CHỢ NỔI MIỀN TÂY Posts by : STEVE THAI

   Sáng tinh sương, một khu buôn bán thương mại nhộn nhịp trên sông được hình thành, náo nhiệt tới đêm và khuya thì trở lại là một vùng mênh mông sông nước. Đó chính là hình ảnh của chợ nổi - một hình thức giao thương kỳ thú và rất lãng mạn chỉ thấy có ở vùng châu thổ Cửu Long, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. 
   Chợ nổi họp suốt cả ngày, tuy nhiên buổi sáng là đông đúc và sôi động nhất. Hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ từ các nơi quanh vùng đổ về, đi lại, luồn lách như mắc cửi. Hàng hoá ở chợ nổi có đủ loại, chất đầy trên ghe, nhiều nhất là hoa quả và những sản vật vùng sông nước như tôm cá, rau củ, bông súng…Mối chiếc ghe đều là một gian hàng mà các chủ ghe đều muốn hàng hoá của mình thu hút khách hàng một cách marketing nhất. Vì thế, đập vào mắt người mua trước hết là những thứ hàng mẫu hay những biển hiệu quảng cáo lủng lẳng trước mũi ghe thuyền.  

   Không chỉ có hàng hoá, chợ nổi còn có đủ các dịch vụ để thoả mãn các nhu cầu thường ngày của mọi người như ăn uống, may vá, hớt tóc…Có cảm giác, mọi thứ có thể diễn ra ở đất liền thì đều có thể tồn tại ở vùng sông nước mênh mông nơi mà mọi con thuyền vừa là mái nhà vừa là phương tiện kiếm sống.

   Miền Tây Nam Bộ có khá nhiều chợ nổi như Cái Răng, Cái Bè, Phong Điền…Hàng hoá bán ở chợ không chỉ phục vụ cho dân quanh vùng mà còn được mang tới những nơi xa phân phối, thậm chí ra tận những tỉnh miền Bắc. 

   Chợ nổi Cái Bè
   Chợ Cái Bè của tỉnh Tiền Giang là một chợ khá nổi tiếng. Khu chợ này hình thành từ thời nhà Nguyễn, tên gọi Cái Bè cũng từ đó mà ra đời.

   Chợ Cái Bè họp cả ngày với đủ  loại ghe thuyền và đủ loại hàng hoá từ đồ gia dụng, vải vóc, thực phẩm tươi sống và cả đồ ăn thức uống. Tuy nhiên, hàng nhiều nhất ở chợ này là trái cây, khu vực bán trái cây dọc theo cù lao Tân Long dài hàng cây số. Chôm chôm, xoài, sầu giêng, dưa hấu.. tươi rói đủ màu và hương thơm nồng nàn. Các thương lái từ Sài Gòn, Long An, An Giang, Cần Thơ… tới lấy hàng chở đi bán khắp mọi nơi. 
Ban ngày, chợ Cái Bè sầm uất không kém gì một đô thị. Ban đêm, chợ thắp đèn lồng, rực rỡ như ngày hội hoa đăng trải dài khắp một khúc sông. Những ngày lễ tết, chợ nổi Cái Bè càng nhộn nhịp với nhiều điều thú vị. 

   Chợ nổi Cà Mau
   Cà Mau là một trung tâm nối các tuyến sông lớn : sông Đốc, sông Trẹm, sông Cái Tàu, kinh Xáng Cà Mau-Bạc Liêu, sông Gành Hào, sông Tam Giang… Tàu thuyền có trọng tải hàng trăm tấn vẫn có thể đi lại dễ dàng từ đây tới các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Và vì thế, không biết tự khi nào chợ nổi Cà Mau hình thành. 
Chợ nổi Cà Mau  dài khoảng 500 mét trên con sông Gành Hào, nằm bên trái cách cầu Gành Hào 200 mét, thuộc phường 8, thành phố Cà Mau, nhộn nhịp không kém một ngôi chợ sầm uất nào ở đất liền. 

   Chợ họp từ 3 giờ sáng cho tới tối khuya, "hàng mẫu" được treo trên một cây sào dài rất bắt mắt với quả bí, quả bầu, mớ rau xanh…  Không ồn ả mời chào, chèo kéo, các  thương lái thong thả uống trà, hút thuốc đợi khách hàng tới ghe mình trả giá và lấy hàng. Hàng hoá luân chuyển rất nhanh chóng với số lượng thường là lớn. Chợ nổi Cà Mau không tập trung ghe thuyền theo một thứ hàng chuyên biệt nào đó. Do vậy, khách hàng phải len lỏi theo "hàng mẫu" mà tìm. 

   Chợ nổi Cà Mau hầu như chỉ bán hoa quả và một số nông sản khác. Hàng hoá không chỉ được phân phối tới những thành phố, thị xã mà còn được bán cho các thương lái chở về các vùng quê sâu Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Rạch Tàu… Len lỏi trong chợ nổi này là những chiếc xuồng bán hàng rong, phục vụ người bán, kẻ mua tận tình và nhịp nhàng cho dù không cất tiếng rao nào.

  Giống như dân vạn chài, những người bán hàng ở chợ nổi Cà Mau chủ yếu là dân tứ xứ,  họ sống ngay trên chiếc ghe của mình. Một vài loại rau cỏ được trồng ngay trước mũi ghe như thể chiếc ghe nhỏ bé đó như chứng minh cho mọi người thấy đó chính là ngôi nhà thân yêu của mình.

» Related Articles: