ĂN BÁNH TRUNG THU TRONG NGÀY RẰM THÁNG 8 Posts by : STEVE THAI

Đời sống văn hóa người Việt gắn với rất nhiều lễ tết. Lễ Tết của người Việt lại thường gắn với những món ăn đặc trưng nào đó mà ít nhiều vẫn còn đọng lại trong tâm trí của bất kỳ người Việt xa xứ nào.

Hẳn bạn còn nhớ hương vị của bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết Nguyên Đán (đầu năm Âm lịch), của bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn Thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), của rượu nếp trong Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) và đặc biệt khó ai có thể quên vị béo, bùi, mặn, ngọt…của bánh nướng, bánh dẻo trong ngày Tết Trung Thu (15 tháng 8 âm lịch).

 

Xã hội ngày càng hiện đại hơn, cuộc sống người Việt cũng ngày càng vội vã, xô bồ. Một số tập tục từ xưa đã nhạt dần thậm chí đi vào dĩ vãng nhưng hình ảnh một gia đình quây quần ăn bánh nướng, bánh dẻo dưới ánh trăng rằm của Tết Trung Thu thì vẫn mãi tồn tại và ngày càng được trân trọng.

Nguồn gốc tục ăn bánh trung thu

Rất nhiều tục lệ của người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc, tục ăn bánh Trung Thu cũng như vậy. Hiện chưa có tài liệu nào nói về chiếc bánh trung thu buổi ban đầu. Trong một cuốn sách về ẩm thực thế kỷ thứ 6, có một loại bánh được tả giống như chiếc bánh dẻo bây giờ, tuy nhiên không ai khẳng định đó là bánh trung thu.

Theo tác phẩm của thi sĩ Tô Đông Pha của Trung Hoa (960-1026), người có nhắc đến một loại bánh nhỏ và tròn giống hình mặt trăng có nhân đường và thịt, và người ta kết luận chiếc bánh trung thu đầu tiên xuất hiện trong khoảng thế kỷ 6 và 11. Đến đời Minh của Trung Quốc(13681643), thì những chiếc bánh Trung Thu Nguyệt Bính chắc chắn đã chính thức thịnh hành và còn được gọi là Đoàn Viên Bính.

Tài liệu thực thì rất hiếm song những huyền thoại xung quanh nguồn gốc của chiếc bánh trung thu thì rất nhiều. Huyền thoại thứ nhất là nhân vật Hằng Nga (còn gọi Thường Nga) ăn cắp viên thuốc trường sinh của chồng là chàng Hậu Nghệ trốn lên mặt trăng.

Không khí trên mặt trăng vốn lạnh buốt nên do đó được gọi là cung Quảng Hàn. Hằng Nga bị lạnh nên phải ho làm viên thuốc trường sinh văng ra khỏi họng. Nàng bèn nghĩ nên lấy viên thuốc này giao cho con thỏ giã nhỏ ra thành bột mà rắc xuống thế gian mà để thiên hạ cũng được trường sinh. Nhân gian lấy bột làm bánh hình mặt trăng ăn vào ngày rằm tháng tám (ngày trăng sáng nhất) để tưởng nhớ công của Hằng Nga.

 

Huyền thoại thứ hai là về vua Đường Minh Hoàng.Chuyện kể rằng: vào một đêm trăng tháng 8, Đường Minh Hoàng nằm mơ lên cung trăng chơi, gặp gỡ Hằng Nga tiên nữ diễn khúc Nghê thường, dâng mỹ tửu cùng nhiều hoa trái lạ... Từ đó, cứ đêm Trung thu vua lại bày tiệc ngắm trăng để mong được tái ngộ cùng tiên nữ. Và cũng từ đó, từ vua chúa đến thường dân cùng bình đẳng thưởng ngoạn lộc trời ban - là ánh trăng, và mong muốn một sự đoàn tụ sum vầy với những người thân yêu. Bánh Trung Thu của người Việt

Ở VN từ xưa đến nay, bánh Trung Thu gồm hai hình thức: bánh dẻo và bánh nướng. Bánh dẻo làm bằng bột nếp trắng tinh nhồi với đường với nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ thường hình tròn, nhân làm bằng hạt sen hay đậu xanh tán nhuyễn là chiếc bánh Trung Thu mang sắc thái Việt Nam hơn bánh nướng. Bánh dẻo ở miền Bắc ngọt hơn trong Nam. Bánh to nhỏ tùy ý người dùng, có thể gần bằng chiếc mâm hoặc chỉ nhỏ như lòng bàn tay, thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn và trắng ngà.

 

Bánh nướng Trung Thu thì mang sắc thái Trung Hoa hơn. Hình dáng bánh nướng thường vuông hay tròn, thường đựng vừa khít bốn chiếc trong một cái hộp giấy vuông. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân thì có thể thuần túy thường làm bằng đậu xanh, khoai môn, hay hạt sen tán nhuyễn bao bọc lấy một hay hai tròng đỏ trứng vịt muối có mùi vani hay sầu riêng hoặc là nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt quay, vi yến, dừa, hạt dưa, vỏ quít, ngó sen, bí đao.

Về mặt thưởng thức, bánh nướng mới ra lò ăn không ngon vì vỏ khô cứng mà phải chờ ba ngày sau, mỡ trong lớp nhân mới rịn ra làm bánh ăn mềm và thơm ngon.

Mặc dù người ta quảng cáo bánh có thể bảo quản lâu đến một tháng nhưng điều kiện khí hậu bình thường thì bánh chỉ nên ăn trong vòng hai tuần là tối đa nếu không thì ngửi khét dầu và làm sình bụng.

Ý nghĩa của bánh Trung Thu với người Việt Với người Việt, Tết Trung Thu là cái Tết lớn thứ ba trong năm. Qua hành động thưởng thức vầng trăng thu lớn, vàng và đẹp trong một thờitiết mát mẻ lý tưởng, con người đã cảm thấy mình đã hài hòa một cách tuyệt vời với đất trời vũ trụ. Từ hình ảnh tròn của vầng trăng, con người thuở xưa đã ký thác tư tưởng của mình thành một biểu tượng: đó là chiếc bánh tròn mà người ta gọi nó là Nguyệt Bính hay Bánh Vầng Trăng. Ngắm trăng thu mà không ăn bánh trung thu sẽ là vô nghĩa.

Hình ảnh tròn của trăng cũng tượng trưng cho sự đoàn viên gia đình, mong muốn cuộc sống tròn đầy ấm no và tình vợ chồng khăng khít, thủy chung.

» Related Articles: