TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM GIỮA 2 MIỀN NAM-BẮC Posts by : STEVE THAI

   Không khí chuẩn bị Tết
   Khi đất trời miền Bắc đang thấm đẫm hơi lạnh tê cóng của mùa đông bỗng trở nên ngọt ngào hơn với tia nắng xuân đầu tiên còn mỏng manh và khí hậu miền Nam cũng hơi se lạnh hơn bình thường bởi những cơn gió chướng thì Tết Nguyên Đán đang chuẩn bị gõ cửa mọi nhà. Quanh những vùng đất bãi sông Hồng, đào quất sum suê phơi những sắc màu trong trẻo, bắt mắt và dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu, mai vàng bắt đầu khoe sắc. Để có đào và mai đúng dịp và nở đều, người ta đã nhặt lá với sự cẩn thận đáng kinh ngạc trước hàng tháng trời.

   Người dân cả Bắc lẫn Nam đều chuẩn bị Tết từ rất sớm, có lẽ hàng tuần, có nơi đến hàng tháng. Người Bắc trước kia hay tích luỹ thực phẩm cho Tết với những con lợn béo, những thúng nếp ngon còn thơm hương đồng ruộng. Người miền Nam với ruộng vườn trù phú, kênh rạch chằng chịt, hay "để dành" cá linh, cá lóc, ếch…trong lu đất ăn trong mấy ngày tết. Ngày nay, khi nền kinh tế rộng mở tạo điều kiện cho hàng hoá có sẵn ở khắp mọi nơi thì việc chuẩn bị cho Tết xem ra đơn giản hơn nhưng cũng không vơi đi sự háo hức và trang trọng. 
Không khí đón tết đủ sức làm lay động muôn lứa tuổi. Người già sai con cháu lau chùi tủ hương, bàn thờ trong tâm trạng hoài cổ. Phụ nữ dạo chợ lâu hơn tìm những món hàng chất lượng để chăm chút cho ngày tết bằng tài nội trợ đảm đang của mình. Tết còn đem lại sự xúc động trong lòng con trẻ qua bộ quần áo mới, đôi dép đẹp…mà nỗi chờ mong được đong đếm từng ngày. 

   Bánh trái
   Bánh chưng của Bắc bộ  được coi như "linh hồn" của Tết Nguyên Đán. Loại bánh này được làm trước Tết vài ngày. Bánh chưng là loại một thứ bánh vuông vắn có cội nguồn gắn với một truyền thuyết  biểu trưng cho trái đất hình vuông theo quan niệm của người xưa về vũ 
trụ. Bánh chưng được gói bằng lá dong, bên trong có hai lớp gạo nếp bọc lấy một lớp đậu xanh với nhân thịt lợn ở chính giữa, luộc trong nồi to tới nửa ngày trời.  Tương xứng với bánh chưng của xứ Bắc là bánh tét của  Nam bộ gói tròn và dài để khi cắt ra được những khoanh bánh tròn trịa, cân đối. Ngoài bánh tét, dân Nam bộ còn "sính" làm những loại bánh ít, bánh phồng, bánh tráng…để cúng tổ tiên và ăn trong dịp Tết.

   Chợ Tết
   Bánh chưng, bánh tét được coi là " nhân vật" chính của ngày tết. Tuy nhiên, người ta cho rằng không khí Tết chỉ thực sự toả hương trong những phiên chợ cuối năm. Đi chợ những ngày giáp tết còn thú vị hơn cả những chuyến du lịch tới những nơi xa xôi và nổi tiếng. Người đi chợ tết đông hơn hội với những khuôn mặt bừng sáng. Cơ man nào là những loại bánh mứt, thực phẩm. Và hoa, cây cảnh  khắp hai bên cổng chợ những những sắc màu tươi tắn giăng giăng như những dòng sông muôn màu. Ở những vùng miệt vườn  Tây Nam Bộ, chợ nổi ngày tết cũng náo nhiệt hơn ngày thường. Nơi đây có đến hàng trăm chiếc ghe lớn đậu san sát nhau. Hàng hoá không thiếu thứ gì, chủ yếu là hàng nông sản thực phẩm tươi sống. Ngày Tết đi chợ nổi mới thấy cái đông vui, độc đáo của một miền sông nước.

   Tết ông Táo
   Tết  ông Táo vào 23/12 Âm lịch ( ngày thần bếp cưỡi cá chép về trời báo cáo  mọi việc trong một năm qua ở trần gian với Thượng Đế) là sự khởi đầu cho Tết Nguyên đán.Trong ngày này, người miền Bắc thường làm cơm và cúng cá chép cho thần Bếp rồi sau đó phóng sinh xuống ao hồ. Người miền Nam cầu kỳ hơn, họ làm kẹo thèo lèo chè đậu xanh ngọt mát vị đường, phảng phất chút cay nồng của gừng. Họ cũng mua cá chép về thả xuống kênh rạch làm phương tiện đi lại cho ông Táo.  Người ta ăn tết ông táo như ăn món khai vị trong một buổi tiệc. Rượu ấy nồng cay mãi như tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung trong truyền thuyết về Táo công mà người ta vẫn thường kể lại.
Hoa và mâm ngũ quả
Ngoài đào của miền bắc và mai vàng của miền Nam, người ta còn trưng thêm quất . Cây quất chi chít những trái vàng mọng như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...Ngoài đào, mai, quất,  bàn thờ của dân Bắc còn có lọ hoa huệ trắng xanh trầm mặc  còn miền Nam thì rực rỡ sắc vàng vạn thọ. 

   Và mâm ngũ quả thì vẫn không thể thiếu ở bất kỳ một gia đình nào từ nam chí bắc, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người về sự đầy đủ, sung túc. Mâm ngũ quả thể hiện rõ sự phong phú của khí hậu thổ nhưỡng. Miền bắc có chuối xanh, cam, quýt, bưởi, sung như năm thành tố của vụ trụ theo quan niệm triết học phương đông : kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Miền Nam có : mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài mà nếu đọc trại ra là : cầu vừa đủ xài- mong ước lớn lao mà bình dị như phong cách sống của người Nam bộ.

   Một số phong tục ngày Tết

   Chiều 30 Tết, trong không khí bâng khuâng của một ngày cuối năm, mọi người dù có đi làm ăn ở phương trời xa xôi nào cũng cố gắng trở về với gia đình bên mâm cơm tất niên sum họp và đón đợi giây phút thiêng liêng chuyển giao năm mới và năm cũ.

   Đêm 30, người ta “tống cựu nghinh tân” (tiễn cái cũ, đón cái mới) theo nhiều cách. Người thì thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Người thì viếng thăm đình chùa cầu nguyện những gì tốt đẹp nhất sẽ đến để khi trở về nhà, điềm may mắn đầu tiên là chút lộc non thỉnh từ chùa ở trên tay. Ở những thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn, giới trẻ tràn ra đường đông không kém bất kỳ festival ngoài trời nổi tiếng nào của phương Tây. Những kẻ du xuân trong đêm ba mươi rất có thể sẽ trở thành vị khách xông đất của chính nhà mình. Tuy nhiên, nhiều gia đình rất coi trọng chuyện chọn người xông đất bởi họ cho rằng có một người xông đất “hợp” thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Vì thế, người ta sắp sẵn một người xông đất hợp tuổi. Nếu chẳng may ai đó “vô tình” trở thành người xông đất mà không được chọn thì sẽ bị “tẩy chay” nếu như gia chủ gặp phải chuyện “vớ vẩn”  nào đó.

   Sang đến ngày mùng một, Tết chính thức được bắt đầu. Ngày này, người ta kiêng quét nhà với quan niệm rằng của cải năm mới sẽ được vun đầy như đống rác tích tụ trong xó nhà. Con cháu trước đó đã được ông bà răn đe không nói tục, không cãi nhau và đặc biệt không làm đổ vỡ đồ đạc trong ngày Tết bởi nếu không những thói xấu đó sẽ “ám” cả một năm dài.

   Bắt đầu từ ngày mùng một Tết, người ta đã du xuân (chơi xuân) sau khi đã đến chúc Tết nhà ông bà, cha mẹ, họ hàng; mừng tuổi cho người già và lì xì cho con trẻ với những phong bao đỏ đựng tiền. Trong cái lạnh đầu xuân có mưa bụi lất phất, người miền Bắc tìm đến những trò chơi mang đậm màu sắc dân gian như đốt cây bông, múa rối nước, hát quan họ…Những năm gần đây, đồng bào đồng bằng Nam Bộ thường tổ chức du xuân miệt vườn trên sông Tiền bằng thuyền. Có nhiều gia đình du xuân miệt vườn 2-3 ngày. Họ sinh hoạt ngay trên những chiếc ca nô của mình. Ban đêm họ ngủ giữa trời nước mênh mông. Họ ăn chơi hết mình, để sau đó lại lao vào công việc với niềm hăng say mới. 

» Related Articles: