BỆNH NƯỚU RĂNG Posts by : STEVE THAI

Trong suốt 15 năm làm việc trong ngành nha, chúng tôi nhận thấy phần lớn những người Việt lớn tuổi và nhất là những người mới từ Việt Nam qua Mỹ không ít thì nhiều đều bị bệnh nướu răng. Bệnh này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể tạo nhiều phiền toái, đau đớn và tốn kém. Căn bệnh nướu răng có thể cứu chữa được nếu biết sớm và chữa trị kịp thời. Những dữ kiện về bệnh nướu răng: 
° Khoảng 5 tỷ Mỹ Kim đã bỏ ra trong năm 1990 để trị bệnh nướu răng. 
° Hơn 10 tỷ Mỹ Kim đã bỏ ra hằng năm để thay thế những chân răng đã bị nhổ hoặc loại bỏ do bệnh nướu răng gây nên. 
° Khoảng 80% dân số Hoa Kỳ bị bệnh nướu răng. Trong lứa tuổi từ 18-64, 47% phái nam và 39% phái nữ bị sưng màng nướu. 
° Bệnh nướu răng là nguyên nhân chính gây ra sự rụng răng cho những người từ 35 tuổi trở lên.
° Bệnh nướu răng có thể là biến chứng của những căn bệnh nguy kịch khác như là bệnh tiểu đường, ung thư máu, hoặc HIV/AIDS.
 Bệnh nướu răng là gì? 
Bệnh nướu răng, còn được gọi là bệnh nha chu (gum disease/periodontal disease) là căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới nướu răng (gingiva) và những phần bao bọc cho chân răng. Những phần này gồm có gân dây chằng (periodontal ligament), những mạch máu (vascular supply), dây thần kinh (nerves) và xương hố răng (alveolar bone). Những cơ phân này đều có nhiệm vụ khác nhau, được cấu tạo rất phức tạp và nằm ở vị trí chung quanh răng và xương hàm. 
 Nguyên nhân bệnh nướu răng 
Nguyên nhân chính của bệnh nướu răng là do một số vi trùng nguy hiểm hiện diện trong vùng nướu răng. Những vi trùng này ẩn nấp trong những chất trắng như vôi gọi là “bựa răng” hoặc “cao răng” (plaque) bám chung quanh chân răng. Nếu để bám vào răng lâu ngày, những chất bựa này sẽ rắn lại và biến thành đá răng (calculus), làm cho mặt răng không còn mịn nữa, và cũng dễ làm cho vi trùng bám vào nhiều hơn. Số vi trùng trong cao răng sinh sôi nẩy nở và tiết ra nhiều chất độc (toxins). Những chất nội độc tố này (collagenases) tàn phá những tế bào chung quanh chân răng và xương hàm, tạo nên những hố rỗng mỗi ngày một sâu và rộng hơn giữa nướu răng và xương hàm. Trong cơ thể, độc tố hoạt động như một kháng nguyên và cơ thể tạo ra những kháng thể (antibodies) để chống trả và trung hòa tác động của chúng. Những tác động này cũng gây nên sự tàn phá đến những phần chung quanh chân răng. Vì thế nướu răng bị nhiễm độc, mang màu đỏ rực hoặc màu tím và sưng lên. Lúc này màng nướu sẽ không còn bó sát với chân răng nữa và những hố rỗng mỗi ngày bị đào sâu rộng thêm, chứa đựng thêm nhiều cao răng và vi trùng hơn trước. Nếu không được chữa trị vào giai đoạn này thì căn bệnh có thể trở nên trầm trọng và đưa tới sự rụng răng.  


Dấu hiệu của bệnh nướu răng
 Nhiều người khi đi khám răng rất lấy làm ngạc nhiên và bàng hoàng khi nghe biết mình mắc phải bệnh nướu răng. Họ cho rằng nếu đi khám răng tổng quát đều, 1 hoặc 2 lần trong một năm, và bộ răng của họ cũng đã được chà cọ kỹ lưỡng thì không thể nào bị mắc bệnh nướu răng! Một trong những lý do là bệnh nướu răng còn được gọi là “bệnh âm thầm” (silent disease) - vì bệnh này không cho chúng ta một triệu chứng nào rõ rệt, ngay cả khi căn bệnh rơi vào giai đoạn nặng nhất. Để hiểu rõ thêm, chúng tôi hay ví hoặc so sánh bệnh nướu răng với trường hợp một căn nhà bị mối ăn. Mỗi năm chúng ta thường trả tiền mướn chuyên viên tới để xịt thuốc và diệt những ổ mối chung quanh nhà, trước khi mối làm hư hại lớn tới vách hoặc sườn nhà của mình. Do đó bệnh nướu răng chỉ được khám phá nếu chính chúng ta nhận xét để ý tới những dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường như: 
° Nướu chảy máu khi đánh răng hoặc bị chạm nhẹ 
° Nướu răng bị đỏ rực, sưng, ngứa ngáy, hoặc ê ẩm 
° Nhiều kẽ hổng giữa những chân răng 
° Hôi miệng kinh niên 
° Mủ trắng hoặc vàng sát theo viền nướu 
° Răng lung lay hoặc tách rời 
° Bộ răng giả lung lay khi ăn uống hoặc nói chuyện 
Tiến triển của căn bệnh nướu răng 
Giai đoạn đầu tiên của bệnh nướu răng là viêm màng nướu (gingivitis) thường xảy ra trong những lứa tuổi niên thiếu. Lúc bình thường, phần màng nướu này có màu hồng nhạt, bao bọc chung quanh cổ và chân răng. Màng nướu chứa rất nhiều mạch máu và dây thần kinh, có nhiệm vụ bao bọc bảo vệ chân răng và xương hàm, đồng thời luân chuyển máu và chất bổ tới những bộ phận chung quanh chân răng. Khi nướu bị viêm, những màng này sẽ từ từ đổi qua màu đỏ, sưng to và dễ chảy máu khi bị chạm vào. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên của bệnh nướu răng. Chữa trị vào thời kỳ này rất dễ dàng, mau chóng và không mấy tốn kém. Periodontitis, nói chung, là sự tiêu mòn xương hàm bao bọc chung quanh chân răng. Trong giai đoạn này, các mô xương và những gân dây chằng bị nhiễm độc, tiêu mòn hoặc tan rã. Tình trạng này sẽ đưa tới những hốc trống dưới nướu gọi là 'pockets'. Những hốc rỗng này là nơi chứa đựng vụn thức ăn và nhiều loại vi trùng nguy hiểm luôn xung đột với những kháng tố do cơ thể tạo ra. Tới thời điểm này, bệnh nướu răng được chia ra nhiều loại (Nhẹ, Trung Bình, hoặc Nặng), tùy theo mức độ tàn phá tới nướu và xương hố răng. Phần đông, những người mắc bệnh nướu răng không cảm thấy đau đớn gì cả, nhưng họ cảm thấy răng bị lung lay hoặc tách rời. Thêm vào đó, nướu răng có thể bị co rút đi nhiều để lộ chân răng, làm cho người bệnh dễ bị đau hoặc nhạy cảm khi ăn uống những đồ nóng lạnh. Nặng hơn nữa, nướu răng bị mưng mủ và đặc biệt là miệng rất hôi thối do thức ăn, máu hoặc mủ ứ đọng lâu ngày. Nếu không chữa trị liền sẽ đưa tới sự rụng răng (tooth loss). Chữa trị vào giai đoạn này sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc nhiều và mang lại ít hy vọng. 
Những yếu tố làm cho bệnh nướu răng nặng thêm (Risk Factors)
° Hút thuốc lá. Tình trạng mắc bệnh nướu răng tăng theo lượng thuốc hút. Thống kê cho thấy đa số những người bị mất răng ở tuổi từ 19-40 đều hút trên 15 điếu thuốc mỗi ngày. 
° Tuổi dậy thì (Puberty) và thai nghén (Pregnancy). Vào 2 thời kỳ này, số lượng kích thích tố trong người thay đổi bất thường, dễ tạo nên chứng viêm lợi hoặc làm cho bệnh này thành nặng hơn. 
° Bệnh tiểu đường. Tình trạng bệnh nướu răng tăng lên khi lượng đường không được điều hoà. Thống kê cho thấy bệnh nướu răng sẽ trầm trọng hơn nếu người bệnh đang mắc bệnh tiểu đường.

° Thiếu dinh dưỡng 
° Bệnh toàn khoa (Systemic Diseases} 
° Thuốc uống (Medications). Có nhiều loại thuốc mang ảnh hưởng tới màng nướu: Dilantin, Cyclosporin, Calcium Channel Blockers, etc. 
Chuẩn bệnh và Cách Thức Ngừa Bệnh 
° Khi đi khám răng tổng quát, nha sĩ gia đình sẽ kiểm soát nướu răng và đo lường độ sâu hổng cạnh răng và nướu răng (periodontal probe measurement). 
° Nên khám răng định kỳ từ ba tới sáu tháng 
° Nên nạo đá răng hoặc “clean” răng từ ba tới sáu tháng 
° Chà răng kỹ lưỡng, đúng cách (toothbrushing) 2, 3 lần một ngày và dùng chỉ răng (dental flossing) mỗi ngày. 
° Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta nên đi khám răng thường xuyên để nha sĩ gia đình có thể sớm tìm ra bệnh trước khi nướu và xương hố răng bị hủy hoại. Khi đi khám răng tổng quát, trách nhiệm của nha sĩ là phải kiểm soát và lưu ý tới những dấu hiệu của bệnh nướu răng để ngăn chặn kịp thời, chữa trị đúng lúc, hoặc cần gửi bệnh nhân tới một bác sĩ chuyên khoa về nướu răng (periodontist). Khi chuẩn bệnh nha sĩ sẽ dùng một dụng cụ có kích thước (periodontal probe) để đo lường độ sâu của xương hố răng. Thông thường nếu răng và xương lành mạnh thì độ sâu chỉ tới 1, 2 hoặc 3 mm mà thôi. Bệnh nướu răng càng nặng, thì độ sâu càng cao có thể lên tới 10 -12 mm. Trong trường hợp nha sĩ của chúng ta quên khám phần này, thì bệnh nhân có thể nhắc và yêu cầu họ kiểm tra phần nướu và xương hố răng trong lúc khám răng tổng quát. Nếu răng đã có những dấu hiệu và triệu chứng đã nêu trên, thì chúng ta nên chữa trị liền hoặc tìm nha sĩ chuyên khoa về ngành nướu răng (periodontist) để tham khảo ý kiến. Việc gìn giữ vệ sinh trong khoang miệng và hàm răng rất cần thiết để tránh bệnh nướu răng dù mới khởi phát hay đã được chữa trị rồi. Nếu chúng ta biết cách chăm sóc bảo vệ bộ răng, thì chúng ta sẽ có một hàm răng rắn chắc khỏe mạnh và một nụ cười duyên dáng vui tươi. 

 

» Related Articles: