HÀNH TỎI HĂNG NỒNG Posts by : STEVE THAI

   Chiều chiều gọt mướp nấu canh,
    Thấy anh qua lại bỏ hành lộn om.
   Ca dao
.

   Ngày xưa, một anh dân quê nhân cứu sống một con chim thần được nó tặng một chai nước có phép lạ làm người trẻ lại, đẹp ra. Cô vợ tưởng chai dầu thơm đem xức thì trở nên xinh xắn lạ thường. Nhà vua nghe nói đến nhan sắc cô ta, sai bắt đem về làm thiếp trong cung. Buồn bã xa chồng, cô ta bỏ ăn, mất ngủ, không nói, hết cười. Nhà vua thấy vậy liền ra lệnh ai làm cô vui tươi thì được thưởng. Từ miền quê xa, anh dân quê cũng thương nhớ cô vợ, rời bỏ ruộng nương, vai mang gánh hành tiến về kinh đô, vừa tìm vừa rao :

   Dọc bằng đòn gánh
Củ bằng bình vôi
Ai mua hành tôi
  Thì thương tôi với !

   Cô vợ nghe rao, nhận ngay tiếng chồng mình, đòi đưa người bán hành vào và tức khắc trở nên tươi cười hớn hở. Nhà vua tưởng cách ăn mặc của người bán hành là nguyên do sự thay đổi thái độ của cô nàng, liền phán đổi áo quần mình với người bán hành. Vào lúc đó, chó dữ trong cung chạy ra lầm lẫn cắn chết nhà vua. Sẵn mặc triều phục, như mệnh trời đã định, anh bán hành được đưa lên ngai vàng thế vua…

   Câu chuyện đời xưa tràn đầy luân lý tuy là ảo tưởng. Phần hiện thực nằm quanh củ hành, cùng với tỏi là hai gia vị độc đáo có một không hai trong các món ăn. Cũng như trái sầu riêng được cho vừa thơm vừa hôi nồng, trong nhân loại nếu có người ham mê hành tỏi thì cũng có kẻ không chịu nổi mùi vị hăng nồng của chúng. Sách sử về các vua chúa Ai Cập thuở trước đã nói đến những hình chạm hành tỏi trong các lăng mộ vì các gia vị lầy không thể thiếu dù ở thế giới bên kia, nhưng cũng có những văn bản khuyên các giáo sĩ ngày thường cũng như trong các buổi lễ không nên ăn tỏi vừa gây khát nước vừa làm cay mắt. Cũng vào thời kỳ ấy tỏi là gia vị quý báu của những công nhân xây dựng các Kim Tự Tháp vì có khả năng tăng cường sức lao động. Những đấu sĩ  Hy Lạp, quân binh La Mã được cho ăn hành tỏi để tăng cường sức chiến đấu nhưng không được dùng trước khi vào đền miếu. Ở Trung Quốc, người ta bảo hành tỏi được thông dụng ngay cả trước khi có chữ viết. Tục truyền một hôm theo Ngọc Hoàng trèo núi, một vị thần ăn phải trái độc, nhờ nhà vua cho ăn tỏi mà được cứu sống. Ở Ấn Độ, tỏi là một trong những môn thuốc quan trọng trong ngành y học cổ truyền Ayurvedic (khoa học đời sống) nhờ năm vị mặn, ngọt, cay, đắng, gây se. Sau lầy, pho sách y khoa Kasyapasamhita miêu tả tường tận cách dùng tỏi.
 
   Kháng sinh, diệt trùng, trừ nấm, khử virus
   Thật ra từ thuở xa xưa, hành tỏi không những là những gia vị cần yếu mà còn là những chất thuốc hay ho. Theo một văn bản Ai Cập 1550 trước công nguyên, trong 800 đơn thuốc, đã thấy có hơn 20 đơn dùng tỏi điều trị các bệnh đau tim, đau đầu, vết cắn, giun sán, 
khối u,… Sau đó bên Hy Lạp, lương y Hippocrate cũng như triết gia Aristote đã khuyên dùng tỏi để chữa các chứng bao tử, nhiễm bệnh, loại nước. Còn thi sĩ Aristophane, cũng vào thời ấy, đã đưa tỏi làm tượng trưng cho thể lực trong các vở kịch của ông. Vào đầu kỷ nguyên công giáo, nhà vạn vật học La Mã Phine l'Ancien kê nhiều ứng dụng y học của hành và tỏi trong khi bác sĩ trưởng quân y Dioscorides  dùng tỏi trừ giun, làm nhuận tiểu, giảm đau răng, bớt ho hen, chữa bệnh hói tóc, bệnh ngoài da,…

   Trong những đại hội Olympic đầu tiên, tỏi đã được kê làm chất hoạt chất, một vấn đề hiện đang được bàn tán sôi nổi trong thế giới thể thao ngày nay. Gần đây, một văn bằng sáng chế dùng tỏi trộn với diếp cá làm thuốc chữa chân các lực sĩ.

   Ở Ấn Độ, từ lâu tỏi là thành phần chính của thuốc sát trùng để chữa vết thương, ung nhọt. Bên Trung Quốc, hành đem sắc uống chữa được đau đầu, cơn sốt, dịch tả, kiết lỵ. Ở Marseille, người ta kể chuyện bốn tên ăn trộm bị kết án tử hình, năm 1721 bị bắt đi chôn những người chết vì bệnh dịch hạch, họ không bị lây chết nhờ ăn một món tỏi ngâm trong rượu. 

   Ngày nay món “dấm bốn kẻ trộm” rất được thông dụng ở miền nam nước Pháp. Thấy ra, y học dân tộc đã được phổ biến qua huyền thoại. Ở bên ta, sách cổ cho hành có vị cay, bình mà không độc, có năng lực phát biểu, hòa trung, thông dương, hoạt huyết, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, sắc lấy nước uống chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thũng, còn làm yên thai, sáng mắt, lợi ngũ tạng, tuy nhiên còn nói thêm ăn nhiều quá thì tóc bạc, hư khí xông lên không ra mồ hôi được.

   Còn về tỏi thì theo Đông y có vị cay, tính ôn, hơi có độc, nhưng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng, chữa băng đới, trùng tích, huyệt lỵ, tả lỵ,… Sách thuốc cổ còn ghi hành làm lợi ngũ tạng nhờ làm ấm thận, bào trung, lại có tính dương khí và hoạt huyết nên làm thông kinh mạch từ đấy thân thể trở nên nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái.. 
 
   Bảo vệ tóc rụng, phục hồi tóc thưa
   Bên phần tỏi tươi, nhờ alliin, allicin, diallyl disulphid, chống được sự tăng cường cholesterol trong máu, đồng thời giảm hạ huyết áp. Một phần chiết có tính chất ngăn chặn cuộc phát triển những Mycobacterium tuberculosis: hai protein chống lao đã được tách biệt từ tỏi. Tỏi thấm tách có tác dụng giảm hạ loạn nhịp tim. Nhờ tính chất chống oxi hóa, đặc biệt của allicin như trong hiệu thuốc Garlicin, có khả năng hạ huyết áp, giảm cholesterol, tiêu hủy fibrin, tỏi được coi như là một thuốc bảo vệ tim hữu hiệu. 

   Trước những tính chất độc đáo của hành và tỏi, nhiều phòng thí nghiệm đã bỏ công khảo cứu phương cách khai thác và ghi văn bằng sáng chế mỹ phẩm, phần lớn nhắm hướng da và tóc. Nhờ có allyl thiamin kích thích tế bào, tỏi được dùng trong những thuốc bảo vệ da, trộn với sinh tố B1 để chống viêm da, trộn với tiêu, muối, mật, dấm để chữa kẻ nứt da chân tay, hành thì trộn với nước cam, bột thông, tinh dầu y lăng để chống da nhăn hay nhuộm da màu rám nắng. Hành cũng được trộn với cúc tây, xương rồng, bạc hà,… để làm thuốc phòng ngừa tóc rụng, trộn với dầu hỏa, thầu dầu, lòng trứng để làm thuốc phục hồi tóc thưa, trộn với dầu dừa trong môn thuốc kích thích tóc mọc. Nhờ có những chất alliin, allicin, niacin cùng các sinh tố A, B1, B2, C, tỏi được dùng để chữa chứng sói tóc. 

   Nói chung, hành và tỏi là những gia vị vừa đem lại nhiều hương vị vừa có những tính chất dược liệu hay ho. Trong đời sống hằng ngày, tính chất tiêu thực và hăng cay của chúng rất có ích khi bữa ăn của ta chứa đựng quá nhiều thịt mỡ khó tiêu hay hôi tanh mùi cá. Thang thuốc có ngay trong mâm cơm, có gì tiện lợi bằng ! Ở các nước Đông Âu, đặc biệt vùng Transilvania, tỏi lại được dùng trong một mục đích khác, ít nhất cũng trong chuyện hoang đường : người ta treo nó trong nhà, trước ngõ để xua đuổi ma quỷ, đặc biệt những ma hút máu mà tiêu biểu qua nhiều thời đại là bá tước Dracula từng lưu danh trong các phim truyện. Không có lửa sao có khói, tìm hiểu được căn bản tập quán lầy rất có thể giúp ta biết thêm nữa về những tính chất mới lạ khác của tỏi.

» Related Articles: