TẾT XƯA Posts by : STEVE THAI

   Thực ra, người ta đã tưng bừng sắm sửa, chuẩn bị tết cổ truyền từ ngày 23 tháng Chạp, tức là ngày ông Táo lên chầu Trời.

   Bàn thờ Táo quân đặt cạnh bên bàn thờ chính thờ tổ tiên cha mẹ, có đặt 2 cái mũ cho Táo ông và một mũ cho Táo bà. Thêm vào đó có ba chiếc áo (không có quần). Tất cả đều bằng giấy nhiều màu sắc. Lại còn có một con cá chép sống trong một chậu nước. Đó là phương tiện đi đường để các vua bếp bay lên thiên đường báo cáo với Ngọc Hoàng về cuộc sống của trần gian nhiều khổ cực. Chiều ngày 28 tháng Chạp, nhiều gia đình đi thăm những ngôi mộ các thân nhân để tỏ lòng biết ơn và quyến luyến. Họ mời vong linh những người đã khuất về ăn Tết với gia đình trong 3 ngày Tết. Tết kể từ ngày mồng một tháng Giêng. Ở các nghĩa trang cánh đồng người ta đốt vàng thỏi, vàng lá, thắp hương nghi ngút.

   Ở ngoài đình hoặc nơi công cộng, người ta trồng một cây nêu cao vút có một vòng tròn mắc nhăng nhít các con vật bằng giấy xanh, đỏ với những chiếc khánh nhỏ gây ra tiếng vui tai khi gió thổi. Cây nêu được dựng lên để cho ma quỷ và những hồn người hung ác biết rằng đây là đất của nhà Phật, không được đụng tới. Nhiều gia đình còn cẩn thận hơn nữa, họ vẽ mũi tên trên cánh cung giương ra ở trước cửa bằng vôi trắng để đe doạ kẻ xấu. Hai cánh cửa của các nhà được dán lên 2 bức tranh có hai ông tiến Tài và tiến Lộc hoặc hai ông tượng canh cửa gọi là ông Thiện và ông Ác.

   Nói chung, Tết những năm xưa được gói gọn trong câu đối:


Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràn pháo, bánh chưng xanh.

    Chiều 30 Tết, mọi việc như dọn dẹp bàn thờ, quét tước nhà cửa, bàn thờ có cành đào, cành mai, mâm ngũ quả, cột nhà có đôi câu đối giấy đỏ chữ đen, đàn tranh Tết…Những công việc này phải làm xong cùng với việc có đủ các món ăn truyền thống như: bánh chưng, dưa hành, giò, chả, thịt đông, thịt bò om gừng, các loại bánh, các thứ hoa quả. Nưng không được quên dựng 2 cây mía dài, đẹp gọi là gậy ông vải. Tết gắn liền với hoa nên người ta đua nhau trồng thêm mấy khóm cúc, hoa mẫu đơn, hoa trà, sửa sang lại vườn hoa cây cảnh, hòn non bộ. Người ta tắm một buổi tất niên bằng nước ấm có hương thơm của cành mùi hoặc hương nhu. Đồng thời giết một con giò để làm lễ cúng giao thừa ngoài trời. Ngày mồng Một, mồng Hai người ta kiêng sát sanh không động thổ quét tước gì để màu sắc Tết không bị mất đi quá sớm, nhất là giữ lại những đám xác pháo màu đỏ hồng đầy sân.

   Chiều 30Tết, cà nhà quây quần sum họp, ăn với nhau một bữa tất niên rồi ai nấy chuẩn bị quần áo và đồ trang sức đẹp nhất. Với trẻ con những nhà trung lưu thường là quần áo xẻ đũng, áo hàng lam. Họ chuẩn bị gói những đồng xu tờ giấy bạc mới tinh vào những miếng giấy hồng điều để ngày mồng Một mở hàng cho mọi người trong gia đình và trong họ. Trong những lúc này, họ nói chuyện với nhau về đủ mọi chuyện trên đời, trong cuộc sống và rút kinh nghiệm, đặt quyết tâm cho năm sau sẽ đến trong vài tiếng đồng hồ nữa.

   Đúng 12 giờ đêm là giờ Tý, mọi người đều đốt pháo giã từ năm cũ, đón nhận năm mới, thắp đèn hương cúng ông bà, ông vải, người thân đã khuất. Ở ngoài sân cũng có bàn thờ cúng trời đất với hương hoa, đĩa xôi trắng, con gà luộc mà mỏ có gắn cánh hoa hồng. Người ta đi ra ngoài hưởng không khí Xuân tươi mát một đoạn đường gọi là đi “xuất hành”. Người ta ngắt lấy một cành lá, một nhành lộc nhỏ, cành cây non mang về nhà gọi là “hái lộc Xuân”. Gia chủ đã hẹn sẵn một người bạn thân của gia đình đến "xông đất" nghĩa là người đó là người đầu tiên bước vào gia đình trong năm. Người đến xông đất thường là nam giới, có con cái làm ăn khá giả, tính tình cởi mở gọi là người “nhẹ vía”. Những người có tang gọi là có bụi không đến nhà ai trong những ngày Tết.

   Các bà các chị có thể đi lễ ở đình, chùa. Đôi khi họ xóc thẻ miệng cầu khấn rì rầm tay lắc ống thẻ sao cho có một chiếc thẻ rơi ra ngoài. Chiếc thẻ do tương ứng với một lời giải về tương lai ghi trên giấy. Đàn ông có thể đánh tổ tôm, đánh chắn. Các cô đánh tam cúc. Các cô nhắm mắt lại rút một quân bài đầu năm trong số 32 quân bài. Nếu quân rút được là quân đỏ thì năm mới, người rút được sẽ có may mắn về đường tình duyên gọi là bói “tam cúc”.

   Chiều ngày mồng ba Tết, gia đình làm lễ tiễn tổ tiên về âm phủ và hẹn gặp lại trong những ngày Tết năm sau và những ngày lễ Tết trong năm. Người ta đốt vàng, quần áo và những đồ dùng bằng giấy để tổ tiên mang theo. Trong những ngày Tết, mọi người kiêng nói những điều không hay. Người ta sống rất “thiện, lịch sự, lễ phép, tôn trọng trên dưới” vì tổ tiên, ông bà cùng về dự Tết với con cháu. Đó là cuộc sống vừa “tâm linh” vừa “thực tại”. Trong những ngày Tết, người ta không đánh nhau, cãi nhau, xoá bỏ hận thù, xích mích. Những người nghèo được bà con, anh em xung quanh giúp đỡ cùng ăn Tết. Những người hành khất chỉ cần đứng gần cửa một gia đình rồi nói vài lời chúc Tết may mắn là đã được mọi người trong gia đình mang ra cho bánh chưng, xôi, thịt… Mọi người thường nói: Khó đói chẳng lo ba ngày Tết; Giàu sang rộng mở tấm lòng thương…

   Ngày mồng bảy tháng Giêng là ngày hạ cây nêu, mọi người tụ tập gặp gỡ nhau ở các nơi như đền, chùa, đình, miếu, các bãi rộng là nơi tổ chức những cuộc vui Xuân, tế lễ, rước xách, hát tuồng chèo… Nhưng những nơi đây cũng là nơi trai gái hẹn hò, trao duyên trong những ngày Xuân tươi đẹp. Mọi người rủ nhau đi chơi Xuân, sang làng nọ làng nọ, làng kia để mở rộng sự quen biết và kết bạn. Gia đình gười con trai sang chúc Tết gia đình người con gái và ngược lại.

» Related Articles: