SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG VÀ NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG PHỔI Posts by : STEVE THAI

   Bác Sĩ Nha Khoa Anne-Marie Hòa Nguyễn chuyên trị bệnh nướu răng và đặt implant (Periodontology & Implantology) tốt nghiệp Baylor College of Dentistry năm 1990, có bằng Master of Science về phân khoa nướu răng tại University of Texas - San Antonio năm 1996 và Board Certified bởi Hội American Board of Periodontology năm 1997, hiện đang hành nghề ở vùng Tây Nam (Southwest) Houston. Nếu có những thắc mắc liên quan tới nha khoa, xin liên lạc hoặc gửi thư về địa chỉ văn phòng 6666 Harwin Drive, Suite 650, Houston, TX 77036.
   ĐT:  713.917.0907.  Copyright (2006 Anne-Marie H Nguyễn, DDS, MS.

   Nhiều người trong chúng ta đều chắc hẳn đã nghe và hiểu biết ít nhiều về căn bệnh nướu răng (còn được gọi là bệnh nha chu). Trong 5 năm gần đây, rất nhiều bài viết đã được đăng trong các báo chí toàn cầu khuyến cáo mọi người về sự liên hệ quan trọng giữa bệnh nướu răng và những bệnh khác trong toàn cơ thể (systemic diseases). Các khoa học gia đã khám phá thấy bệnh nướu răng là một trong những yếu tố nguy hiểm góp phần làm phát triển những biến chứng của mạch máu tim, đưa tới các bệnh hiểm nghèo như: bệnh tắc nghẽn động mạch tim (myocardial infarction), chai cứng thành mạch máu tim (atherosclerosis), và tai biến mạch máu não (stroke). Thêm vào đó, ngành y-nha học cũng nhận thấy có sự liên hệ giữa bệnh nướu răng với bệnh tiểu đường (diabetes), sanh con sớm hoặc thiếu tháng (premature, low-birth weight babies), nhiễm trùng đường phổi (respiratory infection) và bệnh loét bao tử (stomach ulcer). Để có thể hiểu rộng thêm về những vấn đề nêu trên, tác giả sẽ trình bày chi tiết hơn từng căn bệnh để chúng ta có thể hiểu rằng khoang miệng được liên kết chặt chẽ với những bộ phận khác trong cơ thể. Kỳ này bài viết chú trọng tới những điểm liên quan giữa bệnh nướu răng và nhiễm trùng đường phổi.
Thống kê đã cho biết mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 100,000 người chết về bệnh viêm phổi [pneumonia]. Trong số này, có khoảng 10% dân số nói chung và khoảng 50% số người cao niên bị mắc bệnh nướu răng trầm trọng. Nhiều cuộc khảo cứu đã chứng minh có mối tương quan trực tiếp giữa bệnh nhiễm trùng đường phổi và bệnh trong khoang miệng. Sự liên hệ này thường xảy đến cho những người bệnh bị suy nhược về sức khỏe, già yếu, hoặc mắc những bệnh liên quan tới đường phổi.


   Tóm tắt về bệnh nướu răng
   Bệnh nướu răng là một căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới nướu răng, tới gân dây chằng (periodontal ligament), và ổ xương răng (alveolar bone).

   Nguyên nhân chính của bệnh nướu răng là do một số vi trùng nguy hiểm hiện diện trong vùng nướu răng. Những vi trùng này ẩn nấp trong một chất trắng như vôi gọi là 'bựa răng' hoặc 'cao răng' (plaque); chất vôi này bám chung quanh chân răng, và chúng tiết ra nhiều chất nội độc tố (toxins) hủy hoại các mô bao bọc chung quanh chân răng và xương hàm.  Nhiều cuộc khảo cứu cho thấy chất vôi tích trụ dưới chân răng đóng thành màng, gọi là 'màng vi sinh' (màng sinh học = biofilm). Màng này góp phần vào sự sinh tồn (mutual survival) của các loại vi trùng hiện diện trong khoang miệng. Hiện tượng cộng sinh này (symbiotic relationship) giúp cho trên 300 loại vi trùng sống tương trợ lẫn nhau với những cấu tạo phức tạp chung quanh chân răng. Nhìn dưới ống kính hiển vi, người ta nhận thấy loại 'vi trùng ái khí' (aerobic bacteria) bám nhiều nhất gần viền cổ nướu răng. Đi sâu dần xuống chân răng, các loại 'vi trùng đôi khi kỵ khí' (microaerophilic, facultative anaerobes) sống sót theo sự thay đổi của lượng dưỡng khí. Phần gốc cuối chung quanh chân răng là nơi không còn dưỡng khí, tạo ra một môi trường thuận lợi cho loại 'vi trùng kỵ khí' (anaerobic bacteria) tụ tập và phát triển. Màng vi sinh đó bám chặt dai dẳng ở gầm nướu răng và rất khó bị loại trừ nếu chúng ta không đánh răng mỗi ngày. Khi số vi trùng gây bệnh (pathogens) tụ tập càng ngày càng nhiều thì phản ứng của cơ thể là chống lại những chất lạ xâm nhập vào người bằng cách tiết ra những chất kháng độc tố để đem lại sự quân bình trong cơ thể. Tình trạng bệnh nướu răng trở nên trầm trọng hay không tùy thuộc vào sự tương tác năng động (dynamic interactions) giữa vi trùng và hệ thống miễn nhiễm của cơ thể (human immune system). 

   Vi trùng di chuyển từ trong miệng tới đường phổi bằng cách nào?
   Có 2 cách để vi trùng trong miệng có thể lọt vào buồng phổi:
   1. Cách thứ nhất là qua đường máu [hematogenous spread]. Khi bệnh nướu răng phát triển trong miệng, thông thường người bệnh sẽ nhận thấy nướu răng của mình dễ bị chảy máu hoặc mủ khi bị đụng chạm nhẹ trong lúc đánh răng.  Tình trạng viêm nướu răng càng nặng bao nhiêu, số vi trùng hiện diện trong máu (bacteremia) sẽ càng cao bấy nhiêu. Chúng ta cũng nên biết là việc vi trùng lưu thông qua đường máu là nguyên nhân chính gây ra chứng viêm nội mạc tim (bacterial endocarditis) và cũng liên quan đến chứng nhiễm trùng những khớp xương nhân tạo (prosthetic joint infection).

   2. Cách thứ hai là qua đường hô hấp [aspiration]. Đây là đường nhiễm trùng thông thường nhất trong các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Nhiều bác sĩ xác định rằng một số lớn vi trùng gây bệnh nướu răng nằm trong cao răng (Actinobacillus, Bacteroides, Fusobacteria, Porphyromonas spp.) cũng là những vi trùng kỵ khí gây ra bệnh viêm phổi. Họ cũng nhận thấy sự hít vào những chất nằm phía trên cổ họng xảy ra cho khoảng 45% số người khỏe mạnh trong lúc ngủ, so với 70% số người khi trạng thái tỉnh táo của họ bị suy kém. Vì tình trạng thiếu kém vệ sinh răng miệng, bựa răng đóng dầy đặc trong miệng, cộng thêm sự liệt kháng của cơ thể đã đưa đến sự hủy hoại nướu và xương hàm; đồng thời cũng tạo ra một môi trường thích hợp cho những vi trùng sinh sôi nẩy nở và lan dần xuống đường khí quản gây ra nhiều bệnh khác trong buồng phổi của con người.

   Những dữ kiện nào đã giúp cho 2 bệnh (nướu răng và phổi) liên kết với nhau?
Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng vi trùng sinh sống trong miệng và cổ họng có thể lan qua đường máu hoặc hít vào buồng phổi gây ra bệnh viêm phổi hay làm cho những căn bệnh phổi khác trở nên trầm trọng hơn. Cũng có rất nhiều các cuộc khảo cứu khác chứng minh và hỗ trợ sự liên kết chặt chẽ giữa hai bệnh (nướu răng và phổi) với nhau. Một bài nghiên cứu dịch tễ học (epidemiological study) cho biết những người không giữ gìn vệ sinh trong miệng thì hay mắc bệnh phổi mãn tính gấp 4.5 lần so với những người giữ vệ sinh đầy đủ. Khi so sánh những ổ xương hàm bị hủy hoại trong căn bệnh nướu răng, một chương trình khảo cứu dài trong 25 năm đã cho biết là các bác sĩ có thể tiên đoán được tỷ lệ số bệnh nhân mắc căn bệnh bế tắc khí quản (COPD) khi nhập viện. Nhưng đây không có ý ám chỉ hay quả quyết là bệnh nướu răng sẽ gây ra bệnh phổi. Nói cho chính xác hơn thì bệnh nướu răng có thể được xem là một nguy cơ (risk indicator) gây ra bệnh phổi.

   Những cuộc nghiên cứu can thiệp (intervention studies) đã minh chứng rõ ràng rằng bựa răng cũng góp phần vào căn bệnh phổi và tỷ lệ nhiễm trùng đường phổi giảm rõ rệt đối với những bệnh nhân giữ được vệ sinh răng miệng: 

   1.    Một nghiên cứu cho thấy là khi những người bệnh được súc miệng với thuốc nước sát trùng 0.12% chlorhexidine thì tỷ lệ bệnh viêm phổi được giảm tới 65%, so với nhóm người dùng loại thuốc trấn an (placebo effect).

   2.    Những nghiên cứu khác cho thấy nếu loại vi trùng có khả năng gây ra bệnh phổi [potential respiratory pathogens] có sẵn trong bựa răng của bệnh nhân lúc nhập viện hoặc đang nằm trong phòng hồi sinh thì bệnh nhiễm trùng phổi được tiên đoán sẽ xảy ra trong vòng 5 ngày. 

   3.     Những nghiên cứu thâu thập tại các viện dưỡng lão chứng minh là việc đánh răng và bổ sung thêm phần súc miệng với hóa chất iodine đã làm cho bệnh viêm phổi giảm đi một cách đáng kể. Những cuộc khảo cứu nêu trên đã cho thấy việc tẩy trùng khoang miệng là một việc làm khá đơn giản và rẻ tiền giúp giảm đi số lượng bệnh viêm phổi. 

   Những Lời Khuyên Thực Dụng
   Sự hít thở vào buồng phổi những vi khuẩn nằm trong khoang miệng đã đem lại bệnh tật, sự tử vong, và nhiều phí tổn cho những người già yếu. Ba yếu tố làm cho việc phòng bệnh nha khoa ở vào tuổi cao niên bớt hiệu quả là: tài chánh, ý chí, và hoàn cảnh xã hội của từng người. Người ta cho rằng càng lớn tuổi, thì việc chăm sóc răng miệng càng không còn cần thiết. Điều này bắt nguồn từ những yếu tố khác như sự phân cách giữa ngành y và nha khoa, việc tốn phí để mua bảo hiểm nha khoa cho những vị cao niên, tâm trạng không thoải mái khi để cho người khác giữ gìn vệ sinh răng miệng cho mình, hoặc ác cảm khi đi chữa răng vì trước đây đã gặp những bực bội và phiền toái. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe ta nên nhớ rằng:

   Bệnh sâu răng và bệnh nướu răng là những bệnh nhẹ có thể tránh được bằng nhiều cách: 1) dùng bàn chải, chỉ răng nha khoa (floss) và kem đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để làm sạch giữa những kẽ răng và tại viền nướu răng; 2) khám răng định kỳ để được chải răng kỹ lưỡng hơn tại phòng nha khoa; 3) giới hạn lượng đường trong thức ăn. Những người bị khô miệng bởi số lượng nước miếng bị giảm thiểu vì những ảnh hưởng phụ do nhiều loại thuốc gây nên thì thường hay bị sâu răng và họ nên dùng chất fluoride mỗi ngày để cho men răng được cứng rắn hơn. Những người mất nhiều răng và đã được thế bằng những bộ răng giả thì có thể phải tập dùng những loại bàn chải răng đặc biệt để chà rửa mặt răng cho sạch.  Những người mang bệnh nướu răng loại nặng nên bỏ ra nhiều thời giờ và công lao hơn để chải những chân răng đã bị lộ ra.  Ba yếu tố làm cho việc phòng bệnh nha khoa ở vào tuổi cao niên bớt hiệu quả là: tài chánh, ý chí, và hoàn cảnh xã hội của từng người.

   Chúng ta nên coi việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là quan trọng để phòng bệnh thay vì cho rằng đó chỉ là việc làm sạch đẹp răng mà thôi. Muốn chải răng có hiệu quả nhất cần phải khéo tay, xúc giác nhạy bén, và thị giác tốt - nhưng tất cả các khả năng này đều bị giảm thiểu ở những người cao tuổi. Chúng ta nên khuyến khích các người già yếu tự góp phần vào việc vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Nhưng, những cộng tác viên xã hội, y tá, kể cả người thân trong gia đình cũng cần nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn răng miệng khi phải chăm sóc người bệnh hoạn già yếu.

   Điều đáng buồn là khi những người y tá/phụ tá làm trong những viện dưỡng lão lại ít để ý tới việc giữ vệ sinh hoặc biết những cách bảo vệ răng miệng cho chính họ hoặc cho những người bệnh dưới sự chăm sóc của họ. Hơn nữa, ít khi họ bị khiển trách về công việc giữ vệ sinh cho người bệnh không được hoàn tất. Bởi vậy, họ đặt công việc lặt vặt này vào loại thấp nhất trong những công việc đầy ấp hằng ngày.


   KẾT LUẬN
   Sự ngăn cách giữa hai ngành y và nha khoa đã được thấy rõ trong khoảng 160 năm qua, tuy rằng cả hai ngành chữa trị cùng một bệnh nhân. Điểm cốt yếu là giới nha sĩ cần phải học hỏi để hiểu thêm về những bệnh lý trong ngành y khoa và giới y sĩ cũng phải biết thêm về các bệnh trạng trong phạm vi nha khoa để chúng ta cùng nhau phối hợp trong việc chữa trị hầu đem lại những giải pháp và lợi ích khả quan hơn cho bệnh nhân. Muốn cho sự phối hợp này tiến xa hơn, các nha sĩ và y sĩ cần phải liên lạc thường xuyên để chia sẻ thông tin cho nhau và dùng những phương thức phối hợp hữu hiệu để giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe trong miệng và toàn cơ thể.

   Theo quan niệm của ngành y nha khoa hiện đại, không có triệu chứng nào là không đáng quan tâm. Tuy nhiên, nhịp sống hối hả hằng ngày đã khiến nhiều người trong chúng ta lơ là với những biểu hiện bất thường của cơ thể, đến khi bệnh trở nên trầm trọng thì các cơ hội chữa trị có thể đã khá muộn màng. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, còn nếu bệnh đã xảy ra thì sự phát hiện và chữa trị sớm bao giờ cũng là giải pháp lựa chọn tốt nhất.

» Related Articles: