BỎ CÔNG KINH SỬ Posts by : STEVE THAI

   Nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng Nho giáo của Trung Quốc cho nên từ ngàn năm trước dân ta đã được dạy rằng: "Nhân bất học bất tri lý/ Ấu bất học lão hà vi". Làm người mà không học thì không thể hiểu được những lý lẽ của cuộc đời, tuổi trẻ mà không học đến lúc lớn (già) chẳng biết làm gì. Cho nên muốn tiến thân ai cũng phải học, chính phủ muốn có người giỏi giúp việc phải tổ chức dạy cho dân học từ bậc thấp cho đến bậc cao và để chọn được người có học và giỏi ra làm việc nước, thì tổ chức các khoa thi từ thấp lên cao (khoa cử). Cuối mỗi bậc học có bậc thi và được cấp bằng xác nhận trình độ học vấn của người đã dự thi (sĩ tử). 

   Việt Nam đã có khoa cử từ triều Lý. Năm 1075, nhà vua cho mở khoa thi Tam trường để chọn những người "minh kinh bác học", ông Lê Văn Thịnh người đất Đông Cứu, huyện Gia Định đậu khôi nguyên, là vị khoa bảng đầu tiên của nước ta, được bổ nhiệm làm quan dẫn đầu phái đoàn ngoại giao đi sứ Tống, làm đến chức Thái sư , dạy vua. Năm 1086, vua Lý Nhân Tông lại mở khoa thi văn học chọn người có trình độ cao để bổ sung vào hàn lâm viện, ông Mạc Hiển Tích đỗ đầu. Đời Lý Nhân Tông lại tổ chức thi Thái học sinh (như thi tiến sĩ thời Lê và thời Nguyễn sau này), ai trúng tuyển sẽ được bổ ra làm quan.

   Trải qua các triều Trần, Hô, Lê, Nguyễn, việc tổ chức khoa cử, cải cách nhiều, nhưng những nội dung cơ bản vẫn giữ. Nền khoa cử thời quân chủ đã tuyển chọn được hàng ngàn nhân tài ra giúp nước. Do đó trong lịch sử khoa cử Việt Nam xưa có nhiều chuyện thú vị. Trong bài viết ngắn này chúng tôi tìm hiểu một vài sự việc của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng đã làm gì để khuyến khích, vinh danh người đỗ đạt thời đã qua.

   Theo hồi ký của các vị khoa bảng cũ, trẻ con lên bảy hay tám tuổi bắt đầu đi học. Thầy giáo là các ông Khoá, ông Đồ, ông Tú "ngồi" dạy học trong làng, hay trong các nhà khá giả. Các ông Cử, ông Tú, ông Đồ người Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thường vào Huế tìm nơi dạy học và hoc thêm để đi thi Hội.  Trong một lớp học có thể có học trò mới khai tâm vỡ lòng nhưng cũng có những học trò sắp đi thi Hương (lấy bằng cử nhân, tú tài). Do đó thầy giáo nhờ học trò đàn anh kèm cho đàn em học, giảm bớt một phần công việc dạy dỗ của thầy.

   Học trò học chữ Hán tại các trường Phủ, trường Huyện thì gọi là khoá sinh, đã từng đi thi thì gọi là thí sinh nhưng tục vẫn kêu là thầy khoá. Hằng năm quan đốc học ở các tỉnh tổ chức sát hạch học trò trong tỉnh. Những khoá sinh đã đỗ ở tỉnh rồi mới được đi thi Hương do triều đình tổ chức ba năm một lần tại các địa phương đã ấn định. Người đỗ đầu ở tỉnh gọi là ông Đầu xứ 

   Vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu triều đình tổ chức thi Hương ở các tỉnh Thừa Thiên, Nam Định,Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định, Gia Định.Vào các năm Thìn, Tuất, Sữu, Mùi triều đình tổ chức thi Hội và thi Đình tại kinh đô Huế, tức năm trước thi Hương, năm sau thi Hội.

   Thi Hương, ai đỗ đầu gọi là giải nguyên, ai đỗ cao gọi là cử nhân (gọi là ông cử), ai đỗ thấp gọi là tú tài (thường gọi là thầy tú hay thầy đồ, vì thời nhà Lê gọi là sinh-đồ).

   Đỗ cử nhân xong các thí sinh đến kinh đô Huế thi Hội. (Cũng có một số ngoại lệ- những người đỗ tú tài mà nổi tiếng học giỏi cũng được đến kinh thi Hội). Thi Hội ai đỗ cao được tiếp tục vào sân vua thi Đình (Điện thí), ai đỗ thấp (đỗ vớt) được ghi tên vào bảng phụ gọi là phó bảng (thường gọi là quan bảng).
   Kết quả thi Đình thời Nguyễn được xếp thứ tự từ trên xuống dưới như sau:

  •  Đệ nhất giáp tấn - sĩ cập đệ, đệ nhứt danh: Trạng nguyên
  •  Đệ nhứt giáp tấn - sĩ cập đệ, đệ nhị danh: Bảng nhãn
  •  Đệ nhất giáp tấn - sĩ cập đệ, đệ tam danh: Thám hoa
  •  Đệ nhị giáp tấn - sĩ xuất thân: Hoàng giáp
  •  Đệ tam giáp đồng tấn - sĩ xuất thân: Tiến sĩ

   Để tránh chuyện chuyên quyền bè phái, nhà Nguyễn đề ra 4 việc không lập (tứ bất lập): trong triều không lập tể tướng, ở chốn hậu cung không lập hoàng hậu, không lập thái tử và kết quả thi Đình không lấy trạng nguyên cho nên người đỗ cao nhất thời Nguyễn cũng chỉ tới bảng nhãn là cùng.

   Người ta thường gọi các ông đỗ thi Đình theo thứ bậc trên là ông bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp, riêng tiến sĩ thì người ta thường gọi là quan nghè. Nghè xuất phát từ chữ Nghi. Vì đời Lê, các ông tấn sĩ được bổ vào Nghi Văn Đường như hàn lâm viện ngày nay.

   Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, đa số các nhà khoa bảng Việt Nam đều xuất thân từ nông dân nghèo khổ. Để cổ vũ cho thanh niên nông thôn tiến thân bằng con đường khoa cử, triều đình đã có những hình thức vinh danh những người đỗ đạt trở thành một nét đẹp văn hoá của dân tộc, là ước mơ của bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam xưa.

   1. Lễ xướng danh - Lễ truyền lô
   Lễ xướng danh là lễ thông báo kết quả của kỳ thi Hương. Xướng là gọi to và hơi kéo dài, danh là tên. Đây là giây phút hồi hộp nhất của cuộc đời thí sinh. Lễ xướng danh tổ chức trước cổng trường thi. Hôm đó cổng trường được treo cờ kết hoa rất vui. Các quan khảo thí mặc triều phục ngồi trên ghế tréo cao đặt hai bên con đường dẫn từ nhà Thập đạo ra đến cửa trước. Pháo nổ, trống giục, chuông reo, người đi xem đông như ngày hội.

   Khi lễ xướng danh bắt đầu, viên lại phòng cầm danh sách những người đỗ đọc từng tên cho người truyền lệnh sứ mặc áo xanh nẹp đỏ cầm loa nghe và trương gân cổ xướng lại thật to tên họ, quê quán người đỗ. Người được xướng đầu tiên là thí sinh đỗ thủ khoa (giải nguyên). Bên ngoài có một người lính khác cầm loa ngửa mặt lên trời xướng nhắc lại một lần nữa để cho những người đứng xa có thể nghe được. Tân khoa nghe xướng đúng tên mình thì "dạ" một tiếng thật to rồi rẽ đám đông tiến đến cổng trường trình diện và lãnh áo mũ. Lãnh xong, ông tân khoa vào ngồi trên chiếc chiếu cạp điều trải trên đất trong cái rạp che bằng cót dựng trước nhà Thập đạo. Ông thủ khoa (đỗ đầu) ngồi đầu chiếu bên dãy lẻ, ông á nguyên (đỗ thứ nhì) ngồi chiếu đầu dãy chẵn.

   Lễ xướng danh xong người ta mới yết bảng. Bảng đỗ cử nhân gọi là Hổ bảng, bảng đỗ tú tài là Mai bảng.

   Việc xướng tên những người đỗ tiến sĩ sau kỳ Điện thí không gọi là lễ xướng danh mà gọi là lễ truyền lô rất long trọng.

   Thông thường lễ truyền lô cử hành tại điện Thái Hoà hoặc tại Ngọ Môn. Vào ngày ấy điện Thái Hoà thiết lễ Đại triều, trên kỳ đài treo cờ vàng. Ở gian thứ nhất bên phải của điện đặt hai hoàng án. Danh sách tiến sĩ tân khoa đặt trên hoàng án thứ nhất, hoàng bảng (bảng ghi tên những người thi đỗ để niêm yết) đặt trên hoàng án thứ hai.

   Đến giờ hành lễ, vua ngự ra điện Thái Hoà. Quan Khâm mệnh làm lễ phục mệnh; các quan giám thí, quan độc quyển, các viên chức liên hệ đến khoa thi cùng thi lễ năm lạy. Tiếp đến thị vệ đại thần đến quỳ ở gian thứ nhất bên trái của điện tâu xin làm lễ truyền lô. Vua ra lệnh cho hành lễ. Quan thị vệ rập đầu đứng lên và đi đến dưới thềm gian thứ hai bên trái điện và xướng lên: “Truyền lô!”. Được lệnh, quan truyền lô bước đến hoàng án thỉnh danh sách thí sinh trúng tuyển xuống. Quan Bộ lễ xướng : "Truyền lô!".Quan truyền lô cầm danh sách, theo thứ tự tuyên đọc. Đọc xong giao cho viên quan Bộ lễ tiếp nhận. Các quan giám thí, độc quyển đưa các tân tiến sĩ vào Văn Công thự lãnh mỗi người một bộ mũ áo. Họ quỳ đón lấy áo mũ và hai tay dâng lên ngang trán, khẽ cúi đầu năm lần rồi mặc áo và đội mũ đứng chờ. Quan kinh dẫn thuộc Bộ lễ hướng dẫn họ đến sân Điện quay mặt về hướng Bắc và hạ mình quỳ. Quan Bộ lễ xướng: "Phủ phục!". Các tân tiến sĩ làm lễ năm lạy. Lễ xong đứng nguyên vị trí. Tiếp đến quan thị vệ đến trên thềm ở gian thứ nhất bên trái quỳ tâu xin niêm yết bảng. Các viên thư tả mang hoàng bảng xuống trao cho quan Hộ bảng. Bảng vàng được đặt lênVân bàn(mâm vẽ mây), quan Hộ bảng dẫn thị vệ cùng quân lính đầy đủ nghi tượng tán lọng, nhã nhạc, mang Vân bàn ra cửa đặt lên Long Đình. Chờ vua hồi cung xong, quan Hộ bảng cho gánh Long Đình ra Phu Vân Lâu niêm yết. Bảng yết ở đây ba ngày, sau đó giao cho Quốc Tử Giám lưu trữ. Các tân tiến sĩ tự theo sau đám rước để xem bảng.

   2. Ban yến
   Sau lễ truyền lô, nhà vua còn tổ chức ban yến (tiệc đãi tân khách) để tuyên dương các tân tiến sĩ đồng thời ban thưởng cho những người vừa lo liệu việc thi cử.

   Nơi tổ chức ban yến thời Nguyễn không cố định. Thời Minh Mạng, yến được tổ chức tại công đường bộ Lễ, sau chuyển đến vườn Thư Quang, gọi là yến Thư Quang. Thời Thiệu Trị, tổ chức tại vườn Thường Mậu, thời Tự Đức trở lại tổ chức tại công đường bộ Lễ như xưa.

   Trong những dịp tổ chức tại công đường bộ Lễ thì trước công đường cho dựng lên một rạp bằng tre gồm nhiều gian. Ngay gian chính giữa thiết hương án để vọng bái. Còn những gian khác thiết ván, kỷ để ngồi, bàn để dọn yến. Các gian bên tả và hữu của gian giữa thiết Hồng án (bàn sơn đỏ) để các phẩm vật ban thưởng.

   Trong trường hợp tổ chức tại các hoa viên như Thư Quang, vườn Thường Mậu thì dựng ngay rạp trước cổng ra vào vườn, cho giăng đèn kết hoa, ngay gian chính giữa cũng thiết lập hương án để người dự yến vọng bái. Tiệc yến phân làm hai hạng: thượng hạng, mỗi -bàn hai người, dành cho các quan đứng đầu việc coi thi như giám thí, độc quyển, truyền lô, tuần la...; hạng trung ít món hơn, dành cho các quan cấp dưới như thu quyển,tuần sát... và các tiến sĩ tân khoa. Đặc biệt, những người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ được ngồi riêng một bàn. Về vật phẩm, những người đỗ Tiến sĩ đệ nhất giáp được thưởng trâm hoa mạ vàng, còn các hạng kém hơn thì chỉ được thưởng trâm hoa mạ bạc. Ngoài ra còn ban thưởng thêm lụa, đoạn hoặc nhiễu và tiền đồng có khắc chữ Sử Dân Phúc Thọ, Phúc Thọ Đa Nam...

   3. Cưỡi ngựa, xem hoa
   Vào năm Minh Mạng thứ 19 Mậu Tuất (1838), xong buổi yến tại vườn Thư Quang, các tân tiến sĩ được quan kinh dẫn hướng dẫn xem hoa ngay tại vườn này. Về sau đến triều Thiệu Trị mở yến tại vườn Thường Mậu thì cũng cho các tiến sĩ xem hoa tại vườn ấy. Đến triều Tự Đức tổ chức ăn yến tại công đường Bộ Lễ, cho các tiến sĩ ra xem hoa tại hồ Tĩnh Tâm.

   Xong việc thưởng hoa, các tân tiến sĩ mỗi người được cấp một lọng đen, một hồ lô đen, một con ngựa kèm bốn tên lính quân phục đầy đủ. Sau đó quan kinh dẫn hướng dẫn các tiến sĩ cưỡi ngựa ra cửa chính đông (Đông ba)ngoài kinh thành đi ngắm các ngõ phố chung quanh.

   Hôm khác, quan kinh dẫn lại hướng dẫn các tân tiến sĩ vào điện Văn Minh để dâng biểu tạ ơn vua, đem thực học của mình để tâu trình. Xong xuôi, quan Bộ Lễ sẽ chọn ngày tốt để các tân tiến sĩ làm lễ ở Văn Thánh (phía trên chùa Thiên Mụ) với sự có mặt của các quan tế tửu, tư nghiệp ở các Quốc Tử Giám.


   4. Ân tứ vinh quy
   Học trò thi đỗ cử nhân thì được dân làng tổ chức rước, có cờ, trống đại, trống tiểu, ban nhạc và một hương án. Đám rước đến trước cổng trường thi thì chờ rước ông cử nhân của làng mình. Hương án dùng để rước những phẩm vật của vuaban, tức là bộ áo mũ cử nhân, tượng trưng cho cái danh gía nhân tài mà triều đình đã tuyển chọn. Khi vị tân khoa về đến làng, tuỳ theo địa phương, ông được thưởng ruộng hoặc tiền. Nhưng vinh dự nhất là vị tân khoa được làng trọng nể hơn ai hết. Nhiều người cho biết ở xứ Thanh, xứ Nghệ và các tỉnh Bắc có làng đặt giữa đình một cái sập riêng, chỉ dành cho người có khoa mục ngồi. Người khác dù làm quan to đến mấy mà không có khoa mục cũng không được ngồi. Còn những người chỉ đậu tú tài thì không được phát áo mũ, và các làng không có lệ rước tú tài.

   Đối với các vị tân khoa tiến sĩ (từ  thời Thành Thái có cả Phó bảng) thì đám rước còn linh đình hơn, gọi là “Ân tứ vinh quy” hay thường gọi là vinh quy bái tổ. Mỗi khoa thi Hội/ thi Đình, Thừa Thiên- Huế chỉ đỗ vài ba người, nhiều khoa chỉ đỗ một người, phần lớn tiến sĩ ở các tỉnh, đặc biệt là Nghệ tĩnh và Quảng Nam. Do đó, nhà vua ban ân những phương tiện và lộ phí cần thiết cho các ông tân khoa tiến sĩ vinh quy bái tổ. Thời Minh Mạng, các vị tân khoa được cấp 5 phu (2 người cầm biển, 2 người gánh võng, 1 người mang đồ đạc). Đến thời Tự Đức (1865), có phân thứ bậc: những người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ được cấp 5 phu như cũ, những người đỗ từ đệ nhị giáp trở xuống đệ tam giáp chỉ được cấp 4 phu (2 người lo cờ biển, 2 người gánh võng). Ai cần thêm người có thể tự ý đi thuê. Ngoài ra triều đình còn sắc cho các quan địa phương Phủ, Huyện cử mười hay hai mươi quân lính binh phục đầy đủ để hộ tống tiến sĩ trở về nguyên quán. Khi về đến làng thì được các dân làng ra nghênh đón. 

   Về cờ ban cấp thì:
   Đệ nhất giáp tiến sĩ được ban cờ lụa Lục Nam màu đỏ, có đính các chữ bằng tơ vàng: “Sắc tứ Đệ nhất giáp Đệ... danh tiến sĩ cập đe”.

   Đệ nhị giáp tiến sĩ và đệ tam giáp thì cờ bằng tơ đính chữ bằng vải, cũng mang hàng chữ “Sắc tứ đệ nhị (hoặc tam) giáp tiến sĩ xuất thân (hoặc Đồng tiến sĩ xuất thân”.

   Biển thì hoàn toàn giống nhau có màu đỏ khắc hàng chữ vàng “Ân tứ vinh quy”. 

   Những tiến sĩ đỗ Tam nguyên liên tiếp (đầu ba kỳ Hương, Hội , Đình) đều được mang cờ đính bốn chữ Hán “Liên trúng Tam nguyên”.

   Để đón vị tân khoa, trên những con đường đám rước đi qua đều được treo đèn, kết hoa rực rỡ, đặc biệt là đình làng và nhà thờ họ của vị tân khoa- hai nơi vị tân khoa phải đến làm lễ bái tổ. ỞThừa Thiên- Huế, ngày vị tân khoa về làng, dân làng tổ chức thành đoàn lên kinh rước về như đám rước các cử nhân nói trên. Dân trong làng còn chờ đón vị tân khoa từ đầu làng. Các vị tân khoa ngoại tỉnh, các quan đầu tỉnh, đầu huyện, đầu xã nguyên quán của vị tân khoa ra đến đầu tỉnh đón trong khung cảnh cờ xí, chuông trống rộn ràng. Trong đời sống xã hội xưa không có sinh hoạt nào vui, sung sướng , tự hào của dân địa phương bằng ngày đi đón người con của làng đỗ đại khoa vinh quy bái tổ. Nhiều vị tân khoa đã có gia đình, đã từng được vợ tảo tần nuôi cho ăn học. Người sung sướng nhất ra đón chính là người vợ hiền của ông. Nỗi vui mừng ấy đã từng được Nguyễn Bính viết thành thơ Trăng sáng Vườn chè và đã được phổ nhạc:

   ... “Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
   Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
   Tôi ra đón tận cuối làng
   Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem”.

   Bái tổ xong, các tiến sĩ chỉ được lưu lại quê tối đa hai tháng rồi phải trở lại kinh chờ bổ dụng. Lễ rước vị tân khoa “vinh quy bái tổ” thể hiện sự trọng vọng của xã hội xưa- từ vua quan xuống đến thứ dân, đối với người có học. đây là một hoạt động văn hoá truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

» Related Articles: