BILLY DURANT NGƯỜI BÔI TRƠN BÁNH XE CỦA DETROIT Posts by : STEVE THAI

   Tham gia vào sản xuất ôtô như một thách thức
   William Crapo Durant sinh năm 1861 ở bang Michigan. Giống như Henry Ford, Durant rời trường học khá sớm. Năm 17 tuổi, anh đến làm việc trong nhà máy cưa của ông nội. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh lại rời bỏ nơi đó để dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh với đủ mọi lĩnh vực : dược phẩm, bất động sản, thuốc lá…

   Sau những thành công nửa vời của nghề bán thuốc lá,  Billly Durant quyết định lập một công ty xe ngựa Flint Road Cart với số vốn ban đầu khoảng 2000 đôla. Việc kinh doanh này của ông khá phát đạt và cho đến những năm cuối thế kỳ 19, công ty xe ngựa này đã có giá trị khoảng 2 triệu đô la với hoạt động bán hàng trải rộng khắp toàn cầu.

   Năm 1900, một số chiếc xe không ngựa kéo chạy bằng hơi nước ra đời được coi là một bước đột phá đáng kể. Những chiếc xe ôtô thuở sơ khai này có chi phí sản xuất cao và chất lượng thấp. Vì thế, giống  như phần lớn những nhà sản xuất xe ngựa khác, Billy Durant lúc đầu cũng “ghét cay ghét đắng” mà cho rằng đó là loại phương tiện bẩn thỉu, ầm ĩ và đầy nguy hiểm. Ông phản đối khi con gái mình định lái thử loại xe đó. Và khi  Henry Ford mở công ty Ford Motor vào năm 1903, Durant chỉ cười khẩy chế nhạo.

   Tuy nhiên, thay vì gọi điện tới chính phủ yêu cầu ra sắc lệnh nghiêm cấm lưu hành loại xe này thì ông lại có một quyết định bất ngờ: bắt tay với hãng Buick - một hãng sản xuất xe hơi ở Detroit đang có doanh số bán hàng thấp và nợ nần chồng chất. Durant nhanh chóng có được quyền lãnh đạo Buick với hy vọng sẽ tạo ra được những mẫu xe hơi cải tiến hơn. 

   Năm 1904, sau lần lái thử một chiếc Buick khắp  các ổ gà vùng Flint và những vũng lầy của vùng nông thôn, Durant quyết định tham gia cuộc chơi xây dựng ngành công nghiệp xe hơi từ những những sự tạp nham sơ khai. Ông đưa Buick tới tham dự buổi trưng bày ôtô ở New York và trở về với những đơn đặt hàng cho 1,108 chiếc xe hơi:  một sự thừa nhận không tệ khi trước đó Buicks mới chỉ sản xuất được 37 chiếc. Và chỉ sau  4 năm tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe hơi, ông vua xe ngựa đã trở thành người hùng của ngành công nghiệp ôtô còn đang rất non trẻ.

   Billy Durant và sự ra đời của GM
   Cả Durant và đối thủ của ông - Henry Ford, đều trông thấy sức hấp dẫn của xe hơi. Tuy nhiên, Henry Ford chỉ muốn công ty của ông nhất quán với một loại xe: giá thấp, kiểu dáng  hình chữ T ít  cách điệu. Còn  Durant, với những kinh nghiệm kinh doanh có sẵn, biết rằng để chiếm ưu thế trong lĩnh vực này cần phải có nhiều mẫu xe khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu và thị hiếu khác nhau. 

   Vì thế, Durant quyết tâm sáp nhập Buick với những công ty khác. Ông mua lại Cadilac, cố gắng có được Reo, Maxwell, Chrysler, và Oldsmobile và tiếp đó là Northway và Oakland …Henry Ford khi ấy cũng đồng ý bán công ty với mức giá cao nhưng vụ giao dịch thất bại bởi những chủ ngân hàng trong đó có J.P. Morgan, đã không tin vào tương lai của xe ôtô. 

   Cuối cùng, năm 1908, tập đoàn hợp nhất General Motors  được thành lập từ những công ty nhỏ. Ngay sau khi thành lập, tập đoàn non trẻ này đã tung ra hàng loạt những mẫu xe mới  đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng  và nhanh chóng chiếm vị trí số một trên thị trường. Năm 1910, lợi nhuận mà hãng thu được là 10 triệu đôla, một thành công hơn cả mong đợi cho một tập đoàn mới vào nghề. Triết lý của Dorant về sự mở rộng sự lựa chọn cho khách hàng đã đẩy GM nhanh chóng vượt qua Ford khi ấy vẫn bảo thủ với kiểu chữ T “một cỡ phù hợp cho tất cả”.

   Vinh quang và cay đắng
   Trước khi bước tham gia vào làng sản xuất xe hơi, Billy Durant đã phải lăn lộn với đủ mọi nghề. Có lẽ đó cũng giống như một định mệnh: Durant cũng phải giã từ ôtô cho dù có đổ nhiều tâm huyết cho nó.

   Năm 1911, GM bị tổn thất tài chính bởi một vài kế hoạch kinh doanh sai lầm. Một nhóm cổ đông ở Boston cho rằng đó là do sự đầu tư mạo hiểm đầy xấc xược của Durant. Họ tìm cách hạ bệ ông ra khỏi vị trí lãnh đạo tập đoàn và cố gắng điều hành công ty thận trọng hơn.

   Tuy nhiên, Durant không nản lòng. Với  kinh nghiệm sẵn có và số vốn huy động được từ bạn bè, ông lập công ty xe hơi mới Chevrolet và công ty này nhanh chóng chiếm được nhiều thị phần xe hơi Mỹ. Durant khôn khéo tìm cách trao đổi nhiều cổ phiếu của Chevrolet cho cổ phiếu của GM, và sớm lấy trở về vị trí lãnh đạo GM 4 năm cuối cùng. Trong suốt 4 năm ấy, vị trí của GM ngày càng được củng cố.

   Vấn đề mới  nảy sinh ở chỗ GM ngày càng phát triển trong khi nhận được ngày càng ít thời gian của Durant. Thói đam mê cờ bạc tai hại đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của ông, khiến ông mất dần những sự tiếp xúc với công ty. Năm 1920, Pierre du Pont đã tìm cách mua lại cổ phiếu GM của Durant và “trục xuất” ông lần nữa. Kể từ đó, Durant không bao giờ có cơ hội quay về GM được nữa.

   Tuy nhiên, sau những thất bại, Billy Durant không đau lòng hay hối tiếc những gì đã qua mà luôn dồn nghị lực vào những kế hoạch mới. Ông mở một vài sân chơi  bowling ở  Flint gần khu liên hợp Buick. Ông đã tin rằng sân chơi bowling là điều lớn lao tiếp theo sau ôtô - tất cả những gia đình ở Mỹ sẽ chi những thời gian nhàn rỗi của mình vào sân chơi này. 

   Billy Durant mất vào năm 1947, thọ 85 tuổi. Tập đoàn GM do ông thành lập cách đây gần 1 thế kỷ đã trở thành một tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới với sức ảnh hưởng lớn. Người ta vẫn luôn hướng về ông với lòng cảm phục vô bờ. Trong thời điểm căng thẳng của những cuộc đình công, nếu có một ngày người ta thấy nhà quản lý và người lao động bổng dưng bắt tay nhau trong không khí hoà bình thì chỉ có thể được lý giải : đó là ngày sinh nhật của Billy Durant.

» Related Articles: