CHẤT ĐỘC TRONG NHÀ BẠN HÃY CẢNH GIÁC Posts by : STEVE THAI

   Có rất nhiều sản phẩm mà chúng ta sử dụng hoặc lưu trữ thường xuyên trong nhà lại chứa các chất độc nguy hại đến sức khoẻ, ví dụ như dung dịch làm sạch bếp, chất tẩy làm sạch ống thoát nước, các loại thuốc diệt cỏ, trừ sâu. Nếu chúng ta dùng không đúng cách hoặc huỷ bỏ không đúng cách, chất độc có thể rò rỉ ra không khí, rò rỉ vào nước và làm ô nhiễm môi trường sống trong nhà và thậm chí là gây độc. Những nguy hại này dù sao cũng được “cảnh báo” trước, ít nhất là bởi các lưu ý về sức khoẻ và độc tố trên các bao bì sản phẩm, và như thế người sử dụng chỉ cần cẩn thận khi sử dụng hoặc lưu giữ.

   Tuy nhiên có một số nguy hại lại mang tính chất “tiềm ẩn”, mà cụ thể là nguy cơ bị nhiễm độc về chì và thuỷ ngân. Khoa học đã chứng minh rằng chì và thuỷ ngân gây biến chứng bào thai, ảnh hưởng đến tiêu hoá, giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Riêng với trẻ em, tác hại càng nghiêm trọng hơn vì hệ thần kinh của trẻ nhạy cảm hơn nhiều. Ngộ độc có thể gây ảnh hướng đến não, khả năng tiếp thu và phát triển của trẻ nhỏ. Hầu như mọi người đều biết chì và thuỷ ngân rất độc, cần phải né tránh, nhưng nhiễm độc chì và thuỷ ngân lại là một nguy cơ “tiềm ẩn” bởi vì ít ai lưu ý rằng chì và thuỷ ngân vẫn tồn tại và hiện diện xung quanh và thậm chí lại “thường trú” trong nhà của mình.

   Một lý do rất đơn giản là chì và thuỷ ngân được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và nguy hiểm hơn chúng còn được sử dụng để sản xuất hàng tiêu dùng; vì lẽ đó mà chì và thuỷ ngân có thể xuất hiện ngay trong nhà. Chì và thuỷ ngân được dùng khá phổ biến trong sản xuất sơn, bao gồm cả sơn nội thất, sơn tường, sơn đồ chơi, sản xuất pha lê, thuỷ tinh màu, các thiết bị điện tử như pin, thiết bị trợ thính, thiết bị radio, nhiệt kế và kể cả mỹ phẩm. Khi sử dụng các sản phẩm này nguy cơ chì và thuỷ ngân đi vào cơ thể rất cao, ví dụ như hít và nuốt những bụi sơn sử dụng chì và thuỷ ngân bóc ra từ tường, làm bể nhiệt kế, hoặc sử dụng thường xuyên các chén bát tráng men dùng chì. Lâu ngày, lượng chì và thuỷ ngân sẽ tích tụ trong cơ thể và khi đó sẽ gây nên rất nhiều bệnh tật.

   Vậy làm thế nào để tránh hoặc ít nhất là giảm thiểu những mối nguy hại này? Các nhà sản xuất và các chuyên gia tư vấn đưa ra một số lời khuyên như sau:

   1. Lựa chọn các sản phẩm ít nguy hại nhất
   Theo quy định, các nhà sản xuất phải cảnh báo về mức độ nguy hại khi các sản phẩm có sử dụng hoá chất hoặc thành phần nguy hại đến sức khoẻ. Thông thường sẽ có 3 mức độ cảnh báo dành cho người tiêu dùng: Gây độc, Nguy hiểm và Cẩn thận. Nếu được, hãy chọn sản phẩm mà trên bao bì ghi "cẩn thận" vì như thế mức độ nguy hại là thấp nhất. Cũng cần lưu ý các sản phẩm ghi "không độc hại" vì có thể đây chỉ là một cách quảng cáo. Vì thế tốt nhất là nên xem thành phần nguyên liệu trên bao bì để có thông tin chính xác hơn. Nếu trên bao bì mà không có những thông tin này, hãy tìm mua một sản phẩm khác.

   2. Đọc thật kỹ và làm theo các hướng dẫn của nhà sản xuất
   Lời khuyên này nghe như đơn giản, nhưng rất nhiều người bỏ qua! Nhiều người không đọc hướng dẫn mà chỉ hỏi thông tin từ người bán hàng và làm theo, không tuân theo  cách thức và trình tự khi sử dụng, bảo quản hoặc huỷ bỏ sản phẩm. Cần nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn để an toàn hơn.

   3.  Chỉ mua một lượng đủ dùng
   Khi bị chiêu dụ bởi các chương trình khuyến mãi hoặc bán hàng đặc biệt như "mua nhiều, giảm gía" cộng hưởng với tâm lý "để dành sử dụng sau", chúng ta thường mua nhiều hơn nhu cầu thực tế. Khi đó, chúng ta phải lưu giữ trong nhà, nguy cơ bể, vỡ hoặc trẻ em tiếp xúc càng cao hơn, và vì thế nguy cơ nhiễm độc lại càng cao.

   4. Hãy sử dụng các vật dụng cẩn thận để tránh phải sửa chữa hoặc tân trang. Ví dụ như tường, bàn ghế hoặc bếp, vì dùng không cẩn thận gây ra dơ bẩn hoặc trầy xước, khi đó buộc phải sơn, đánh bóng hoặc chùi tẩy và nếu như thế phải tiếp xúc nhiều với sơn, dầu bóng và làm tăng nguy cơ tiếp xúc với chì, thuỷ ngân và hoá chất độc hại khác. Khi rửa chén hoặc rửa rau, nên có một cái rổ để lọc những rác nhỏ, bỏ vào thùng rác thay vì để nước xối xuống ống thoát nước. Theo thời gian, ống thoát nước sẽ bị nghẹt, cần phải dùng hoá chất để làm sạch vì khi đó phải tiếp xúc với dung dịch có nhiều hoá chất độc hại. Đối với các công việc tẩy rửa, bạn có thể áp dụng các mẹo vặt tránh phải mua các sản phẩm tẩy rửa, bằng cách này vừa tiết kiệm tiền vừa giảm nguy cơ tiếp xúc với chất độc. Ví dụ, cồn có thể giết vi khuẩn, làm sạch các vết bẩn trên vãi hoặc chanh có thể đánh bóng kim loại.

   Trong nhiều trường hợp, bạn bắt buộc phải dùng các sản phẩm chứa nhiều hoá chất gây hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên nếu bạn cẩn thận hơn khi mua, sử dụng hoặc lưu trữ thì vẫn có thể đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Ví dụ cần phải sơn một bức tường nhỏ, bạn phải mua sơn về để sơn. Trước tiên, khi mua sơn cần chọn loại sơn không sử dụng chì và thuỷ ngân bằng cách đọc kỹ bao bì để biết thông tin về hoá chất sử dụng. 

   Hiện tại trên thị trường vẫn có sản phẩm chứa nhiều chì và thuỷ ngân vì 2 chất này giúp màu sơn tươi và mau khô hơn nhưng một số sản phẩm lại không sử dụng chì và thuỷ ngân. Khi sơn, nên tuân theo các hướng dẫn sử dụng và dùng khăn che miệng. Đừng pha thêm hoá chất hoặc pha trộn các sản phẩm với nhau trừ khi có yêu cầu. Các hoá chất hoặc sản phẩm khác nhau, thậm chí cùng một nhà sản xuất, có thể tương tác với nhau tạo thành chất độc hại khi hít phải hoặc tiếp xúc với da hoặc mắt. Khi dùng xong, đậy nắp thật kín. Nếu chưa sử dụng hết, phải đọc hướng dẫn để bảo quản đúng cách. Nếu cất giữ, tuyệt đối không để trong hoặc gần ngăn đựng thực phẩm hoặc nước uống. Cũng không nên cất giữ nơi quá ẩm hoặc nhiều nước thải, như thế bao bì có khả năng bị mục, rách và chảy sơn ra ngoài.

 

» Related Articles: