TRUNG THU XỨ VIỆT Posts by : STEVE THAI

   Hàng năm, vào rằm tháng tám âm lịch (khoảng tháng 9 dương lịch),  những cư dân Việt Nam ở mọi miền đất nước lại náo nức chuẩn bị cho một cái Tết là Tết Trung Thu trong tiết trời đã vào thu trong trẻo và hơi se lạnh. Bánh nướng, bánh dẻo, đò chơi Trung Thu được bày bán ê hề khắp mọi nơi từ trước đó hàng tháng. Nhiều người dân Việt viễn xứ cũng hướng về ngày lễ truyền thống này của dân tộc như một biểu hiện của nỗi hoài hương.

   Tết Trung Thu hay Tết Đoàn Viên
   Không mấy ai để ý đến nguồn gốc của tết Trung Thu, mặc nhiên thừa nhận nó như một phong tục vô cùng hợp lý của dân tộc. Còn ngày nào đẹp hơn một ngày giữa một tháng, tháng này  là tháng giữa mùa thu- mùa vốn được coi là một mùa trong trẻo nhất trong năm để cho người ta có thể quên đi những bộn bề của cuộc sống, sum họp cùng gia đình trong bữa cơm đoàn viên và  hoà mình vào không khí tươi tắn, thơ ngây của trẻ thơ trong lễ rước đèn.  Cái tên gọi " Trung Thu" ( 'trung' trong tiếng Hán có nghĩa là giữa, 'trung thu' có nghĩa là giữa thu)  đã có thể nói nên tất cả.
 
   Tết Trung Thu của dân Việt còn được gọi là tết Đoàn Viên. Người Việt giống như người dân một số nước phương Đông thường có thói quen mang hơi hướng lãng mạn là “ngắm trăng hoài hương" nên thường trông trăng mà gửi gắm tình cảm nhớ nhung đối với người thân hay quê hương khi đang là một lữ khách. Đêm Trung Thu trăng lại  sáng tỏ nhất, đồng thời lại tròn đầy như gợi sự đoàn tụ và sum họp...

   Theo những tài liệu cố để lại, Tết Trung Thu vốn có nguồn gốc ở Trung Quốc, gắn với câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về một ông vua đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7). Vua Đường Duệ Tôn vào đêm rằm tháng tám thấy cảnh sắc đất trời quá đẹp liền "vi hành" ngoài thành dến khuya, gặp tiên và theo lên cung trăng.  Khi nhà vua đang say sưa với cảnh đẹp nơi tiên giới thì vị tiên lại đưa ngài về nới trần thế. Để tưởng nhớ lại ngày đó, nhà vua đặt ra tết Trung Thu và uống rượu thưởng trăng, ăn bánh trung thu  trong ngày này. Kể từ đó, ngày lễ Trung Thu ngày càng phát triển không chỉ trong giới hoàng tộc và quan lại mà cả trong dân chúng. 

   Thời kỳ đầu tết Trung Thu chỉ dành cho tầng lớp vua quan với những tục tế trăng, trông trăng làm thơ...Sau đó, tết Trung Thu lan dần trong dân gian. Tết Trung Thu rất phát triển thời kỳ Pháp thuộc. Thời kỳ này người ta ăn bánh trung thu, tụi trẻ vui chơi thoả thích với các loại đèn như đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn ông sư...Ngày nay, mức sống của người dân Việt cao hơn, tết Trung Thu cũng được tổ chức trọng thể hơn với những bánh nướng bánh dẻo (bánh cổ truyền Tết Trung thu) đủ mọi hình dáng và chất liệu hấp dẫn, đồ chơi trẻ em cũng muôn hình vạn trạng...

   Múa sư tử và rước đèn
   Trong hai đêm 14 và 15 của tết Trung Thu, ngay lúc chập tối, khi trăng mới ló rạng, từ khắp mọi nẻo đường xứ Việt đã náo động tiếng trống, tiếng thanh la của những đám múa sư tử và rước đèn. Mỗi đám múa sư tử thường gồm hơn chục người, thường là người lớn mặc trang phục cổ mềm mại và gọn ghẽ. Một người đánh côn hộ vệ đầu sư tử, một người đội dầu và một người cầm đuôi sư tử,  múa theo những động tác của con vật này.  Những người còn lại đánh trống, cầm thanh lạ, và giữ trật tự cho cả đám múa...

   Đám múa lân đi trước, trẻ em xếp thành hai hàng rước đèn theo sau. Những chiếc đèn đã được nâng niu từ nhiều ngày trước đó.  Đèn ông sao, đèn ông sư, đèn lồng...sáng nhấp nhánh như những dòng ngũ sắc trong đêm. Những bài hát trẻ thơ trong trẻo được cất lên tưởng chừng như có thể vút lên tận cung Quảng mời Hằng Nga dạo bước xuống trần.

   Bày cỗ và phá cỗ
   Từ khi trăng còn chưa lên, người ta đã rậm rịch bày cỗ hình mặt trăng với tất cả niềm say mê của mình. Mâm cỗ đêm Trung Thu không chỉ để ăn mà còn để ngắm, để tự hào và  tưởng tượng những gì tinh tuý của đất trời đang hiển hiện trước mắt mình.  Đồ bày cỗ có  bánh nướng màu nâu bóng, bánh dẻo trắng nuột, chuối vàng ươm, hồng đỏ ngọc...Bao bọc quanh mâm cỗ là ánh trăng ngà - một minh chứng cho sự giao hoà, quấn quyện giữa thiên nhiên bất diệt và con người.

   Trẻ em sau khi rước đèn về, ca hát chơi đùa đến khuya thì phá cỗ. Những miếng bánh nướng bánh dẻo, quả chuối, múi bưởi trong đêm Trung Thu ngon hơn thường ngày như thể đó chính là một món quà Hằng Nga gửi về từ nơi cung Quảng. Nhìn những ánh mắt thơ ngây bên mâm cỗ mới hiểu được ngày lễ Trung Thu có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn hoá đất Việt.

» Related Articles: