CANH BẠC LỚN CỦA ED ZANDER Posts by : STEVE THAI

   Luôn tin rằng mạo hiểm là một phần dẫn đến thắng lợi, Giám đốc điều hành Ed Zander đã mang lại cho Motorola sức sống mới, khí thế mới sau một thời kỳ kinh doanh không sáng sủa.

   Tiếp nhận vị trí giám đốc điều hành của Motorola vào tháng 1.2004, một trong những điều đầu tiên Ed Zander nói với các nhà điều hành của công ty này là hãy quên đi thất bại của Iridium, dự án điện thoại vệ tinh đầy tham vọng ra mắt năm 1998 nhưng đã nhanh chóng phá sản vài tháng sau đó. Thất bại của Iridium ít nhiều làm nản lòng nhân viên Motorola, khiến họ e dè, thiếu tự tin khi nghĩ đến những kế hoạch mới. Và điều duy nhất Zander luôn nhắc nhở họ từ những ngày đầu khi ông mới về cho đến nay là: "Đừng quá bi quan như thế, hãy chấp nhận rủi ro và đừng bao giờ e sợ sự mạo hiểm".

   Sự phục thù của nhà quán quân
   Sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Do Thái, cha người Ba Lan và mẹ là người Hy Lạp, Ed Zander lớn lên trong khu phố nghèo ở New York. Thuở bé, Ed Zander thường được bạn bè đặt cho biệt danh "Fast Eddie" bởi cậu có tài xoay xở của một chú nhóc bụi đời nhưng đạo đức tốt. Cuộc sống khó khăn khiến cha của Ed Zander phải từ bỏ ước mơ trở thành luật sư, vì thế ông dành hết công sức nuôi dạy Ed. Không phụ lòng ông Ed Zander đã lấy được bằng Kỹ sư Điện của Học viện Kỹ Thuật Rensselaer và Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh và là tiến sĩ danh dự của Đại học Quản Lý Boston.

   Tuổi thơ bươn chải đã cho Zander một ý chí kiên cường, niềm lạc quan vô tận mà sau này ông đã truyền lại cho nhân viên. Sau gần 3 năm dưới sự dẫn dắt của Zander, nhân viên của ông đã lấy lại được phong độ, cứng cỏi hơn khi đối mặt với thử thách và quay trở lại phục thù. Chiến tích lớn nhất của họ chính là chiếc điện thoại RAZR thiết kế vỏ sò, mỏng, thời trang, ra mắt vào cuối năm 2004 và doanh số toàn cầu hiện nay đã lên đến hơn 50 triệu chiếc. Mặc dù kế hoạch cho ra đời dòng điện thoại thời trang với những tính năng hấp dẫn RAZR đã có trước khi Zander về Motorola, nhưng các nhà điều hành của hãng đều công nhận rằng, chính Zander mới là người làm nên thắng lợi của RAZR trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại.

   Nối tiếp RAZR, nhiều dòng điện thoại mới lần lượt ra đời, chứng minh rằng thành công của RAZR không phải là nhờ may mắn. Đó là chiếc điện thoại SLVR, cùng với thiết kế mỏng dạng thanh mạnh mẽ. Đó là KRZR, một phiên bản nhỏ hơn của RAZR vừa được tung ra thị trường Mỹ vào đầu tháng 10 và Q, chiếc điện thoại thông minh với những tính năng vượt trội.

   Đánh mất ngôi vị quán quân trên thị trường điện thoại cầm tay toàn cầu vào tay Nokia năm 1998, nhưng Motorola đang đuổi kịp và lăm le lấy lại vị trí đó. Doanh thu năm 2005 của Motorola là 25.7 tỉ USD, vẫn còn thua Nokia gần 1/3, nhưng theo nhà phân tích Per Lindberg thuộc công ty nghiên cứu thị trường Dresdner Kleinwort thì mức tăng lợi nhuận của Nokia đã giảm hơn 5% kể từ giữa năm 2004, trong khi Motorola lại tăng thêm 3%.

   Dòng điện thoại giá rẻ cũng được xem là mảnh đất mới được khai phá mà Motorola quyết định đặt cược vào và Ed Zander tinh rằng, Motorola sẽ biến nó thành một trong những mũi nhọn của hãng.

   Không mạo hiểm không thể thành công
   Thắng lợi liên tiếp về doanh thu nhưng thắng lợi lớn nhất mà Zander mang về không phải là RAZR, Q mà chính là đã xây dựng được một môi trường kinh doanh mới, mang lại một khí thế mới, một tinh thần mới, đó là dám chấp nhận mạo hiểm. Tại Motorola tinh thần chấp nhận mạo hiểm không phải là đều gì quá lý thuyết và to tát. Nó không chỉ là vai trò của riêng Zander và các nhà điều hành trong việc vạch ra và theo đuổi những chiến dịch lâu dài mà còn là tinh thần chung của tất cả nhân viên thuộc mọi bộ phận. Giữa bộ phận thiết kế và đội ngũ kỹ sư, giữa marketing và tài chính, tất cả đều có sự phối hợp và không ai sợ phải thử những cái mới dù biết sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

   Khi nhân viên của ông đã bắt đầu quen với những thử thách nho nhỏ thì Zander lại đặt cược chính bản thân ông và Motorola vào một canh bạc lớn. Đó là chiến lược dài hạn với mục tiêu chính được gọi là "Tầm nhìn di động không giới hạn". Ý tưởng chính của chiến lược này là mang đến những công nghệ giao tiếp mới, cho phép con người cùng lúc nắm bắt được nhiều nguồn thông tin, giải trí từ âm nhạc, video, email và điện thoại mọi lúc mọi nơi. Một  quyết định quan trọng khác của Zander cũng được thực hiện vào tháng 9 vừa qua: bỏ ra 3.9 tỉ USD mua lại Symbol Technologies, công ty nổi tiếng với sản phẩm điện thoại cầm tay, máy quét mã vạch và công nghệ nhận dạng bằng tần số radio nhằm tăng thêm sức mạnh cho mình.

   Song, mục tiêu lớn nhất của Zander chính là IPTV, dịch vụ truyền hình qua internet băng thông rộng. IPTV được dự báo sẽ là mốt trong tương lai nên việc rất nhiều công ty viễn thông và di động đều hối hả tham gia vào lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu. Trước mắt Motorola sẽ là hàng loạt đối thủ. Có những đối thủ kỳ cựu như Nokia cũng có những kẻ đến sau nhưng trẻ trung, sung sức như WiMax, và nếu thua trong canh bạc này, Zander gần như thua luôn cả sự nghiệp mình. các nhà đầu tư của Motorola đang ngóng theo từng quyết định của Zander và nhân viên của họ thì hy vọng rằng, ông sẽ lại thành công như đã từng thành công suốt 2 năm qua.

   Ba năm dưới sự dẫn dắt của Ed Zander, nhân viên của ông đã lấy lại phong độ, cứng cỏi hơn khi đối mặt với khách hàng

» Related Articles: