VIỆT NAM - MỘT CỘNG ĐỒNG 54 DÂN TỘC Posts by : STEVE THAI

   Trên thế giới thật khó có quốc gia nào mà diện tích chỉ vẻn vẹn hơn 300 nghìn cây số vuông và số dân trên 80 triệu người nhưng lại có tới 54 thành phần dân tộc khác nhau cùng sinh sống như trên mảnh đất Việt Nam. Hầu như mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá riêng. Dân tộc Kinh chiếm gần 90% tổng số dân cả nước, hơn 10% còn lại là dân số của 53 dân tộc- còn được gọi là dân tộc thiểu số. Nguồn gốc của hầu hết các dân tộc đều là bản địa. 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam có thể chia thành 8 nhóm theo sự tương đồng ngôn ngữ như sau: 
° Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc là: Việt (Kinh), Chức, Mường, Thổ.


° Nhóm Tày - Thái có 8 dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái. 
° Nhóm Môn - Khmer, có 21 dân tộc là: Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ-ro, Co, Cơ-ho, Cờ-tu, Giẻtriêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ-mú, Mạ, Mảng, M'Nông, ơ-du, Rơ-măm, Tà-Ôi, Xinh-mun, Xơ-đăng, Xtiêng. 
° Nhóm Mông - Dao có 3 dân tộc là: Dao, Mông, Pà Thẻn. 
° Nhóm Kadai có 4 dân tộc là: Cờ lao, La-chí, La ha, Pu péo. 
° Nhóm Nam đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu-ru, Ê-đê, Gia-rai, Ragiai. 
° Nhóm Hán có 3 dân tộc là: Hoa, Ngái, Sán dìu. 
° Nhóm Tạng có 6 dân tộc: Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La. Dân tộc Kinh (Việt) chiếm đa số trong tổng số dân cả nước, sống trên khắp đất nước, song địa bàn cư trú chủ yếu là vùng châu thổ sông Hồng, các đồng bằng ven biển miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố lớn. Tiếng nói và chữ viết của dân tộc này ( tiếng Việt) được qui định là ngôn ngữ phổ thông, dùng chung cho cả nước.


    Các dân tộc thiểu số lại thường sống tập trung ở những vùng trung du, miền núi trên khắp đất nước và tới giờ vẫn duy trì được những sắc thái sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Một số dân tộc thiểu số có số dân tới hàng triệu người như Tày, Thái, Khơ me, Hoa, Mường...nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như Pupéo, Rơmăn, Brâu... Những dân tộc ít người này sống chủ yếu bằng nông nghiệp và một số nghề thủ công như dệt, đan lát, mộc... Sinh hoạt văn hoá của họ đậm tính dân gian độc đáo như hát then, hát lượn (Tày), múa xoè, múa sạp (Thái), hát Sli giao duyên (Nùng), đàn môi (H'Mông), đánh cồng chiêng (Ê Đê, Gia Rai), lễ hội đâm trâu (Ba na)... Một số dân tộc ít người đã biết các kỹ thuật canh tác khá thành thục. Họ đã sớm canh tác lúa trên ruộng ngập nước và tiến hành tưới tiêu. Số khác tiến hành săn bắn, đánh cá, hái lượm và sống bán du mục. Mỗi nhóm dân tộc đều có nền văn hoá riêng biệt, giàu có và độc đáo. Tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc cũng hết sức khác biệt. Bản sắc văn hoá của các dân tộc thể hiện rất rõ nét trong các sinh hoạt cộng đồng và trong các hoạt động kinh tế, từ trang phục, ăn, ở, quan hệ xã hội đến các phong tục tập quán trong cưới xin, ma chay, thờ cúng, lễ tết, văn nghệ, vui chơi... Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại một khoảng cách rõ rệt về đời sống vật chất và tinh thần giữa các dân tộc vùng đồng bằng và miền núi cũng như ngay giữa các dân tộc ít người. Dù vậy, nhìn chung mối quan hệ giữa các dân tộc đều khá tốt đẹp, hoà bình, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. 

 

» Related Articles: