NHÀ MỒ VÀ TƯỢNG NHÀ MỒ CỦA NGƯỜI TÂY NGUYÊN Posts by : STEVE THAI

   Với quan niệm chết đi là bắt đầu cho một sự sống mới, những người dân ở hầu hết các dân tộc thuộc Tây Nguyên của Việt Nam đều chuẩn bị hết sức trọng thể cho tang lễ của người quá cố với những nghi thức vô cùng độc đáo. Trong đó, nhà mồ và tượng nhà mồ thực sự là những công trình nghệ thuật có giá trị nhân văn to lớn. 

   Theo phong tục của người Tây Nguyên, sau khi chôn người chết, người ta làm một cái chòi nhỏ sơ sài chỉ đủ để che mưa che nắng, trong chòi có đặt một số đồ dùng của người đã mất như thể đó là một ngôi nhà mà người chết có thể đi về và sinh hoạt bình thường.

   Khoảng vài năm sau, khi sự lưu luyến người thân của người chết đã phôi pha, người ta phá chòi, dựng một ngôi nhà mồ mới rất khang trang, kiên cố được trang trí bằng tượng gỗ được đẽo gọt công phu và hàng rào bao quanh để chia tay hoàn toàn với người chết. Để sau đó, người chết sẽ đầu thai sang kiếp khác và người sống được giải thoát khỏi những ràng buộc với người quá cố để bắt đầu cuộc sống mới.

   Lễ bỏ mả và nhà mồ Tây Nguyên
  Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới của một số tộc người ở Tây Nguyên thường được tổ chức vào mùa xuân  và được coi như một lễ hội lớn (lễ bỏ mả) của dân bản. Người ta đưa đến nghĩa địa rượu, thịt, cá, các vật cúng tế. Thân nhân người quá cố và dân bản cùng vui mừng, ăn uống, nhảy múa trong một hay nhiều ngày bên nhà mồ để chia biệt vĩnh viễn người quá cố. 

   Xét dưới góc độ tôn giáo tín ngưỡng thì lễ bỏ mả là một nghi thức tang ma. Thế nhưng nhìn ở khía cạnh văn hóa thì những ngày lễ bỏ mả thực sự là những ngày hội văn hóa tưng bừng đầy chất nghệ thuật. Trong những ngày này, người sống ăn bữa ăn cuối cùng với người chết để rồi lưu luyến tiễn đưa người chết về thế giới bên kia bằng bài nhạc cồng chiêng, bằng những con rối...

   Với tín ngưỡng phồn thực đậm tính nguyên thủy, người Tây Nguyên thường chôn những bức tượng nam nữ giao hợp, nam nữ phô bày bộ phận sinh dục, đàn bà chửa ...ngay trên mộ của người chết. Điều này còn gắn liền với một niềm tin về sự chấm dứt của cái chết và sự bắt đầu của một cuộc sống mới, vượt lên cái chết là những hoạt động nhằm sinh sôi nảy nở cuộc sống mới, tạo ra những mầm mống phôi thai của một cuộc sống mới. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, trong những đêm diễn ra lễ hội bỏ mả, theo một số người già đã từng tham gia lễ hội bỏ mả cách đây mấy chục năm cho biết, từng là những đêm hoàn toàn tự do đối với nam nữ chưa vợ chồng. Lễ hội bỏ mả còn được coi như ngày giải phóng đối với đàn ông góa vợ, đàn bà góa chồng thoát khỏi sự ràng buộc vợ-chồng với người đã chết, sau lễ hội này người ta có thể kết hôn với người khác mà không sợ phạm vào điều cấm kỵ của luật tục. 

   Từ quan niệm bỏ mả là buổi lễ cuối cùng để chia tay với ma, sau lễ bỏ mả, ma sẽ có một cuộc sống mới tại “làng ma” của mình, nên không khí trong lễ hội được người Gia-rai tổ chức thật sự phấn khởi tưng bừng. Những bức tượng chó cõng khỉ (sâu koi krà) đã diễn tả sự phấn khích đó. Những người thợ đẽo tượng sáng tạo ra bức tượng “chó cõng khỉ” ở tư thế rất ngộ nghĩnh, tinh nghịch như ngầm nói: lễ hội bỏ mả vui, có quá đông người đến dự, những con vật không thể chen được vào, vậy muốn xem chỉ còn cách cưỡi lên đầu nhau. 

   Tượng nhà mồ
   Theo lời kể của tộc người Banar (một dân tộc ở Tây Nguyên-) thì tượng nhà mồ là để đưa tiễn người sang thế giới xa xăm. Bởi vậy, khi sống cuộc đời ra sao thì khi chết đi, con người chỉ đi xa nhưng cũng là một cuộc sống không khác gì thế giới bên này. Họ có kiếp sống của sinh thành, giao hoan, có giải trí và đương nhiên, những súc vật cũng cần mang theo.  Tượng nhà mồ hiện lên sống động quanh những nhà mồ, thể hiện một nền nghệ thuật cổ, rực rỡ.

   Tượng nhà mồ có thể xếp làm 3 lớp. Nhóm thứ nhất là thế giới sinh thành con người, có bào thai trong bụng mẹ, có giao hoan, giao phối âm dương, có bụng mang dạ chửa. Con người thuở nguyên sơ, phô bầy trong dáng khỏa thân, chứng minh sức mạnh truyền đời của loài người với nét đẽo khô ráp nhưng được cường điệu những bộ phận người cần được phô trương, bởi thế đường nét mạnh mẽ, gây ấn tượng rất mạnh, rất khác thường. Nhóm tượng thứ hai là những con vật gần gũi với người như voi, chó, trâu, bò... và nhóm thứ ba là những sinh hoạt cộng đồng như thể thao, săn bắn. Nhưng khi đến nhà mồ, nhóm tượng thứ nhất vẫn là tiêu biểu cho nghệ thuật tượng nhà mồ Tây Nguyên.

   Nghệ nhân đẽo tượng bằng chiếc rìu cứng cáp. Chỉ trên một khúc gỗ, không phác thảo và ngày này sang ngày khác, những cây gỗ to xù sì cứ hiện dần lên những dáng dấp, hình người, những tư thế cùng những chi tiết đa dạng của người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ... dường như tất cả đã nằm trong đầu nghệ nhân. Họ lặng lẽ từng nhát chắc chắn bổ xuống để nên hình, nên tượng, nên hồn. 

» Related Articles: