THỜ KÍNH VÀ CÚNG TẾ ĐỂ NHỚ ƠN TỔ TIÊN Posts by : STEVE THAI

THỜ KÍNH VÀ THIẾT LẬP GIA PHẢ (Phả Tộc hay Phả Hệ...) 

Thờ Ông Bà không phải là tôn giáo mà là một truyền thống, một phong tục tập quán là một bổn phận hiện thực của người hiện tại tôn kính và nhớ ơn đối với tiền nhân có thật 100/100 đã dày công sáng lập dòng họ hay dân tộc, bảo vệ và sinh tồn đến hôm nay. Còn tôn giáo là tin vào một đấng linh thiêng màu nhiệm mắt thường không nhìn thấy được. 
     Ngày xưa có dòng họ ông Tổ là vị khai hoang lập ấp những nơi hoang dã ăn ở lâu dần con cháu sinh sôi nẩy nở nguyên làng, nguyên buông, nguyên tộc nên trong họ lập ra tổ làng hay tổ đình xây dựng một đình lấy Họ đặt tên đình v.v… và trong đình cũng trần thiết như trong gia đình nhưng có thêm 2 cây lọng, có liễn, có đối có hoành phi hoặc có sắc Vua ban… Có Tổ dòng họ sinh tiền làm Quan được Nhà Vua ban thí cho đất đai nguyên vùng và con cháu qui tập cày cấy khi qui tiên được cả họ lập Đình thờ hoặc được Vua sắc phong là thần, hàng năm đến tam kỳ thu tế cả làng và dòng họ đến giết heo, mổ bò cúng lễ nhan khói linh đình, đãi đằng đến hai hay ba ngày nhiều khi còn thuê cả đoàn hát đến biểu diễn hai ba đêm, hoặc thuê làm cả cây pháo bông cao đến 5 hoặc 10 mét (khoảng từ 20 đến 40 ft) để đốt, pháo nổ hàng tiếng đồng hồ sáng rực cả khuông viên sân đình thật là “rạng rỡ muôn dân, vinh dự cho dòng tộc”. 
      Ngoài việc thờ kính mỗi dòng họ còn có Gia Phả hay Tông Chi tộc họ của minh, cuốn Gia Phả nhằm ghi lại lịch sử khi sinh tiền của từng người con trai “Nhất NAM viết tử”, riêng con gái thì chỉ ghi một đời của người đó cùng người chồng không ghi con cái hoặc cháu chắc vì “Thập Nữ Viết Vô” và Gia Phả được lưu giữ từ đời này đến đời kia và cho hiện tại cũng như mãi mãi về sau. Lịch sử từng cá nhân trong dòng họ ghi rất chi tiết không bỏ sót một người nào gọi là GIA PHẢ: Hàng năm vào ngày Tế Hiệp của dòng tộc người trưởng tộc muốn mở cuốn gia phả để nhật tu họăc cá nhân nào muốn tìm hiểu đời nào thì phải lên nhan đèn khấn vái xong trưởng tộc mới được mở gia phả và có người trong dòng họ đọc và tu sửa. Thường thì người nào viết chữ đẹp hay phụ trách, hoăc người nào tư chất xứng đáng được vinh dự cả họ cử phụ trách bởi lẽ chữ viết để đời đâu thể nào người không ra gì lại được viết gia phả?! Vậy mỗi người trong chúng ta ai cũng có Tổ Tiên, Ông Bà Nội Ngoại, Cha Mẹ, Anh Chị Em… “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta nguồn gốc nhờ đâu? Có Cha có Mẹ, rồi sau có mình.” Nên làm người phải luôn nhớ thờ kính Tổ Tiên, Cha Mẹ, hàng ngày nên đốt một nén nhang và dành vài phút để tưởng nhớ nếu Ông Bà đã mất và tận tâm phục vụ hàng ngày cùng tỏ lòng hiếu thảo với Ông Bà Cha Mẹ khi còn sống và cùng luôn nhắc nhở con cái luôn giữ gìn gia cách. 
TẾ LỄ CỔ TRUYỀN: 
     Hầu hết trong chúng ta ai cũng ít nhiều hiểu về cúng tế tuy nhiên lớp trẻ xa xứ chưa hiểu tại sao phải cúng tế nhất là Tế Đức Quốc Tổ Hùng Vương và các vị Đại Anh Hùng Dân tộc khác như Hưng Đạo Đại Vương, Đại Đế Quang Trung, Hai Bà Trưng.. . Đó là trách nhiệm và thể hiện việc Thờ Kính Tổ Tiên cuả mỗi người trong Cộng đồng người Việt tha hương của chúng ta. Xin lược qua Lịch Sử trong ngày đăng quang cuả Vua Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã nói “Vật gốc ở Trời, Người gốc ở Tổ”, hoặc tục ngữ Việt có câu: “Chim Có Tổ, người có Tông, Cây có Cội, nước có nguồn”, nên chúng ta là con cháu dù ở phương trời nào cũng kính nhớ Tổ Tiên bằng cách Thờ Kính vàTế Lễ là để tán tụng công đức, hạnh độ, giải bày tình nghĩa, tỏ lòng biết ơn và cầu xin sự phù hộ, giúp đỡ cuả tiền nhân với con cháu hiện tại.
 Trong Lễ Tế Cổ Truyền có rất nhiều hình thức như: 
° Vua Chuá thì tế Trời Đất để cầu xin phù hộ nước thịnh, dân cường. 
° Xuất trận thì Tướng sĩ tế cờ cầu mong được chiến thắng vinh quang, 
° Đình Miếu thì tế thần linh xin phù hộ mưa thuận, gió hoà, muà màng tươi tốt dân chúng yên bình. 
° Triều thần thì tế Quốc Tổ, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hai Bà Trưng và các Vị Thánh nhân, Anh Hùng … để tỏ lòng biết ơn và tôn kính. 


° Vợ chồng thì tế Ông Tơ Bà nguyệt xe tơ duyên thắm hạnh phúc trọn đời...
 Những Phẩm Vật trong Lễ Tế theo phong tục Cổ Truyền gồm: 
- TAM SINH (sinh vật sống) Trâu, Heo, Dê - TAM BỬU ( Hoa - Rượu - Trà) - NGŨ HÀNH ( Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) 
1. Kim: 1 Thần Kiếm (Thần kiếm tượng trưng cho khai quốc) 
2. Thủy: 1 chung nước mặn tượng trưng cho tình thương bao la chan hòa bể cả), 1 chung nước ngọt (tượng trưng nguồn gốc khai nguyên) 
3. Mộc: - MAI tượng trưng cho Nam (con trai) - LAN tượng trưng cho Nữ (con gái) - CÚC tượng trưng cho con cháu nối dõi tông đường - TRÚC tượng trưng cho Quân Tử, Anh Hùng, Hào Kiệt (thỉnh thoảng người viết thấy trong phòng khách của một số gia đình người bạn ở Hoa Kỳ có treo tranh Tứ Quý Mai - Lan - Cúc - Trúc bằng sơn mài hay cẩn xà cừ có nguồn gốc từ Việt Nam đem sang). 
4- Hỏa: Đèn – Hương
5- Thổ: Lư Hương, Lư Trầm, Trầu, Cau biểu tương cho sự gắn bó tình nghĩa keo sơn. BÁNH DẦY: Hình tròn biểu tượng TRỜI - CHA (Thiên Viên) BÁNH CHƯNG: Hình vuông biểu tượng ĐẤT-MẸ (Địa phương) 
THÀNH PHẦN BAN TẾ LỄ CỔ TRUYỀN
     Một Chánh tế tượng trưng cho nhất phẩm triều thần mặc áo rộng đỏ mũ đỏ mang hia đỏ, hai hoặc nhiều phó tế tượng trưng chức quan nhị phẩm hoặc quan cận thần măc áo rộng xanh mũ xanh mang hia xanh, hai người đăng tượng trưng cho quan văn võ tam phẩm triều đình mặc áo rộng xanh đội mũ xanh, lễ sinh không hạn chế nhưng phải đủ cặp tượng trưng các quan trong triều đình cũng mặc áo rộng xanh đội mũ xanh và một vị xướng tế tượng trưng cho quân sư nhà Vua hay thượng thư bộ lễ mặc áo đỏ đội mũ đỏ. Tất ca thành viên trong ban tế đều phải theo các hiệu lệnh cuả xướng tế mà thực thi các động tác như: Bài ban (sửa soạn mũ áo chỉnh tề), Ban tề (Vào vị trí bắt đầu tế lễ), Khởi chinh cổ (đánh chiêng trống), Nhạc sinh cử nhạc (Ban nhạc tấu nhạc tế), Củ soát tế vật (Kiểm soát lễ vật), Chánh tế viên, dự tế viên tịnh nghệ quán tẩy sở (Chánh tế và phó tế rửa tay truớc khi hành lễ), Phó tế viên tựu vị (Phó tế vào vị trí), Chánh tế viên tựu vị (Chánh tế vào vị trí) Nghệ đọc Chúc Vị (Phần đọc văn tế) Nghệ hương áng tiền (đến phần dâng hương trước bàn thờ) Thượng hương (Dâng hương), Phủ phục (quỳ xuống lạy), Hưng (đứng dậy), Bình thân phục vị (Về vị trí hành lễ), Bái (vái, lạy), Hành sơ hiến lễ (dâng lễ vật như rượu, trà, hoa, quả), Chước tưủ (Rót rượu), Hiến tưủ (Dâng rượu), Tiễn tước (xong nhiệm vụ) Ẩm phước (uống rượu lộc) Hóa Chúc (đốt tờ chúc) …, Lễ tất (Kết thúc buổi lễ).
      Sau khi Tế Lễ xong người xướng tế mời tất cả quý vị cao niên, nhân sĩ và đồng bào lên bái lễ trước bàn thờ Tế Lễ. Vậy Lễ Tế Đức Quốc Tổ Hùng Vương và các vị Đại Anh Hùng Dân tộc với mục đích để tưởng nhớ công ơn lập quốc, giữ nước, sinh tồn tôn tộc. Nói chung Cúng - Tế là một phong tục một truyền thống tốt đẹp cuả dân tộc Việt, vậy moi người Việt trong chúng ta nhắc nhở nhau duy trì, giữ gìn, phát huy qua phương tiện truyền thông, truyền hình, báo chí, enternet và tổ chức thực hiện ngày cúng hoặc tế lễ hàng năm, ngoài ra còn giải thích, hướng dẫn giới trẻ kế thừa cùng góp phần, vì đó là trách nhiệm và bổn phận làm người con dân gốc Việt - Lạc Hồng. 

 

CÙ HÒA PHONG

 

» Related Articles: