NHẠC SỸ TRÚC HỒ - NGƯỜI NGHỆ SỸ ĐA TÀI Posts by : STEVE THAI

Nói đến nhạc sĩ Trúc Hồ, hầu như ai cũng biết anh là tác giả của những ca khúc viết về tình yêu và tình người thật da diếc như Em đã quên một dòng sông, Về đâu em hỡi, Dòng sông kỷ niệm, Bên em đang có ta...

Anh hiện là giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam SBTN (Saigon Broacasting TV Network), Và là người điều hành Trung tâm băng nhạc ASIA lớn nhất nhì tại hải ngoại, dù tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1964). Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc (cha là nhạc sĩ Trúc Giang), Trúc Hồ có gien nghệ thuật từ bé. Năm 4 tuổi, anh đã biết chơi trống, 6 tuổi biết đánh keyboard, đánh đàn organ và chưa đến 10 tuổi thì biết chơi những bản nhạc cổ điển của Beethoven, Bach, Chopin... trên đàn piano.

Vượt biên qua Mỹ năm 1981, đến bây giờ, dù được nhiều người xem là doanh nhân thành công, nhưng những gì anh đã làm và ấp ủ vẫn là nghệ thuật, với mong muốn gìn giữ, phát triển nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Phóng viên Tạp chí Doanh Nhân hân hạnh có buổi tiếp chuyện với người nghệ sĩ đa tài này và khám phá những điều thú vị về cuộc đời, sự nghiệp cùng những suy tư, trăn trở của anh.

DN: Chào anh Trúc Hồ! Anh có thể chia sẻ với độc giả Doanh Nhân về những ngày đầu định cư ở Mỹ? Tháng 8/1981, Hồ bắt đầu đặt chân lên nước Mỹ.

Thành phố đầu tiên mà Hồ tới là San Francisco. Nhà cửa, đường sá không lộng lẫy với những ngôi nhà cao chọc trời như mình hình dung về nước Mỹ trước đó. Có thể nói những ngày đầu này là khoảng thời gian tối tăm, khổ sở nhất của Hồ. Không bạn bè, không người thân, tiếng Anh cũng không biết. Lúc nào cũng thấy nhớ Việt Nam, nhớ người yêu bé nhỏ không biết đang ở nơi nào, và bài hát Dòng Sông Kỷ Niệm ra đời vào thời gian này. Lúc mới đến, Hồ được xếp vào lớp 9 của trường Fountain Valley High. Năm lớp 11, Hồ đã 18 tuổi nên không muốn dựa mãi ở nhà người bảo trợ. Sau khi để lại bức thư từ giã, Hồ đến ở với gia đình người bạn tên Đỗ Phủ. Năm sau, Hồ ghi danh đi học toán ở Community College nhưng chỉ học một thời gian ngắn thì thôi vì đó vốn không phải là đam mê cũng như nguyện vọng của mình. Hồ bắt đầu đi học piano với Dr.Gile, học phí mỗi giờ là $45, mỗi tháng Hồ phải đóng $180 tiền học nhạc. Để có đủ số tiền này, Hồ đi chùi rửa bàn bida cho 1 tiệm ở thành phố Garden Grove, đi bỏ quảng cáo cho tờ Orange County Register, mỗi tuần được $40, mỗi tháng được $160, như vậy cũng tạm ổn.

DN: Nói đến nhạc sĩ Trúc Hồ, người ta không chỉ nhắc tới những bài tình ca nổi tiếng mà còn nói tới Trung Tâm băng nhạc Asia với tầm vóc nhất nhì hải ngoại. Anh có thể cho biết nguyên nhân nào khiến anh gắn bó với trung tâm này hay không?

Hồi đầu lập nghiệp, mình đã từng đi thu cho hết trung tâm băng nhạc này đến trung tâm băng nhạc khác. Sau đó, mình nhận lời mời của nhạc sĩ Anh Bằng và ái nữ là chị Thy Vân về làm “music director” cho trung tâm ASIA. Kể từ đó, Hồ bắt đầu góp vốn làm chung với ASIA. Những ca sĩ tên tuổi như Mạnh Đình, Như Quỳnh, Lâm Nhật Tiến…được đào tạo nên từ chính trung tâm Asia này.

DN: Trúc Hồ bắt đầu bước vào làng nhạc ở hải ngoại từ bao giờ?

Lúc đầu có người rủ Hồ đi chơi nhạc, nhưng lại không đủ tiền mua đàn. Về sau Hồ chơi trong ban nhạc Chí Tài, mỗi tuần 3 đêm, mỗi đêm được $70, mỗi tháng cũng được gần $1,000. Với số tiền này, lần đầu tiên Hồ đi mở riêng một “bank account” cho mình. Học xong ba năm ở Golden West College, Hồ chuyển lên US Long Beach. Thời gian này, Hồ đờn cho ban nhạc Anh Tài, thu âm và chơi piano cho Dạ Lan, Anh Tài, thực hiện 7-8 cuốn cassette, phát hành đi nhiều nơi trên thế giới, những chỗ có nhiều người Việt sinh sống. Sau 3 năm rưỡi học hành, cuối cùng Hồ cũng ra tay không. Bỏ học, Hồ đi đàn cho ban nhạc Trung Nghĩa, thu băng cho nhạc sĩ Anh Bằng... Hễ trung tâm băng nhạc nào có thu băng là Hồ xách đờn tới.

DN: Truyền hình vốn được coi là lĩnh vực kinh doanh khá khó khăn. Động lực nào khiến một người chưa có kinh nghiệm như anh lại dám nhảy vào lĩnh vực này và có được đài truyền hình SBTN lớn mạnh như ngày nay?

Thực ra thì Hồ không phải là người có nhiều tham vọng và bản thân vốn ghét tranh đua, chỉ thích sống đơn giản. Nhưng mang tâm trạng của một người tha hương, lúc nào Hồ cũng mong muốn làm sao gìn giữ được văn hóa Việt Nam trong cộng đồng hải ngoại. Hồ nghĩ rằng, đài SBTN sẽ là chiếc cầu nối chuyển chở những mong ước ấy của Hồ cũng như góp phần mang đến một tiếng nói chung cho cộng đồng người Việt nơi xứ người. SBTN thành công được cũng là nhờ điều đó.

DN: Xin anh cho biết SBTN thành lập khi nào và mất bao lâu thì SBTN mới được như ngày nay?

SBTN được thành lập cũng như phát hành vào đầu năm 2002 với rất nhiều khó khăn. Bọn mình bắt tay vào làm truyền hình chẳng có chút kinh nghiệm gì, cứ phải học nghề dần dần. Buổi đầu anh em làm việc hay bị trễ lương, thậm chí không có lương và luôn ở trong tình trạng “vắt chân lên cổ” cho đủ chương trình để phát kín 24 giờ. Ban đầu chỉ có 1,000 máy TV gia đình bắt được băng tần của SBTN, trong khi theo tính toán thì nếu có đến 3,000 TV cũng vẫn lỗ nên tưởng SBTN phải phá sản vì hết vốn và nợ nần chồng chất. Chị Thy Vân đồng sáng lập ra đài thì bán hết cả “stock”, dốc hết cả “savings”, còn nhà Hồ thì cũng bán hết “equity” để dồn tiền vào SBTN. Lúc bi quan Hồ còn nghĩ có khi món nợ của SBTN kéo cả Trung tâm ASIA sập tiệm. Tuy nhiên, nhờ ơn trên, kể từ khi có sự cộng tác của Direct TV, gia đình nào cũng có thể bắt được băng tần của SBTN dễ dàng nên số người xem bắt đầu tăng lên đáng kể. Tính đến năm thứ 4, SBTN mới thực sự đứng vững.

DN: Thưa anh, tính đến nay có khoảng bao nhiêu người xem chương trình của SBTN?

Hiện có khoảng trên 60,000 gia đình, nếu tính trên tỉ lệ phần trăm của mỗi gia đình thì có khoảng 300,000 ngàn người xem đài SBTN DN: Có những hoài bão nào anh vẫn chưa thực hiện được? Trước đây, Hồ cũng từng làm phim, sau này không còn thời gian cho việc đó nữa. Nhưng nếu cơ hội nào đó Hồ rất muốn trở lại làm phim. Và ước muốn kế tiếp là Hồ muốn mở tiệm Phở, bán rượu đế. Đơn giản vì Hồ muốn đem văn hóa Việt Nam vào thị trường ngoại quốc

DN: Bất cứ công ty nào khi được thành lập bất luận mới hay đã có tên tuổi lâu đời đều có những lo lắng trăn trở cho sự tồn tại và phát triển của chính mình. Như vậy, đối với anh hiện nay những trăn trở của trung tâm ASIA và SBTN là gì?

Hầu hết mọi người đều biết ngoài thị trường bán rất nhiều băng đĩa thâu lậu. Những sản phẩm của trung tâm ASIA làm ra đều bị copy và làm giả, thậm chí còn bị đưa lên Internet cho download free. Đó chính là nỗi lo lắng trăn trở của Trung Tâm ASIA nói riêng và tất cả những trung tâm làm nghệ thuật để phục vụ cộng đồng nói chung. Hồ xin mượn diễn đàn Doanh Nhân ở đây để kêu gọi tha thiết những ai chưa có cơ hội qua mua băng gốc hoặc những sản phẩm chính gốc của Trung Tâm ASIA thì xin quý vị hãy đến Trung Tâm ASIA để mua. Sự quan tâm của quý vị sẽ tạo cơ hội cho Trung Tâm ASIA được tiếp tục phát hành phục vụ quý vị đồng thời phát huy và bảo tồn văn hóa, âm nhạc Việt Nam nơi xứ người. DN: Một ngày anh bận rộn rất nhiều công việc, làm sao anh có thời gian sáng tác nhạc? Sáng tác nhạc đối với Hồ là một “Reaction” tự nhiên, Hồ không cầu để viết ra nhạc. Do đó bất cứ lúc nào có những tình cảm chân thật, hoặc những sự việc xảy đến xung quanh, hay một xúc cảm nào đó bắt gặp ở bạn bè, người thân, cũng có thể cho Hồ cảm hứng để sáng tác.

DN: Tính đến nay thì anh có tổng cộng bao nhiêu “đứa con tinh thần”?

 Hồ nhớ không lầm thì có khoảng trên 100 bài.

DN: Có bao nhiêu bóng dáng của người tình (thật) xuất hiện trong tất cả những sáng tác của anh?

Đếm trong vòng 2 bàn tay (cười).

DN: Trúc Hồ có thể nói qua về những sáng tác đắc ý nhất cùng với những kỷ niệm của nó.

Bản nhạc đầu tiên của Hồ là Dòng Sông Kỷ Niệm, sáng tác ở Việt Nam, viết cho người yêu đầu tiên năm 16 tuổi. Bài hát viết dang dở thì Hồ vượt biên, sang đến Mỹ, trong thời gian đầu, buồn quá lại đem ra viết tiếp, hoàn tất, gởi về lại xóm cũ. Trái Tim Mùa Đông viết trong tâm trạng buồn nản, ảnh hưởng cuốn phim “Un Coeur d' Hiver” khi Hồ yêu âm thầm một người người con gái. Đời Hồ quá lận đận, anh nghĩ coi, Hồ thi vào lớp 6 trung học rớt, vào lớp 9 cũng rớt, thi vào Quốc Gia Âm nhạc trước 75 không xong, sau 75 vào QGAN cũng không đậu. Cái câu “suốt đời anh vẫn là người đến sau” mô tả tâm trạng “trái tim mùa đông” của Hồ. Em Đã Quên Một Dòng Sông đoạn đầu viết cho một người con gái bên này và phần sau viết cho một người con gái bên kia, coi như đoạn kết của Dòng Sông Kỷ Niệm khi người yêu đầu tiên đi lấy chồng. Sau này, theo thời gian, thực tình Hồ đã lớn mạnh hơn, từ những câu chuyện của một dòng sông nhỏ cá nhân, riêng tư, Hồ đã gặp một dòng sông khác mạnh mẽ hơn là Trầm Tử Thiêng, để cùng nhau đổ ra biển với những tình yêu lớn hơn, cao thượng hơn, đó là tình yêu đồng loại, yêu đất nước và quê hương đang còn khổ đau. Đó là Bước Chân Việt Nam, Bên Em Đang Có Ta. Hồ muốn cám ơn những người chiến sĩ vô danh, nhờ sự hy sinh của họ mà Hồ có mặt hôm nay tại xứ tự do, nên khi sửa soạn cho cuốn băng Tình Khúc Thời Chinh Chiến, trên đường lái xe về nhà Hồ cứ lẩm bẩm điệp khúc “Cám Ơn Anh, Cám Ơn Anh, người lính vô danh”, sau đó viết trở lại đoạn đầu. Hồ ít khi gẫy đờn mà sáng tác, phần lớn trong khi đang lái xe, những dòng nhạc thành hình trong trí óc Hồ.

DN: Anh có thể"bật mí" vài điều về chuyện tình cảm? Anh đã lập gia đình chưa?

Hồi ở với gia đình cô Hà Thanh, Đỗ Phủ, Hồ muốn đi học nhạc mà không có đờn, Hồ phải lui tới mượn đờn organ ở ca đoàn nhà thờ Huntington Beach. Tới thư viện, Hồ gặp một cô bé người Huế ở đây mà linh tính cho Hồ biết rằng đó là người vợ tương lai của mình. Đó là Nguyễn Khoa Diệu Quyên như anh em đã biết. Năm 1990, Hồ lập gia đình, và bây giờ đã có hai cháu trai, một 13 và một 8 tuổi. Hiện nay Hồ sống sum họp cùng đại gia đình dưới một mái nhà, cùng bố mẹ, vợ con và hai đứa em ở thành phố Garden Grove thuộc Little Saigon.

DN: Anh có lời nào muốn nhắn gởi đến các bạn trẻ không?

Hồ chỉ muốn nhắn với các bạn trẻ rằng, thành công đối với Hồ là cần phải có may mắn nhưng may mắn chỉ đến với những người cố gắng và làm hết sức mình. Sau cùng, Hồ xin cảm ơn tạp chí Doanh Nhân đã dành cho Hồ cơ hội quí báu này để tâm tình với Quí vị độc giả khắp nơi. Hồ cũng xin chân thành cảm tạ Quí vị khán giả đã thương mến Trung Tâm Asia và SBTN, đã nhiệt tình ủng hộ trong suốt những năm tháng qua. Hồ sẽ cố gắng nhiều hơn để phát huy và làm cho Trung Tâm Asia, chương trình SBTN mỗi ngày càng phong phú để phục vụ quí vị khán thính giả khắp nơi.

DN: Thay mặt cho tạp chí Doanh Nhân, xin cám ơn anh đã góp phần chia sẻ những kinh nghiệm quí báu. Kính chúc anh và gia đình luôn hạnh phúc, tiếp tục gặt hái những thành quả trong sự nghiệp, sáng tác thêm nhiều bài tình ca bất hủ.

 

» Related Articles: