SAPA Posts by : STEVE THAI

   Từ giã Pa-So, Lai Châu cúng tôi lên đường đi Sa Pa.. Sapa, có thể nói là một Mecca cho loại ảnh phong cảnh của Việt Nam. Tất cả các chuyến đi săn ảnh ở miền Bắc, phải lấy mốc là Sapa. Tháng 2, khoảng Tết là lúc chụp mây đẹp nhất, Mây Sapa vì lạnh nên không tan mau, lại cuộn thành những cuộn tròn như bông gòn, xà thấp vào thành phố. Nếu gặp may mắn, các bạn có thể chụp những tấm ảnh, từ trên đồi cao, xuống thành phố - mây từng  lọn,  nằm cạnh những ngôi nhà nho nhỏ và tất cả được phủ bằng lớp ráng hồng của buổi sớm mai. Tháng 5  là mùa cấy, các ruộng bậc thang ngập đầy nước, phơn phớt với lớp mạ xanh, tuyệt đẹp.  Tháng 10 là tháng gặt lúa ở các ruộng bậc thang.

   Chính chuyến đi 10 ngày về thăm quê hương của chúng tôi cũng lấy Sapa làm trọng tâm. Chúng tôi đã chọn tháng 10 để có dịp chụp những đồng lúa chín vàng và cũng đã dự định ở lại Sapa 3 ngày để có đủ thì giờ săn ảnh. Nhưng cổ nhân đã nói: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên". Năm nay lại là năm Nhuận, người ta trồng lúa (tính theo ngày ta) sớm hơn 1 tháng, nên khi chúng tôi đến, chỉ còn những gốc rạ ngổn ngang, chưa hết, khi còn ở Lai Châu, sửa soạn lean đường đi Sapa,  tin khí tượng cho biết Gió Mùa Đông Bắc mang mây và mưa sẽ thổi qua Sapa trong vòng vài ngày nữa. Anh Ngọc Thái, hướng dẫn viên của Phái Đoàn Nhiếp Ảnh  an ủi: Chúng ta thay đổi chương trình, chỉ ở Sapa 1 ngày, còn 2 ngày còn lại chúng ta đi Hồ Ba Bể, lúc trước  không  nằm trong lộ trình. Thấy anh nói cũng có lý,  mọi người cảm thấy phấn khởi.

   Chúng tôi đậu xe  ở một thung lũng  dưới chân rặng Hoàng Liên Sơn, mây ồ ạt theo gió mùa Đông Bắc chảy qua thung lũng như một dòng sông. Chỉ thiếu con thuyền mây là tôi đã sống lại thời niên thiếu như  cậu bé Peter Pan, Tôi đứng ngây người ngắm ngọn núi cao nhất Việt Nam, hùng vĩ và sừng sững như ngạo báng mọi thử thách của trần gian. Hồi còn trẻ, học Địa Lý,  tôi đã mơ ước được leo lên đỉnh Hoàng Liên Sơn,  nhìn xuống giang san gấm vóc của người Việt Nam. Hiểu ý tôi,  anh Ngọc Thái giải thích: Một chuyến đi viếng Hoàng Liên Sơn mất khoảng 3 ngày nếu đi đường tắt, 4 ngày nếu đi đường vòng. Chuyến đường tắt phải đi qua một  khoảng "sống dao"  rất hẹp. Hai bên là vực thẳm, gió lại lốc nên rất nguy hiểm  ai đi đến khoảng này cũng chỉ lết, rách cả đũng quần  chứ không dám đứng thẳng. 

   “-Thế anh đã có dịp leo lên Hoàng Liên Sơn chưa?” . Tôi hỏi anh.

   “Các Nhiếp Ảnh Gia Trẻ VN thường hay thử thách nhau với ngọn núi này, gần như ai cũng phải leo lên một  lần cho xứng phận  làm trai cầm máy. Nhiệt độ trên cao khoảng 0 độ C không có máy ảnh nào chịu được ngoại trừ máy cơ khí”.   Anh tiếp

   “Tôi đã leo lên núi này một  lần, lên cao, chẳng có gì để chụp, lúc xuống gần đến chân núi lại bị té, nằm nhà thương mấy tháng…” 

   Tôi và anh Thái trao đổi nhau vài câu chuyện núi rừng  thì có tiếng xe buýt thắng lại đằng sau,  một nhóm du khách lũ lượt kéo ra,  một cô bé khoảng 17-18 đứng gần tôi  mặt phụng phịu, lẩm  bẩm “Chỉ có như vậy mà cũng bắt người ta đi”. Tò mò tôi tới bắt chuyện:
   "Cháu đi từ đâu đến?"
   "Dạ SàiGòn"
   "Cháu không thấy cảnh này   đẹp hay sao?"
   "Dạ Không, thua xa những chỗ cháu đã đi xem qua"
   "Như vậy cháu là người hải ngoại?"

   Cô bé hơi ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:
   "Gia đình cháu mới từ Cali về chơi"
   Tôi không ngạc nhiên,  Hoàng Liên Sơn quả thật thua xa Titon mountain, Yosemite hoặc Rocky Mountain, nhưng đối với tôi, một người sinh trưởng trên mảnh đất nhỏ bé này, nó có những gắn bó, tình cảm rung động  mà tôi không hề thấy khi thăm viếng thắng cảnh xứ người.

Trời đã về chiều, mây kéo đền dầy đặc theo Gió Mùa Đông Bắc, sau một vài tiếng đồng hồ ở thung lũng, chúng tôi tiếp tục lên đường về thành phố.

   Hương Sen là một khách sạn nhỏ  ở thành phố, chủ nhân là anh Thắng, một nhiếp ảnh gia quen thuộc trong vùng. Khi các anh em nghệ sỹ nhiếp ảnh săn ảnh Sapa, họ thường kéo về ở  đây, kể chuyện ảnh, trao đổi kinh nghiệm. Năm ngoái, khi có tin tuyết rơi tại Sapa, 400, 500 nghệ sỹ nhiếp ảnh đã kéo về Sapa để săn ảnh. 

   Ngủ đêm lại khách sạn, hôm sau chúng tôi đi thăm thành phố. Mưa bay lất phất và mây giăng chập chùng.  Đa số sắc dân  ở thành phố là người Giao.  Gần trung tâm thành phố có một nhà thờ nhỏ, và một quảng trường rộng. Mỗi cuối tháng, người Hmong đỏ tập trung ở khu vực này buôn bán, tối đến, họ họp lại nhau,  gọi là chợ Tình, vợ chồng, tình nhân tách nhau ra để đi tìm người bạn tình mới. Các cậu Hmong hát  các bản tình ca  cho các cô Hmong nghe rồi kéo nhau vào bụi rậm gần đó,  cậu nào hát dở thì mang theo một máy cassette nhỏ, bật cho nàng nghe qua loa cho có lệ, rồi ba chân bốn cẳng kéo nhau vào rừng. Sáng hôm sau, vợ chồng, tình nhân lại đi tìm nhau, rồi cùng trở về  bản. Thấy phong tục họ cũng lạ tôi hỏi một thanh niên Hmong khoảng 18-19 tuổi trên đường:

   "Cháu dẫn vợ cháu vào chợ Tình, cháu không sợ nó đẻ ra con của người khác?"

   Anh Hmong đỏ ngẩn người ra chốc lát rồi quả quyết:

   "Con của vợ cháu đẻ ra, cháu coi như con của cháu"

   Người Hmong còn có một tập tục lạ, khi người vợ sanh đẻ, họ bị đuổi ra ngoài rừng khi sanh con xong mới được  trở về nhà.  Tôi hỏi tiếp

   "Khi vợ cháu sanh, lại bị đuổi ra ngoài đồng, cháu không sợ nguy hiểm cho vợ cháu sao?"

   "Cháu chẳng sợ gì, vợ cháu nó đẻ như gà"

   Giã từ Sapa, hẹn ngày tái ngộ, chúng tôi lên đường đi thăm Hồ Ba Bể, ở Bắc Cạn. 

   Hy vọng lần sau, chúng tôi có nhiều may mắn hơn.

» Related Articles: