NGHỆ THUẬT UỐNG TRÀ CỦA NGƯỜI VIỆT Posts by : STEVE THAI

   Trà là một thứ đồ uống bình dị có mặt hầu khắp các nước trên thế giới. Ở những nước công nghiệp phương Tây, lượng trà được tiêu thụ hàng năm là một con số khổng lồ. Cứ xem cách người Anh tổ chức những buổi tiệc trà vào buổi chiều thì thấy họ trọng thứ đồ uống này như thế nào. Tuy nhiên,  phải ở một số nước phương Đông có bề dày văn hoá thì Trà mới có những giá trị văn hoá đầy sức mạnh của nó. Trà ở Nhật Bản trở thành một thứ tôn giáo đầy màu sắc thành kính (Trà đạo), Trà ở Trung Quốc được nâng tầm thành một nghệ thuật in dấu trong nhiều trang sách viết về văn hoá. Trà với người Việt Nam cũng được đặt ở vị trí giống như người láng giềng Trung Quốc với phong cách riêng mà chỉ có người dân Việt mới hiểu rõ.

   Giá trị của chén Trà
Với người Việt, Trà không chỉ là một thứ đồ uống thơm ngon mà còn là một thứ dược thảo nhiều công dụng.Trong dân gian Việt Nam còn có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh từ lá trà. Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng trong lá trà có chứa 20% chất ta nanh có tác dụng sát khuẩn cao. Tuy nhiên, công dụng lớn nhất của lá trà lại là làm tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ hoạt động của thận và tái tạo tế bào DNA, giảm nguy cơ gây ung thư, giúp tinh thần sảng khoái...

   Cách uống Trà của người Việt là một biểu hiện phong phú của văn hoá ứng xử xứ Việt. Trong chén trà của người Việt là tình làng nghĩa xóm, là sự hoà thuận ấm êm của gia đình, là tình tri kỷ giữa những người bạn. Người ta có thể gây hằn thù nhau bởi những thứ đồ uống có chứa chất cồn chứ không bao giờ bởi những chén Trà. Trà luôn đồng nghĩa với sự tỉnh táo, tĩnh tâm, hướng tới điều lành tránh xa điều ác. Đôi khi người ta uống Trà trong im lặng, bởi chỉ cần lặng im nhâm nhi chén Trà cũng đủ để thấu hiểu tâm trạng người đối diện hơn ngàn vạn câu nói. Cũng chính vì vậy việc uống Trà cũng trở thành một nét văn hoá mang đậm chất Thiền của thế giới Phật giáo. Sách cũ viết rằng các nhà sư thường uống trà và tụng kinh để rửa lòng trần và xua đi cảm giác cô độc.

   Những loại trà xứ Việt
   Cùng là một cây trà nhưng khi uống lại có nhiều loại khác nhau. Người ta có thể uống trà tươi hái trực tiếp từ cây chè không qua sao chế hoặc uống nụ trà phơi khô. Rẻ tiền là thứ trà bồm sao từ lá trà già, uống tạm khi chưa có lứa Trà xuân mới. Thông dụng là trà mạn mà người ta thường gọi là trà Tàu. 

   Muốn có chén trà ngon phải có trà khô ngon. Người Việt thường uống trà xanh sao chế bằng phương pháp thủ công. Trà móc câu được coi là loại trà ngon được sao từ những ngọn chè non nhất nên sau khi sao quăn lại giống hình cái móc câu. Hầu như những thứ trà thơm ngon đều được gọi chung là trà Thái dù có xuất xứ từ rất nhiều nguồn.

   Thanh lịch, quí phái, cầu kỳ hơn là trà ướp hoa. Người ta ướp trà bằng hoa sen, hoa lài, hoa sói- những loại hoa có hương thơm ngát, vì thế trên thị trường có trà sen, trà lài, trà sói. Sen được dùng để ướp trà là thông dụng hơn cả bởi theo quan niệm phương Đông, hoa sen hội tụ những phẩm chất thanh cao, quí phái. Sen được hái lúc bình minh lúc còn đẫm sương, tách lấy phần gạo, và cứ một lớp trà lại một lớp gạo sen, rồi phủ một lớp giấy bản đem sấy khô rồi lại ướp tiếp đến 5,6 lần.

   Người Việt pha trà
   Người Việt ngày nay không xa lạ gì với những thứ trà tan, trà đóng trong túi lọc chỉ việc đổ nước sôi vào vô cùng tiện dụng. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng để có một chén trà ngon mà thưởng thức theo đúng phong vị Á đông thì phải dùng những loại trà xanh truyền thống và một phong cách pha trà đầy công phu, tinh tế.

   Ấm pha trà cũng được chọn lọc công phu. Xưa, người ta thường dùng ấm bằng đất nung nhỏ bé, vừa giữ được nhiệt lại không "thất thoát" hương vị của trà. Những người sành trà khi mua ấm thường úp ấm vào chậu nước, thấy nổi đều là được, mua về chưa dùng ngay mà đun sôi qua nước tinh khiết nhiều lần. Ngày nay, ngoài ấm đất, người ta dùng nhiều ấm bằng gốm sứ .
Cách pha trà là yếu tố quan trọng nhất để cho "ra đời" một chén trà ngon. Người ta pha trà khá công phu. Nước pha trà xưa thường là nước giếng khơi hoặc nước mưa đã lọc hết bụi bẩn. Có người còn cầu kỳ hứng nước sương trên lá sen buổi sớm về pha trà. Có lẽ, chỉ riêng sự cầu kỳ ấy cũng đủ cho chén trà trở nên quí giá.

   Để có được một chén trà ngon, nóng hổi thì chén tà và ấm trà phải có được độ nóng cao nhất. Trà khô cho vào ấm, đổ một chút nước sôi rồi chắt nước đi để lọc bụi bẩn đồng thời giữ nóng cho ấm trà. Lần đổ nước thứ hai mới cho ra đời những chén tà thơm ngon, thanh sạch, nóng hổi. Chén trà trước khi rót cũng phải được tráng một lượt nước nóng.

   Thưởng trà
   Cách uống trà cũng thể hiện phong cách văn hoá của mỗi người. Người thanh lịch uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết hương vị của trà còn những kẻ chỉ uống trà cho đã khát, một ngụm đã nhìn thấy đáy thì thuộc diện “phàm phu, tục tử”. Thông thường, người Việt không uống trà kèm theo một thứ đồ ăn nhẹ nào để tránh có những cảm nhận sai lạc về hương vị của trà.

   Những người Việt sành trà còn kết hợp uống trà với trông hoa, thưởng nguyệt. Người ta uống trà khi trông mai nở, đợi quỳnh bung cánh hoặc thuỷ tiên hé nụ...Những đêm trăng sáng, người ta cũng rủ nhau hội ẩm, vừa uống trà vừa hồi tưởng lại chuyện xưa.

   Ngày nay, trong nhịp sống ngày càng gấp gáp theo phong cách hiện đại, vô vàn loại trà theo kiểu “fast food” xuất hiện khiến giới trẻ Việt Nam ngày càng thờ ơ dần với nghệ thuật uống trà truyền thống. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, họ sẽ lại tìm về nền văn hoá ẩm thuỷ này để nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn mình giống như nhiều người phương Tây tìm đến Thiền nhằm giải phóng tinh thần mình khỏi sự tù túng.

» Related Articles: