FRED DELUCA NGƯỜI THÁCH THỨC CẢ MCDONALD'S Posts by : STEVE THAI

   Năm 17 tuổi, cậu học sinh Fred DeLuca mở cửa hàng bán bánh mì chỉ nhằm kiếm thêm chút tiền để có thể theo học đại học sau này. Có ngờ đâu chỉ hơn hai chục năm sau từ quán hàng nhỏ đó, Fred DeLuca đã làm chủ cả một tập đoàn fast-food khổng lồ.

   Có thể cái tên Subway còn khá lạ tai với châu Á. Thế nhưng ở châu Mỹ và châu Âu, ai cũng biết đến tập đoàn Fast-Food mang tên Subway. Không phải là các tập đoàn khác như KFC, Lotteria hay Burger King mà tập đoàn Subway mới là đối thủ đang đe doạ vị thế số 1 của người khổng lồ McDonald's.

   Chính Fred DeLuca, ông chủ tập đoàn này đã tuyên bố mạnh mẽ như vậy trong mục tiêu phát triển mới nhất của mình. Với một chiến lược kinh doanh táo bạo nhưng rất bài bản, Fred DeLuca đã làm nên nghiệp lớn bắt đầu từ 1,000 USD tiền vay. Hệ thống cửa hàng bán bánh mì của Fred DeLuca tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Ông đã rất thành công ở Mỹ, Canada, Anh, Australia và rất nhiều nước khác.

   Tổng cộng trên toàn thế giới, hệ thống ăn nhanh Subway đã có trên 25,000 cửa hàng tại 83 nước trên thế giới. Mỗi ngày toàn hệ thống Subway đã bán ra trên 4.8 triệu chiếc bánh mì kẹp thịt hay xúc xích, pho mát.

   Sự tự tin cùng những phát biểu mạnh mẽ của ông chủ Fred DeLuca là hoàn toàn có cơ sở. Tại thời điểm hiện nay, không còn mấy ai nghi ngờ thách thức của Fred DeLuca về việc sẽ vượt McDolnad's trong 5-10 năm tới. Mặc dù về doanh số Subway vẫn còn thua khá xa McDonald's, nhưng chính ngay tại đất Mỹ, số cửa hàng ăn nhanh chuyên bán bánh mì của Subway đã vượt số cửa hàng của McDolnad's.

   Mô hình kinh doanh franchising mà Fred DeLuca thực hiện với hệ thống các cửa hàng Subway đang được đánh giá là mô hình thành công và thu hút rất nhiều những người khởi nghiệp trên toàn thế giới. Tập đoàn và ông chủ Fred DeLuca vì thế cũng thu về bộn tiền từ các cửa hàng Subway trên toàn cầu. Mỗi chủ nhân của một cửa hàng Subway theo hợp đồng kinh doanh nhượng quyền sẽ phải trả 10,000 USD để mua license. Ngoài ra, tập đoàn còn hưởng 8% doanh thu bán hàng, một tỉ lệ không nhỏ chút nào.


   Bắt đầu từ lời khuyên quí giá
   Fred DeLuca sinh năm 1948 trong một gia đình lao động ở Bridgeport, Connecticut, Mỹ. Gia đình Fred DeLuca rất nghèo và như bao nhiêu trẻ em khác, cậu mơ được đổi đời và đổi đời từ tài năng, trí tuệ của mình. Fred DeLuca vì thế rất chăm học và ham học. Cậu không muốn lại phải bước vào cuộc đời của người thợ nhọc nhằn với mức lương rất thấp.

   Sớm biết nghĩ, Fred DeLuca đã đặt mục tiêu là phải học đại học để có thể kiếm việc làm tốt. Học xong phổ thông, Fred DeLuca dự định học nghề bác sĩ, thế nhưng ông không có tiền để trang trải việc học. Fred DeLuca rất chăm chỉ lao động, ông sẵn sàng làm mọi việc để giúp gia đình và dành dụm cho chính mình. Fred DeLuca xin làm phụ việc bán hàng tại một cửa hàng kim khí.

   Nhưng với mức tiền công vẻn vẹn chỉ có 1.25 USD cho mỗi giờ làm việc, Fred DeLuca không thể dành dụm được nhiều. Cha mẹ nghèo cũng chẳng giúp được gì cho người con trai lớn. Fred DeLuca thất vọng nhưng vẫn không hề bỏ quyết tâm đi học.

   Gia đình ông có quen biết một người bạn là Peter Buck. Một lần vào mùa hè năm 1965 ông Buck mời cả nhà Fred DeLuca đến dự tiệc tân gia. Như một sự tình cờ, Fred DeLuca đã tâm sự khó khăn của mình với ông Buck để được giúp đỡ. Lúc đó có thể nói rằng Fred DeLuca đã rất liều khi ngỏ ý vay tiền từ người bạn tốt bụng của gia đình. Trong đầu không hề mảy may một ý định kinh doanh, Fred DeLuca chỉ mơ ước và tin rằng mình sẽ học đại học y, học thật giỏi và sau này làm nghề bác sĩ sẽ có tiền trả nợ.

   Câu chuyện giữa Fred DeLuca và ông chú quen biết Buck tỏ ra rất mặn mà. Và rồi Fred DeLuca mới đầu đã thất vọng khi không được cho vay tiền mà chỉ là một lời khuyên. "Cháu hãy mở hiệu bán bánh mì và kiếm tiền từ đó". Một lời khuyên còn hơn giá ngàn vàng như sự nghiệp kinh doanh huyền thoại của Fred DeLuca về sau đã chứng minh.

   Không phải là người thạo nghề làm ăn nhưng lời khuyên này đã kích thích trí tò mò của Fred DeLuca. "Nếu mở hiệu bánh mì thì cháu phải làm cụ thể những gì?", Fred DeLuca hỏi. "Rất đơn giản, ai cũng làm được, chỉ cần có một cửa hiệu, mua bánh mì, rồi mua thịt nguội xúc xích kẹp vào và bán cho khách, và thế là cháu sẽ có tiền".

   Chỉ biết làm thuê, chưa kinh doanh bao giờ nhưng nghĩ công việc đơn giản mà có tiền là Fred DeLuca thích rồi. Khó khăn lớn nhất là có tiền thuê cửa hàng. Và trước quyết tâm kiếm tiền mãnh liệt, không sợ khó của cậu bé 17 tuổi, ông Peter Buck đã đồng ý cho Fred DeLuca vay 1,000 USD để có tiền thuê cửa hàng và đặt làm một cái bàn để bán bánh mì. Không chờ đợi gì nữa Fred DeLuca bắt tay ngay vào việc. Và bản thân ông khi ấy đâu có ngờ mình lại có thể kiếm rất, rất nhiều tiền từ ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì đó.
Cửa hàng được đặt tên là cửa hàng bánh mì Submarine, bởi Fred DeLuca sử dụng loại bánh mì dài như hình chiếc tầu ngầm. Sau này cái tên đã được đổi thành Subway và ghi danh thương hiệu.

   Như một câu chuyện cổ tích, sự ra đời và phát triển của tập đoàn Subway chuyên bán đồ ăn nhanh lớn bậc nhất thế giới cho đến nay là một ví dụ kinh điển cho những người khởi nghiệp. Chỉ bắt đầu mong muốn kiếm tiền để đi học, Fred DeLuca đã đạt hơn thế rất nhiều.

   Phát triển nhờ mô hình franchising
   Cửa hàng bán bánh mì của Fred DeLuca rất đông khách. Một trong những lý do hút khách của bánh mì Subway là Fred DeLuca không làm sẵn mà chỉ cắt bánh và kẹp xúc xích, thịt nguội và salat trước mặt khách. Khách hàng tận mắt chứng kiến chất lượng và cả "quá trình" thủ công của ông chủ tiệm.

   Bánh mì Subway cũng là đồ ăn nhanh mà lại không bị tiếng là đồ ăn công nghiệp như các sản phẩm Fast-Food khác. Ưu thế đó Fred DeLuca vẫn tuyệt đối duy trì cho đến nay, cho dù cả hệ thống Subway có tới hàng chục ngàn cửa hàng.

   Làm một mình không hết, Fred DeLuca phải tuyển thêm người. Cửa hàng đầu tiên quá chật, Fred DeLuca phải tính kế. Không thể đơn giản bỏ một địa điểm đã quen khách nên ông đã nghĩ ngay đến mở thêm cửa hàng ở khu gần đó mới đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Fred DeLuca đã trở thành ông chủ từ lúc nào không biết. Ông không còn nghĩ đến chuyện học để trở thành bác sĩ mà say mê với nghiệp kinh doanh đang rất khả quan và vẫn còn tràn đầy cơ hội phát triển.

   Trong thời gian này, ông Peter Buck vẫn luôn là một cố vấn quan trọng cho ông chủ trẻ mới ngoài 20 tuổi. Đến năm 1974, Fred DeLuca đã mở được 16 cửa hàng, tất cả đều ở vùng Conneticut.

   Fred DeLuca rất muốn mở thêm nhiều cửa hàng, ông đặt mục tiêu đến năm 1975 phải tăng số lượng cửa hàng bánh mì Subway lên gấp đôi. Không chỉ là tiền vốn mà ngay cả công việc trực tiếp tìm địa điểm rồi quản lý cũng là quá sức với Fred DeLuca, cho dù ông đã làm việc đến 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

   Lại một lần nữa, Fred DeLuca được sự trợ giúp của Peter Buck với ý tưởng franchising. Và sau đó một công thức kinh doanh nhượng quyền franchising cho các cửa hiệu bánh mì Subway đã được thiết kế khá chi tiết và hoàn hảo.

   Theo đó, Fred DeLuca sẽ hỗ trợ người nhận nhượng quyền kinh doanh trong việc thiết kế, tổ chức cửa hàng, công thức và kế hoạch mua nguyên liệu, quảng cáo, marketing cũng như trợ giúp toàn bộ phần kế toán. Đối tác nhận nhượng quyền kinh doanh được mang hiệu Subway và tự chủ hoàn toàn trong các hoạt động kinh doanh của mình. Họ vẫn là người chủ thực sự, phải bỏ vốn và chịu rủi ro về kết quả kinh doanh. Subway chỉ thu tiền license một lần duy nhất cùng với một tỉ lệ nhất định doanh thu bán hàng.

   Người đầu tiên được Fred DeLuca mời cùng kinh doanh dưới hình thức franchising là một người bạn tên Brian Dixon. Ông này lúc đầu không dám làm, cho dù Fred DeLuca đồng ý cả cho vay vốn và kèm thêm cả điều kiện trả lại tiền license nếu thất bại.

   Nhưng chỉ ít lâu sau, Brian Dixon do thất nghiệp đã quay lại với đề nghị của Fred DeLuca. Và ông này sau đó đã vô cùng biết ơn người bạn tốt bụng, ông chủ trẻ của Subway. Brian Dixon đã đổi đời nhờ Fred DeLuca khi cửa hàng bánh mì Subway đầu tiên theo công thức franchising đã thành công mỹ mãn. Kể từ đó, đã không có gì cản nổi sự phát triển của các cửa hàng bánh mì mang tên Subway.

   Chỉ 10 năm sau nữa, vào năm 1986, Fred DeLuca đã có tới 1,000 cửa hàng tại tất cả các tiểu bang của nước Mỹ. Hai năm sau, con số này đã tăng lên gần gấp đôi, với 1,800 cửa hàng.

   Khai thác tối đa thế mạnh
   Mặc dù thành công như vậy nhưng Fred DeLuca không hề muốn công ty của mình trên thị trường chứng khoán. Ông cho rằng lĩnh vực của mình không cần nhiều vốn và ông vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng trên nguồn lực tự có. Các chuyên gia ước đoán Fred DeLuca sẽ là một tỉ phú lớn nếu giá trị của Subway được định giá trên thị trường chứng khoán.

   Sự tăng trưởng rất nhanh cùng với hiệu quả kinh doanh của tập đoàn đã chứng tỏ tài năng quản lý của ông chủ Fred DeLuca rất tốt. Trước kia, Fred DeLuca tự mình làm tất cả mọi công việc. Còn từ khoảng 20 năm trở lại đây ông không còn phải làm như vậy, tuy rằng nhiều khi vẫn rất muốn như ông từng nói. Hàng tuần ông xem xét, so sánh kết quả kinh doanh của các cửa hàng Subway.

   Ông không phải là cấp trên của các chủ cửa hàng này nhưng lại được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh của họ. Vì vậy, mỗi sự biến động bất thường của doanh thu đều làm ông quan tâm. Fred DeLuca đưa ra những lời khuyên, những tư vấn và cả hỗ trợ cụ thể cho các cửa hàng trong hệ thống Subway của mình.

   Đã có khá nhiều người nói rằng bánh mì của Subway khá đắt tiền nhưng ông đã thuyết phục thành công rằng "đắt xắt ra miếng". Tất cả 5 loại bánh mì được sử dụng đều do Subway tự làm chứ không phải nhập từ các nhà máy sản xuất công nghiệp. Cả 12 loại xúc xích, thịt nguội và salad mà Subway dùng đều là loại tươi ngon nhất mà khách hàng có thể tự chứng kiến và đánh giá. Fred DeLuca thừa nhận việc chỉ cắt bánh mì, nhét xúc xích, thịt nguội khi khách yêu cầu là quá trình có vẻ thủ công, là điểm yếu về năng suất lao động.

   Nhưng mặt khác, Fred DeLuca lại tự tin khẳng định điểm yếu đó chính lại là điểm mạnh của Subway khi cạnh tranh với các đối thủ khác trong ngành cung cấp đồ ăn nhanh. Các sản phẩm của Subway được đánh giá là tốt hơn cho sức khoẻ, không nhiều mỡ dầu, không gây béo phì. Fred DeLuca tự hào vì bánh mì của Subway được khách hàng cho là ngon hơn, không bị liệt chung vào nhóm đồ ăn công nghiệp như phần lớn các món ăn Fast-Food khác.

  Và đây là lợi thế vô cùng quan trọng mà ông chủ Fred DeLuca tài ba đã biết quảng bá và khai thác tối đa trên con đường chinh phục vị trí số 1 thế giới.

» Related Articles: