TỤC BÁN MỞ HÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT Posts by : STEVE THAI

   Người Việt từ xưa tới nay thường hay có quan niệm: “Vạn sự khởi đầu nan” và “đầu xuôi thì đuôi mới lọt”. Vì thế cho nên, ngày đầu năm, đầu tháng, đầu tuần và mở đầu của mỗi ngày là rất quan trọng. 

   Với những người làm nghề buôn bán - một nghề vốn bấp bênh lỗ lãi bất thường thì cái thời điểm “đầu” ấy lại càng có ý nghĩa. Những tiểu thương người Việt thường rất để ý tới chuyện mở hàng vào thời điểm “đầu”: bán cho ai đầu tiên để có thể gặp may mắn cả ngày, cả tuần, thậm chí cả tháng, cả năm.

   Việc buôn bán ngày đắt ngày ế là chuyện bình thường. Nhưng người ta lại để ý xem ai là người mua hàng đầu tiên trong những ngày đắt khách và ế khách. Thực tế, có thể vì ngẫu nhiên, có những tiệm hàng chỉ đông khách vào những ngày mà một người nào đó tới mở hàng. Người mở hàng ấy được coi là “nhẹ vía”, có thể đem lại tài lộc cho chủ hàng. Ngược lại, có những người lại bị coi là “nặng vía”, khi mở hàng chỉ đem lại sự “ế ẩm”, thậm chí rủi ro cho sạp hàng mà mình đã "lỡ" mở hàng.

   Vì thế, người ta cũng rất chú tâm “chọn lọc” người mua hàng đầu tiên. Câu thành ngữ: ”Nợ như Chúa Chổm” của người Việt cũng xuất phát từ tập tục này. Truyền thuyết xưa kể rằng anh nông dân tên Chổm rất nghèo, ngoài nghề làm ruộng còn phải mò cua bắt ốc để nuôi thân. Chẳng ai để ý đến anh chàng nghèo khổ này. Thế nhưng, mấy lần mua hàng ở một tiệm hàng nhỏ, tự nhiên những ngày đó chủ tiệm bán rất đắt hàng.  Vậy là, tiếng lành đồn xa, các chủ hàng đua nhau mời anh Chổm mua hàng mình để lấy may. Nhưng Chổm nghèo chẳng có tiền để trả, người ta cho Chổm nợ vô thời hạn, có thì trả mà không có thì thôi. Vì thế, khắp vùng chẳng có ai mắc nợ nhiều như Chổm. Sau này, vì là hậu duệ của vua Lê, Chổm được tôn làm chúa, cho đúc tiền rải khắp vùng để trả nợ. Dân gian từ đó có câu: “nợ như Chúa Chổm”.

   Trong thực tế “trăm người bán, vạn kẻ mua” không phải lúc nào chủ hàng cũng chọn được người mở hàng “nhẹ vía” như Chổm. Các chủ hàng thường dựa vào cung cách mua hàng của “người đầu tiên” để xác định xem đó có phải là người đem lại may mắn cho mình hay không và nếu không thì sẽ tìm cách “hóa giải”. Các chủ hàng cho rằng nếu người mua đầu tiên mà xởi lởi, giá sao mua vậy và mua nhiều hàng thì ngày hôm đó buôn bán sẽ suôn sẻ. Còn nếu người mua hàng đầu tiên mặt mày cau có khó coi, xem hàng, hỏi giá lâu nhưng không mua hàng hay kỳ kèo mặc cả nhiều thì ngày hôm đó chủ hàng sẽ ế ẩm. Sau khi những khách hàng được cho là “nặng vía” này đi khỏi, các chủ hàng mê tín thường thắp mấy cây nhang, khua quanh tiệm hàng nhằm “đốt vía”  để đuổi sự xui xẻo. 

   Thực ra, hành động “đốt vía” xả xui của người Việt gần đây mới có và cũng chỉ tồn tại ở một số trong giới tiểu thương. Lối hành xử này khiến cho tục bán mở hàng mất đi ý nghĩa ban đầu là biểu thị quan niệm cầu may và khiến cho phong cách bán hàng của người Việt trở nên méo mó thậm tệ. Lẽ ra, muốn được đông khách đến mua thì thái độ người bán hàng phải niềm nở, vồn vã, ân cần, giữ chữ tín hoặc bán rẻ để thu hút nhiều khách. Song bởi nhiều người cho rằng bán mở hàng phải bán cho đắt thì cả ngày mới bán được đắt khiến cho khách hàng mặc cả chê đắt bỏ đi. Người bán hàng thấy vậy khó chịu lầm lì khiến cho cả ngày chẳng bán nổi hàng và lại đổ tại kẻ “nặng vía”.

   Nếu bạn chỉ đi xem hàng hoặc thường chọn lọc kỹ càng trước khi mua thì tránh vào những khu chợ trong những ngày mùng một âm lịch hoặc sáng sớm nhé, coi chừng bị “đốt vía” đấy.

» Related Articles: