SUNIL MITTAL TỈ PHÚ LẬP DỊ Posts by : STEVE THAI

   Sunil Mittal đã xây dựng nên đế chế viễn thông ở Ấn Độ bằng con đường Outsourcing ngược đời: chuyển hoạt động quản lý mạng cho các đối tác nước ngoài

   Năm 2003, Bharti Tele-Ventures (hiện nay là Bharti Airtel), công ty cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất Ấn Độ, phải khá chật vật mới chiếm được vị trí dẫn đầu trước sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn như Tata và Reliance. Đây tưởng chừng là thách thức mà Sunil B. Mittal, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Bhrati Enterprises (công ty mẹ của Bhrati Airtel), không thể vượt qua.

   Thế nhưng, vài năm sau, Bhrati Airtel vẫn tiếp tục duy trì vị trí số một tại Ấn Độ. Và Sunil Mittal, 49 tuổi, được xếp thứ 125 trong danh sách 100 người giàu nhất thế giới năm 2006 của tạp chí Forbes với giá trị tài sản ước tính 4,9 tỉ đôla.

   Outsourcing ngược đời
   Sunil Mittal đã áp dụng mô hình outsourcing có một không hai tại Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ là tâm điểm nhận outsourcing từ các tập đoàn đa quốc gia thì Mittal làm ngược lại: thuê các đối tác nước ngoài quản lý hoạt động mạng cho Bharti. Mittal cho biết, với kinh nghiệm và hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, các tập đoàn Âu Mỹ hoàn toàn có thể giúp Bharti đưa mạng cầm tay phủ khắp nước, thông qua các chi nhánh của họ tại Ấn Độ.

   Năm 2004, Mittal ký hợp đồng outsourcing trị giá 400 triệu đôla với các hãng Ericsson (Thụy Điển), Siemens (Đức) và Nokia (Phần Lan). Theo đó, việc quản lý mạng điện thoại sẽ được giao cho các đối tác châu Âu, giúp Bharti tiết kiệm chi phí đầu tư và bảo dưỡng thiết bị. Bằng cách outsourcing các hoạt động kỹ thuật cho các đối tác nhiều kinh nghiệm, Mittal đã thành công trong việc đưa cước phí điện thoại xuống chưa đầy 2 cent/phút. Đổi lại, Bharti phải trả cho các đối tác mức phí dựa trên lượng khách hàng và chất lượng dịch vụ mà các hãng này cung cấp.

   Ngoài hoạt động kinh doanh sinh lợi, Bharti còn chuyển các công nghệ phục vụ cho việc điều hành doanh nghiệp ra bên ngoài. Mittal ký hợp đồng thời hạn 10 năm trị giá 750 triệu đôla với IBM, chuyển cho IBM hầu hết các công đoạn quản lý nội bộ của Bharti như tính hóa đơn, quản lý tài khoản khách hàng, mạng internet nội bộ...

   Viêc chuyển giao các công đoạn quản lý này ra bên ngoài cho phép Bharti tập trung nguồn lực vào các hoạt động cơ bản là marketing, nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Hiện Bharti đạt tốc độ đăng ký thuê bao 1,5 triệu người mỗi tháng thông qua hàng trăm ngàn đại lý Bharti Airtel trên cả nước. Các chuyên gia công nghệ của Mittal trước đây luôn phải xoay xở để bắt kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường, nay chỉ tập trung vào nghiên cứu và phát triển nhằm đa dạng hóa dịch vụ để cung cấp cho khách hàng.

   Niềm hứng thú của Mittal trong việc hợp tác với nước ngoài quả là rất khác người ở Ấn Độ, một đất nước mà kể từ khi giành được độc lập từ tay người Anh cách đây 60 năm vẫn luôn đề cao cảnh giác trước sự can thiệp của nước ngoài. Đối với Mittal, hợp tác với nước ngoài là cốt lõi trong tầm nhìn của một nhà doanh nghiệp hiện đại. Ông là người đi đầu trong việc kêu gọi chính phủ Ấn Độ nâng tỉ lệ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông từ 49% lên 74%. Năm 1999, Mittal gây sốc cho giới kinh doanh Ấn Độ khi bán 18%  cổ phần trong Bharti cho Warburg Pincus với giá 294 triệu đôla. SingTel, Công ty viễn thông quốc gia Singapore cũng nắm giữ 31% trong Bharti Airtel, trong khi Vodafone (Anh) mua 10% cổ phần vào năm 2005.

   Không đầu hàng trước thử thách
   Năm 1976, sau khi khi tốt nghiệp Đại học Punjab ở tuổi 18, Mittal thành lập Bharti với $1.500 mượn từ bố. Đầu tiên, ông sản xuất trục quay cung cấp cho các nhà sản xuất xe đạp trong nước. Chỉ trong 3 năm, ông đã thành lập thêm hai nhà máy sản xuất chỉ và tấm thép không gỉ dùng trong y khoa.
   Khi hai nhà máy đã hoạt động ổn định cũng là lúc Mittal quyết định bán lại để tìm cơ hội kinh doanh mới. Từ 
một ông chủ, Mittal chuyển đến Mumbai để làm nhà buôn rày đây mai đó. Theo những chuyến tàu, ông đi khắp Ấn Độ tìm kiếm khách hàng cho sản phẩm thép không gỉ, đồng thau, nhựa và khóa kéo nhập cảng.

   Năm 1982, cơ hội làm giàu đã đến khi ông nhận làm đại lý độc quyền phân phối sản phẩm máy phát điện tại Ấn Độ cho Suzuki Motors (Nhật). Chỉ hai năm sau, ông đã thiết lập mạng lưới phân phối khắp cả nước với các văn phòng tại 4 thành phố lớn. Nhưng rồi thời kỳ khấm khá cũng qua đi khi vào năm 1984, giới chức Ấn Độ cấp giấy phép sản xuất máy phát điện cho Sriram và Biria, hai trong số tấp đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ. Và việc nhập khẩu máy phát điện lập tức bị cấm.

   Mất ưu thế trong nước, Mittal quyết định ra nước ngoài tìm cơ hội mới. Tại một hội chợ thương mại ở Đài Loan, ông tìm ra công cụ hái ra tiền mới đó là điện thoại bấm số (thời đó, người Ấn còn dùng điện thoại quay số) và nhanh chóng ký hợp đồng với nhà cung cấp. Tuy nhiên, không lâu sau, Chính phủ Ấn Độ lại quyết định cấp phép cho hơn 52 công ty trong nước sản xuất điện thoại bấm số. Nhưng Mittal đã nhanh chóng đa dạng hóa sản phẩm như sản xuất thêm điện thoại không dây, máy fax, nhờ đó vẫn đảm bảo kinh doanh tốt.

   Năm 1992, Mittal đứng trước một cơ hội lớn. Sự khủng hoảng trong cán cân thanh toán năm 1991 đã buộc chính phủ phải nới lỏng luật lệ và mở cửa thị trường Ấn Độ. Một trong những nỗ lực của Ấn Độ là mời thầu mạng điện thoại cầm tay đầu tiên của nước này và Tập đoàn Bharti đã giành được quyền khai thác tại 4 thành phố lớn nhất. Thế nhưng, hai năm tiếp theo, sau một loạt tranh chấp pháp lý với các đối thủ, Mittal chỉ còn được giữ quyền kinh doanh dịch vụ điện thoại cầm tay tại một thành phố là Delhi.

   Khi chính phủ tiếp tục mời thầu mạng điện thoại cầm tay tại các thành phố khác, Mittal không chạy theo giá thầu cao ngất ngưỡng của các đối thủ mà đứng bên lề chờ thời cơ. Sau khi các công ty phá sản do giá đấu thầu và chi phí bỏ ra quá lớn, Mittal mới nhảy vào mua lại với giá rẻ.

   Năm 2002, khi các đối thủ cỡ bự bước vào thị trường, cổ phiếu của Bharti giảm mạnh. Thời điểm đó, hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng Bharti đã hết thời. Thế nhưng nhờ tính chuyên nghiệp và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại mà Mittal đã chuyển ra cho các đối tác nước ngoài thực hiện, Bharti có thể tập trung vào các hoạt động trọng tâm và đã tiếp tục tăng trưởng bền vững. Đến nay, Bharti vẫn duy trì được vị trí số một tại thị trường điện thoại cầm tay Ấn Độ.

   Bắt tay Wal-Mart tấn công thị trường bán lẻ
   Hiện Mittal đang nuôi tham vọng trở thành người tiên phong trong cuộc cách mạng thứ hai ở Ấn Độ: cách mạng bán lẻ. Ông cho biết: "Nhiều năm trước, tôi may mắn nắm được ơ hội ngành viễn thông. Nay cơ hội thứ hai đã đến, đó chính là ngành bán lẻ. Tôi tin rằng, chính ngành bán lẻ sẽ làm thay đổi bộ mắt Ấn Độ".

   Tháng11/2006, Mittal đã bắt tay với Wal-Mart. Theo tính toán của KSA Technopak, công ty tư vấn có tiếng của Ấn Độ, doanh thu từ liên doanh này dự kiến đạt 637 tỉ đôla vào năm 2015. lúc này, thị trường Ấn Độ đang chiếm lĩng bởi hàng triệu cửa hàng nhỏ lẻ, quản lý kiểu gia đình. Hệ thống vận chuyển lỗi thời, qua nhiều tầng lớp trung gian càng khiến cho ngành bán lẻ khó lòng phủ được đất ước rộng lớn này.

   Trong khi đó, theo luật pháp Ấn Độ thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh bán sỉ. Bharti và Wal-Mart đã tìm ra con đường riêng bằng cách thành lập liên doanh đẩy mạnh các hoạt động mà nhà đầu tư nước ngoài được phép bao gồm bán sỉ, hậu cần, quản lý hệ thống cung ứng và phân phối. Và một công ty riêng của Bharti sẽ điều hành các cửa hàng cung cấp hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng Ấn Độ dưới nhãn hiệu Wal-Mart.

   Với sự góp mặt của cá đối thủ tầm cỡ có mặt từ lâu trên thị trường như Reliance, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Nhưng dường như không thách thức nào có thể ngăn cản con người thích chinh phục như Sunil B. Mittal. Giáo sư Ajit Rangnekar, Hiệu phó trường Indian School of Business tại Hyderabad, nhận định: "Đây là thời của những người nuôi tham vọng lớn và có khả năng biến nó thành hiện thực. Sunil Mittal là một trong số đó".

» Related Articles: