HÀNG TRUNG QUỐC-NHỮNG SẢN PHẨM TỬ THẦN Posts by : STEVE THAI

   Giá rẻ và chủng loại hàng hóa đa dạng là lý do khiến cho hàng Trung Quốc có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới. Tuy nhiên, những tin tức dồn dập mới đây từ một số quốc gia về tình trạng nhiễm hóa chất độc hại trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, thậm chí cả vải vóc có xuất xứ từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng toàn thế giới không khỏi bàng hoàng lo lắng.

   Những công bố gây “shock” toàn thế giới
   Ngày 2/3/2007, một công ty sản xuất thức ăn cho vật nuôi có trụ sở ở Hoa kỳ có tên là Menu Foods, đã tiến hành điều tra sau hàng loạt cái chết bất ngờ của chó mèo cưng của khách hàng. Kết quả cuối cùng cho thấy : số vật nuôi này chết bởi ăn phải thực phẩm chứa gluten bột mì nhập cảng từ Trung Quốc. Loại thực phẩm này được trường đại học Cornell và một phòng xét nghiệm ở New York kết luận rằng có chứa độc tố, gây ra chứng suy thận cấp làm chó, mèo đột tử.

   Đầu tháng 5/2007, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố phát hiện "choáng váng": khoảng 2.5-3 triệu người Mỹ đã sử dụng thịt từ gia cầm ăn bột rau bị nhiễm melamine có nguồn gốc từ Trung Quốc.Melamine là hóa chất được sử dụng làm phân bón, đồ nhựa và các nhà nghiên cứu khẳng định hóa chất này có thể gây ung thư. Lập tức, Mỹ đã tiêu hủy 3.1 triệu con gà từng ăn thực phẩm nhiễm melamine.

   Ngày 26 tháng 5, bộ y tế các nước Panama, cộng hòa Dominican, Costa Rica và Nicaragua đã đồng loạt tiến hành điều tra việc phân phối và kinh doanh loại kem đánh răng sản xuất tại Trung Quốc có thương hiệu Mr.Cool và Excel tại thị trường các nước này. Kết quả điều tra cho thấy hai loại kem đánh răng này có chứa độc tố diethylene glycol cao gấp 50 lần cho phép, là thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 100 người và làm 500 người khác bị nhiễm độc ở Panama.

   Cùng thời gian đó, nhật báo Sydney Morning Herald (Úc) lại tin tức cho biết về một loại mền Trung Quốc nhãn hiệu Sheridan Indulgence, đang được bày bán rộng rãi trên khắp Úc, có chứa hàm lượng formaldehyde với tỉ lệ cao gấp 10 lần cho phép của các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan kiểm tra các sản phẩm len của Úc cho biết hàm lượng formaldehyde có trong mặt hàng này là 2790 ppm (phần triệu).

   Chất formaldehyde được các nhà sản xuất Trung Quốc sử dụng để làm mềm, chống nhăn và chống co rút các sợi vải nhân tạo dùng trong các bộ drap, gối giường ngủ, áo quần trẻ em và đồ chơi bằng vải. Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, có thể gây tác hại cho da và hệ thống hô hấp dù chỉ với một hàm lượng rất thấp cũng như các bệnh về bạch cầu, ung thư phổi...

   Không dừng lại ở đó, đầu tháng 6 này, thế giới lại bàng hoàng trước tin tức cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc  đang tiến hành thu giữ sản phẩm huyết tương albumin giả tại nhiều tỉnh thành như Sơn Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Ninh Hạ, Thanh Hải và Trùng Khánh. Chỉ riêng tỉnh Cát Lâm, cơ quan này đã phát hiện hơn 2,000 chai albumin giả tại 18 bệnh viện và 39 cửa hàng tân dược. 

   Huyết tương albumin thường được dùng điều trị sốc, bỏng, suy gan, suy tụy và trong phẫu thuật tim. Bệnh nhân dùng phải thuốc giả sẽ gặp phải nhiều nguy cơ lớn đối với sức khỏe.  Viện Nghiên cứu thực phẩm và dược phẩm Cát Lâm cho biết xét nghiệm cho thấy sản phẩm huyết tương albumin giả "không hề có một dấu vết nào của protein".

   Rồi còn rất nhiều những công bố hãi hùng từ chính nhà cầm quyền Trung Quốc : rau quả có chứa chất diệt cỏ; trứng gà, son môi chứa chất sudan gây ung thư; thú nhồi bông làm bằng vật liệu phế thải từ nhà máy sản xuất thảm; bình xịt thơm trên xe hơi chứa hóa chất gây đau đầu, dị ứng….

   Và những phản ứng 
   Chứa hóa chất độc hại, làm giả, làm nhái…từ lâu đã trở thành những thứ gắn liền cho những loại hàng hóa “của rẻ của ôi” có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những công bố dồn dập từ đầu năm 2007 đến nay mới khiến cả thế giới phải giật mình nhìn lại.

   Phản ứng đầu tiên của hầu hết các nước có nhập hàng Trung Quốc là cho thu hồi sản phẩm có chứa chất độc hại đang lưu hành và từ chối nhập cảng sản phẩm đấy. Ngay cả những sản phẩm được kiểm định là không chứa hóa chất độc hại nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc cũng bị tẩy chay. 

   Đó là một vấn đề lớn đối với thế giới và vô cùng đau đầu với những nhà cầm quyền Trung Quốc. Niềm tự hào về một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao với sản lượng hàng hóa xuất cảng vào loại lớn nhất thế giới đang có nguy cơ sụp đổ. Hàng xuất cảng Trung Quốc đang đứng trước thách thức bị người tiêu dùng toàn thế giới quay lưng lại. 

   Để vớt vát lại tình thế, trước hàng loạt cáo buộc, chính quyền Trung Quốc chỉ đưa ra 2 chính sách : hoặc im lặng hoặc phủ nhận sự liên quan của mình.  Bắc Kinh tuyên bố không xuất cảng mì căn sang Mỹ và melamine không gây độc hại và vụ ngộ độc thuốc ở Panama là do lỗi của chính nước này. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của mình, chính quyền Trung Quốc lại ra lệnh cấm sử dụng melamine trong những sản phẩm thực phẩm xuất cảng hoặc phân phối nội địa và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phải thừa nhận có hai công ty công nghệ sinh học cố tình xuất cảng nguyên liệu thức ăn vật nuôi nhiễm melamine và thuốc diệt chuột sang Mỹ và Nam Phi.

   Thái độ tích cực nhất mới đây của nhà cầm quyền Trung Quốc là thiết lập một hệ thống thu hồi những sản phẩm không an toàn, những nhà sản xuất vi phạm luật nghiêm trọng sẽ bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào cải cách sửa đổi lấy lại lòng tin của người tiêu dùng thế giới, Trung Quốc lại có một số hành động trả đũa trước những cáo buộc về sự mất an toàn của hàng hóa Trung Quốc. 

   Mới đây, Bắc Kinh từ chối nhập và hủy một số kiện hàng phụ gia y tế và nho khô từ Mỹ với lý do các sản phẩm này bị nhiễm vi khuẩn và khí SO2. Nhưng cơ quan Quản lý chất lượng - kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc lại chỉ  mập mờ “các sản phẩm này không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh Trung Quốc” mà không có bất kỳ kết quả kiểm định nào. 

   Xem ra, còn lâu Trung Quốc mới có thể xóa mờ nỗi ám ảnh về một nền kinh tế kém chất lượng, một nền văn hóa hàng nhái…

» Related Articles: