NỌC ĐỘC CỨU NGƯỜI Posts by : STEVE THAI

   Từ nọc độc của các loài rắn, ong, bọ cạp, cóc, nhện... có thể giết người trong chớp mắt nhưng cũng giúp chữa các bệnh hiểm nghèo, chẳng hạn như ung thư. Việc ứng dụng trên đang ở mức độ khiêm tốn (các nhà khoa học mới chỉ xác định được khoảng 1-2% trong số 400,000 protein của các thứ nọc độc). Tuy nhiên, nó vẫn mở ra một hướng đi nhiều hứa hẹn trong việc tìm tòi các thuốc mới hiệu lực cao.

   1. Nọc rắn 
   Nọc của rắn gây độc theo nhiều cách:
   ° Gây loạn thần kinh, đặc biệt là cơ quan kiểm soát việc hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến co rút cơ bắp, nôn ói, co giật và tê liệt.
   ° Tác động lên máu hay mạch máu, phá hủy tế bào máu, gây xuất huyết nội; làm đông máu khiến nạn nhân chết do tắc mạch.
   ° Tấn công và hủy hoại mô cơ, gây hoại tử, làm mô chết và gây ung thối.

   Nọc rắn thường được dùng để chế tạo huyết thanh kháng nọc, chữa cho những người bị rắn cắn. Khoảng 400 loài rắn có nọc độc, và huyết thanh chế từ loài nào chỉ chữa được cho người bị loài rắn đó cắn. Hiện gần 100 quốc gia đã chế tạo trên dưới 200 loại huyết thanh. 

   Nọc rắn còn được dùng chế các thuốc giảm đau, chống viêm trong thấp khớp, đau cơ, đau dây thần kinh... dưới dạng tiêm hay thuốc mỡ.

   Nọc rắn độc hổ mang ở Brazil có chất captopril gây hạ huyết áp rất nhanh khiến con mồi bủn rủn, tê liệt. Các nhà khoa học đã mô phỏng và chế tạo được chất này để chữa trị bệnh tăng huyết áp. Loại nọc độc làm đông máu được ứng dụng chế tạo thuốc cầm máu, chống chảy máu nội tạng.

   Từ nọc độc của rắn hổ mang, các nhà khoa học đã trích ra một chất có tên là contortrastin, có khả năng khống chế tế bào ung thư, làm chậm sự lan truyền của các khối u. 

   2. Nọc độc của bọ cạp 
   Nọc rắn đã đắt nhưng nọc bọ cạp còn đắt hơn, muốn có 1 g nọc phải lấy từ 8,000 con bò cạp (mỗi con chỉ lấy một lần). Trong nọc độc bọ cạp có chất katsutoxin (còn gọi là butothoxin). Độc tính của nọc bọ cạp đối với thần kinh giống như nọc rắn. Nọc bọ cạp khiến nạn nhân đau đớn dữ dội kèm theo nôn mửa, tăng huyết áp, co giật và hôn mê. Có loại ngăn cản xung động thần kinh từ não xuống cơ bắp và cơ quan khác, gây tê liệt; có loại gây co cứng cơ, dẫn đến tử vong. Nọc bọ cạp được dùng để điều trị những rối loạn của hệ thần kinh.

   Viện ung thư và chiếu xạ sinh học Canada đã điều chế thành công loại thuốc có tên là Escozul từ nọc độc của bọ cạp xanh, dùng điều trị một số bệnh ung thư, parkinson, viêm khung chậu. Thuốc được áp dụng cho hơn 70,000 bệnh nhân, kết quả khả quan.

   3.Nọc ong
   Những người nuôi ong thường không bị thấp khớp vì trong quá trình tiếp xúc với ong, họ không thể tránh khỏi một vài lần bị ong đốt. Từ thực tế này, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện nọc ong có khả năng chứa bệnh khớp. Họ chế tạo được dược phẩm chứa mellitine có tác dụng kháng viêm giảm đau mạnh gấp nhiều lần hydrocortison, dùng trong bệnh thấp khớp. Melltine còn được dùng trong phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ để làm các tế bào mịn màng hơn khi trở thành sẹo.

   Các nhà khoa học đang hy vọng chế tạo từ nọc ong một loại văcxin chống dị ứng - căn bệnh tăng rất nhanh trong 20 năm gần đây.

   4. Mủ cóc
   Mủ cóc rất độc nhưng từ lâu đã được trong Đông y với tên gọi thiềm tô. Nó có công dụng giải độc, tiêu sưng, chữa mụn nhọt, sưng đau họng, đau bụng (do bị cảm), cảm sốt, kinh giật, mê sảng. 

   Ở Canada, dân nghiện ma túy đã sử dụng chất độc có trong da một loài cóc khổng lồ (xuất xứ từ Australia) vì nó tạo cảm giác “phê” như ma túy. Việc này đã tạo ra một chiến dịch săn bắt cóc trên nên chính phủ Canada phải ra lệnh cấm.

   5.Nọc nhện
   Chất độc neurotoxin của nhện gây khó thở, đau đớn, tim đập nhanh và có thể làm chết người. Neurotoxin của nhện Latrodectus mạnh gấp 15 lần nọc rắn đuôi chuông. Nhện độc tại Australia có lượng nọc đủ giết chết một em bé trong 1 giờ. 

   Từ nọc độc của loài nhện ở Chile, các nhà khoa học Mỹ bào chế ra một chất có tên là Gs. Mtx-4, giúp điều hòa nhịp tim của những con vật thử nghiệm nhằm chế tạo một loại thuốc chữa rung tim.

   Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận thấy chất độc có trong loài sên nón có tác dụng giảm đau mạnh gấp hàng nghìn lần morphin mà không gây nghiện; chất độc gây ngứa của hải sâm tác dụng ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư... Họ đang hy vọng từ các nọc độc chết người này sẽ tìm ra “thần dược” làm tăng tuổi thọ của loài người.

» Related Articles: