MỘT CÁI NHÌN KHÁI QUÁT VỀ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG NGƯỜI VIỆT Posts by : STEVE THAI

    Thời phong kiến, trang phục của nam giới là quần chùng, áo the, khăn xếp; trang phục phổ biến của phụ nữ là: váy đen, yếm trắng, áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ, thắt lưng hoa lý rất duyên dáng và kín đáo. Tới nay, do yêu cầu của cuộc sống, trang phục của người Việt đã thay đổi. Đàn ông chỉ mặc quần áo truyền thống trong những ngày lễ hội, còn thường ngày họ mặc Âu phục. Người phụ nữ cũng vậy, chiếc áo tứ thân với chiếc khăn mỏ quạ chỉ còn thấy trong nghệ thuật sân khấu dân gian hay trong ngày lễ hội. Tuy nhiên có một thứ trang phục truyền thống của người phụ nữ ngày càng được cải tiến, hoàn thiện trở thành một thứ "thương hiệu" cho trang phục phụ nữ Việt nam là Áo dài. Đó là chiếc áo dài may bằng chất liệu mềm mại như lụa, gấm hoặc đũi...có thân áo tương đối bó sát thân người, làm cho thân thể phụ nữ hiện lên được đường cong mềm mại, phù hợp với vóc người nhỏ nhắn của phụ nữ Việt Nam. Đồng bộ với chiếc Áo dài là chiếc quần ống xéo, chất liệu cũng mềm mại tạo vẻ thướt tha. Có lẽ không có thứ trang phục nào vừa duyên dáng, vừa kín đáo lại vừa phô bày được vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ nhiều như chiếc Áo dài. Chiếc Áo dài cũng có hành trình lịch sử của nó. 


    Trước thế kỷ 18, phụ nữ Việt Nam đều mặc váy. Đến năm 1744, chúa Nguyễn ở Đàng Trong ra sắc lệnh bắt tất cả đàn ông đàn bà phải mặc quần. Chiếc váy đồng bộ với áo tứ thân được thay bằng những chiếc quần nhuộm nâu hoặc đen. Áo dài ra đời từ sự cải tiến chiếc áo tứ thân cho phù hợp hơn với chiếc quần, bắt nguồn từ chính sự kiện " oái oăm" này, nhưng mãi đến năm 1930 thì nó mới có dãng dấp của chiếc Áo dài như ngày nay. Các thợ may khéo tay sau đó cải tiến dần Áo dài, kéo vạt áo của nó dài đến chấm đất, chuyển hàng cúc phía trước ra cạnh sườn. Đến những năm 50, chiếc Áo dài đã có tay Raland( tay áo được nối luôn với cổ chứ không phải với cầu vai như Âu phục ). Đến bây giờ, các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Việt Nam đều chọn Áo dài là trang phục chủ đạo trong những bộ sưu tập thời trang của mình. Ở miền Nam Việt nam, Áo dài được mặc phổ biến hơn miền Bắc, bởi phù hợp với thời tiết hơn ( miền Bắc có mùa hè nóng rất gắt và mùa đông lạnh ). Ở miền Nam, Áo dài trở thành trang phục qui định bắt buộc đối với học sinh trung học, nhân viên công sở, nhân viên khách sạn. Chiếc Áo dài cũng biểu hiện tuổi tác, tình trạng hôn nhân của phụ nữ Việt Nam. Những cô gái trẻ thường mặc áo dài màu trắng, tươi sáng; khi đã có tuổi mà chưa lập gia đình họ chọn màu dịu nhạt, kín đáo. Nhũng phụ nữ đã lập gia đình có thể chọn màu nóng với hoa văn sặc sỡ. Ngày nay, có rất nhiều mốt thời trang của nước ngoài được du nhập vào Việt Nam cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với thị hiếu ăn mặc của phụ nữ Việt.
    Tuy nhiên, Áo dài vẫn luôn được ưa chuộng, bởi với người Việt Nam - chiếc Áo dài còn hơn cả thời trang. Tuy nhiên, Áo dài chủ yếu là trang phục của phụ nữ đồng bằng dân tộc Kinh bởi nó chỉ phù hợp với địa thế mà người phụ nữ có những bước thong dong. Còn ở những nơi núi đồi, đường đi gập ghềnh, phụ nữ các dân tộc ít người có những trang phục riêng của họ. Trang phục của các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng hết sức phong phú và đa dạng, và mỗi trang phục lại mang những nét độc đáo và đặc trưng riêng cho từng vùng. Song nhìn chung trang phục của các dân tộc được trang trí hoa văn sặc sỡ hài hoà về màu sắc, đa dạng về mô típ, mềm mại về kiểu dáng, thuận cho lao động trên nương, tiện cho việc đi lại trên đường đèo dốc. Những thứ vải do những phụ nữ dân tộc dệt được gọi là thổ cẩm và được khách du lịch rất yêu thích. Người Việt có truyền thống lịch sử lâu đời, nổi tiếng về sự cần mẫn, mày mò sáng tạo. Hơn nữa, người Việt có tới 54 dân tộc. Hẳn bạn sẽ còn ngạc nhiên nhiều hơn nữa khi đi sâu tìm hiểu những trang phục của họ. 

 

» Related Articles: