HẠ LONG BAY Posts by : STEVE THAI

   Theo lịch trình của chuyến đi 10 ngày về thăm quê hương,  vịnh Hạ Long là chặng cuối cùng của chuyến hành trình,  Năm năm về trước, tôi đã ghé thăm vịnh Hạ Long, Từ Hà Nội, lên Hải Phòng, đáp thuyền xuống Hòn Gai, rồi thuê thuyền lênh đênh  trên vịnh Hạ Long. Nhưng chuyến đi này thì khác, từ Lạng Sơn, chúng tôi đến Cẩm Phả ngủ qua đêm, sáng hôm sau  mới thuê  thuyền và người mẫu đến Bái Tử Long . Cẩm Phả là một thành phố có nhiều mỏ than lộ thiên, hàng nghìn thế kỷ trước, một trận động  đất  khổng lồ chôn vùi những cánh rừng già xuống sâu trong lòng đất,  ở đó sức nén và sức nóng biến rừng cây thành than đá. Chu kỳ này được lập lại nhiều lần, tạo thành một vùng đất có lượng than đáng kể, sau cùng, sau đó, một trận động  đất cuối cùng đẩy những quặng than đá  sâu dưới lòng đất  thành những đồi núi của vùng Cẩm Phả ngày nay.

   Chúng tôi đi ngang qua thành phố, nhà cửa , phố xá, cây cối đều được phủ lên một lớp bụi than đen mỏng, sinh hoạt phố xá vẫn bình thường, có lẽ vì miếng cơm manh áo người ta đã quên đi sự nguy hiểm khi hít thở lớp bụi than hàng ngày.  Anh hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi những đồi núi trọc trước mặt , nước mưa đã soi mòn lớp đất màu, lộ lên những lớp than  đá đen nhánh. Chúng tôi nghỉ qua đêm ở một khách sạn của nhà nước, khách sạn sạch sẽ,  thoải mái. Anh phê bình, “những khách sạn khác không ở được vì nạn bụi than”.

  Sáng sớm phái đoàn Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh đã đến một xóm chài ở Bái Tử Long để mướn thuyền và người mẫu. Chúng tôi thường thường mướn người mẫu địa phương, để nhấn mạnh vào điểm đặc biệt mà chỉ có người địa phương mới diễn tả được. Với sự xếp đặt trước, anh Hướng Dẫn viên đã mướn được chiếc thuyền máy, kéo theo một chiếc thuyền nan nhỏ và hai cô bé lái đò tuổi khoảng 14,15 xinh xắn.  Tôi xuống hỏi chuyện với hai cô.

   “Hai cháu còn nhỏ, mà sao hôm nay  không  đi học lại theo mấy bác  ra ngoài khơi?”
   “Dạ không, cháu đã nghỉ học luôn rồi, để ở nhà giúp bố mẹ cháu”.

   “Khi lớn lên cháu định làm gì?”
   Một cô bé bẽn lẽn trả lời
   “Cháu muốn đi thi hoa hậu” ...

   Trời hôm nay nhiều mây nên nước biển không có màu xanh cẩm thạch trong sáng, như những lần trước. Chúng tôi thả neo để 2 cô người mẫu chèo thuyền ra xa, chiếc áo đỏ của cô, nổi bật  trên mặt nước xanh thẫm, ánh vàng của buổi chiều rải trên những hòn đảo đá vôi như có sức lôi cuốn, gọi mời, các nghệ sĩ nhiếp ảnh  bấm máy liên tục. Tôi loay hoay với chiếc máy cơ khí Noblex 6x12, dùng phim 120,  máy đã chậm, mỗi cuộn phim chỉ chụp được 6 tấm,  tuy nhiên cũng thấy an ủi vì với phong cảnh hùng vĩ bao la như ở ngoài khơi vịnh Bái Tử Long,  chỉ có loại máy panorama khổ rộng mới bắt được từng chi tiết từng mảng sáng tô thêm vẻ đẹp của non sông gấm vóc Việt nam.

   Khi các nghệ sĩ nhiếp ảnh muốn leo lên  một hòn đảo để cho biết, anh Hướng dẫn Viên đề nghị đến thăm hòn Pháo Đài, ngày xưa Thực Dân Pháp đã kéo trọng Pháo lên trên hòn đảo này để kiễm soát và bảo vệ vịnh Hạ Long.  Đường lên hòn Pháo Đài  tương đối dễ đi, trên đỉnh lại có những lô cốt kiên cố,chụp xuống những hòn đảo bên cạnh như hòn  Con Cóc  rất đẹp. Dọc đường đến hòn Pháo Đài, anh kể những lịch sử của từng hòn đảo quen thuộc, 
   “À đây, tôi leo lên hòn đảo này để chụp xuống,  được nửa đường thì bị té xuống, may không chết chỉ bị gẫy cả hai chân.”
   “Các bạn cẩn thận khi leo lên những hòn đảo này nhé, dưới toàn là đá tai mèo, rớt xuống thì tan xương.” Các nghệ sĩ nhiếp ảnh mặt mũi tái mét, chỉ mong cho về đến bến an toàn.

   Khi đến bến của hòn Pháo Đài, ai ai cũng háo hức để leo lên đỉnh, quên bẵng sự lo âu của đường lên núi trắc trở. Bực tam cấp xây bằng đá vôi,   ở giữa là quãng đường đất để kéo pháo,  cây cối mọc lên chằng chịt nên mọi người đi sát vào rìa của bậc tam cấp, nhìn xuống, sóng vỗ vào lớp đá tai mèo lởm chởm dưới đáy vực, thuyền bè chỉ còn là những vệt nhỏ trên mặt biển.

   Trời đã về chiều khi chúng tôi sửa soạn trở lại thuyền. Dọc đường, một tai nạn xảy ra, một hội viên của hội ảnh VPAS, đã trợt chân khi xuống núi, bác đi trước tôi chừng 10 thước, tôi thấy bác bay như một con diều, không tiếng động xuống vực thẳm. Tôi chỉ kịp la lên “Có người té  xuống vực”. Nhưng rất may, chỗ bác té xuống có một mỏm đá nhô ra,  các bụi cây trên mỏm đá đã giữ bác lại bình an. Thật hú vía.

   Trên đường về bến, chúng tôi dừng lại để chụp cảnh hoàng hôn trên vịnh Bái Tử Long,  sáng hôm sau, lúc trời tờ mờ sáng chúng tôi sẽ ghé thăm Bãi Gio, rồi lên đường thẳng về Hà Nội. Chuyến đi 10 ngày về thăm quê hương đã đến đoạn kết, chỉ còn buổi tối nay, và tờ mờ sáng hôm sau  là xong. Tuy mệt mỏi nhưng ai cũng thấy sự lưu luyến, ràng buộc của quê hương gấm vóc .

 

» Related Articles: