NÓN LÁ VIỆT NAM Posts by : STEVE THAI

   Nếu nhắc đến một loại phụ trang đội đầu tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam thì hẳn không ai không nhắc đến chiếc nón lá. Cho dù đi đâu xa, hình ảnh cô gái duyên dáng trong bộ áo dài thướt tha che nghiêng vành nón trắng vẫn là hình ảnh được lưu giữ sâu đậm nhất…

   Thực ra, khởi nguyên của chiếc nón chỉ có tác dụng là chủ yếu là che mưa che nắng chứ không phải làm duyên, làm điệu. Theo các cứ liệu khảo cứu, hình ảnh chiếc nón lá đã được khắc trên một số trống đồng, thạp đồng có niên đại cách đây khoảng 3000 năm. Chiếc nón lá ra đời gắn với cuộc sống bình dị nhưng lam lũ vất vả của người nông dân như một thứ dùng để che mưa che nắng hữu hiệu nhất mà khi cần họ còn có thể dùng làm quạt cho mát mẻ trong những ngày hè oi bức.

   Theo từng bước thăng trầm của lịch sử và của văn hóa, nón lá Việt Nam có nhiều loại khác nhau. Những người lính của chế độ phong kiến ngày xưa, đặc biệt là lính thú của triều đại cuối cùng nhà Nguyễn thường đội những chiếc nón nhỏ nông và có chóp nhọn. Trong những ngày hội hát quan họ (một loại hình nghệ thuật của miền Bắc Việt Nam), các cô gái đội nón quai thao, một thứ nón có vành rất tròn, rất rộng và nông có quai bằng lụa, chủ yếu cầm để múa và làm duyên khi hát. Rồi nón bài thơ Huế - loại nón trắng, mỏng có lồng vài câu thơ vào vành trong của nón. Hình ảnh những cô gái Huế dịu dàng thướt tha trong tà áo dài màu tím với vành nón nghiêng nghiêng khiến ai nhìn cũng phải ngẩn ngơ 

   Nón lá hiện nay vẫn hiện diện trong đời sống thường ngày của người dân Việt Nam như đã tồn tại bao đời. Tuy nhiên, cái tốc độ thay đổi chóng mặt của cuộc sống hiện đại cũng ảnh hưởng ít nhiều đến vị trí của chiếc nón lá. Thứ phụ trang đội đầu này không còn là lựa chọn của phụ nữ thị thành như cách đây vài thập kỷ nữa.

   Lẽ tất nhiên, những chiếc áo cánh, quần bà ba của ngày xưa đã lùi vào quá vãng nhường chỗ cho những bộ váy đầm, những bộ đồ tây kiểu cách thời trang thì nón lá cũng phải ngậm ngùi trước những chiếc mũ vải, mũ cói đổi kiểu theo ngày. Và trừ với con gái Huế, nón lá trở về với vai trò như buổi đầu ra đời, hầu như chỉ còn gắn liền với người lao động nghèo lam lũ như một thứ che mưa nắng đơn thuần nhất.

   Các công đoạn làm nón
   Người dân 3 miền đều dùng nón. Tuy nhiên, nghề làm nón tập trung nhiều ở miền Bắc và miền Trung. Làng Chuông ở Hà Tây (Bắc Bộ) và làng Tây Hồ ở Huế (Trung Bộ) là những làng nghề nổi tiếng trong làm nón. Giá của mỗi chiếc nón rất rẻ (chỉ khoảng nửa USD) và hầu như chỉ sản xuất theo kiểu thủ công, do đó người ta duy trì nghề làm nón chỉ như duy trì một truyền thống văn hóa hơn là một nghề để sinh nhai.

   Và vì thế, nghề làm nón không kiếm được mấy tiền nhưng nghệ thuật làm nón lại đòi hỏi sự cầu kỳ tinh tế với đôi tay người thợ tài hoa. Tuy nhiên, nghề làm nón có nhiều công đoạn nên đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em cũng đều có thể tham gia như lấy lá, làm khung, chuốt vành và chằm nón (kết lá nón lên khung). 

   Khung nón thì có thể làm bằng tre - một thứ nguyên liệu rất dễ tìm ở nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, lá làm nón buổi đầu khá khó tìm, có tên là lá Bồ Quy Diệp mỏng và mềm thường hay mọc ở vùng núi. Hiện nay, tùy theo từng hoàn cảnh địa phương mà người ta dùng những loại lá làm nón khác nhau. Người dân làng Chuông miền Bắc chọn lá cọ, lá gồi, người làng Tây Hồ xứ Huế chọn lá gồi, lá dừa, dân làm nón Tây Ninh thì lại chọn lá mật cật…Để có được lá nón đẹp, người ta thường chọn lá non để sau khi trải qua một qui trình sấy ủi rồi phơi sương khá phức tạp lá nón sẽ sẽ thanh mỏng và trơn láng. 

   Dù làm bằng nguyên liệu gì thì các công đoạn làm nón cũng na ná như nhau. Người ta uốn cật tre thành 16 nan vành một cách công phu rồi dùng dao nhỏ chuốt cho nhẵn, sau đó uốn cong lại thành những vòng tròn. Khung nón là một thứ khuôn "đúc" sẵn theo mẫu hình kim tự tháp có 6 thanh trụ, sao cho khi chằm nón xong, tháo khung ra, chiếc nón vẫn giữ được dáng cứng bền ngay cả khi dầm mưa, dãi nắng lâu ngày. Sau đó, người ta lồng 16 vòng tròn đã chuốt nhẵn với kích cỡ "chuẩn" lên khung nón và bắt đầu chằm nón - lợp lá và khâu chỉ theo những vòng tròn ấy. Nón bình thường chỉ để che mưa nắng thì có thể lợp dày. Nón bài thơ ở Huế thì chỉ có 2 lớp rồi lồng giấy mỏng có in đôi câu thơ cho thanh và duyên. 

   Nón chằm xong được tháo khỏi khung, cắt lá thừa ở miệng nón và làm quai. Để chống thấm nước, người ta phết một lớp sơn dầu trắng. Thời gian chưa có chỉ cước để khâu người ta dùng bẹ một loại cây tước lấy phần tơ dùng làm chỉ để chằm nón. Nhưng sau này phát triển người ta dùng cước nhỏ bằng nylon, chằm nón có đường nét thanh nhã hơn. 

   Ở Huế ngay cả quai nón cũng là một nghệ thuật, có khi là dải gấm đen tuyền, nhưng thường là dải lụa trắng bạch hay các màu nhẹ như vàng mỡ gà, hồng ráng chiều, xanh ánh trăng, biếc liễu non, tím e ấp... Những màu sắc ấy hợp với cái nắng mưa mộng mơ và đa tình ở xứ Huế. Chiếc nón ngày nay ngày càng được sử dụng ít đi trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, giá trị nghệ thuật của nó thì ngày càng được tôn vinh như một biểu tượng văn hóa Việt. Sẽ còn rất lâu, trong tâm trí người Việt xa xứ, hình ảnh tà áo dài duyên dáng với vành nón trắng nghiêng nghiêng mới có thể phai mờ.

» Related Articles: