NGHE VÀ NÓI Posts by : STEVE THAI

   Không ai có thể chối cãi hạnh phúc và thành công trong đời sống nằm tất cả trong hai nghệ thuật nói và nghe, tức là nghệ thuật thông đạt và thuyết phục. Người bán hàng nói sao cho khách mua nghe. Chính trị gia nói thế nào để cử tri bỏ phiếu cho mình. Người thanh niên tán gái nói sao cho cô gái đồng ý đi chơi với mình. Được nghe và được hiểu là một niềm hạnh phúc vô biên trong đời sống lứa đôi hay bạn bè. Hai nghệ thuật này mới nghe qua thấy tách biệt và khác hẳn nhau, một bên là hành động tích cực (nói), một bên là hành động thụ động (nghe), nhưng suy nghĩ cho kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng nói và nghe tương quan mật thiết. Cả hai đều là hành động tích cực, đòi hỏi nỗ lực. Muốn nói cho thành công, tức là được hiểu và dược nghe, thì cần phải biết nghe để hiểu đối tượng muốn gì, hầu có thể nói những điều có sức mạnh thuyết phục. Sau đây là một số những nguyên tắc để thành công khi nói và khi nghe.

   NGHE
   ° Tập trung tư tưởng, nhìn vào mắt người nói, thật tâm muốn hiểu người nghe định nói gì.

   ° Khi nghe một lời trái tai, xúc phạm, vô lý, nên ghi nhận trong đầu, dằn lại những cảm xúc để tiếp tục nghe cho hết để hiểu ý người nói. Bạn nên yên tâm là sẽ có dịp nhắc nhở người nói về những lời nói vô lễ này vào một dịp khác. Còn bây giờ thì cần giải quyết chuyện trước mắt, tránh chuyện nọ xọ chuyện kia và phản ứng theo xúc cảm của mình.

   ° Nếu nghe xong, vẫn thấy chưa hiểu, nên hỏi lại cho rõ. Hoặc hiểu rồi nhưng không chắc lắm vì phần trình bày khá dài, nên lập lại ý của người nói, bắt đầu bằng câu: "để tôi lập lại ý của anh xem tôi hiểu có đúng không nhé" và cho người nói một cơ hội để nói lại cho rõ.

   ° Khi người nói cứ lập đi lập lại cùng một ý mà không ngừng, bạn có thể nhắc nhở bằng cách nói “điều này anh đã lập đi lập lại ba lần rồi”. Nếu vì một lý do gì đó, không tập trung tư tưởng được để làm những điều trên, không dằn được những cảm xúc như quá nóng giận vì những lời nói quá đụng chạm, sỗ sàng, nên tìm cách bỏ đi, tránh né, hoặc đổi đề tài, hay hẹn lại một dịp khác.

   NÓI
   Nói là một hành động đem lại nhiều ích lợi cho người nói, như hả được cơn giận, vơi nỗi buồn, giải tỏa nỗi oan, được hiểu, được thông cảm và thuyết phục người khác đồng ý với mình hay nghe theo lời mình. Nhưng muốn đạt được những mục đích này, người nói cũng phải biết cách nghe để hiểu được đối tượng cảm nhận điều mình nói như thế nào. Do đó, trong cuộc sống thực tế, để thành công và hạnh phúc, không có chuyện một người chỉ nói mà không nghe, hay ngược lại.

   ° Chọn thời điểm và không gian thích hợp với nội dung mình sắp nói. Đi dự tang lễ nên chú trọng vào chia sẻ những kỷ niệm đẹp với người quá cố. Tránh cười nói lớn tiếng. Thuyết phục khách mua hàng nên dùng khung cảnh văn phòng hoặc nhà hàng thanh lịch. Giải quyết những ngộ nhận trong đời sống vợ chồng cần khung cảnh riêng tư, không có các con, bạn bè, nhất là những người thân bên chồng hay bên vợ. Khi nói, cần có sự bình tĩnh, hiểu rằng mình nói xong thì sẽ tới phiên người nghe nói, mình không bao giờ đúng hoàn toàn. Thái độ cần cởi mở, sẵn sàng chấp nhận những phản ứng mạnh của người nghe. Chân lý bao giờ cũng nằm ở sự thỏa hiệp, mỗi người nhượng bộ một chút, mỗi người đều có cái sai và cái đúng. Chưa nói mà đã cho rằng mình luôn luôn đúng và không muốn nghe những bất đồng ý kiến thì đã nắm chắc sự thất bại trước khi nói.

   ° Nhìn vào mắt người đang nghe, tỏ lộ sự thành thật và thiện chí muốn được hiểu.

   ° Chọn lời nói nhã nhặn, lịch sự, ngọt ngào, và chuyên nghiệp tùy trường hợp.
   ° Tránh làm cho người nghe có cảm giác bị tấn công hay chỉ trích bằng những câu mở đầu như: "anh nói sai rồi; anh làm sai rồi". Thay vì hai câu trên, nên nói "tôi thì tôi thấy như thế này... hoặc: tôi đồng ý với anh ở điểm này nhưng ở điểm này thì tôi nghĩ khác, đó là..."

   ° Tránh có những kết luận vội vã có tính cách phát xét và kết tội người nghe, như: "con ăn cắp tiền của ba phải không? Em lục lọi ví và thư từ của anh phải không?" mà nên nói: "tiền của ba để trong ví, sao thấy mất năm chục, con có lấy không?" hoặc: "anh thấy đồ trong ví và thư từ của anh nằm lộn xộn, em có lục không?". Khi đặt câu hỏi như trên, bạn cho người nghe một cơ hội để trả lời mà không có cảm tưởng là bạn kết tội họ.

   ° Tránh lập đi lập lại cùng một điều. Nên tập trung từng điểm một, giải quyết xong điểm này mới sang điểm khác.

   ° Ngắn gọn để người nghe có cơ hội nói và đáp trả. Nói dài quá sẽ làm người nghe mất kiên nhẫn, không muốn nghe nữa, lâu ngày họ sẽ không muốn đối thoại với mình nữa và tránh né mình.

   Khi đang mất bình tĩnh hay nóng giận, không thể tuân theo những điều trên, thì không nên nói gì cả, vì chỉ làm cho vấn đề trầm trọng hơn mà không đạt được mục đích là tạo sự thông cảm và thỏa hiệp.

   CÁC VẤN ĐỀ
   Vấn đề hay trở ngại xảy ra khi có sự thiếu quân bình trong việc nói và nghe.
   ° Chính quyền nói, dân chúng nghe nhưng không được quyền nói, là chính phủ độc tài.

   ° Cơ sở thương mại chỉ biết nói về cái hay của sản phẩm của mình, mà không chịu lắng nghe ý kiến người tiêu thụ, thì không thể đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ, không thể tồn tại được.
   ° Trong tình bạn, một người chỉ biết nói mà không biết nghe người kia, thì tình bạn tan rã.

   ° Trong tương quan vợ chồng, khi một trong hai người không thèm nói nữa hoặc không thèm nghe nữa, hoặc chỉ nói mà không nghe, hoặc chỉ nghe mà không nói, tức là hạnh phúc lứa đôi đang bị đe dọa trầm trọng. Họ đã bỏ cuộc vì mọi cố gắng nói và nghe đã không đạt được kết quả tốt đẹp hoặc chỉ gây thêm phiền toái.

   ° Cha mẹ chỉ biết nói mà không lắng nghe con, sẽ không biết nhu cầu và tâm sự của con. Kết quả là các con sẽ tự ý hành động và không nghe lời cha mẹ.

   KẾT LUẬN
   Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng không thể sống một mình trên hoang đảo, mà cần nhau để chia sẻ, để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, thì quan tâm tới nhu cầu của người khác là điều tất yếu trong mọi liên hệ. Biết cách nói và biết cách nghe là bổn phận của mỗi người. Nếu trong mọi lời nói hay cử chỉ, mỗi người chúng ta đều cố gắng thể hiện mối quan tâm này, làm sao cho người khác muốn nghe mình nói và muốn nói cho mình nghe, thì đó chính là căn bản của nghệ thuật nói và nghe và cũng chính là căn bản của thành công và hạnh phúc.

» Related Articles: