LẠNG SƠN Posts by : STEVE THAI

   Từ  Cao Bằng,  phái đoàn nghệ sỹ nhiếp ảnh băng qua Thất  Khê , Đồng Đăng để nghỉ đêm ở Lạng Sơn. Chiếc xe chạy đều đều,  dọc theo dòng sông Kỳ Cùng sát biên giới Việt Hoa. Hai bên dòng sông, những ruộng vườn, thôn xóm hiền hoà khoe mình trong nắng rực rỡ, những rặng tre xanh kẽo kẹt uốn mình theo cơn gió nhẹ. trông thật yên bình,  Chúng tôi ngừng xe lại ở một khoảng đường vắng để chụp dòng sông. Sông Kỳ Cùng là một dòng sông duy nhất ở Việt Nam lại chảy ngược về Tàu. Tất cả những dòng sông khác ở miền Bắc đều chảy về cội nguồn , về Việt Nam rồi mới ra biển. Có lẽ vì lý do đó cho nên đôi khi người ta còn gọi sông Kỳ Cùng là Sông Ngô (sông của người Tàu).

   Đi đến Đồng Đăng, chúng tôi nhìn thấy sự   phồn thịnh về thương mại của thành phố biên giới. Bên kia đường chiếc cổng lớn qua Trung Quốc, dân chúng hai bên đi qua lại tấp nập. Bên này sông là chợ Kỳ Lừa,   người mua kẻ bán đông đúc. Đồng Đăng, tên nghe cũng hay hay, và thật quen thuộc.

   Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
   Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
   Ai lên xứ Lạng cùng anh
   Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em …

   Câu ca dao này tôi thuộc nằm lòng từ lớp bét, nhưng chỉ có một khái niệm mơ hồ, nay đi đến tận nguồn gốc  mới thấy thấm thía từng câu, từng chữ. Có lẽ tác giả bài ca dao này là một anh lái buôn, đang cố gắng thuyết phục người yêu của mình đi theo anh đến Lạng Sơn một chuyến, và anh sẽ dẫn đi thăm quan những thắng cảnh vùng biên giới. Lạng Sơn-Cao Bằng là những thành phố giáp ranh, bề ngoài bộ mặt yên bình của một thành phố cổ,  bên trong sự xung đột không dứt giữa hai nước Việt-Hoa đã là nỗi đau lòng, lo âu của nhiều thế hệ. Năm xưa nàng Tô Thị mỗi chiều bế con  lên núi chờ tin chồng và biến thành tượng đá, trên núi Vọng Phu nói lên sự khắc khoải của người phụ nữ Việt Nam trong khu vực chinh chiến triền miên.

   Lạng Sơn là một địa điểm chiến lược quan trọng nhất Việt Nam. Người Pháp đã dùng Lạng Sơn để tấn công Trung Hoa năm 1885, và mới gần  đây, Lạng Sơn là một chiến trường then chốt trong cuộc chiến Việt Hoa 1979, nơi không biết bao nhiêu binh sĩ Trung Hoa phơi thây, máu đổ đỏ cả dòng sông Kỳ Cùng.

   Cao Bằng- Lạng Sơn nằm trên vùng trung nguyên đá vôi, có rất nhiều hang động thạch nhũ, Chùa Tam Thanh là 3 ngôi chùa ở trong động thạch nhũ. Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh. Tuần trước, khi thăm chùa Hương, chúng tôi cũng dừng lại ở chùa Thiên Trù rồi trở về Hà Nội vì biết dù có lên chùa Hương, vào động cũng chẳng chụp được gì vì hang động có quá nhiều chi tiết làm tấm ảnh trở nên rườm rà, chia trí người xem ảnh, rất khó mà tạo được  nét  Nghệ Thuật của loại ảnh này.
 
   Chiếc xe lăn bánh không ngừng, bỏ lại sau lưng Đồng Đăng với lớp bụi mờ.

   Lạng Sơn là một thành phố trù phú vì sự mậu dịch , tuy nhiên tiền bạc cũng mang đến những tệ đoan xã hội như buôn lậu, cướp bóc, và mãi dâm. Chúng tôi cẩn thận hơn khi đến Lạng Sơn.

   Nghỉ đêm ở Lạng Sơn, sáng hôm sau,  các nghệ sỹ nhiếp ảnh dậy sớm săn ảnh.  Anh nắng buổi sáng vàng vọt chiếu xiên qua quán phở góc đường, thật đẹp làm mọi người chỉ lo chụp, quên cả ăn phở. Người đàn bà bán phở, mặc dù ở trong tiệm vẫn đội chiếc nón lá quen thuộc, tay thoăn thoắt trụng bánh nên không để ý đến chúng tôi đang miệt mài bấm máy.

   Chúng tôi ghé vào thăm chợ, chụp những cảnh sinh hoạt nhộn nhịp trên đường phố , Anh sáng buổi sáng làm quang cảnh trở nên sống động, quyến rũ hơn. Các Nghệ sỹ nhiếp ảnh chụp túi bụi,  quên cả lời anh Hướng dẫn viên dặn dò phải ra xe sớm cho kịp chặng dừng chân sắp đến ở Cẩm Phả.

   Cẩm Phả chỉ là chạm dừng chân qua đêm, hai ngày sau đó chúng tôi mướn thuyền đi vịnh Bái Tử Long và chụp cảnh bình minh ở chợ cá nổi Bến Gio,  mà theo anh đang bị dời đến một chỗ khác,  nhường chỗ cho một trung tâm du lịch tầm vóc quốc tế . 

 

» Related Articles: