LÁ BÙA NHA KHOA ĐẦU NĂM ĐỂ CÓ NỤ CƯỜI TƯƠI ĐẸP Posts by : STEVE THAI

   Trong dịp Tết Nguyên Đán, mọi người Việt Nam chúng ta đều nhộn nhịp mua bán bánh mứt và hoa quả ngon đẹp; quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ; sửa soạn những bộ quần áo sặc sỡ để vui chơi trong những ngày hội chợ đầu năm.  Để kịp đón giao thừa, các cụ thường thúc giục con cháu quét dọn, lau nhà, chớ để tới ngày đầu năm mới làm.  Tôi còn nhớ ông bà thân sinh thường nhắc nhở nên tránh làm những việc trong ngày đầu năm, chẳng hạn:  đừng ăn to nói lớn, nấu bếp, quét dọn, lau chùi, rửa bát, hoặc làm đổ bể đồ đạc trong nhà v.v... kẻo bị XUI cả năm.  Trong nhiều năm hành nghề Nha Sĩ, tôi để ý thấy các văn phòng bác sĩ/nha sĩ khác cũng đóng cửa vào những ngày đầu năm này vì bệnh nhân chẳng mấy ai có 'can đảm' đến để được chữa trị.   Mới ngày mùng 2 đầu năm 2007, tôi có nhận được một cú điện thoại của một bệnh nhân Việt Nam gọi để hủy bỏ buổi hẹn chữa răng, vì lý do là 'sợ XUI và phải bị đi chữa răng cả năm'!  Tôi cười thầm trong lòng sau khi ghi chép vào hồ sơ của người bệnh vì sự mê tín dị đoan đó và biết chắc trước sau tôi cũng sẽ phải gặp bệnh nhân đó cả năm để chữa trị căn bệnh nướu răng đã đến độ trầm trọng!

   Trước thềm năm Đinh Hợi 2007, tác giả xin thân tặng quí độc giả bài viết 'Lá Bùa Nha Khoa', đúc kết những điểm căn bản thực tế và hữu dụng để giúp chúng ta gìn giữ một hàm răng khỏe mạnh và nụ cười tươi đẹp đem nguồn vui tới cho mọi người.  Nếu áp dụng 'lá bùa' này tác giả tiên đoán trong năm mới ngân quỹ gia đình của quí vị không ít thì nhiều sẽ giảm đi sự hao hụt, tối thiểu trong lãnh vực tiêu thụ 'rượu và thuốc lá'.  Sống ở nước Mỹ này trên 30 năm, chúng ta nên thật sự suy nghĩ và thi hành câu 'phòng bệnh hơn chữa bệnh'.  Nếu đã mắc bệnh rồi, thì nên tìm hiểu và chữa trị ngay, chứ không nên ngồi chờ 'ngày lành tháng tốt' kẻo không kịp.  Nhiều khi chờ đợi quá lâu, căn bệnh sẽ trở nên trầm trọng làm cho việc chữa trị khó hơn, nhiều phí tổn và tỷ lệ thành công sẽ bị giảm thiểu. Xin chúc quí vị may mắn! 

   Nhân dịp Năm Mới, tác giả xin chân thành cám ơn quí độc giả qua sự chú ý theo dõi những bài viết trong năm qua.  Mong rằng ngòi viết và những lời văn đơn sơ này đã đóng góp một phần nào trong việc phòng tránh những bệnh về răng và khoang miệng.  Xin thân chúc quí vị độc giả và gia quyến một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào và vạn sự thành đạt.

   ° Đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày ít nhất 2 lần.  Tẩy sạch những chất bựa đóng chung quanh mặt răng và nướu răng sẽ giúp giảm đi bệnh viêm nha chu.

   ° Mỗi năm nên đi khám răng định kỳ từ 3 tới 6 tháng để phòng bệnh sâu răng, bệnh nướu răng hoặc bệnh ung thư khoang miệng.  Đây cũng là dịp để nha sĩ nạo sạch những kẽ hở trong răng mà chúng ta không thể thấy được. 

   ° Chải sạch những bộ răng giả hàng ngày, trước và sau khi đeo.  Nên gỡ bộ răng giả ra trước khi đi ngủ để tránh sự phát triển của vi trùng trong khoang miệng.  Mặc dù thiếu hoặc không còn răng, bệnh nhân cũng nên tiếp tục đi khám răng và khoang miệng theo thường lệ.

   ° Nên khai báo cho nha sĩ gia đình biết những triệu chứng bất thường trong khoang miệng:  Nướu răng bị sưng hoặc chảy máu, răng lung lay hoặc tách rời, lở loét, khô miệng, hoặc hôi miệng kinh niên.

   ° Hạn chế uống rượu.  Tiêu thụ lượng rượu quá độ là một yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư khoang miệng, cuống họng, và những bệnh toàn cơ khác.

   ° Nên tránh hoặc hạn chế hút thuốc lá.  Ngoài những bệnh nguy hiểm toàn cơ gây ra bởi việc hút thuốc lá, tỷ lệ những người hút thuốc mắc bệnh nướu răng tăng gấp 7 lần so với những người không hút.  

   ° Nên uống nước và dùng kem đánh răng có chất fluoride để ngăn chặn sâu răng.  Fluoride là một chất hóa học tốt để bảo vệ men răng và phòng ngừa bệnh sâu răng.  

   ° Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày.

   ° Những thực phẩm có tính chất dai dẻo như caramel, kẹo đường, hoặc nước ngọt (Coke, café) có thể bám trên mặt răng nhiều giờ và đưa đến tới tình trạng sâu răng.

   ° Nên biết những loại thuốc nào mình đang uống.  Nhiều loại thuốc uống theo toa hoặc bán trên quầy hàng có ảnh hưởng phụ làm khô miệng, có thể dẫn tới chứng hôi miệng, tình trạng sâu răng hoặc bệnh viêm nha chu [Table 1].

   ° Giữ cho khoang miệng được ẩm ướt bằng cách uống nhiều nước lọc.  Nước miếng được coi như là một loại xà bông rất tốt trong miệng và có tính chất sát trùng, giúp trong việc phòng bệnh nướu răng và sâu răng.  Nếu ở trong tình trạng khô miệng [Table 2], nên uống nhiều nước, nhai kẹo cao su không có chất đường hoặc dùng nước bọt nhân tạo.  Nên tránh những nước uống có chất alcohol và caffeine, tránh hút thuốc, tránh ăn thực phẩm khô mặn (crackers, toasts) và thực phẩm có lượng đường cao.

   ° Các loại thuốc nước súc miệng, hơi xịt miệng, hoặc kẹo  the chỉ giúp che đậy bệnh hôi miệng tạm thời mà thôi.  Trên thực tế, đa số các loại thuốc súc miệng đều chứa chất alcohol kích thích những mô phần trong miệng (Irritation of oral tissues) làm cho bệnh hôi miệng thành nặng hơn.  Tốt hơn hết, nên tới văn phòng nha sĩ để tìm đúng nguyên nhân gây ra bệnh hôi miệng.  

   ° Những yếu tố quan trọng khác làm cho bệnh nướu răng thêm trầm trọng:  hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, căng thẳng tinh thần, di truyền,  hoặc vài loại dược phẩm dùng chữa trị những bệnh toàn cơ.

   ° Để ý xem mình có tật nghiến răng hay không, để tránh tình trạng mẻ hoặc gãy răng.  Nha sĩ có thể làm những miếng nhựa đặt trên răng (mouthguard) để bảo vệ mặt răng khỏi mòn khi ta nghiến răng.

   Table 1. Những loại thuốc làm nướu răng tăng phồng
    [gingival enlargement]*
   *Xin tham khảo với bác sĩ/nha sĩ gia đình hoặc dược sĩ.

   1. Calcium channel blockers. Thuốc dùng để chữa trị bệnh cao máu hoặc trợ tim. (Nifedipine, Verapamil, Diltiazem, etc.)  
   2. Anti-convulsants.  Thuốc dùng để chống chứng gây co giật, động kinh (Phenytoin, Sodium valproate, Phenobarbitone, etc.)
   3. Immunosuppressants. Thuốc áp chế miễn dịch, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với các vật lạ khác, dùng trong những trường hợp thay ghép những bộ phận trong cơ thể.  (Cyclosporin)

   Table 2. Lý do gây ra tình trạng khô miệng

   1.    Ảnh hưởng phụ của những loại thuốc uống, như chống đau nhức (pain relievers), chống trầm cảm (anti-depressants), chống dị ứng (anti-histamines), thuốc thông mũi (decongestant).
   2.    Biến chứng căn bệnh và nhiễm trùng.  Bệnh tiểu đường, bệnh thiếu máu, bệnh cao máu, những bệnh làm suy nhược hệ thống miễn nhiễm có thể dẫn tới tình trạng khô miệng.  
   3.    Mất nước.  Tình trạng như lên cơn sốt, chảy quá nhiều mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, mất máu, bị phỏng nặng.
   4.    Trị liệu bằng phương pháp phóng xạ.
   5.    Giải phẫu để cắt bỏ tuyến nước bọt (trong trường hợp ung thư hoặc những căn bệnh liên quan đến tuyến bài tiết).

 

» Related Articles: