HỒ BA BỂ Posts by : STEVE THAI

   TS: Ông Trần trọng Cường là Hội trưởng của hội ảnh Vietnam Photographic Art Society ở Houston (VPAS). VPAS là một hội ảnh mới nhất của người Việt tại Houston nhưng đa số các hội viên đều là những nhiếp ảnh gia sinh hoạt lâu năm trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật hải ngoại. VPAS chú trọng đặc biệt  về Nhiếp Anh Nghệ Thuật , từ Đen Trắng cho đến Large Formats,  tuy nhiên  VPAS cũng khuyến khích  và huấn luyện cặn kẻ cho các hội viên  về Kỹ thuật số (Digital-Photo Shop-Pro Software) và Commercial(Studio, Fashion, Advertising etc.).
   Hội Trưởng Trần trọng Cường
   Hội Phó Nguyễn thị Lệ Liễu
   Thủ Quỹ Phạm thị Thanh Minh.

   Thư từ liên lạc xin gửi về VPAS P.O.Box 79048, Houston, TX 77279 hoặc qua Email: tranct@yahoo.com 

   Hồ Ba Bể là một chiếc hồ lớn nổi tiếng nhất của miền Trung Nguyên Bắc Việt.  Cơn mưa phùn của Gió Mùa Đông Bắc làm chúng tôi chuyển hướng,  thay vì ở lại Sapa, chúng tôi đi qua Thái Nguyên, Tuyên Quang tới Bắc Cạn để thăm hồ Ba Bể. Trà Thái (Thái Nguyên), gái Tuyên (Tuyên Quang)  là câu ngạn ngữ  được nhắc nhở nhiều lần trong xe. Xuống Thái Nguyên chúng tôi có mua trà làm quà, tuy nhiên khi qua Tuyên Quang, xe chỉ chạy trên đường không có dịp cho chúng tôi được ngắm những bông hồng sơn cước.  Có lẽ lời đồn không sai, trong 5 năm vừa qua, gái Tuyên Quang đã đoạt 4 chức Hoa Hậu toàn quốc.

   Hồ Ba Bể  một chiếc Hồ lớn, khá đặc biệt vì nó nằm ở độ cao 140m, trên một vùng đồi núi đá vôi.  Thông thường trên những vùng trung nguyên hay cao nguyên  có nhiều đá vôi, sự thành hình của một chiếc hồ lớn ít khi xẩy ra vì đá vôi xốp, không giữ được nước trong hồ. Đó chính là một điểm đặc biệt của hồ Ba Bể, dưới đáy hồ là một lớp đất sét dầy 100m,  ngăn chận sự thoát nước củahồ. Hồ Ba Bể dài khoảng 9km,  ngang khoảng  hơn 1km sâu 30 mét. Hồ Ba bể làm tôi nhớ đến Crater Lake, một chiếc hồ lớn ở Oregon mà tôi có dịp thăm viếng trong thời gian qua. Crater Lake là miệng của chiếc núi lửa đã tắt, ở độ cao 2000m nên rất lạnh. Cũng như Hồ Ba Bể. Crater Lake có những điểm đặc biệt, đó là hồ sâu nhất, nước trong, xanh nhất nước Mỹ, với độ sâu đến 600 mét, điểm thứ 2,  vì có sự phản chiếu của khối nước xanh đậm và bầu trời, ảnh chụp trên Crater Lake khoác   một màu xanh lơ đâm, chụp phim slide, các bạn phải dùng 2,3 chiếc warm filter, chồng lên nhau để giảm bớt màu xanh blue của cảnh vật.  

   Chúng tôi đến hồ Ba Bể thì trời đã về chiều. Anh hướng dẫn viên ghé qua bến đò để mướn 3 người mẫu và 2 chiếc thuyền gỗ của dân tộc Tầy cho ngày hôm sau.  Các thiếu nữ Tầy duyên dáng trong bộ quần áo chàm dân tộc, đôi khăn mỏ quạ, có vẻ gần gũi với người Kinh hơn những sắc tộc khác.  Buổi tối, gió trung nguyên lành lạnh vỗ về giấc ngủ ngon .

   Sáng hôm sau, khoảng 10 giờ, chúng tôi đã  đến bến tàu, hai chiếc thuyền gỗ tách bến ra xa, để lại những vệt sóng lung linh trên mặt hồ phẳng lặng  Mặt trời vẫn chưa xuyên  phá  nổi lớp sương mù dầy đặc, không gian được bao phủ bởi lớp ánh sáng xanh, huyền ảo,  tuy không xanh như ở Crater Lake, nhưng cũng tạo một không khí thơ mộng, buồn tênh. 

    Sau khi các cô lái đò   đi vài chuyến,  chúng tôi xuống một thuyền lớn ra một hòn đảo nhỏ giữa dòng. Theo truyền thuyết, khi một bà lão tới ăn xin ở một làng nhỏ, đều bị dân làng  đuổi đi, trừ một thiếu nữ. Để tạ ơn, bà lão tăng cho người thiếu nữ  một hạt đậu. Chẳng bao lâu, một cơn đại hồng thuỷ kéo đến   hạt đậu biến thành con thuyền cứu người thiếu nữ thoát nạn  đến hòn đảo Pố Gia Mai  mà chúng tôi đang đang đặt chân đến.  Mặt trời đã lên cao,  bầu trời thoát bỏ chiếc áo lam, khoe mình với màu sắc rực rỡ của buổi sớm mai. Hai chiếc thuyền gỗ lướt êm, phá bóng nước, bóng núi;  Cảnh đẹp như một bức tranh, chúng tôi gần như ngưng máy hình để ngắm cảnh. Một câu hò vang lên từ thuyền của nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh:

   “Anh đi quân dịch chưa về 
   Sao em nỡ bỏ lời thề trên sông?”

   Vài phút sau, từ một khoảng cách xa, tôi nghe tiếng vọng theo gió  trả lời:

   “Kiếp này lở hẹn,Thiếp xin hẹn chàng kiếp sau”
   “Mấy cô sơn nữ này đáo để lắm.” - Anh hướng dẫn viên nói riêng với tôi.

   Chiếc thuyền lớn chở chúng tôi vài vòng quanh đảo, anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh  ngồi trong khoang tàu bấm máy. Chúng tôi cũng cám ơn các cô người mẫu duyên dáng đã làm bức ảnh phong phú  hơn và tạo những chấm phá nghệ thuật.  

   Chúng tôi từ  giã  các cô sơn nữ Tầy, sửa soạn lên đường đi Cao Bằng, nghỉ qua đêm sau đó sẽ đến  thăm thác Bản Dốc ở miền ranh giới Cao Bằng-Trung Hoa. Cuộc hành trình Nhiếp Anh Về Thăm Quê Hương Mến Yêu vẫn còn xa, anh em nghệ sĩ vẫn còn hăng hái, mong đợi ngày hôm sau. 

   Chiếc  xe lăn bánh để lại sau lưng những cô sơn nữ xinh đẹp, phong cảnh tuyệt vời  và chuỗi kỷ niệm khó quên…  

» Related Articles: