ĐẠI HÀN SẼ TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC ĐIỆN ẢNH NHƯ THẾ NÀO Posts by : STEVE THAI

   ĐẠI HÀN: CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG
   Mười lăm năm trước, điện ảnh Đại Hàn đứng bên bờ vực, đối mặt với phim ảnh Hollywood tràn ngập trong nước và hầu như chẳng hề có thị trường xuất cảng phim. Hôm nay, điện ảnh Đại Hàn đã trở thành một trong nền điện ảnh thành công bậc nhất của điện ảnh thế giới khi không tính đến Hollywood. Thành công đó bắt đầu từ đâu? Và tương lai sẽ ra sao?
Sự thành công của nền công nghiệp điện ảnh Đại Hàn được xem là một hiện tượng hiếm có, vì nó thành công cả trong nước lẫn Quốc tế. Trong nước, nền điện ảnh Đại Hàn từng đối mặt với sự thống trị của phim Hollywood, cũng như nhiều nền điện ảnh khác. Để giải quyết vấn đề này là một câu chuyện dài, không kém phần thú vị, nhưng chúng ta sẽ không bàn đến trong bài viết này. 

   Có hai lý do chính đem đến thành công của điện ảnh Đại Hàn ngày hôm nay: Thứ nhất, Đại Hàn tìm cách xuất cảng phim vào các thị trường điện ảnh châu Âu và Mỹ bằng các phim nghệ thuật, phim độc lập, phim ngắn, phim tài liệu và các dạng phim ít lợi nhuận khác. Thứ hai, Đại Hàn không đi theo đường “làn sóng mới” như Trung Quốc và Đài Loan trong những 1980, nền điện ảnh này thoát khỏi mô hình làm phim nghệ thuật châu Âu kiểu xưa. Phim thương mại được xem là dòng phim chính thống của điện ảnh nước này và từ đó cũng sinh ra cuộc đối đầu giữa phim nghệ thuật - phim độc lập với dòng phim thương mại chính thống! Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, sẽ thấy điện ảnh Đại Hàn là một nền điện ảnh “phục vụ toàn phần”: các phim nghệ thuật đánh vào thị trường châu Âu và Mỹ không sinh lợi vật chất ngay tức thì mà tạo dựng “thương hiệu” điện ảnh Đại Hàn trên thế giới với các giải thưởng điện ảnh uy tín, các phim thương mại đánh mạnh vào thị trường nội địa và khu vực châu Á để gây tiếng vang về doanh thu.

   Không như nhiều quốc gia khác trên thế giới, dường như việc thi thố với phim Hollywood nhập khẩu càng kích thích công nghiệp điện ảnh Đại Hàn hơn là đè bẹp nó. Nếu các phim Hollywood được làm với kinh phí khổng lồ thì các nhà làm phim Đại Hàn cũng chẳng muốn thua kém: họ chấp nhận rủi ro để đầu tư các siêu phẩm để cạnh tranh với điện ảnh Hollywood trên sân nhà mình. Từ năm 1995 - 2000, trung bình kinh phí một phim Đại Hàn là 1.7 triệu đôla. Riêng về các phim blockbuster, kinh phí trung bình từ trên 2 triệu đô lên đến 9.1 triệu đôla cho một phim.

   Các đề tài phim thương mại của Đại Hàn được mở rộng: từ phim tình cảm đến phim hành động, từ phim hình sự đến phim chiến tranh. Đặc biệt ở thể loại phim gián điệp, Đại Hàn đã gây được tiếng vang khi chạm đến vấn đề chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, quan điểm “điện ảnh là giải trí” đã mở rộng cửa cho các bộ phim này xuất xưởng. Năm 1998, bộ phim hành động Shiri nói về chuyện tình của hai tình báo viên của Đại Hàn và Bắc Triều Tiên đã lập kỷ lục doanh thu khi thu hút đến 5.78 triệu người xem, vượt qua con số 4.7 triệu lượt người xem phim Titanic ở Đại Hàn và gấp 20 lần số khán giả đi xem phim “nội” trước đó. Liên tục các phim hành động quanh đề tài này gây tiếng vang như Silmido (dựa theo một sự kiện có thật về vụ các tù nhân nổi loạn đã tấn công vào thủ đô Seoul), và gần đây là Cờ bay phất phới (lập kỷ lục doanh thu khi thu hút gần 12 triệu lượt người xem, với câu chuyện xúc động kể về hai anh em ra chiến trường chiến đấu và thất lạc nhau, để rồi một người ở hàng ngũ Đại Hàn, một người cầm súng bên phía Bắc Triều Tiên) … 

   Họ còn nhận thấy rằng, thị trường châu Á rất rộng lớn và lên một kế sách lâu dài chinh phục thị trường này bằng các phim thương mại, đặc biệt là các phim thể loại tình cảm hài. Đại Hàn bắt đầu bành trướng văn hoá, hay còn gọi là “cơn sốt Đại Hàn”, bằng phim truyền hình và cả nhạc pop. Nhật Bản và Trung Quốc hoàn toàn bị phim truyền hình Đại Hàn thống trị như một hiện tượng. Dĩ nhiên, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và cả Việt Nam không hề thoát cơn sốt này. Bị chinh phục bởi truyền hình và âm nhạc (rả rích mỗi ngày), các nhãn hiệu mỹ phẩm và thời trang (đi sâu vào cuộc sống), thị trường châu Á cũng bị thuyết phục bởi các phim điện ảnh Đại Hàn với những ngôi sao đã được đào tạo và lăng xê rất bài bản. Các phim thương mại như Vợ tôi là gangster, Xin chào sư phụ, Cô nàng ngổ ngáo đã tạo nên những “trận cuồng phong” khắp châu Á. Dĩ nhiên, đã là phim theo dòng thương mại thì những bộ phim này tiếp tục ra phần kế tiếp theo… đúng mô hình điện ảnh Hollywood.

   Vợ tôi là gangster 2, Xin chào sư phụ 3 và Cơn lốc tình yêu (được xem như phần trước của Cô nàng ngổ ngáo) đã tô đậm thêm mảng màu phim thương mại Đại Hàn. Những phim thương mại này đã đẩy lùi con số nhập khẩu phim 

   Hollywood vào Đại Hàn, từ con số 76% phim nhập chiếu rạp vào năm 1984 xuống 14% vào năm 1999. Các nhà kinh doanh phim ảnh thấy rõ rằng sản xuất phim nội có lời hơn nhiều việc nhập cảng!

   Nhưng nền điện ảnh  Đại Hàn không chỉ bùng nổ trong khu vực. Họ có kế sách để bung ra toàn cầu và tấn công cả Hollywood…

   ĐIỆN ẢNH ĐẠI HÀN: TẤN CÔNG HOLLYWOOD
   Xâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ là một thách thức lớn đối với tất cả các nền điện ảnh thế giới - kể cả những nhà làm phim độc lập tại Mỹ. Đại Hàn không chỉ đánh mạnh tại thị trường trong nước, châu Á mà họ còn có hẳn chiến lược để thâm nhập Hollywood bằng nhiều con đường khác nhau.

   Bên cạnh các phim thương mại gây tiếng vang trong nước và khu vực, Đại Hàn vẫn đầu tư và gửi các phim nghệ thuật sang châu Âu để tranh giải thưởng LHP Quốc tế. Năm 2002, đạo diễn Im Kwon-taek trở thành đạo diễn Đại Hàn đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes với bộ phim truyện thứ 98 của mình Chihwaseon. Ngay sau đó, Lee Chang-dong đoạt giải Đặc Biệt dành cho đạo diễn và Moon So-ri đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP Venice với phim Osasis. Ngay cả phim hoạt hình Đại Hàn như Existence at Hiroshima hay My Beautiful Mari cũng đoạt giải tại các LHP Hoạt hình uy tín thế giới. Chính từ những thành công này, tiếng tăm của điện ảnh Đại Hàn càng vang xa và lan rộng, trở thành một “thương hiệu” điện ảnh uy tín thế giới. Năm 2004, hàng loạt tên tuổi các đạo diễn Đại Hàn như Kim Ki Duk (với Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, Cô gái làm phước), Hong Sang Soo (Phụ nữ là tương lai của đàn ông), Park Chan Wook (Trai già)… đã chiếm lĩnh các giải thưởng quan trọng của ba LHP quốc tế uy tín hàng đầu thế giới Berlin, Cannes và Venice… Năm 2005, ba đạo diễn này tiếp tục tung hoành tại các LHP quốc tế với những tác phẩm nghệ thuật của họ… Phim Đại Hàn luôn có mặt, không chỉ lác đác mà trở thành một cơn lốc, tại nhiều LHP quốc tế.

   Chính từ đây, Hollywood bắt đầu để ý đến điện ảnh Đại Hàn. Đầu tiên là những phim nghệ thuật xâm nhập vào thị trường khó tính này thông qua các hệ thống rạp phim art-house (chuyên chiếu phim nghệ thuật và phim độc lập). Khi khán giả Bắc Mỹ đã bắt đầu quen với điện ảnh Đại Hàn, các phim thương mại cũng bắt đầu tràn qua, không chỉ những phim mới mà cả những phim đã phát hành trước nay cũng tìm kiếm thêm bộn bạc khi phát hành lại ở đây. Từ đầu năm 2005 đến nay, hàng loạt phim Đại Hàn “đổ bộ” lên Bắc Mỹ như Những ngày tươi đẹp (phim hoạt hình), Cảm thông cho ngài báo thù, Trai già (hai phần đầu tiên của bộ ba phim chủ đề báo thù của đạo diễn Park Chan Wook), Ký ức về một vụ giết người, Cứu lấy hành tinh xanh, Căn phòng trống… Những phim siêu phẩm của Đại Hàn như Cờ bay phất phới, Shiri, Khu phi quân sự… khiến Hollywood cũng phải nể nang vì mức độ hoành tráng, khốc liệt và cả xúc động.


   Nhưng không phải phim thương mại nào của Đại Hàn cũng đem trình chiếu tại Mỹ vì sự khác biệt văn hoá cũng như khán giả Mỹ rất lười đọc phụ đề! Tuy vậy, các hãng phim Mỹ cực kỳ nhanh nhạy trong việc khai thác nguồn phim thương mại thành công này: họ mua bản quyền kịch bản để làm lại theo kiểu Mỹ, dàn diễn viên Mỹ… Vợ tôi là gangster được Miramax mua lại với với giá 1.1 triệu đôla, mức giá cao hơn bất kỳ kịch bản Đại Hàn nào từng được trả trước nay.

   Quyết định mua bản quyền khai thác kịch bản này cho thấy rõ ràng việc Đại Hàn chọn dòng phim thương mại là dòng phát triển chính của nền điện ảnh thay vì đi theo xu hướng làm phim nghệ thuật là yếu tố quan trọng đem đến sự thành công cả về mặt trong nước lẫn quốc tế của điện ảnh Đại Hàn. Những phim như Il Mare, Cô nàng ngổ ngáo, Xin chào sư phụ, Khu phi quân sự, Những kẻ phá ngục lần lượt được Hollywood mua bản quyền dựng lại và giao cho những diễn viên tên tuổi như Keanu Reeves, Sandra Bullock, Ashton Kutcher, Nicolas Cage, Queen Latifah… đảm nhận phần diễn xuất. Những phim này dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2006…

» Related Articles: