THÚ UỐNG RƯỢU VANG Posts by : STEVE THAI

   Rượu vang từ bao nhiêu ngàn năm qua vẫn được coi là một món quà tuyệt hảo và quý giá mà Thượng Đế tặng cho nhân loại. Quý nhất là ở chỗ nó có thể được thưởng thức bằng tất cả 5 giác quan bén nhạy của con người. 

   Trước hết là thị giác. Rượu vang vừa rót ra ly đã phô bày trước mắt ta cái màu sắc óng ả của nó, dù đó là màu đỏ hồng của Pinot Noir, màu đỏ đậm của Cabernet Sauvignon, màu ngà phơn phớt của Chardonnay, hay màu vàng hổ phách của vùng Sauternes. Đó là màu áo của rượu, “la robe du vin”.

   Bạn hãy nhìn ngắm cái màu áo đó trước khi nhẹ nhàng khoắng ly rượu mấy vòng để cho khứu giác thưởng thức mùi hương thơm ngào ngạt tỏa lên. Ngẫm nghĩ kỹ bạn sẽ thấy mùi hương dường như có tiềm ẩn cả một bó hoa đồng cỏ nội. Thoảng một chút mùi hoa sim tím, xen lẫn với mùi hoa anh đào, hoa tầm xuân, hoa cam, hoa bưởi, mùi rơm mới cắt, mùi cỏ tóc tiên, tùy theo từng loại nho và từng vùng địa chất nơi cây nho mọc lên. Lạ lắm cơ. 
   Rồi bây giờ mới đến phần cốt cán là phần vị giác. Nhắp thử một ngụm rượu đi bạn. Nếu là rượu ngon thì cảm nhận đầu tiên phải là vị đậm đà đằm thắm nơi đầu lưỡi. Nó phải cho bạn cái cảm tưởng đầy đặn nồng nàn như khi ta ôm người yêu trong tay. Đó là thân mình của rượu, "le corps du vin". Rượu ngon phải là một sự tổng hợp hài hoà của nhiều vị khác nhau, bổ túc nâng đỡ lẫn cho nhau. Nó phải gồm có vị chua lẫn với vị ngọt của nước nho, vị chát của vỏ nho, vị hơi đăng đắng của cuống nho, vị nồng của men rượu, vị mát dịu như vanilla của gỗ sồi. Tất cả hoà hợp lại với nhau như nhiều thứ nhạc khí trong một dàn nhạc đại hòa tấu vậy. 

   Thế còn thính giác nữa, cũng phải để cho tai thưởng thức với chứ. Có lẽ vì vậy mà người ta thường uống rượu vang bằng những ly thủy tinh, và nếu được ly pha lê cỡ như Riedel thì nhất. Uống rượu nho bằng ly pha lê thì đúng là “bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi”. Hãy cụng ly đi bạn. Cụng nhẹ thôi nhé. Bạn sẽ nghe thấy những âm thanh trong vắt của pha lê, leeng keeng như tiếng chuông vàng. Hoặc nói theo Nguyễn Du thì “nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Cái âm thanh vui tai này làm cho những buổi lễ mừng, những bữa tiệc vui, những dịp tao phùng hội ngộ càng thêm phần thích thú khi người ta nâng ly chúc tụng nhau.

   Ồ, vậy còn xúc giác thì sao? Chúng ta đâu có sờ mó được rượu vang? Có chứ bạn, khi cầm ly rượu trong tay, dù đó là ly chân cao bầu tròn để uống rượu đỏ, ly bầu dài dáng thanh để uống rượu trắng, hay ly búp thon miệng nhỏ để uống Champagne, ta vẫn có cảm tưởng như xúc giác của ta đang được mơn trớn chất rượu ở bên trong. Ấy là chưa kể khi chúng ta cầm ly Cognac (Cognac được cất từ rượu vang) vào một buổi tối mùa Đông bên lò sưởi, chất rượu trong ly cứ ấm dần lên do nhiệt độ từ lòng bàn tay ta truyền sang, thì đó chẳng phải là một khoái cảm cho xúc giác hay sao?

   Có nhiều người hỏi tôi: "Nghe nói muốn thưởng thức rượu vang cho đến nơi đến chốn cũng cần phải mất nhiều công phu nghiên cứu và tiêu tốn khá nhiều tiền bạc, phải không ông?" Không có đâu bạn. Ai nói vậy là họ muốn hù bạn đấy. Chỉ cần có một ít kiến thức cơ bản về rượu vang, chẳng hạn như mấy thứ nho chính để làm ra rượu, một vài loại rượu chủ yếu, dăm ba vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất trên thế giới, loại rượu nào nên uống với những món ăn nào, v.v... là đã đủ để bạn có thể thưởng thức trọn vẹn món quà qúy giá này của Thượng Đế.

   Điều mà tôi hy vọng lần lượt cung hiến các bạn qua cột báo này là những kiến thức cần thiết đó, được trình bày một cách ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, để bạn có thể lưu giữ mãi trong ký ức và đem ra ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. 

   Trong phạm vi kỳ báo này, tôi xin được đề cập đến các thứ nho thông thường nhất mà người ta dùng để làm rượu. Trên thế giới, có tới hơn 4000 loại nho khả dĩ làm ra rượu, nhưng hôm nay chúng ta chỉ bàn đến 6 loại nổi tiếng nhất, 3 trắng và 3 đỏ. Chỉ riêng 6 loại đó thôi cũng đã sản xuất ra đến hơn 80% tổng số rượu vang trên trái đất này. Nhưng đọc mới chỉ được phần lý thuyết, và lý thuyết mà không có thực hành thì chỉ hoài công thôi. Bạn cần phải nếm thử mới biết được những đặc điểm của từng loại. Bởi vậy, sau khi mô tả những đặc điểm của mỗi loại nho, tôi sẽ nêu ra chừng vài ba chai rượu làm bằng loại nho đó để bạn mua về uống thử và tự mình chiêm nghiệm.

   Nhưng trước khi đi vào chi tiết, ta cũng cần nói thêm 2 điểm đáng ghi nhớ:

   Thứ nhất là phần lớn rượu vang sản xuất tại Mỹ, Úc, và các nuớc ở Tây bán cầu đều được mang nhãn hiệu dựa theo tên của loại nho. Thí dụ rượu vang California làm bằng nho Chardonnay phần lớn được đặt tên một cách giản dị là Chardonnay, làm bằng nho Merlot thì gọi luôn chai rượu là Merlot (cộng với tên của nhà sản xuất ở phiá dưới, thí dụ Robert Mondavi hay Beringer) cho dễ nhận biết. Trong khi đó ở Pháp, Ý và phần lớn các nưóc Âu châu, người ta không coi loại nho là quan trọng, nhưng lại chú ý nhiều hơn đến danh tiếng của nhà làm rượu và mảnh đất mà từ đó cây nho mọc lên. Bởi vậy chai rượu mới được đặt những cái tên như Chateau Margaux, Gevrey-Chambertin hay Chianti, Brunello di Montalcino, mà không hề nói đến loại nho.

   Điểm thứ hai là rượu vang trên khắp hoàn cầu rất hiếm khi được làm từ 1 thứ nho duy nhất. Thường thì các nhà làm rượu phải trộn nhiều loại nho vào với nhau theo một tỷ lệ nào đó để tạo ra những đặc điểm riêng cho mình. Ít thì vài ba loại như ở vùng Napa Valley, nhiều thì có thể trộn đến 13 thứ nho như ở vùng Chateauneuf-du-Pape. Nhưng ở Tân thế giới, tức là các nước tại Mỹ châu, Úc châu, người ta thường lựa một loại nho nào đó làm chủ lực, tức là chiếm từ 70% trở lên, và dùng nó làm tên gọi cho chai rượu như đã nói trên.

   CABERNET SAUVIGNON: Đây có lẽ là loại nho quan trọng nhất và cũng được biết đến nhiều nhất vì nó là thành phần chính trong những chai rượu đỏ được xếp vào hàng thượng thặng của vùng Bordeaux. Đồng thời nó cũng là loại nho được các nhà sản xuất rượu vang của Mỹ, đặc biệt là trong vùng Napa và Sonoma ở California, ưa dùng nhất để làm ra những chai rượu danh tiếng mà phẩm chất không thua bất cứ loại rượu nào của bất cứ nước nào khác. Cabernet Sauvigon trái nhỏ, vỏ dày, mà khi được làm thành rượu thì có mùi vị đặm đà giống như mùi sim tím (blue berries), mùi chocolat đen (dark chocolate), mùi hộp gỗ đựng xì-gà (cigar boxes). Đặc tính của nó là nồng nàn (heady), đậm đà (full-bodied), nên được coi là xương sống giữ cho những chai rượu qúy như Chateau Lafitte Rothschild để lâu được đến trên trăm năm mà không hỏng, càng để lâu lại càng ngon. Nhưng khi còn trẻ thì nó hơi gắt (harsh), và chát (tannic), nên khó uống. 

   Loại thông thường cũng phải đợi ít ra là vài ba năm, loại có hạng thì từ 10 năm trở lên mới uống được.

   MERLOT: Đây cũng là thứ nho rất thông dụng ở nhiều nơi trên thế giới và chiếm phần chủ yếu trong các chai rượu đỏ đắt tiền nhất, thí dụ như Chateau Pétrus của Pháp, mà giá bán có thể xấp xỉ $1,000. Nho Merlot có mùi vị giống như trái anh đào (cherries), sim đen (black berries), dâu đỏ (strawberries). Đặc điểm của nó là dịu dàng (soft), tròn trĩnh (plump), mau chín mùi (early maturing), khiến cho người ta mềm môi dễ uống. Rượu Merlot thì chỉ sau ba bốn năm là đã bắt đầu uống được rồi, nhưng nếu là rượu tốt cỡ như Chateau Petrus thì có thể để lâu được cả thế kỷ uống vẫn ngon. 

   PINOT NOIR: Loại nho này làm ra hầu hết rượu đỏ danh tiếng nhất ở vùng Bourgogne và một phần lớn rượu Champagne của Pháp. Trong những năm gần đây, rượu Pinot Noir của Mỹ, đặc biệt là trong vùng Napa Valley của California và Willamette Valley của Oreagon, cũng có phẩm chất xuất sắc và cá tính nổi bật của nó. Hương vị của nho Pinot Noir vừa mượt mà như nhung lụa (silky) lại vừa có mùi thơm thanh nhã quyến rũ (elegant, seductive) như son phấn đàn bà. Ở những chai thượng thặng của vùng Bourgogne như Le Chambertin hay Romanée-Conti chẳng hạn, nho Pinot Noir biến thành một thứ rượu tuyệt hảo mà, theo ý tôi, không một loại nào khác trên trái đất này có thể sánh kịp.

   CHARDONNAY: Phần lớn những chai rượu vang trắng nổi tiếng nhất - và dĩ nhiên cũng đắt tiền nhất - như Le Montrachet hay Corton Charlemagne của Pháp đều được làm bằng nho Chardonnay. Nhưng ở nhiều nước khác như Mỹ, Úc, Chilê, Chardonnay còn cho ta một loạt những thứ rượu ngon với nhiều giá cả khác nhau, cỡ từ 10 đồng cho đến 30 đồng. Đó là vì nó có khả năng thích ứng dễ dàng với mỗi vùng đất và tạo ra rượu trắng với nhiều đặc điểm nổi bật, tùy theo thủy thổ và phương thức của nhà sản xuất. Chardonnay của Pháp có tính chất thanh nhã (great purity) nhẹ nhàng (supple), tế nhị (delicate), còn Chardonnay của Mỹ được nổi tiếng là đậm đà (full-bodied), nồng nàn (heady), ngậy mùi bơ (buttery) và tươi mát như nước trái cây (fresh, fruity). 

   SAUVIGNON BLANC: Đây là loại nho có thể cạnh tranh ngang ngửa với Chardonnay trong lãnh vực rượu trắng. Hầu hết những chai vang trắng ngon nhất của vùng Bordeaux và vùng Loire của Pháp đều được làm bằng Sauvigon Blanc. Khi đem ra ngoài nước Pháp và trồng ở những nơi có thủy thổ thích hợp, thí dụ như vùng bờ biển nhiều sương mù gọi là Cloudy Bay của Tân Tây Lan, Sauvignon Blanc lại phát triển ra những mùi vị đặc sắc, phản ảnh thành phần địa chất của vùng đất nơi nó được trồng. Sauvignon Blanc có mùi hương ngào ngạt như hoa chanh hoa bưởi, và có nhiều vị khác nhau tùy theo phương pháp của nhà làm rượu, đi từ chỗ ngọt ngào dịu nhẹ (soft, slightly sweet) cho đến chỗ cứng cáp nồng nàn (dry, intense).

   RIESLING: Từ hàng ngàn năm nay, nho Riesling vẫn là thành phần chủ chốt trong một số lớn những chai rượu trắng của vùng lưu vực sông Rhine ở Đức và vùng Alsace ở Pháp. Và vì những đặc tính hấp dẫn của nó đối với người tiêu thụ nên Riesling đang được trồng ngày càng nhiều hơn ở Mỹ châu cũng như Úc và Tân Tây Lan. Vào những ngày hè nóng nực thì một ly rượu trắng ướp lạnh làm bằng nho Riesling thơm phức là một thứ giải khát tuyệt hảo. Và ngay cả trong mùa Đông lạnh lẽo, Riesling cũng là một thứ rượu khai vị rất thích thú trước khi ta ngồi vào bàn ăn buổi tối. Rượu Riesling có mùi hương tươi mát của trái táo xanh, có vị hơi chua lại hơi chát của hạt lựu, lẫn với chút ngọt ngào của nước cam tươi.

   Trên đây là mấy loại nho chính mà chúng ta cần ghi nhớ để có thể phân biệt mùi vị và cá tính của mỗi loại khi nếm rượu, để rồi từ từ ta sẽ đạt tới mức biết được những thứ rượu nào, làm bằng loại nho gì, là thích hợp với khẩu vị của mình nhất.

 Lê Văn
Certified Specialist of Wine
www.levanwineclub.com

» Related Articles: