TRUYỆN NGẮN: GIÓ HÚ Posts by : STEVE THAI

   Thời tiết bắt đầu trở lạnh, buổi chiều dường như mau tối hơn. Bà Nhân mặc thêm chiếc áo dạ, chuẩn bị các thứ để chịu đựng qua mùa đông thứ ba kể từ khi ông Nhân mất và năm mà bà cảm thấy cô đơn nhất trong đời.

   Hai thằng con lớn lần lượt rời khỏi nhà. Thằng lớn nhất có gia đình dọn ra ở riêng không nói làm gì, thằng kế tốt nghiệp xong đã phải đi làm ở tiểu bang xa. Còn lại thằng út đang học ngành Y, những năm mới bắt đầu theo học ngành này, mỗi chiều nó còn về nhà ăn cơm và hủ hỉ với bà. Trong nhà vẫn còn có mẹ có con nhưng rồi cứ thưa dần vì phải đi thực tập luôn ở bệnh viện. Những lần ghé về nhà, ăn uống vội vã chưa kịp nói gì đã ngã lăn ra ngủ. Chỉ có qua điện thoại may ra bà còn nói được với các con đôi điều, Bà Nhân có lúc nghĩ mình chỉ còn là cái tổng đài điện thoại để các con gọi về vấn an. 

   Lúc về già, đời sống những người làm cha làm mẹ ở nước Mỹ, Bà Nhân nghĩ nếu được tiếp tục như vậy cũng là điều may mắn. Nhiều người khi còn trẻ, làm lụng lo cho gia đình con cái, đến lúc tuổi già phải biết thân, tự lo khăn gói dọn vào nursing home. Con cái ra đi biền biệt chẳng đoái hoài vì chúng nghĩ " Mọi người đi làm đều phải đóng thuế trong đó có thuế an sinh xã hội, khi về già các cơ quan này có trách nhiệm đ?i với họ. Thật không công bằng nếu bắt thế hệ kế tiếp, vừa đóng thuế vừa phải có trách nhiệm với thế hệ trước.". Bà Nhân cho rằng sự công bằng này có hơi bất nhẫn. Ngay như vợ chồng già, lúc còn sống sờ sờ ra đó nhưng nếu chẳng may, một trong hai người mang chứng bệnh già nào đó là đưa ngay vào Viện dưỡng lão. Họ nghĩ đó là quyền lợi của người già, những người này cần được chăm sóc, theo dõi thường xuyên của y tá và chúng ta không ngạc nhiên khi vào thăm viếng các cụ trong viện dưỡng lão, có những cụ gìa đang hưởng quyền lợi của mình trong cô đơn thảm não. Trong khi chờ chết, có lẽ họ còn mang thêm chứng bệnh tâm thần cũng nên! 

   Cuộc chiến hai mươi năm nơi quê nhà, ông Nhân cũng phải vào Quân đội. Tuổi trẻ của ông trải qua những năm tháng xông pha ngoài mặt trận, trong một cuộc chiến được ví như canh bạc bịp, khi ván bài được lật ngửa cho dù bên thắng hay bên thua cũng đều đau khổ như nhau. Sau đó ông Nhân lại còn phải chịu cảnh tù đày gian khổ sau chiến tranh, ông sống đến tuổi 75 kể ra cũng đã thọ. Những ngày cuối cùng của ông Nhân, lúc nào bà có thể giữ được ông ở nhà là bà cố giữ để tự tay chăm sóc cho chồng. Ngoài tình yêu thương nó còn là chỗ dựa, niềm hạnh phúc, sự hãnh diện có tính cách riêng tư của một người đàn bà được giáo dục theo nề nếp đông phương. Trước đây ông Nhân thường nói với bà, nếu một trong hai người, người chết sau sẽ là kẻ vô phúc vì trước sau gì, lũ con cũng đưa mình vào nursing home. Trong lúc cả gia đình sum họp, bà Nhân nửa đùa nửa thật, đến lúc đó có lẽ chúng ta nên quay về lại quê hương, sống những ngày cuối đời với lũ cháu có lẽ còn hơn đám con bên này. Bây giờ bà Nhân cảm thấy cái ngày đó mỗi ngày một đến gần với mình hơn.

   Ông Nhân mất hơn một năm, theo lời khuyên của các con, bà về thăm VN một chuyến. Quê hương bây giờ cũng đã khác xưa, bộ mặt thôn quê với những con người lam lũ, nghèo đói vẫn  còn đó nhưng thành thị đã đổi thay hoàn toàn. Những góc phố, những con đường bốn mùa rợp bóng cây xanh, những nơi trai gái hò hẹn của một thời đi học nay không thể tìm thấy lại. Những tòa nhà cao tầng mọc lên khắp nơi làm cho bộ mặt Sài gòn như được tô lên lớp phấn, kẻ thêm những vết son, cố gắng nói lên thời kỳ đổi mới của một đất nước chìm đắm trong chiến tranh, trong lạc hậu và chậm tiến. Ngay cả con người cũng đông hơn và khác hẳn. Tại các thành phố lớn, con người cứ phải bon chen, tất bật chạy theo thời gian và cuộc sống. Một số người dường như chỉ nghĩ đến kiếm tiền bằng cách mánh munh, móc ngoặc, lừa đảo hầu đáp ứng những nhu cầu cuộc sống nơi thành thị hơn là lo sản xuất kinh doanh theo nếp sống thời kinh tế mở cửa. Ngay ở quận ngoại thành, nơi ông bà sinh sống trước đây, bà Nhân vẫn không tìm thấy sự yên tịnh, hiền hòa như ngày nào. Mọi thứ đều được định giá bằng tiền, nhất là những người từ nước ngoài quay về. Tình cảm bạn bè, hàng họ láng giềng và ngay những đứa cháu trong gia đình cũng đều thể hiện sự thân thiết qua cách nhìn vào đồng Dollar chi ra hằng ngày, hằng tháng hay vào những dịp giỗ cưới. Tình cảm con người không còn trong sáng tốt đẹp như khi xưa, có lẽ thời gian, hoàn cảnh sống mỗi ngày một khó khăn nên mọi thứ đều đổi thay, con người sống với tư thế sẵn sàng móc túi lẫn nhau. Từ đó, con đường quay về sống những ngày cuối đời với lũ cháu như trước đây bà Nhân đã nghĩ cũng trở nên nhiêu khê và đầy bất trắc. 

   Trong lúc bà Nhân ngậm ngùi nghĩ đến những ngày sắp tới, bà nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên nước Mỹ, cái tâm trạng thất vọng có lẽ không khác gì lúc có ý định quay về lại với quê hương. Không riêng gì bà, khi mới đặt chân lên đất nước này, một phần vì lạ cảnh lạ người, phần khác về phía chính quyền Mỹ cho đây là chương trình "nhân đạo", đặc ân cho những người miền Nam bị lao tù nhưng về phía người nằm trong diện này lại nghĩ rằng đây là sự "đền bù" của người Mỹ, vì quyền lợi đất nước họ nên phản bội đồng minh, gây ra biết bao đổ vỡ tang thương và chết chóc. Nhất là phía các bà, phải thay chồng tần tảo nuôi con, lại còn phải vất vả lặn lội nuôi chồng trong suốt thời gian tù tội. Về mặt nào đó, những người này cũng có cái lý của họ, dù sao người Mỹ cũng phải nghĩ mình có trách nhiệm và phải làm một cái gì đó hơn là chỉ đơn giản với lý do nhân đạo. Đi vào thực tế, họ càng thất vọng khi nhận ra rằng, tiền trợ cấp hằng tháng dành cho những người rời bỏ quê hương ra đi theo chương trình nhân đạo của Mỹ. Số tiền họ nhận được chỉ đủ để thuê một phòng ở chung cư cho gia đình năm người như trường hợp ông bà Nhân. Chẳng những thế sau ba tháng, bắt đầu xin lại tiền trợ cấp, nếu không bị hạch sách, tra vấn thì hội bảo trợ cũng ngày một ngày hai đốc thúc đi làm, công việc nào xét ra cũng thuộc loại xương xẩu khó nuốt. Trâu chậm đành phải uống nước đục và nhìn chung cho dù ra đi dưới bất cứ hình thức nào, đặt chân lên nước Mỹ, chồng vợ kể cả những đứa con không còn trong lứa tuổi đến trường cũng đều phải đầu tắt mặt tối, hùng hục làm cả ngày để sớm ổn định cuộc sống nơi xứ người. Không mấy ai nghĩ, đến đất nước này chỉ để trông mong vào tiền trợ cấp hay tiền thực phẩm cứu đói của Sở An sinh xã hội. Chính vì thế có những đứa bé ở lứa tuổi đi học, cha mẹ đành giao hẳn cho nhà trường, nó lớn lên phần lớn nhờ vào chiếc xe School bus, những buổi ăn trưa miễn phí ở trường và cái Tivi ở nhà. Chịu ảnh hưởng cái "xã hội tuổi thơ" ở cùng một chung cư mà cha mẹ nó thuê mướn hay những đứa bạn đồng hương cùng trường. Nhà trường ở đây chỉ dạy cho chúng chữ nghĩa, những kiến thức chuyên môn, kèm theo một số giờ thiện nguyện gọi là đóng góp hay đền ơn xã hội chúng đang sống một cách chung chung. Vì thế, có được mấy đứa nhận hiểu, chúng chỉ biết đi làm thiện nguyện cho đủ số giờ nhà trường qui định để lấy điểm A thế là tốt rồi, còn ý nghĩa thế nào có lẽ chưa đến lúc nó cần hiểu. Những thứ khác thì do xã hội trẻ thơ của chúng dạy bảo nhau. Tuổi trẻ dễ tiệm nhiễm thói hư tật xấu của nhau hơn là điều tốt. Trai gái sống chung đụng, gần gũi trong khi cha mẹ còn ở sở làm, mới 15, 16 tuổi đầu đã biết làm những việc của người lớn làm. Con đường hư hỏng, phạm tội bao giờ cũng dễ hơn việc tốt và lương thiện. Cha mẹ có khi cả tuần mới có dịp tiếp xúc, gần gũi con vào ngày nghỉ cuối tuần nên có thì giờ đâu để dạy bảo chúng. Trong những người bỏ nước ra đi, có mấy ai không nghĩ đến tương lai con cái và ai cũng nhận ra điều đó là thiếu sót là thiệt thòi cho con nhưng không có sự chọn lựa nào hơn, vẫn phải lao vào việc kiếm tiền để có điều kiện sớm dọn ra khỏi chung cư, nơi hỗn tạp và bất an nhất của nước Mỹ. Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như vậy mà thành đạt trong học vấn là ơn phước đối với gia đình vì đứa bé phải phấn đấu với chính bản thân, trước biết bao cám dỗ của cái xã hội nó đang sống.

   Bên ngoài trời tối hẳn, cơn gió bắt đầu mùa rả rích, bà Nhân đi một vòng qua các phòng để xem lại cửa nẻo. Bà đã nghỉ hưu hơn năm nay, ngày nào bà cũng quanh quẩn hết ở ngoài sân, chăm sóc mấy chậu hoa, cây kiểng của ông Nhân để lại. Rồi lại vào nhà, quét dọn, sắp xếp lại từng phòng của mỗi đứa con mặc dù chúng không còn ở thường xuyên như trước đây. Thằng út từ Bệnh viện gọi về cho mẹ biết thời tiết đêm nay trở lạnh và có gió bắc thổi mạnh. Nó nhắc nhở mẹ mấy điều cần thiết, thật ra từ bệnh viện cậu ta gọi về vấn an mẹ khi nghe tin dự báo thời tiết trong đêm trên tivi, chứ làm gì cậu ta biết thực tế bên ngoài gió lạnh hay mưa rào. Cậu ta thừa biết mẹ mình rất sợ những cơn gió hú, theo như mô tả của bà, nó rít lên trong đêm thâu nghe như khóc như than, như gào như thét. Dưới sương lạnh, càng về đêm tiếng gió hú càng ghê rợn, nó như những hồn ma réo gọi nhau từ những bãi tha ma vọng về. 

   Bà Nhân sợ những cơn gió như vậy không phải bây giờ mà ngay khi ông Nhân còn sống. Mỗi lần nghe gió hú trong đêm, bà thường đánh thức ông dậy, chứ không có cách gì dỗ lại giấc ngủ hay nằm yên chịu đựng. Ông Nhân cố giải thích, tiếng hú từ cái bayou sau nhà, từ những cái lỗ thông hơi trong trần nhà, những cái quạt gió trên mái nhà, ngoài nhà xe..., ông Nhân còn đùa:  Sống trong thành phố nhà cửa đông đúc, nghe được tiếng gió hú liêu trai trong đêm thật là điều thú vị, không phải khu nhà nào cũng nghe thấy được! Ông Nhân nói gì thì nói bà sợ vẫn cứ sợ.  Dù vậy ông vẫn lưu ý đến bà mỗi khi gió bắc thổi về và ông cũng không quên bỏ đi cái quạt gió thông hơi khi lợp lại mái nhà cũng như sửa sang lại các cửa kiến nơi phòng ngủ của ông bà cho kín đáo hơn.

   Bà Nhân dừng lại ở phòng khách, nơi đây ông Nhân bài trí đơn giản nhưng không quá nghèo nàn. Mỗi bức tranh, mỗi chiếc tượng đồng, ông Nhân phải bỏ ra một số tiền lớn để mua cái ý nghĩa và giá trị nghệ thuật của nó. Bà vẫn giữ nguyên cách bày biện đó như là một kỷ niệm đối với người đã khuất, vì theo ông cách thức bài trí đó nó hàm chứa cả quan niệm sống của con người. Bà chỉ có thêm cái bệ thờ để đặt di ảnh, bát nhang và các thứ thờ ông. Rất có thể làm thay đổi bộ mặt của phòng khách, nó ít nhiều trở nên rườm rà nhưng bà không có cách nào khác hơn để làm vừa lòng người quá cố. Bà Nhân đi thắp cho ông nén nhang như thay lời tạ lỗi mỗi khi nghĩ đến sự thay đổi này. Mùi nhang tỏa khắp phòng, dưới ánh đèn đêm, những làn khói trắng lung linh, lơ lửng như những khóm mây, với những nét quằn quại, gãy đổ chồng chất lên nhau và phù du tan biến như một đời người thấy đó rồi cũng mất đó. 

   Bà Nhân không còn ám ảnh về nỗi lo sợ, dường như giữa sự sống và cái chết không còn là khoảng cách hay lằn ranh trong suy nghĩ của bà. Bà vẫn tiếp tục ngồi lại phòng khách hoài niệm về người đã khuất, loanh quanh với những suy tư về đời người. Bên ngoài trời vẫn đang mưa. Tiếng “xoảng” như một cái gì đó vừa vỡ tan làm Bà Nhân tỉnh thức. Bà rời phòng khách, đi vào phòng sinh hoạt gia đình, từ đó bà nhìn qua cửa kiến, mặt hồ bơi sau nhà gợn từng đợt sóng nhỏ, không nhận ra những hạt mưa rơi nhưng mặt nước trong hồ đã đổi sang màu trắng đục, chiếc dù che nắng ban chiều bà Nhân quên hạ xuống, nó bị gió giật ngã lăn, lôi theo chiếc bàn mặt kiến vỡ tan nhiều mảnh. Cùng lúc bà nhận ra tiếng soàn soạt ở cửa ra vào, một thoáng ngạc nhiên nhưng bà chợt nhớ ra, con chó kiểng của thằng con lớn để lại khi dọn ra riêng vẫn ngủ ở nhà xe phía sau. Có lẽ ban chiều bà Nhân quên đóng cái cửa nhỏ dành riêng cho nó, tiếng gió hú đầu mùa và bao nhiêu thứ tiếng khác làm nó khiếp sợ nên tìm đường đến với bà. Nó nhảy bổ vào bà khi cánh cửa nhà sau vừa hé mở, bà lấy khăn trùm cho nó, lau những hạt mưa làm nó ướt sũng, ve vuốt nó như ve vuốt cho sự cô đơn trống vắng của chính mình. 

    Bên ngoài gió vẫn tiếp tục hú, trong nhà một bà già và một chú chó đang nương tựa vào nhau.

Vũ Linh

» Related Articles: