NGƯỜI LAO ĐỘNG GIÀU CÓ DÁM THỰC HIỆN ƯỚC MƠ Posts by : STEVE THAI

   Không chỉ với người dân Đại Hàn, cuộc đời và sự nghiệp nhà thương gia công nghiệp Chung Ju-Yung, người sáng lập công nghiệp Hyundai là một câu chuyện thần kỳ đáng mơ ước. Xuất thân chỉ là con trai của một gia đình nông dân nghèo khổ, mới học hết bậc sơ cấp, Chung Ju-Yung đã tiến dần trở thành chủ tịch một tập đoàn công nghiệp lớn tầm cỡ thế giới, một vị anh hùng dân tộc trên phương diện kinh tế, từ thiện và nỗ lực hợp nhất quốc gia…Thế nhưng, với chừng đó ông cũng chỉ nhận mình là một người lao động giàu có biết thực hiện mơ ước của mình bằng niềm tin bất diệt.

   Từ một người lao động nghèo thất học…
   Chung Ju-Yung là con trai đầu trong tám người con của những tá điền bần cùng ở châu Á, tại vùng đất mà sau này có tên là Bắc Triều Tiên. Con đường học hành của cậu bé Chung kết thúc khi mới hơn 10 tuổi, khi bố cậu muốn cậu làm việc để phụ giúp nuôi bảy đứa em còn lại. Ban đầu, Chung làm việc trong trang trại của gia đình, rồi được gửi làm công nhân xây dựng đường rầy, và sau đó trở thành một quản lý xưởng đóng tàu vào thời điểm mà hầu hết những thanh niên hiện đại đang mài quần trên ghế trường phổ thông. Bực bội và cùng quẫn, cậu bé đã vài lần trốn nhà nhưng lại bị bắt đem về. Nỗ lực trốn nhà lần thứ ba mới thành công. Với số tiền bán trộm một con bò của bố, Chung đi bộ 120 dặm tới thành phố Seoul. Khi đó, cậu 16 tuổi.

   Tại Seoul, Chung tự nuôi sống bản thân bằng nghề bán gạo rong và dành dụm tiền mua một cửa hàng gạo mà ông từng làm việc. Khi Nhật Bản - bấy giờ chiếm đóng Đại Hàn cho tới năm 1954 - cho buôn gạo là bất hợp pháp, chàng trai trẻ Chung Ju Yung trở thành một người lái xe tải, sau đó mở một dịch vụ chuyên chở hàng hóa rồi lại mở một garage và một hãng sửa xe. Ông thiết lập một nội quy làm việc nghiêm ngặt và đòi hỏi chất lượng ưu tú của sản phẩm mà chính nhờ những điều này ông đã xây dựng nên vương quốc khổng lồ của mình. Năm 1946, mới 31 tuổi, ông đã khai trương dịch vụ ô tô Hyundai ở Seoul, sau này là Hyundai Motors.

   …thành một nhà đại thương gia đáng kính
   Công việc kinh doanh của Chung dần trở nên phát đạt bởi ông có được thiện ý của người đứng đầu Nam Triều Tiên Park Ching Hee. Ngài Park đã ký lệnh cấp cho Chung và Hyundai nhiều tòa nhà thuộc chính phủ và những hợp đồng quân đội sau khi trở nên có ấn tượng với nguyên tắc làm việc của Chung. Trong một lần thanh tra bất ngờ nhà máy của Chung, ngài Park đã nhận ra thói quen của Chung bắt đầu làm việc trước bình minh sau khi đi bộ 3 dặm tới văn phòng làm việc từ một ngôi nhà 7 phòng giản dị mà ông đã xây với những vật liệu thừa. Chung thường dùng lợi nhuận từ công việc kinh doanh hiện thời để đầu tư cho những dự án kinh doanh mới, với thái độ không nao núng với khẩu hiệu "can do". Chung đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên cho mảng kinh doanh đóng tàu của ông - Hyundai Heavy Industries, một tàu chở dầu thượng hạng cho hãng mậu dịch khổng lồ Hong Kong là CT Tung. Khi ấy, ông thậm chí còn chưa có xưởng đóng tàu riêng. Tuy nhiên, CT Tung đã nhận được tàu của mình đúng thời hạn.

   Chung Ju-Yung, cùng với vợ Byun Jung-Suk đã có 8 con trai và một con gái. Ông cũng tạo nên một khối liên kết mạnh mẽ từ chính gia đình mình, sống đúng với cái tên của tập đoàn mình vào những năm 1980 (Hyundai là từ Đại Hàn tương đương với "Modern") Khi trở thành vương quốc kinh doanh sở hữu gia đình lớn nhất Đại Hàn, Hyundai đã xây dựng lại được một quốc gia theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.Lúc đó, có Hyundai Engineering (xây dựng ), Hyundai Motors (hãng sản xuất ôtô lớn nhất Đại Hàn chỉ sau Kia), Hyundai Merchant Marine (đóng tàu) và những dự án về dầu lửa. Chủ tịch Chung đã phát triển Hyundai Electronics thành một nhà máy sản xuất chip máy tính lớn thứ hai thế giới trong gần 10 năm. Một phần lợi nhuận của Hyundai đã được chủ tịch Chung dùng vào công việc từ thiện hay những dự án phúc lợi công cộng khắp Đại Hàn, xây dựng những bệnh viện, trường học, những khu chung cư cho nhân viên của Hyundai.

   Một điều đáng nói là khi chưa có Hyundai với những kỳ tích thì kinh tế Đại Hàn vẫn chỉ đang trong giấc ngủ dài bởi những tổn thương chiến tranh. Trong cuốn hồi ký của mình, chủ tịch Chung cho biết Hyundai đã từng bước khai phá nhiều lĩnh vực mới trong xã hội công nghiệp Đại Hàn mà khi đó vẫn như một mảnh đất hoang sơ, không vốn, không tài nguyên và kỹ thuật. Chính Huyndai đã khiến cho ngành xây dựng, ngành đóng tàu và ngành sản xuất ôtô của Đại Hàn trở nên có tầm cỡ thế giới chỉ bằng niềm tin và ý chí.

   Khi nhà máy đóng tàu Hyundai đang chập chững những bước đầu tiên. Một vị phó thủ tướng phụ trách kinh tế Đại Hàn đã quả quyết rằng nếu ngành đóng tàu của Hyundai thành công thì ông ấy đốt mười ngón tay và lên thiên đường. Vậy mà sau đấy, Hyundai thành nhà máy đóng tàu nhất nhì thế giới và vị phó thủ tướng kia vẫn sống. Khi ông dự định tham gia sản xuất chip điện tử, các báo thế giới cho rằng việc này khó như hái sao trên trời và các trí thức Đại Hàn bảo ông làm việc không có chọn lọc. Nhưng cuối cùng ông vẫn thành công trong thị trường đòi hỏi trình độ cao này. Thành công ấy hiển nhiên là phải từ niềm tin và ý chí.

   Năm 1977 Chung được nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng tước hiệu sĩ quan danh dự của vương quốc Anh. Chung cũng nhận được huân chương từ chính phủ Trung Quốc. Năm1982, ông trở thành doanh nhân đầu tiên không phải người Mỹ nhận được bằng danh dự của đại học George Washington University.

   Không chỉ sự nghiệp, cuộc sống riêng của ông cũng không thiếu những thử thách. Năm 1982, con trai đầu của ông và là người thừa kế theo truyền thống kinh doanh Hyundai là Chung Mong Pi chết bởi một vụ tai nạn xe hơi. Thảm kịch gia đình trở nên xấu hơn khi những con trai còn lại của ông tranh giành tài sản. Năm 1990, con trai thứ tư của Chung là Chung Mong Woo đã tự sát. Không yên tâm khi nghỉ hưu, ông vẫn là chủ tịch danh dự có ảnh hưởng cao và là cổ đông quyết định của tập đoàn, kìm hãm sự tranh giành quyền lực giữa những con trai lớn tuổi còn lại của ông, những người mà ông đã bổ nhiệm thành chủ tịch các bộ phận. 

   Chung cuối cùng phải can thiệp khi cuộc đối đầu bắt đầu ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tập đoàn. Con trai lớn Mong Koo được bổ nhiệm làm chủ tịch của Hyundai Motor Group, con trai kế tiếp Mong Jun thành người đứng đầu Hyundai Heavy Industries Corporation, và ông đưa con trai Mong Hun thành giám đốc bộ phận điện tử. Một người em trai của Chung phụ trách những lợi tức của Hyundai về ôtô ở Mỹ. Tất cả những gì mà Hyundai nắm giữ là 50 công ty con và những mảng công nghiệp cho tới năm 2000.


   Tham vọng về chính trị và nỗ lực vì hòa bình
   Tuy nhiên, năm 1992, chủ tịch Chung đã phải trải qua một thất bại đau đớn. Ông không thành công trong cuộc tranh cử tổng thống sau những nỗ lực đem lại sức sống mới cho kinh tế Đại Hàn. Không chỉ là vấn đề ủng hộ của cử tri, thất bại của chiến dịch vận động tranh cử đó còn có ảnh hưởng sâu sắc hơn: Chung trở thành tâm điểm một cuộc điều tra của chính phủ mới. Một cuộc kiểm toán về thuế trong công ty của ông được tiến hành với kết luận sử dụng sai 81 triệu đôla trong quỹ của Hyundai cho chiến dịch tranh cử. Chung bị kết án 3 năm tù với những chỉ trích của giới truyền thông. Lúc đó ông đã gần 80 tuổi với tình trạng sức khỏe đi xuống. Không nản chí và vốn tán thành châm ngôn đạo Khổng " không có thất bại, chỉ có thoái trào", ông chuyển hướng sang hoạt động cho sự hợp nhất của Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên, làm việc với cầm quyền cả hai bên để thúc đẩy những dự án công nghiệp và du lịch chung đem lại lợi ích cho cả hai nước, đặc biệt là với Bắc Triều Tiên. 

   Năm 1998, Chung Ju-Yung trở thành thường dân Nam Triều Tiên đầu tiên đặt chân tới Bắc Triều Tiên mà không có quân đội hộ tống. Ở điểm gặp gỡ lịch sử đó, được giới truyền thông toàn thế giới đề cập, ngài Chung 83 tuổi dẫn một con bò băng qua biên giới Panmunjam, trong khi những con trai của ông theo sau với 500 con gia súc khác tặng cho ngôi làng cũ Asan. Ông phát biểu công khai rằng món quà được gửi tới thị trấn là sự sám hối cho hành động trộm bò hơn 60 năm trước. Ngoài ra, ông đã nhận được giấy phép thành lập doanh nghiệp và một bệnh viện chăm sóc sức khỏe những người dân địa hạt quê hương mình.

   Ngày 21 tháng 3 năm 2001, Chung Ju-Yung qua đời bởi bệnh viêm phổi, khép lại cuộc đời đầy hiển hách của một người lao động chân chính và tiếp tục khởi đầu cho ước mơ của hàng triệu người trẻ tuổi.

» Related Articles: