PHIM VÕ THUẬT TRUNG QUỐC SỰ HỒI SINH MẠNH MẼ Posts by : STEVE THAI

   Giờ đây, không chỉ có Trương Nghệ Mưu, các đạo diễn phim hiện thực nổi danh khác của Trung Quốc và Hong Kong cũng lục lục quay sang với thể loại võ hiệp. Đỗ Khả Phong vừa cho ra đời Nhu đạo long hổ bảng, Trần Khải Ca kỳ vọng "siêu phẩm" Vô cực của mình có thể sánh ngang Anh hùng còn Vương Gia Vệ chuẩn bị quay bộ phim về sư phụ của huyền thoại Lý Tiểu Long: võ sư Diệp Vấn. Các đạo diễn võ hiệp kỳ cựu như Từ Khắc, Trình Tiểu Đông, Lưu Vĩ Cường cũng đều có tác phẩm lớn ra mắt vào năm sau. Thời hoàng kim của phim võ thuật đã chính thức quay lại.

    Như vậy, trái với dự đoán của nhiều người, phim võ thuật đã không hề lụi tàn. Võ thuật, bản thân nó đã mang nhiều nét văn hóa, trong đó võ hiệp là mộng ước từ bao đời qua của người Trung Quốc, là kỵ sĩ văn hoá của phương Đông, là chủ nghĩa lãng mạn Hoa Hạ. Vậy thì, người Trung Quốc làm sao có thể để phim võ hiệp lụi tàn?

   Trong buổi trả lời phỏng vấn của tạp chí Total Film, Quentin Tarantino - cha đẻ hai tập phim Kill Bill - cho biết ông sẽ quay một bộ phim võ thuật thuần túy và nói hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Cùng thời điểm này, hãng Walt Disney cũng tuyên bố sẽ dựng lại câu chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn dưới dạng phim võ thuật, bối cảnh đặt tại khu thuộc địa của người Anh tại Trung Quốc năm 1880 và 7 chú lùn sẽ hóa thân thành 7 hòa thượng Thiếu Lâm. Nhà võ thuật chỉ đạo hàng đầu  thế giới Viên Hòa Bình sẽ đảm nhận cương vị đạo diễn. Thực ra, không phải đến bây giờ dòng phim đặc trưng của Châu Á (mà cụ thể là Hong Kong, Trung Quốc và Nhật Bản) mới gây được tác động mạnh mẽ tới Hollywood. Từ năm 1994, đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã làm nổ tung màn bạc Bắc Mỹ bằng Hard target, sau đó là sự xuất hiện của những Chung Tử Đơn, Viên Hòa Bình trong vai trò võ thuật chỉ đạo cho các phim như The Matrix, The Blade, Highlander, rồi đến Thành Long toả sáng trong Rush hour 1,2, Shanghai knights, Lý Liên Kiệt gây “sốc” bằng lối ra đòn dũng mãnh trong Romeo must die, Kiss of the Dragon, From cradle to the grave và đỉnh cao là Ngọa hổ tàng long (CrouchingTiger, Hidden Dragon) của đạo diễn Lý An giành 4 giải Oscar năm 2001. Kể từ đó, sự xuất hiện của những cái tên Trung Hoa trong phim hành động Hollywood đã trở nên quen thuộc, thậm chí năm ngoái phim hành động mà không có những màn cận chiến theo kiểu Á Đông lại được coi là “khác người” (The pirate of the Caribbean, Terminator 3, Troy…). Kill Bill được đánh giá là phim Hollywood mang nhiều sắc thái phương Đông nhất, điều này cũng dễ hiểu, bởi đạo diễn Tarantino có lẽ là người phương Tây hâm mộ điện ảnh Hong Kong nhất trên đời. Nếu các vai chính trong Kill Bill thuộc về người châu Á, sẽ không một ai dám bảo đó là phim được dàn dựng bởi một đạo diễn phương Tây. Việc Anh hùng từng leo lên vị trí số 1 bảng xếp hạng phim ăn khách nhất thị trường Bắc Mỹ, việc các phim như Đội bóng Thiếu Lâm, Thiên địa anh hùng, Thập diên mai phục, Thục sơn kỳ hiệp được phát hành liên tục trong năm 2005 ở Mỹ đã chứng tỏ phim võ thuật đã thực sự hấp dẫn được đại bộ phận khán giả phương Tây, như phim hành động Hollywood vậy.

   Khái niệm về lịch sử
   Võ thuật chỉ là tên chung để chỉ một dòng phim đặc trưng của người Trung Quốc (Martial Arts) nhưng trên thực tế, dòng phim này chia ra làm 2 thể loại: quyền cước (kungfu) và kiếm hiệp (sword play). Xin tạm định nghĩa, phim quyền cước được xây dựng dựa trên những hình tượng anh hùng, tôn sư võ học có thật hoạc những người giỏi võ trong cuộc sống hiện tại, gần như không bao gồm những yếu tố “phi vật ly” như khinh công, dùng nội công cách trăm thước đả thương địch thủ… còn phim kiếm hiệp dựa vào những câu chuyện hoàn toàn hư cấu hoặc có thật nhưng đã trở thành truyền kỳ. Thế giới kiếm hiệp là nơi tập trung của những “siêu nhân” phương Đông, dùng “kiếm” để hành “hiệp” trượng nghĩa. Đó cũng là một thế giới không tưởng, nơi những người bình thường có thể luyện võ đến mức “đăng phong tạo cực”, ngày đi ngàn dặm, một quyền phóng ra làm tan bia, vỡ đá, nhành hoa, ngọn cỏ cũng trở thành vũ khí… Như vậy, những bộ phim như Hoàng Phi Hồng,Tinh Võ môn, Đường Sơn đại huynh, Tuý quyền… là phim quyền cước, còn Đông Phương Bất Bại, Tân Long Môn Khách Sạn, Ngoạ Hổ Tàng Long, Anh Hùng, Thục Sơn Kỳ Hiệp, Thập Diện Mai Phục… là phim kiếm hiệp. Và bán đảo Hong Kong chính là nơi đưa phim võ thuật thăng hoa, từ nhiều thập kỷ qua vẫn liên tục đối đầu không mệt mỏi với sự bành trướng của Hollywood.

   Nền điện ảnh Trung Hoa hình thành năm 1917 ở Thượng Hải, gắn liền với nó là ý tưởng đưa các anh hùng hiệp khách lên màn bạc. Phim võ thuật thửu sơ khai gắn liền với hý kịch truyền thống mà chủ yếu là Kinh kịch. Năm 1928 Hoả Thiêu Hồng Liên Tự chính thức được cou là bộ phimvõ thuật đầu tiên, sau chiến tranh Trung Nhật, điện ảnh Đại lục tuột dốc và Hong Kong nổi lên như miền đất hứa. Năm 1949, đạo diễn Hồ Bằng và diễn viên Quan Đức Hưng trở nên nổi tiếng khắp châu Á với phim Hoàng Phi Hồng. Nếu Hollywood có nhân vật truyền kỳ Dracula với kỷ lục được chuyển thể lên màn ảnh hơn 100 lần thì vị võ học tôn sư Hoàng Phi Hồng cũng không hề thua kém, nếu không nói là hơn (riêng Quan Đức Hưng đã đóng 77 phim). Đó chính là điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên vàng của phim võ thuật với những đột phá về kịch bản, kĩ xảo, thủ pháp dàn dựng… Phim võ thuật của hãng Triệu Thị (Shaw Brothers) tràn ngập châu Á và cả các cộng đồng Hoa ngữ ở phần còn lại của thế giới. Bộ ba đạo diễn tài năng nhất bao gồm Trương Triệt, Hồ Kim Toàn, Sở Nguyên đã mang đến cho người xem những kiệt tác như Kim Yến Tử, Đại Tuý Hiệp, Độc Thủ Đại Hiệp, Long Môn Khách Sạn, Tiêu Thập Nhất Lang, Vân Hải Ngọc Cung Diên… cùng sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn như Trần Quang Thái, La Mãnh, La Liệt, Trịnh Phối Phối, Thượng Quan Linh Phụng, Lăng Ba.

   Bước sang thập niên 70, do những đòi hỏi ngày càng cao từ phía khán giả, phim võ thuật Hong Kong bắt đầu chuyên nghiệp hoá hơn với những nhà chỉ đạo võ thuật “xịn”, am tường nhiều trường phái như Judo, Karate, võ cổ truyền, khái niệm phim quyền cước và kiếm hiệp cũng rạch ròi hơn. Câu nói của “nữ hoàng kiếm hiệp” Trịnh Phối Phối với huyền thoại Lý Tiểu Long đã cho thấy rõ điều đó: “Anh ở thành phố, chúng tôi trên rừng, không ai đụng chạm ai nhé”­. Bởi Lý Tiểu Long với môn Triệt Quyền Đạo do anh tự sáng lập đã làm mưa làm gió khắp phim trường Hong Kong trong suốt 2 năm với năm phim liên tục phá kỷ lục phòng vé  Đường Sơn Đại Huynh, Mãnh Long Quá Giang, Tinh Võ Môn, Long Tranh Hổ Đấu và Tử Vong Du Hý. Loạt phim này đánh dấu sự chứng hưng của thể loại phim quyền cước đầu thập niên 80 mà nhóm Thất tiểu phúc của Thành Long là những người dẫn đầu. Còn về phim kiếm hiệp, sau thành công vang dội của cặp bài trùng Địch Long - Khương Đại Vệ trong các phim như Thập Tam Thái Bảo, Thiết Thủ Vô Tình, Thích Mã, Du Hiệp Nhi, Đại Nội Quần Anh…nó đã dần lụi tàn, chỉ kịp loé sáng với Thục Sơn Kỳ Hiệp của Từ Khắc và Sinh Tử Quyết của Trình Tiểu Đông - hai tác phẩm nền tản cho sự trở lại huy hoàng đầu thập niên 90.

   Thập niên 80 là kỷ nguyên vàng của phim quyền cước Thành Long. Không cần nói nhiều về nhân vật đã quá nổi tiếng này. Chẳng ai có thể quên những Kế hoạch A, Rồng bất tử, Ngôi saomay mắn, Những chàng bán dạo…Có thể nói anh cùng Từ Khắc, Ngô Vũ Sâm, Châu Nhuận Phát là bốn gương mặt quang trọng nhất làm thay đổi diện mạo cho dòng phim hành động Hong Kong giai đoạn này.

   Bước chuyển mình đáng khích lệ
   Những năm đầu thập niên 90, cả Hong Kong gần như quay cuồng với trào lưu "Tân kiếm hiệp" do Từ Khắc khởi xướng. Kết hợp với nhà chỉ đạo võ thuật Trình Tiểu Đông, bộ phim Tiếu ngạo giang hồ, ông tung ra năm 1990 lần đầu tiên tái hiện được trên màn bạc nhưng biến hoá kỳ ảo của võ công đến mức tột cùng, điều mà fan hâm mộ mới chỉ tìm thấy trên tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long … Sau đó là Đông phương bất bại và Phong Vân tái khởi, tức 2 tập tiếp của Tiếu ngạo giang hồ, đồng thời giới thiệu với người xem 2 gương mặt sáng giá: Lý Liên Kiệt và Lâm Thanh Hà. Cũng không thể không nhắc đến bộ bốn tập Hoàng Phi Hồng:  với nền tản võ công cực kỳ thuần thục, Lý Liên Kiệt (ở tập 4 là Triệu Văn Trát) đã làm sống lại một huyền thoại. Nhãn quang của Từ Khắc quả thật hơn người. Còn trong tác phẩm "mẩu mực" Tân Long Môn khách sạn, diễn xuất của Lâm Thanh Hà đã thăng hoa đến độ xuất thần, hoàn toàn có thể sánh với "nữ hoàng" Trịnh Phối Phối năm xưa. So với thập niên 60, 70, phim võ thuật (chủ yếu là kiếm hiệp) của thập niên 90 đã có một bước tiến dài. Nhờ kỹ xảo vượt bật, các đạo diễn và Chỉ đạo võ thuật thoả sức phát huy óc tưởng tượng. Từ cây cầu đá trong Hoàng Phi Hồng (1949) đến Thanh Đao trong Độc Thủ đại hiệp, từ các ẩn giả (Ninja) trong Sinh Tử quyết, đến kiếm khách Vô Danh trong Anh Hùng, phim võ thuật cuối cùng cũng khiến cả thế giới ngã mũ kính phục và trở thành loại phim thương mại độc nhất thế giới. Nhìn qua lăng kính triết học phương Đông, phim võ thuật lại càng đẹp lên bội phần. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật Đông Phương bất bại trong Phong Vân tái khởi đã tuyên bố với người Âu châu: "ngươi có khoa học của ngươi, ta có thần công của ta". Đó phải chăng là lời tuyên bố của Từ Khắc dành cho các đồng nghiệp bên kia bờ Thái Bình Dương (Hollywood)? 

   Có rất nhiều phim võ thuật của thập niên 90 đã được xếp vào hàng "mẫu mực" và buộc phải xem đối với những ai có ý định tìm hiểu nến tảng điện ảnh Hồng Kông: Hoàng Phi Hồng (1991), Tân Lưu Tinh - Hồ Điệp kiếm, Bạch Phát ma nữ, Tinh võ anh hùng, Đao, Hồng Hy Quang, đặc biệt là Thiết Mã Lưu và Chiến Lang truyền thuyết. Đây là 2 kiệt tác của Chung Tử Đơn, một trong những diễn viên hàng đầu và là nhà chỉ đạo võ thuật trẻ tuổi nhất trong Top 5 người xuất sắc nhất thế giới (Viên Hoà Bình, Trần Tiểu Đông, Nguyên Khuê, Đổng Vĩ). Không dừng lại ở đó, điện ảnh Hong Kong còn có thể loại kiếm hiệp thế hệ 3, tức là có sự trợ giúp rất nhiều của máy tính và công nghệ CGI. Cho tới nay đã có 4 phim: Tân Thục sơn kỳ hiệp, Phong vân, Tiến chiến hậu chiến và Trung Hoa anh hùng. Còn trong năm 2004 ngoài Vô cực của Trần Khải Ca, bộ phim được ngóng chờ nhiều nhất chắc chắn sẽ là Thất kiếm hạ Thiên sơn do Từ Khắc làm đạo diễn, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lương Vũ Sinh.

 

 

» Related Articles: