12 CÁCH DẪN DỤ NGƯỜI KHÁC NGHĨ THEO MÌNH P3 Posts by : STEVE THAI

   Ít lâu sau cuộc đại chiến, tôi được một bài học  quý báu. Trong một bữa tiệc, ông khách ngồi  bên tay mặt tôi quả quyết rằng câu “Có một vị  thần nắm vận mạng của ta, ta cưỡng lại không  được” là ở trong Thánh kinh. Ông ta lầm. Tôi  biết vậy. Tôi chắc chắn vậy, không ngờ vực  gì nữa. Cho nên, để tỏ sự hơn người của tôi,  sự quan trọng của tôi, tôi tự nhận việc cải chính.  Mà có ai cầu tôi cải chính đâu! Tôi bảo ông ta rằng câu  đó của thi hào Shakespeare. Ông ta không chịu nhận  mình lầm, cãi: “Sao? Câu đó mà của Shakespeare sao?  Không thể được! Thậm vô lý! Rõ ràng trong Thánh kinh  mà! Tôi biết”. Ngồi bên trái tôi là ông Grammond, bạn cũ  của tôi; ông này đã nhiều năm nghiên cứu  Shakespeare. Cho nên chúng tôi quay lại cùng xin ông  Grammond phân giải xem ai phải ai trái. Ông Grammond  đá mạnh vào chân tôi ở dưới bàn làm hiệu, rồi tuyên bố:  “Anh Dale, anh lầm rồi; ông nói đúng. Câu đó ở trong  Thánh kinh”.  Khi đi về cùng với ông Grammond, tôi nói:  "Anh biết câu đó của Shakespeare mà!".  Ông Grammond trả lời: “Tự nhiên. Nó ở trong kịch  Hamlet, hồi V, màn II. Nhưng, này anh, chúng ta là  khách trong một cuộc hội họp vui vẻ, tại sao muốn  chứng minh rằng ông ấy lầm? Có phải làm như vậy mà  người ta có thiện cảm với mình đâu? Sao không để ông  ta giữ thể diện một chút? Ông ta không hỏi ý kiến của  anh mà. Tại sao quả quyết tranh biện với ông ấy? Đừng  gây với ai hết”.  “Đừng gây với ai hết”. Ông bạn già của tôi nói câu ấy,  nay đã khuất, nhưng lời khuyên đó, bây giờ vẫn còn giúp  cho tôi nhiều. Mà hồi ấy tôi cần có bài học đó vô cùng. 
   Thuở thiếu thời, tôi ham mê tranh biện với anh tôi, với  các bạn tôi. ở trường, không có cuộc tranh biện nào mà  tôi không có mặt. Tôi học phép luận lý, phép lập luận,  sau này tôi dạy môn biện chứng pháp và tôi phải thú  nhận rằng: - Ôi! Mắc cỡ thay! - Có lần tôi tính viết một  cuốn sách về môn đó nữa. Tôi đã có mặt trong hàng  ngàn cuộc tranh biện, và có khi dự cuộc bàn cãi nữa. Và  sau vô số kinh nghiệm, tôi nhận rằng cách hay nhất để  thắng một cuộc tranh biện là tránh hẳn nó đi. Hãy trốn  nó như trốn rắn hổ, hoặc trốn động đất vậy.  Mười lần thì có tới chín lần những đối thủ, sau cuộc  tranh biện, vẫn tin chắc rằng mình có lý.  Trong những cuộc tranh biện không ai thắng hết.  Thực vậy, vì nếu bạn thua... thì là thua rồi. Mà nếu bạn  thắng thì... bạn cũng thua nữa. Tại sao ư? Thì đây! Ví dụ  bạn thắng đối thủ của bạn một cách rực rỡ và tỏ cho  người đó thấy rằng y là một người ngu. Phải, rồi sao  nữa? Bạn xoa tay hoan hỉ. Nhưng còn người đó, người ta  nghĩ sao? Bạn đã cho người ta tự thấy thấp kém. Bạn đã  làm thương tổn lòng tự ái, lòng kiêu căng của người ta. Người ta tức giận lắm vì đã thua bạn. Rồi thì:  Kẻ nào bắt buộc nghe ai.  Luôn luôn vẫn giữ ý sai của mình.  Bạn biết điều đó chứ?  Trong một công ty bảo hiểm lớn, tất cả nhân viên  phải theo lệnh này: "Không bao giờ được tranh biện".  Không phải tranh biện mà làm cho người ta tin được. Hai  sự đó không có chút liên lạc gì với nhau hết. Muốn dẫn  dụ người, không phải tranh biện mà được.  Chẳng hạn, đã lâu rồi, tôi có một người học trò hiếu  thắng lắm (tên là Patrick); trung hậu giản dị, nhưng, trời! Thích cãi nhau làm sao! Anh ta làm đại lý cho một hãng  bán cam nhông, nhưng không thành công, chỉ vì anh ta  thích cãi lại những người anh mời mua xe và làm cho họ  phát giận. Anh tranh biện, la ó, không tự chủ được nữa.  Có khách nào dám chỉ trích xe của anh ư, anh đỏ mặt tía  tai lên, chỉ muốn nhào vào bóp cổ người ta. Cái thời đó,  bao giờ anh cũng thắng trong các cuộc tranh biện.  


   Nhưng về sau, anh thú với tôi: "Than ôi! Biết bao lần ở  nhà một khách hàng ra, tôi khoan khoái tự nhủ: "Ta đã  làm cho thằng cha đó phải ngậm câm"... Tôi làm cho họ  ngậm câm, phải, nhưng tôi chẳng bán cho họ được chút  chi hết".  Công việc thứ nhất của tôi không phải là dạy anh ta  ăn nói, mà dạy anh ta giữ mồm miệng. Và bây giờ anh ta  là người bán hàng quan trọng nhất trong công ty Bạch Xa  ở Nữu ước. Bây giờ anh làm sao? Xin nghe anh ta nói:  “Bây giờ, khi tôi lại nhà một khách hàng và nếu người  đó bảo tôi: “Cái gì? Xe cam nhông hãng Bạch Xa? Tôi  xin chịu. Xe đó dở quá. Cho không tôi, tôi cũng không  nhận. Tôi, tôi mua xe cam nhông hãng Mỗ”, thì tôi ngọt  ngào trả lời ông ấy rằng:  “Này ông, xe hãng Mỗ tốt lắm. Nếu ông mua xe đó,  ông không lầm đâu. Hãng đó tin cậy được và chế tạo đồ  thiệt tốt".  Như vậy ông ta hết nói gì được nữa, không có lý lẽ gì  để tranh biện được nữa. Ông ấy bảo xe hãng Mỗ cừ lắm.  Tôi đáp: “Chắc chắn vậy”. Thì ông phải im liền. Ông ấy  không thể lặp đi lặp lại một mình suốt ca buổi chiều câu:  “Xe hãng Mỗ rất tốt”. Thế là chúng tôi bỏ câu chuyện đó  và tôi bắt đầu tả những cái tốt, khéo của xe cam nhông  Bạch Xa của tôi. Có một hồi mà một khách hàng chỉ trích hãng tôi như  trên kia thì tôi đã phát điên rồi. Tôi đã đập nhiều vố vào  hãng Mỗ của ông ấy rồi và càng đập thì ông ấy lại càng  binh vực nó. Càng binh vực thì ông ấy lại càng tin chắc  rằng xe hãng Mỗ tốt hơn những xe khác.  Nghĩ tới quá khứ của tôi, tôi tự hỏi với tính tình như  vậy, làm sao tôi có thể bán được một món hàng gì chứ.  Đã phí nhiều năm để tranh biện, gây lộn, và tạo ra sự  phản kháng lại mình. Bây giờ tôi biết làm thinh. Như vậy  lợi hơn nhiều".  Ông Franklin đã là khôn khéo; ông nói:  “Mình tranh biện và cãi lẽ, có thể làm cho người khác  ngượng được, nhưng thắng như vậy có ích gì đâu, vì  không khi nào làm cho người ta thành thật đồng ý với  mình hết”.  Vậy thì xin bạn tự lựa lấy: Một đàng thì rực rỡ thắng  người ta, nhưng chỉ về phương diện lý luận; một đàng thì  được người thành thật đồng ý với mình. Xin lựa lấy một,  vì được cả hai là đều hiếm thấy lắm.  Một tờ báo ở Boston chép lại mộ chí ngộ nghĩnh sau  này:  "Đây là nơi nghỉ ngàn thu của William Joy  Y suốt đời hăng hái bênh vực ý kiến của y  Y có lý trong suốt đời y  Nhưng có lý hay vô ý  Y cũng vẫn chết, không hơn, chẳng kém".  Phải, bạn có lý lắm, ngàn lần có lý trong khi bạn  hăng hái chứng minh đề nghị của bạn. Nhưng bạn luống  cuống vô ích vì không thể thay đổi ý kiến người khác.  Vậy bạn có lý hay vô lý rốt cuộc cũng vậy!  Sau nhiều năm hoạt động chính trị, William Mc.Adoo,  Tổng trưởng thời Tổng thống Wilson, tuyên bố: “Lý luận  không thể nào thắng được một người ngu hết”.  “Một người ngu!”. Ông nhũn nhặn quá, ông Mc.Adoo.  
    Nhiều năm kinh nghiệm đã dạy cho tôi rằng không  thể nào làm đổi ý kiến của bất kỳ một người nào, dù  người đó thông minh học thức tới đâu đi nữa! Xin các  bạn nghe chuyện ông F.Parsons, một nhà buôn, tới  phòng giấy một viên chức thu thuế để kêu nài về một sự  tính lộn trong số thuế của ông. Nguyên do là người ta đã  đánh thuế vào một số tiền 9.000 đồng mà ông chưa thâu  được và cũng không bao giờ thân được vì con nợ không  sao trả nổi. Viên thu thuế lạnh lùng đáp: “Cái đó tôi  không biết. Đã khai số tiền đó thì phải đóng thuế”.  Hai bên cãi lý trong một giờ đồng hồ. Viên thu thuế  thì lạnh lùng, ngạo nghễ và cố chấp. Ông Parsons dẫn  chứng cũng vô ích, lý luận cũng vô ích. Càng tranh biện  thì viên thu thuế càng lì. Sau cùng, ông Parsons thay đổi  chiến thuật và kiếm cách làm thoả lòng tự ái của viên  thu thuế, ông nói: "Tất nhiên tôi cho rằng việc của tôi  không quan trọng bằng những việc khác, gai góc hơn  nhiều mà ông thường phải giải quyết. Chính tôi cũng đã  học chút ít về thuế má, quốc khố. Tôi thích môn đó  lắm... Nhưng, tất nhiên là tôi chỉ học trong sách; còn  ông, ông học một cách trực tiếp, học bằng kinh nghiệm. Có lúc tôi muốn được làm nghề của ông. Tôi sẽ học  thêm được biết bao nhiêu điều!". (Xin các bạn nhớ rằng  ông Parsons thực tình nghĩ như vậy).  

 

» Related Articles: