NHỮNG MÓN ĂN DÂN GIAN VIỆT NAM Posts by : STEVE THAI

Cơm hến 
   Cơm hến là món ăn bình dân đầy  ấn tượng của Huế. Những con hến  nhỏ ở cồn hến (Vỹ Dạ) luộc chín, bỏ  vỏ lấy nhân - có người gọi là
mặt hến  - bé tí xíu, là vị chính của cơm hến,  phụ gia là ruốc mặn mà, ớt cay sè,  mè đậu thơm phức, tóp mỡ béo  ngậy, rau sống là tổng hợp những  khế chua, chuối cây, bạc hà, giá, rau  thơm tươi ngon hấp dẫn.  Cách dọn cơm hến như trò chơi  buôn bán của trẻ con, mỗi thứ một ít  đủ màu sắc, tất cả cho vào tô, chan  nước hến trắng đục, ăn rất ngon.  Nấu cơm hến đơn giản, vật liệu rẻ  tiền nhưng lại vô cùng công phu bởi nhiều gia vị linh tinh nên đòi hỏi  người phụ nữ phải chịu khó. Đây là  món ăn của nhà nghèo nhưng lắm  người giàu sang khoái khẩu. Thì ra,  thức ăn hợp khẩu vị quan trọng hơn  sự phân biệt rẻ, đắt.  Tới Huế đừng quên nghỉ chân ở  đường Trương Định để thưởng thức  món cơm hến thơm ngon và cay ríu  cả lưỡi. Một địa điểm khác cũng không kém phần nổi tiếng là Cồn  Hến (Vỹ Dạ) dù xa hơn một chút  nhưng vẫn được du khách sành ẩm  thực tìm đến.  

 

Cơm âm phủ:  
        Cơm âm phủ còn có tên gọi là  cơm thịt nướng hay cơm trộn. Cơm  âm phủ là món ăn bữa chính, nhiều  sắc màu ngon mắt, gồm một dĩa  cơm trắng, rắc thêm ít tôm chấy  hồng ngon ngọt, một vài lát thịt  nướng mặn mà thơm nức lòng, dưa  gang bóp chua ngọt, nước mắm ớt  chanh tỏi cay cay, trộn đều, ăn  "ngậm mà nghe" theo kiểu nói của  các mệ Huế.  Tên gọi “âm phủ” cũng có xuất xứ  của nó. Các bậc tiền bối vào hàng  bảy tám mươi tuổi ở Huế cho biết  cơm âm phủ là cách nói chơi, nói chữ  của những người Huế xưa kia chỉ về  món cơm bán gánh ở khu vực “bên  sân vận động” - lúc ấy còn đầy rẫy  bờ bụi, lau lách, gò mả. Đường sá,  trục lộ chỉ được trải đất đá mấp mô,  đèn đường chưa có. Ban đêm, dân  chúng hay lính tuần đi lại muốn soi  đường phải dùng ngọn đèn dầu nhỏ  hay cái đèn lồng cầm trên tay hoặc  treo một đầu quang gánh. 
 Ở chính khu vực này hay tập  trung những hàng gánh bán rong  các món ăn bình dân mà đặc biệt  nổi bật là món cơm ăn kèm thịt  nướng, chả… cắt nhỏ mà người ta  hay gọi là cơm thịt nướng hay cơm  trộn - cái tên này cho đến bây giờ,  vẫn là tên gọi đúng của món ăn -  chuyên phục vụ giới khách thương,  dân sông hồ, thợ thầy lao động… từ  khoảng chập choạng tối cho đến  thật khuya. Mỗi hàng gánh này đều  có treo một hoặc hai ngọn đèn dầu  hay đèn lồng để cho dù đi lui, đi tới  hay ngồi yên tại chỗ đều tạo thành  những đốm lửa chập chờn, khi mờ  khi tỏ. Thêm nữa, rải rác trong bóng  đêm dày đặc là những ánh lửa đỏ lừ  của những nén nhang cúng vong,  cúng tà, đốt vía…mà người dân Huế  có tục lệ cứ chiều tối xuống là hay  đốt lên khá nhiều rồi cắm la liệt  ngoài thềm cửa trước nhà, ven hàng  rào, ven ngõ, góc tường…và cắm cả  một bên quang gánh, gọi là đốt  phong long khi ế khách. Bối cảnh  âm u còn được "trang sức " thêm  bằng những chấm sáng lạnh lẽo  chập chờn bay lên bay xuống của  những bầy đom đóm. Còn thực  khách, thường là không nhiều, mặt  mày mờ ảo, lui cui ngồi ăn lặng lẽ  trong bóng đêm dày đặc. Cảnh  giống cõi âm thì cơm sao không phải  “cơm âm phủ”.  Tên gọi “cơm âm phu” bắt nguồn  từ đó. Hiện nay, ở Huế, những con  đường đã trải nhựa, quán xá mọc lên  thay cho những gánh hàng. Trên  các biển hiệu, người ta không thấy  đề “cơm âm phủ”, nhưng hỏi ra ai  cũng biết.  

Cơm muối Huế 
         Các nhà ẩm thực đã không biết  xếp món cơm muối Huế vào danh  mục các món ăn cung đình hay dân  dã vì nó đã được cả vua chúa lẫn
 thường dân ưa thích. Dù thế nào thì  món ăn này cũng được thực hiện  một cách cầu kỳ, khá công phu.  Gạo là phải gạo thơm, dẻo; phơi  cho thật khô. Nước nấu cơm phải là  nước mưa, tệ lắm cũng là nước múc  giữa dòng sông Hương trong vắt.  Nhưng quan trọng nhất là muối phải  được chế biến thành những món đặc  biệt đầy hương vị và màu sắc.  Muối trong món ăn này là muối  sống, hạt lớn, có góc cạnh - dùng để  muối cá, muối dưa. Cho muối vào  om đất đã được đun nóng để rang.  Dùng bẹ chuối đảo đều, những hạt  muối sống nổ lách tách trong om, vỡ  mịn màng. Mùi tanh của muối sống theo hơi nóng bay đi, thay vào đó là mùi thơm của muối chín. Sau đó muối được trộn thêm gia vị để có nhiều món muối cho ta bức họa đầy hương sắc: cay, chua, ngọt, mặn, béo, bùi của trần gian : Đĩa muối trắng ngà thơm lựng là muối om tỏi. Đĩa muối có màu vàng sậm là muối om riềng. Đĩa muối có màu đen trắng là muối om tiêu. Đĩa muối có màu đen trắng vừa ươn ướt đó là đĩa muối tiêu chanh. Đĩa muối có màu vàng mơ là muối om trộn đậu phộng giã mịn. Với trái dầu lai rang vàng trở thành muối dầu lai béo bùi. Muối trộn với mè, mè nhiều hơn muối là muối mè. Muối trộn với con khuyết gọi là muối khuyết. Muối trộn với ớt chín cho ta dĩa muối màu đỏ tươi, hấp dẫn. 


Muối trở thành màu xanh khi trộn chung với khế. Muối có sắc huyền đen của vừng đen vừa béo vừa bổ. Với củ sả bằm nhỏ, ruốc và thịt heo sẽ cho ta muối sả ăn ngon đến nhức răng. Trong các loại muối này, muối sả là thứ cao cấp vì có thịt heo hoặc thịt bò.Món này khi rang vàng, để nguội, cho vào keo, ăn dần, ngon nhất là những ngày mưa, lạnh. Muối sả không những ngon vì mùi thơm của sả, vị ngọt béo của thịt mỡ, hương vị đậm đà của ruốc, vị mặn mòi của muối còn thấm thía tình yêu cha mẹ, hoặc vợ hiền trong những phút giây chăm chút chế biến. Ngày nay cơm muối Huế đang được một vài nhà hàng lớn ở Huế thực hiện để phục vụ khách phương xa cái món ăn độc đáo, đòi hỏi bàn tay nội trợ tài hoa, đã có từ thời xa xưa. Thời Huế còn là kinh đô Đại Việt, các "mệ" (chỉ người trong hoàng tộc), các quan triều đình thường thết khách sang, khách quý bằng cơm muối để thể hiện lòng quý trọng của mình. 

Nem nướng Cần Thơ:
        Cách đây khoảng 40 năm, Cái Răng (Cần Thơ) và Thủ Đức (Sài Gòn) là hai nơi nổi tiếng với món nem mà đặc biệt là nem nướng. Nhờ nằm
ở ngoại ô nên khách đến ăn ngoài việc tận hưởng hương vị độc đáo của món ngon, vừa đón nhận không khí trong lành của những thị trấn còn mang dáng dấp miệt vườn. Để làm nem nướng, phải chọn nạc heo vừa mới xả thịt còn bốc hơi nóng. Thịt thấm sạch máu bằng khăn the hoặc giấy xốp, rồi lạng bỏ gân, bầy nhầy. Dùng que nhỏ, nhọn xăm đều miếng thịt để máu tươm ra, thấm khăn the lượt nữa cho thật sạch (nếu là thịt phi-lê thì khỏi qua công đoạn này) rồi xắt lát mỏng ướp tỏi nướng vàng, tỏi tươi băm nhỏ, nước mắm ngon cô đặc, bột ngọt... 


Khoảng nửa giờ sau, gia vị thấm đều, cho thịt vào cối quết, thêm chút đường và tiêu xay. Khi thịt quết chuyển màu trắng, dẻo, quấn đầu chày, người ta vo viên xiên vào que, đem nướng trên lửa than cháy yếu đến khi thịt chín vàng đều thì thoa mỡ hành. Cũng như một vài món ăn khác, người Nam Bộ ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Nem nướng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, khế... hơn bao giờ hết, và nó lại càng cần một món ăn kèm khác là bánh hỏi. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem, phải là tay sành mới gói thật điệu nghệ sao cho nem nướng, rau thơm, xà lách, dưa chua, bánh hỏi nằm đều, suôn, thon vừa, gọn thành một cuốn đẹp mắt. Cuốn bánh chấm nước mắm tỏi chanh đường hay tương nếp. Tuy là một món đơn giản, nhưng công phu pha chế không phải ai cũng làm được. Về sau, người ta ưa dùng tương xay thay loại nước chấm truyền thống này. Cũng như nước mắm chanh đường, tương xay được pha chế theo một công thức gia truyền. Chính thứ nước chấm này quyết định sự ngon lành của món ăn. 

 

 

» Related Articles: