trẻ con hàng xóm tụ tập lại một lũ với nhau, mỗi đứa mang một thứ đồ ăn để đóng góp, đứa thì cái bánh nướng, đứa cái bánh dẻo, đứa quả bưởi, đứa thì bánh cốm. Phá cỗ xong sẽ chơi trò oánh trận giả. Trong các mâm cỗ Trung Thu, thường có một con chó bông làm từ các múi bưởi tết lại với nhau, hai con mắt làm bằng hai hạt nhãn. Hạt bưởi thì phơi khô xâu lại thành dây, đến đêm Trung Thu, kéo nhau lên trên sân thượng, ngồi ngắm trăng, bắt chước mấy cụ già nhâm nhi trà gật gù, đốt dây hạt bưởi nghe thơm thật thơm. Nhưng đúng là con nít, trăng triết gì cũng chỉ ngắm được độ nửa giờ là bắt đầu phải ngọ nguậy, đi rước đèn. Hàng đàn con nít rồng rắn đi khoe lồng đèn giữa phố thị tối hiu hiu, trông thật vui mắt. Nến chưa tàn là lũ con trai lao vào bắn súng nước bòm bòm ướt hết cả áo quần. Trung thu nào Chuồn Chuồn Ớt cũng cố để dành lại một chú lợn bánh nướng có hai con mắt bằng hạt đậu xanh, chẳng bao giờ dám ăn vì tội nghiệp. Buồn cười không? Tại sao cứ phải làm bánh hình con vật nhỉ? 

   Bức thư thứ hai:
   Tôi là người miền Nam nhưng rất khoái ăn thức ăn của miền Bắc. Các loại cốm tôi đều thử qua rồi, nhưng chỉ có món này là chỉ mới nghe chứ chưa được nếm lần nào: cốm nén. Trung thu người ta hay làm món này bán, nhưng ngày xưa tôi tìm hoài không thấy. Chuồn Chuồn Ớt có biết loại cốm này không?

   Chuồn Chuồn Ớt: Chuồn Chuồn Ớt lục được cái này, bác đọc thử xem nhé: 

   “Điều cần là trước khi cho cốm vào nước đường, phải vẫy một tí nước vào cốm cho mềm mình; lúc xào, phải quấy đũa cho đều tay kẻo cháy...

   Muốn cho đĩa cốm "đẹp mặt" hơn, có nhà rảy một tí phẩm lục vào. Khi đó, cốm xanh thẫm hẳn lên, nhưng ta có cảm giác ăn vào đau bụng.

   Tôi nghĩ rằng nén cốm mà bất đắc dĩ phải dùng đến phẩm lục là chỉ khi nào người ta dùng cái thứ cốm Vòng mộc, hay cốm Lũ màu xanh nhạt. Đó là hai thứ cốm mà các cửa hiệu bán bánh cốm vẫn thường dùng gói bán đi khắp mọi nơi để người ta làm quà cáp cho nhau hay đem biếu xén trong những dịp cười chung, khóc mướn.

   Cốm nén gói thành bánh cũng được ủ rồi xào như đã nói trên kia, nhưng ngoài thứ không nhân, còn một thứ có nhân làm bằng đậu xanh giã thật nhuyễn với đường, điểm mấy sợi dừa trắng muốt. Hai thứ bánh này đều được gói trong lá chuối, vuông vắn, buộc bằng dây xanh hoặc đỏ tuỳ theo trường hợp khóc hay cười.

  Những vị nào thích ăn thứ cốm nén này mà cháy và cứng mình hơn có thể tìm đến các cửa hiệu cốm nén để mua từng lạng cái thứ cháy cốm ăn cứ quánh lấy răng. Cháy nhân cũng được nhiều người thưởng thức, nhưng có lẽ thích nhất thì là các ông "ăn thuốc" có tính ưa của ngọt. 

   Ít lâu sau này, có nhiều bà hàng giò, chả, lại chế ra một thứ chả cốm (chả lợn trong có cốm) ăn bùi, mà lại béo ngầy ngậy, thử dùng một hai nắm ăn vã cũng ngon - ăn thứ chả này phải thật nóng mới thú, nguội thì không còn ra trò gì..." - Vũ Bằng - 

   Bên này chắc chẳng kiếm được loại cốm này đâu bác ạ. 

   Bức thư thứ ba:
    Cho tôi hỏi không biết Chuồn Chuồn Ớt hay ai trong Báo Doanh Nhân giải thích hộ tôi chuyện này nhé. Tôi mới vừa nghe thằng con nói năm nay Việt Nam mình sẽ ăn Tết lệch với Trung Hoa vì theo lịch Việt Nam thì âm lịch năm nay lịch của mình lệch một ngày so với lịch của Trung Hoa. Chuyện này tại sao lại xảy ra? Có bao giờ xảy ra lệch lạc như thế chưa? Chẳng lẽ các người Việt mình dùng hệ thống âm lịch khác những dân tộc Á châu xài âm lịch khác. Tôi vừa xem được cả mớ ngày tốt, thế hoá ra lại sai bét cả à? 

   Chuồn Chuồn Ớt: Ái chà chà, riết rồi Chuồn Chuồn Ớt biến thành cái Wikipiedia mất thôi. Chuồn Chuồn Ớt xin phép vận hết nội công trả lời trong chừng mực kiến thức nhỏ nhoi của mình nhé. 

   Âm lịch Việt Nam là một loại lịch thiên văn. Nó được tính toán dựa trên sự chuyển động của mặt trời, trái đất và mặt trăng. Ngày tháng âm lịch được tính dựa theo các nguyên tắc sau:

   1. Ngày đầu tiên của tháng âm lịch là ngày chứa điểm Sóc
   2. Một năm bình thường có 12 tháng âm lịch, một năm nhuận có 13 tháng âm lịch
   3. Đông chí luôn rơi vào tháng 11 âm lịch
   4. Trong một năm nhuận, nếu có 1 tháng không có Trung khí thì tháng đó là tháng nhuận. Nếu nhiều tháng trong năm nhuận đều không có Trung khí thì chỉ tháng đầu tiên sau Đông chí là tháng nhuận
   5. Việc tính toán dựa trên kinh tuyến 105o Đông. 

   Sóc là thời điểm hội diện, đó là khi trái đất, mặt trăng và mặt trời nằm trên một đường thẳng và mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời. (Như thế góc giữa mặt trăng và mặt trời bằng 0 độ). Gọi là "hội diện" vì mặt trăng và mặt trời ở cùng một hướng đối với trái đất. Chu kỳ của điểm Sóc là khoảng 29.5 ngày. Ngày chứa điểm Sóc được gọi là ngày Sóc, và đó là ngày bắt đầu tháng âm lịch.

   Trung khí là các điểm chia đường hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau. Trong đó, bốn Trung khí giữa bốn mùa là đặc biệt nhất: Xuân phân (khoảng 20/3), Hạ chí (khoảng 22/6), Thu phân (khoảng 23/9) và Đông chí (khoảng 22/12).

   Dựa vào các luật trên có thể giải thích được các trường hợp lệch ngày, tháng giữa Ta và Tàu:

   Ví dụ về ngày: Trăng mọc lúc 16:24:45 GMT hôm nay, quy ra giờ VN là 23:24:45 còn tàu là 00:24:45 hôm sau (giờ Bắc Kinh). Như thế hôm nay được coi là mùng một ở VN còn ở tàu ngày mai mới là mùng một.

   Ví dụ về tháng (năm 1985): Ngày Đông Chí 1984 ở VN là 21/12/1984 còn ở tàu là 22/12/1984 do chênh lệch múi giờ. Do đó tháng giêng (luôn luôn phải chứa ngày Đông Chí) trong lịch VN là từ 23/11/1984 đến 21/12/1984; trong lịch tàu sẽ là tháng tiếp theo từ 22/12/1984. Điều này dẫn đến chênh lệch 1 tháng giữa 2 lịch.

   Chuyện lệch nhau giữa lịch Ta và Tàu xảy ra 4 lần trong thế kỷ 20, đặc biệt một lần vào năm 1985, lúc ấy lệch những 20 ngày.

   Còn việc xem ngày thì Chuồn Chuồn Ớt mù tịt bác ạ.

» Related Articles: