MỸ SƠN - DI SẢN VĂN HOÁ BÍ ẨN Posts by : STEVE THAI

   Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những di sản văn hoá nhân loại tại Việt Nam được công nhận bởi tổ chức văn hoá thế giới UNESCO vào năm 1999. Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 68km về hướng Tây Nam, được xem như là nơi hội tụ của những giá trị lịch sử và văn hoá, tồn tại hàng thiên niên kỷ với vẻ  trầm mặc, hoang sơ và đầy bí ẩn. Qua cây cầu bắc ngang suối Thẻ, men theo đường mòn dọc con suối vào thung lũng, bạn như lạc vào một thế giới khác hẳn,  chỉ có mây xanh trong vắt, cây rừng và những đền tháp cổ trầm mặc, rêu phong, nhuốm màu thời gian. Đây là một thung lũng lòng chảo bán kính hơn 2km được bao bọc kín đáo bởi các dãy núi đất, núi đá cao từ 120 - 350m, tách biệt hẳn một cõi với vùng dân cư cách đó khá xa. 

   Cả thung lũng là một quần thể kiến trúc độc đáo của những ngôi đền tháp uy nghiêm, hùng tráng lưu dấu một thời huy hoàng và đánh dấu sự tàn phai của vương quốc Chămpa ( vương quốc này bị diệt vong từ  đầu thế kỷ 18). Theo các tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn đă từng là trung tâm tôn giáo quan trọng và tiêu biểu nhất từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 15 của vương quốc này  . Người xưa kể rằng, cứ mỗi vị vua Chăm lên ngôi đều phải đến Mỹ Sơn dâng cúng một ngôi tháp thờ thần bổn mạng của mình. Các đời vua nối tiếp nhau đã tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều đền tháp trong suốt thời gian trị vì của mình. Thung lũng Mỹ Sơn trở thành một thánh địa với quần thể 71 ngôi đền tháp hài hoà mà độc đáo, thể hiện đầy đủ những nét đặc trưng nhất về sinh hoạt văn hoá, đời sống và tín ngưỡng của người Chăm xưa ( vốn chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamon). Hàng ngàn bức phù điêu, bia đá, tượng đá... là sự kết tinh của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc độc đáo riêng của những nghệ nhân Chăm tài hoa. 

   Có thề nói, đền tháp Mỹ Sơn là một hình ảnh điển hình của lịch sử kiến trúc cổ Chămpa. Cho đến nay, qua rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước, kỹ thuật nung gạch, kỹ thuật xây dựng đền tháp Chàm vẫn còn là một ẩn số. Điều này góp phần tăng thêm vẻ huyền bí cho những ngôi tháp cổ Mỹ Sơn, chưa kể đến vô vàn những câu chuyện hoang đường mà những người dân vốn tôn sùng thánh tích Mỹ Sơn lưu truyền từ đời này sang đời khác và  luôn tin là có thực.

   Rất nhiều du khách khi đến Mỹ Sơn đã cảm nhận được sự huyền diệu của khu tháp cổ này. Họ  đi thật chậm nhiều vòng quanh  đền thờ theo chiều quay trái đất từ đông sang tây (đây là cách đi của người xưa ) và thấy những hiện tượng đặc biệt xảy ra trong nội tâm... Có người thấy mình như một kẻ lữ hành cô độc vất vưởng trong thế giới lạ lùng của đền tháp, trong ảo ảnh của thung lũng, cây cỏ và núi rừng hay làm dân của xứ Chiêm Thành hoa lệ ngày xưa...

   Ngắm nhìn những pho tượng đá . Du khách sẽ hỏi vì sao con bò  lại trầm tư như một nhà hiền triết, thần Siva cụt tay vẫn tiếp tục điệu vũ luân chuyển, những người cầu nguyện, những vũ nữ gợi cảm đang phô diễn hết vẻ đẹp của thân thể trong điệu múa hoan lạc, những người đưa tay chống đỡ bầu trời... Và, có lẽ du khách sẽ vừa lòng khi mơ hồ tìm ra một lời giải đáp nào đó về thế giới thần bí ở Mỹ Sơn. 

   Vậy thì lực hấp dẫn của Mỹ Sơn là gì ? Những tuyệt tác điêu khắc hay là những viên gạch Chàm ẩn chứa một loại “vữa” gắn khít khao vào nhau, chồng chất lên nhau một cách tài tình mà cho đến bây giờ người ta vẫn chưa tìm ra công thức của nó. Hay là những vị thần Visnu, Siva, Dvamapala... mà tên gọi nào cũng đều lung linh một thần khải đầy sức mê hoặc : Tình yêu, nhan sắc, sáng tạo, huỷ diệt.. Sức hấp dẫn của Mỹ Sơn chính là nét hoang sơ lặng lẽ và đầy bí ẩn, chứ không phải vẻ phồn hoa đô hội.  Mỹ Sơn càng bí ẩn, cổ tích, hoang sơ bao nhiêu càng kích thích trí tưởng tượng, óc tò mò khám phá bấy nhiêu.

» Related Articles: