CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT Posts by : STEVE THAI

   Ở rất nhiều nước trên thế giới, đại từ nhân xưng chỉ gói gọn trong: người nói, người nghe, người và vật được nói đến mà nếu dịch ra tiếng Việt thì chỉ là: tao, mày, nó, chúng nó, chúng tao, chúng mày (I, you, we, it, they). Tuy nhiên, cách xưng hô của người Việt trong nhiều trường hợp khác nhau thì phức tạp hơn nhiều. Đứa trẻ vừa học nói đã được cha mẹ, anh chị bày cho cách xưng hô phù hợp nhưng nhiều người đến khi lớn lên thậm chí về già vẫn còn sai sót. Nhiều khi chỉ vì một sai sót nhỏ trong cách xưng hô mà gây nên thành kiến nặng nề.

   Xưng hô thế nào cho đúng? 
   Ở Việt Nam, đáng tuổi ông thì gọi là ông, đáng tuổi bác thì gọi là bác không được “cá mè một lứa” (không thể ai xưng cũng là I và kêu người khác là you). Đại từ nhân xưng tiếng Việt rất đa dạng phong phú nhưng cũng rất phức tạp, điều khó khăn phức tạp nhất là, ngay trong đại từ nhân xưng của ta đã mang sắc thái tình cảm, thể hiện sự yêu thương tức giận, kính trọng, khinh ghét, khách sáo, thân mật...

   Trong các xưng hô của người Việt có sự phân biệt tôn ti trật tự rõ ràng. Các em bé có thể luôn thắc mắc: “Tại sao ông bảo cháu thưa bẩm, thế mà cháu gọi ông ông lại không thưa bẩm cháu. Cháu cũng không hiểu sao cha mẹ gọi con bằng tên còn con gọi tên cha mẹ thì không được. Tại sao ông chú già rồi lại còn gọi là “ông trẻ ?”.

   Cách dùng từ để xưng hô của người Việt  còn tùy thuộc vào mức độ thân sơ giữa người nói và người nghe. Ví dụ, thật thân tình bạn bè gọi nhau bằng mày tao, hắn ; Ngược lại, mới quen biết sơ sơ mà mày tao thì bị cho là khiếm nhã, bất lịch sự. Cụ già và lão già đồng nghĩa nhưng trân trọng thì nói “Tôi hỏi cụ già” còn khinh nhờn thì nói  “Tôi hỏi lão già”. 
Nếu có quan hệ họ nội, họ ngoại thì gọi theo quan hệ thân thuộc gắn bó tình thân thiết hơn; người thân mặc dầu ít tuổi hơn mình nhưng bằng vai cha mẹ mình thì vẫn gọi bằng chú, bác, cô, dì theo đúng vai vế trong họ. Nhiều người còn gọi thay con, cháu mình như : gọi bố mẹ mình là ông, bà (gọi thay con), gọi người bằng vai là ông, bà (gọi thay cháu)…

   Thuần túy quan hệ xã hội, không có quan hệ họ hàng nhưng theo phép xã giao : "hơn một tuổi làm anh, hơn mười tuổi làm cha", tức hơn mình mười tuổi trở xuống gọi là anh chị, hơn mình 10 tuổi trở lên gọi là cô, chú, bác (cô chú ít tuổi hơn bác). 

   Cách xưng hô theo huyết thống
   Người Việt xưng hô theo gia phả huyết thống : tính theo đời, theo chi, theo nhánh mà xác định mình bằng vai với ai. Theo gia phả huyết thống, có thể một người ở tuổi lên lão vẫn phải gọi một đứa bé lên năm bằng anh, bằng chú… 

   Xưng hô trong họ tộc khác xưng hô ngoài xã hội. Ngoài xã hội dựa theo tuổi tác và chức vụ địa vị, trong gia tộc dựa theo vai thứ, nhưng khi giao thiệp với từng cá nhân cụ thể lại phải kết hợp theo cách xưng hô ngoài xã hội theo quan hệ tuổi tác. Có thể đúng theo huyết thống thì anh A phải gọi anh B bằng chú, nhưng anh B cũng gọi anh A bằng bác, vì anh A đã là người tuổi cao, gọi bằng cháu bất tiện và bất lịch sự. Thực ra, anh B cũng không sai theo huyết thống vì anh đã gọi anh A bằng bác thay cháu chắt mình.

   Ở nông thôn còn mối quan hệ huyết thống rất chằng chịt nên cách xưng hô lại càng phức tạp, thông thường thì vợ chồng thống nhất cách xưng hô với ông chú bà bác bên nội bên ngoại như nhau, nhưng cũng có trường hợp do quan hệ huyết thống thân sơ khác nhau chồng gọi người đó bằng em, vợ lại gọi người đó bằng bác hay ngược lại. Đó là chuyện thường tình và người ta vẫn dung hòa để tìm được cách xưng hô phù hợp.

   Vợ chồng xưng hô với nhau thế nào? 
   Các ông chồng, bà vợ người Việt vẫn nói về bạn đời của mình bằng một từ thân thuộc “nhà tôi”. Đố ai có thể dịch được từ này sang tiếng nước ngoài mà giữ được nghĩa: chồng tôi, vợ tôi.

   Cách đây khoảng vài chục năm, trong những gia đình trí thức Âu hóa sống ở thành phố, vợ chồng gọi nhau bằng “tôi - mình” nghe đầy yêu thương, hoặc “cậu, mợ” đầy trân trọng, thanh nhã. Còn ở nông thôn, người ta gọi bạn đời bằng những từ rất ngộ như “bố thằng cu, mẹ cái hĩm” hoặc “u nó, thầy nó”. Tuy nhiên, đó là những cặp vợ chồng đã có con mới gọi “thế” được như vậy. Do đó có câu chuyện cười kể về một cô gái mới lấy chồng chưa có con muốn gọi chồng bên hàng xóm về ăn cơm, chẳng biết xưng hô ra sao bèn ra ngõ gọi thật to “Ai ơi! Về nhà ăn cơm”. Từ “ai” ở đây không phải là từ để hỏi mà có nghĩa là “chồng ơi, về ăn cơm”.

   Thời nay vợ chồng trẻ xưng hô với nhau “anh - em” âu yếm. Dẫu chồng ít vợ hơn dăm ba tuổi vẫn được gọi là anh. Cặp vợ chồng nào chuyển sang “mày - tao” là đang có nguy cơ dắt nhau ra tòa ly dị…

» Related Articles: